Là người gặt hái thành công lớn trong nghề trồng nấm rơm, ông Nguyễn Văn Tiên (43 tuổi, ở đội 5, thôn Tân Dân, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) không giấu nghề mà nhiệt tình truyền nghề làm nấm rơm cho những ai muốn học. Nhờ theo nghề nấm, nhiều hộ dân ở địa phương này đã hân hoan trả lại sổ hộ nghèo. Bà con địa phương hay gọi ông với cái tên thân mật - “Tiên nấm rơm”.
|
Kho rơm nguyên liệu của ông Tiên “nấm rơm”.
|
Từ thập niên 90 của thế kỷ 20, người dân thôn Tân Dân đã trồng nấm rơm. Dạo đó, người trồng nấm chưa ý thức nhiều về kỹ thuật, trồng theo kinh nghiệm, được chăng hay chớ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năng suất cây nấm trong giai đoạn này rất “hẻo”. Khi ấy, người trồng nấm quy mô lớn nhất ở Nhơn An làm 1 lứa (1 chu kỳ sản xuất) chỉ khoảng 3 sào rơm (750kg rơm khô), năng suất chỉ khoảng 10kg. Năng suất đó khiến nghề làm nấm chỉ từ lỗ đến lỗ nặng. Dần dần cây nấm chỉ còn thưa thớt trên đất Tân Dân.
Từ một cơn tò mò
Nguyên nhân thất bại của cây nấm trong thời điểm này là do chưa giải quyết được yếu tố cơ bản trong làm nấm là giữ được ẩm độ cho vồng rơm để khắc phục căn bệnh “thừa nước mô” của cây nấm. Căn bệnh này khiến cây nấm ngã màu vàng, tai nấm đổ mồ hôi rồi dần dần thối rữa.
Khi nghề nấm bắt đầu lụi tàn trên đất Tân Dân, nghe người làng kháo nhau chuyện “bể nấm”, ông Tiên đâm tò mò. Thế rồi đột nhiên bao nhiêu trở ngại, mắc míu của nghề nấm chui hết vào đầu. Dò hỏi, mày mò, thăm hỏi khắp nơi, cuối cùng ông Tiên tìm đến ông Ba Chánh - chủ cơ sở sản xuất meo nấm ở TP HCM và cũng là “bậc thầy” trong nghề trồng nấm. Không quản ngại đường xa, ông Tiên bèn “hành phương Nam” để học nghề. Ông Tiến được thầy Ba Chánh chỉ dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật, rồi được tham quan các mô hình trồng nấm đang ăn nên làm ra. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Tiên về quê bắt tay vào làm trại nấm.
|
Thăm vồng rơm vào thời điểm sắp cho thu hoạch.
|
Lập kỷ lục làng nấm
Với kiến thức học được từ thầy Ba Chánh, ông Tiên làm luôn một lèo 10 sào rơm với 2,5 tấn rơm khô trong 1 chu kỳ sản xuất. Và ngay lập tức, năng suất cây nấm do ông Tiên trồng cũng vọt lên theo, đạt từ 2,5-3 tạ nấm/2,5 tấn rơm khô/1 chu kỳ khai thác. Đó là kỷ lục mà làng nấm Tân Dân trước đây có mơ cũng không thấy.
Ông Tiên không làm nấm bằng rơm rời mà bằng rơm bó sẵn. Mua rơm về, ngâm nước trong 4 tiếng đồng hồ (cách 2 tiếng phải lật đảo để rơm ngấm nước đều). Sau đó vớt rơm lên chất thành vồng cho ráo nước. 10 sào rơm khô (2,5 tấn) chất thành vồng trên diện tích 250m2 đất. Mùa nắng chất rơm thành 2 lớp, mùa mưa chất 3 lớp. Meo giống để làm nấm phải vừa đủ độ già, là lúc những sợi tơ đã phủ kín bì. Mùa mưa, meo được rải xuống vồng rơm 2 đường song song và 1 lớp kéo dài trên mặt. Mùa nắng thì meo được rải 1 đường thẳng. Từ 1 đến 2 ngày sau, lấy rơm khô rải đều lên vồng, đốt cháy đều, sau đó quét sạch lớp tro vừa đốt. Tiếp đến phun đều 1 lượng nước vừa đủ ướt lên vồng rồi tủ lên 1 lớp rơm khô vừa đủ kín. Đến ngày thứ 6 (tính từ ngày sắp rơm lên vồng), vén sạch lớp rơm tủ, phun nhẹ 1 lớp nước khác, rồi tiếp tục tủ lại bằng rơm khô. Thời điểm này nấm đã “rựng”, nghĩa là quá thể đã hình thành nấm con. Lúc này, cần phải đảo vồng, là mở lớp rơm phủ trên mặt vồng ra, sau đó tủ lại để làm ổn định nhiệt cho vồng nấm. Đến ngày thứ 11 là bắt đầu thu hoạch lứa nấm đầu tiên. Thời gian thu hoạch 1 chu kỳ nấm là 5 ngày, nấm mọc rộ nhất là vào ngày thứ 2 và thứ 3. Những ngày này có thể thu từ 80-100kg nấm/ngày/vồng rơm 2,5 tấn nguyên liệu.
Ông Tiên bộc bạch: “Để trồng nấm thành công, điều cơ bản là mình phải “khiển” được nhiệt độ và ẩm độ cho vồng rơm. Nóng quá, nấm bị thối rữa. Lạnh quá nấm sẽ bị sượng, không phát triển. Nếu để dư ẩm cây nấm sẽ bị xì bọt, tai nấm lúc nào cũng xuất hiện những hạt nước trông như những hạt sương trời, sau đó cây nấm cũng bị thối rữa”. Thấy tôi ngớ người ra vẻ chưa hiểu, ông Tiên giải thích thêm: “Tôi xử lý khống chế ngưỡng ẩm bằng cách phun nước vào vồng, khi vắt sợi rơm thấy nước vừa rịn ra là ổn, còn nếu nước nhỏ giọt là đã vượt ngưỡng”.
|
Ông Tiên bên những cây nấm đầu tiên của lứa nấm đầu năm.
|
Rủ nhau làm giàu
Ông Tiên tính toán: “10 sào rơm (2,5 tấn) tôi mua giá 2,5 triệu đồng. 250 bịch meo giống để làm nấm trên 10 sào rơm, hết 500.000đ nữa. Thêm chi phí thuê 250 m2 đất để làm vồng cho 10 sào rơm là 200.000đ. Vị chi đầu tư cho 1 lứa nấm tất tần tật là 3,4 triệu đồng. Sản lượng nấm thu hoạch trong một lứa từ 10 sào rơm là 2 tạ. Cứ cho giá nấm ở mức thấp nhất là 40.000đ/kg, 1 lứa nấm tôi thu được 8 triệu đồng, vị chi tôi lãi ròng 4,6 triệu. Nấm làm quanh năm, mỗi tháng làm được 4 lứa. Vậy đó”.
Ấy là ông Tiên nói “khiêm nhượng” với cái giá thấp nhất, chứ nấm rơm trong thời điểm sau Tết Nhâm Thìn hiện đang đứng ở giá 80.000đ/kg. Đó là giá bán tại nơi sản xuất, nếu bán trực tiếp đến người tiêu dùng giá sẽ tăng đến 110.000đ-120.000đ/kg.
Như không cầm được sự khoan khoái, ông Tiên “bật mí” thêm: “Hơn thua trong nghề làm nấm là “canh” sao cho chu kỳ khai thác đúng vào những dịp rằm và cuối tháng âm lịch. Thời điểm ăn chay, ăn lạt, nhu cầu nấm lên cao, nấm có giá lắm”.
Theo ông Tiên, muốn thu nấm vào dịp cuối tháng thì chất rơm vào ngày 17-18 âm lịch. Đến ngày 29 là thu đợt 1; sang ngày 30, mùng 1 là thu rộ. Muốn ăn đậm vào ngày rằm thì chất rơm vào mùng 1, mùng 2, đến ngày 13 hái đợt 1, sang ngày 14, rằm thu rộ. “Trong thời cao điểm, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng đột biến nên giá nấm luôn tăng so bình thường 20.000đ/kg”.
Ông Huỳnh Ngọc Thành, trưởng thôn Tân Dân cho biết: “Hiện tại thôn Tân Dân có hơn 20 hộ làm nấm. Người làm chơi chơi mỗi năm cũng lãi từ 100-150 triệu. Người làm chuyên nghiệp như ông Tiên thu đến tiền tỷ. Học theo cách làm của ông Tiên, chỉ sau 1 năm làm nấm, các hộ nghèo ở địa phương như: Phan Đình Mưu, Huỳnh Văn Thông và Phan Văn Hậu đã giàu có. Hộ ông Mưu từ chỗ làm không đủ ăn giờ vừa cất được ngôi nhà hơn 100 triệu đồng”.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các xã lân cận như: Phước Hưng, Phước Hiệp, Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước... cả ở huyện Tây Sơn cũng về tận thôn Tân Dân tìm ông Tiên học nghề trồng nấm. Và điều may mắn ai cũng đổi đời, khấm khá hẳn. Đơn cử như võ sư Phi Long Vịnh ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, từ ngày làm nấm võ sư Phi Long Vịnh còn có thêm danh hiệu “nông dân sản xuất giỏi”.
“Đầu ra của cây nấm là bát ngát. Mỗi sáng sớm, hàng chục tư thương đến tận ruộng nấm thu mua. Nấm rơm của Nhơn An không chỉ cung ứng cho các chợ trong tỉnh mà còn được thương lái đưa lên tận Tây Nguyên, Quảng Ngãi và các tỉnh miền Nam. Những người dân địa phương chuyên mua đi bán lại cây nấm cũng kiếm được 200.000đ/ngày”.
Ông Bùi Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho biết. |
|