Xuân năm nay, nghệ thuật bài chòi Bình Định được tiếp thêm“sức sống mới” thông qua các hoạt động biểu diễn, trò chơi dân gian đa dạng. Bài chòi đang cho thấy một tương lai khởi sắc hơn.
|
Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại TP Quy Nhơn dự định kết thúc vào tối mùng 6 Tết, nhưng người dân đến tham gia đông, nên đã kéo dài đến mùng 10.
|
Ngót hơn 20 năm về trước, tôi còn là một cậu bé theo bà ngoại và mẹ đi xem bài chòi. Trong ký ức của tôi, mỗi khi Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình về quê biểu diễn, xóm làng rộn ràng như ngày hội. Khi màn đêm buông xuống, các diễn viên của đoàn đang hóa trang để chuẩn bị biểu diễn, nhiều cụ ông, cụ bà khệ nệ ôm những bó mía “lựa”, xách vài tô đường dẻo đến tặng các nghệ sĩ. Nếu đoàn về biểu diễn trong những ngày sau Tết, bà con lại gói ghém bánh in, bánh tráng đến tặng diễn viên. Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy còn bắt chước biểu diễn bài chòi khi đi chăn bò. Nhiều trích đoạn trong các vở diễn như: Núi rừng năm ấy, Hoa Sơn Mỹ, Biển động tình người, Chuyện tình nàng Sita… được người dân quê tôi nhớ mãi.
Hâm mộ sân khấu bài chòi
Mang theo ký ức mến mộ bài chòi, tôi háo hức theo chân Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đi biểu diễn tại thôn Ca Công, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, dịp Tết. Những cái tên nghệ sĩ mà tôi một thời yêu mến giờ tóc đã điểm bạc. Trên chuyến xe chạy từ Quy Nhơn ra Hoài Hương, nhìn cô diễn viên trẻ Thùy Dung say sưa tập lời thoại, câu hát với nghệ sĩ Minh Hoàng, tôi thấy vui. Rõ ràng bài chòi không thể mai một khi vẫn còn đó những thế hệ diễn viên đầy nhiệt huyết.
Thực tế sinh động của sức sống bài chòi ngày xuân đã cho thấy từ chính quyền đến nghệ nhân và người dân đều mong muốn bảo tồn loại hình nghệ thuật này. |
Đêm 2.2 vừa qua, trong tiết trời lạnh lẽo, mưa phùn bay lất phất, người dân vẫn kéo đến chật kín sân bãi của trụ sở thôn để xem vở “Nỗi đau tình mẹ”. Ông Cao Văn Nghiệp, Trưởng thôn Ca Công, cho biết: “Từ sau ngày giải phóng đến nay, đây là lần đầu tiên có đoàn bài chòi về Ca Công biểu diễn. Các gia đình trong thôn đã tự nguyện đóng góp mỗi người một ít mời đoàn về để thỏa niềm mong đợi bấy lâu…”.
Đứng xen lẫn với khán giả, tôi được nghe nhiều bà, nhiều cô khi xem đến đoạn những đứa con bạc đãi với mẹ mình đã “chì chiết” các nhân vật trong vở diễn. Đến cảnh đứa bé mồ côi dắt bà mẹ đi ăn xin, nhiều người khóc đỏ hoe cả mắt. Khoảng cách giữa sân khấu và khán giả, giữa nhân vật và đời thường đã không còn ranh giới.
Đến xem buổi diễn của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định vào đêm 4.2 tại thôn Nhuận An, xã Hoài Hương, tôi cảm nhận thêm sự nồng nhiệt của khán giả dành cho nghệ thuật bài chòi. “Mùa xuân luôn là mùa lưu diễn lớn nhất trong năm của chúng tôi. Tháng Giêng năm nay, chúng tôi có 21 đêm diễn phục vụ nhân dân ở các huyện: Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vân Canh. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên được “cháy hết mình” trong không khí thưởng thức say mê của khán giả” - Phó Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định Nguyễn Ngọc Anh tâm sự.
|
Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định tổ chức lần đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội đã thành công. Nguồn: Báo Thể thao - Văn hóa
|
Hội bài chòi cổ lan xa
Việc tổ chức Hội đánh bài chòi cổ Bình Định tại Hà Nội trong dịp Tết Nhâm Thìn từ sự đề xuất của Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa dân tộc và nhận được sự ủng hộ của Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh Bình Định. Hội đánh bài chòi cổ Bình Định khai mạc vào sáng mùng 5 Tết tại sân Nhà hát Kim Mã đối diện chùa Kim Sơn, nơi có Nhà bia tưởng niệm nghĩa quân Tây Sơn. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 223 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ông Nguyễn An Pha, nguyên Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, kể: “Không ngờ ngày khai mạc lại thành công đến vậy. Đến dự không chỉ có đông đảo đồng hương Bình Định, mà còn có lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi, phóng viên các báo, đài… nên tôi đã trả lời phỏng vấn liên tục. Có cụ già tới nắm tay xúc động nói: “Tôi đã đánh bài chòi từ rất nhỏ. Sau hoạt động cách mạng rồi tập kết ra Bắc, đến nay mới được sống lại ký ức ngày xưa…”. Hội đánh bài chòi ngày thứ hai có thêm niềm vui, khi đoàn “di sản văn hóa phi vật thể thế giới” quan họ Bắc Ninh nghe tin vượt gần 50 km đến xin được giao lưu, bày tỏ tình cảm hâm mộ…
Hội đánh bài chòi cổ dân gian đã được tổ chức vài lần ở TP Quy Nhơn, nhưng thành công nhất là hội bài chòi do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn tổ chức từ mùng 2 đến mùng 10 Tết vừa qua. Tham gia hội bài chòi ba lần, tôi đều có cảm nhận khác nhau. Lần thứ nhất là đêm khai mạc vào mùng 2 Tết, thấy hội bài chòi chưa thu hút đông người. Lần thứ hai vào mùng 6 Tết, thấy vui lây khi hội bài chòi dự định kết thúc nhưng Ban Tổ chức quyết định kéo dài đến mùng 10 theo yêu cầu của đông đảo người dân. Lần thứ ba vào mùng 9 Tết, cô con gái nhỏ của tôi lần đầu tiên được xem, nhưng sau khi đã đánh hai hội bài chòi vẫn kiên quyết không chịu “rời chòi”. Đây cũng là sự say mê chung của rất nhiều em nhỏ khi được người thân cho đi đánh bài chòi. Đêm mùng 10 Tết, hội bài chòi kéo dài đến tận 22 giờ 30 phút mới chính thức bế mạc, dù nhiều khán giả đề nghị tổ chức tiếp.
Ông Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức thêm nhiều hội bài chòi vào những thời điểm thích hợp. Việc tổ chức bài chòi sẽ thành công hơn nữa nếu chúng tôi được tạo điều kiện có một địa điểm tổ chức ổn định và thuận lợi hơn trong việc thu hút sự chú ý của người dân…”.
|
Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại TP Quy Nhơn thu hút khá đông các em nhỏ tham gia.
|
Lạc quan vào tương lai bài chòi
Thành công của việc tổ chức các hội đánh bài chòi cổ dân gian đã khẳng định hướng đi đúng, mang tính lâu dài sau khi Sở VH,TT&DL thực hiện thành công dự án “Bảo tồn hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định”. Vấn đề đặt ra là phải làm sao tổ chức được hội đánh bài chòi cổ dân gian ở nhiều địa phương trong tỉnh. Khi Sở VH,TT&DL tổ chức lớp tập huấn “Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bình Định” vào cuối năm 2011, chỉ có cán bộ văn hóa, nghệ nhân ở 7 huyện, thành phố trong tỉnh tham gia. Trong kế hoạch tổ chức các hoạt động vui Tết Nhâm Thìn, các huyện Tây Sơn, Phù Cát cũng dự tính tổ chức hội đánh bài chòi nhưng cuối cùng không thực hiện được.
Ông Nguyễn An Pha cho biết: “Sở VH,TT&DL sẽ tiếp tục cho tổ chức lớp tập huấn hội đánh bài chòi cổ một cách bài bản và quy mô hơn. Các địa phương trong tỉnh cần cử người tham gia tập huấn, để hội đánh bài chòi cổ được tổ chức ở cấp huyện, rồi nhân rộng xuống cơ sở trong tương lai. Như vậy mới bảo tồn và phát huy hiệu quả một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của cha ông”.
Vào cuối năm 2011, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ VH,TT&DL xem xét, trình các cấp có thẩm quyền đề nghị UNESCO công nhận “Không gian văn hóa bài chòi Bình Định là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Việc tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định ở Thủ đô Hà Nội là bước đi đầu tiên “đánh động” sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Kết quả là sau đó, có nhiều bài viết đánh giá tốt những giá trị độc đáo của Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế sinh động của sức sống bài chòi ngày xuân đã cho thấy từ chính quyền đến nghệ nhân và người dân đều mong muốn bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Dẫu biết rằng, để tiến đến mục tiêu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, con đường rất dài, có thể thành công hoặc không… nhưng ít ra, điều này đã đem đến niềm lạc quan cho đông đảo người hâm mộ về “sức sống mới” của bài chòi Bình Định trong thời gian tới.
|