Mấy năm qua, tôm nuôi ở Bình Định – đặc biệt là ở huyện Phù Mỹ “né” được dịch bệnh, vụ sản xuất nào cũng thắng nhiều hơn thua. Thêm vào đó, giá tôm thương phẩm luôn ổn định ở mức cao so với thời gian trước. Do vậy, nhiều hộ nông dân đổ xô đào vườn, đào cả những diện tích đất nông nghiệp để làm ao nuôi tôm. Kiểu nuôi tôm này đang gây ra những hệ lụy khôn lường. Những gì thấy được ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ khiến một người “ngoại đạo” nuôi tôm như tôi cũng lo lắng…
|
Ao tôm này nằm giữa khu dân cư thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
|
Nhà nhà nuôi tôm
Về Mỹ Thành trong những ngày đầu tháng 2, đi dọc đường bê tông qua thôn Hưng Lạc, Hưng Tân để về Vĩnh Lợi, trước mắt tôi, những vườn cây, ruộng lúa, nương đỗ, nương bắp... đã biến mất, thay vào đó là những hồ nuôi tôm chen chúc. Hồ tôm trước mặt nhà. Hồ tôm bên đường giao thông. Hồ tôm nằm ngay trong vườn. Đang giữa vụ đông xuân, nhưng không còn thấy bóng dáng nông phu vác cuốc ra đồng, lưng đeo bình bơm thuốc BVTV phòng chống dịch bệnh cho cây lúa. Mà chỉ thấy tất bật cảnh cho tôm ăn, kéo lưới kiểm tra sinh trưởng của tôm bên những hồ tôm mới mọc. Tiếng máy sục khí vang lên khắp làng xóm.
Ông Ngô Hải - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, giải thích: “Từ năm 2010 đến nay, thấy bà con những xã Mỹ Thắng, Mỹ An nuôi tôm trên cát thắng lớn, dân Mỹ Thành mê quá, rạo rực với ý tưởng nuôi tôm. Khổ nỗi Mỹ Thành không có đất quy hoạch cho con tôm nên hàng trăm hộ nông dân ở đây tìm cách biến những khu vườn và đất sản xuất nông nghiệp thành những ao hồ để nuôi tôm. Mấy hộ đầu làm liều ở thôn Hưng Tân thu lợi nhuận cao, khiến nạn nuôi tôm trái phép nhanh chóng lan rộng sang nhiều thôn lân cận với hàng trăm hộ tham gia. Hết đất vườn thừa, họ làm lấn qua những diện tích đất SXNN liền kề vốn trước đây canh tác lúa và hoa màu. Qua kiểm tra sơ bộ, tổng diện tích nuôi tôm trái phép trên địa bàn xã hiện đã lên đến gần 50 ha”.
Anh Trần Ngọc (1976) người ở tận thôn Hưng Lạc nhưng cũng “lấn sân” qua thôn Hưng Tân mua 800m2 đất vườn để nuôi tôm từ năm 2010. Anh Ngọc bộc bạch: “Thấy người nuôi tôm ở các xã lân cận trúng đậm, tui ham quá qua đây mua đất nuôi tôm. Thuê xe đào ao, mua máy móc, bạt lót, con giống... tất tần tật khoảng 40 triệu đồng. Nếu bình yên, tôm không bị dịch bệnh, nuôi 1 vụ thu lãi được 30-40 triệu đồng”.
Thế nhưng theo chủ tịch UBND xã Mỹ Thành thì toàn bộ những diện tích đất được đưa vào nuôi tôm trái phép là những vùng đất hoàn toàn không phù hợp cho việc nuôi tôm bởi nằm về phía cao triều, khó lấy nước mặn, cũng như không có đường thoát cho nước thải nên địa phương không quy hoạch cho con tôm. Cái lợi trước mắt khiến người ta bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền địa phương, rủ nhau ào ạt đào vườn thả nuôi.
“Cuối năm 2011, thời điểm nạn nuôi tôm trái phép phát triển rầm rộ, chúng tôi đã thành lập tổ công tác gồm các ngành công an, địa chính, tư pháp về tận từng thôn, xóm kiểm tra. Phát hiện trường hợp vi phạm là lập biên bản, xử phạt hành chính và bắt làm cam kết san lấp diện tích đã đào, trả lại nguyên trạng. Nhưng rồi đâu lại vào đó, họ vẫn lén lút làm không ngăn nổi. Họ thuê xe cơ giới sẵn, đợi 1-2 giờ sáng mới làm. Chỉ 1-2 tiếng đồng hồ sau là hình thành 1 cái ao. Mới chiều qua đi kiểm tra thấy vùng đó còn cây màu đứng sởn sơ, sáng sớm ra nhìn lại đã thấy thành ao nuôi tôm. Thậm chí chúng tôi tổ chức ngăn chặn xe cơ giới đi vào những địa bàn “nóng”, nhưng lực lượng cán bộ xã không đủ để đêm nào cũng canh chừng nên cuối cùng đành bó tay”, ông Hải lo lắng.
|
Anh Võ Bá Sỹ lo lắng kiểm tra tôm hàng ngày.
|
Hệ lụy nhỡn tiền
Vì nuôi tôm tự phát, không theo quy hoạch nên thời điểm thả giống cũng rất...tùy hứng. Theo cho biết của Chi cục nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT Bình Định), lịch thời vụ thả giống nuôi tôm trong năm 2012 này theo trình tự: Những vùng nuôi tôm thâm canh trên cát với đối tượng nuôi tôm thẻ chân trắng có điều kiện ứng phó với bất thuận của thời tiết và nhiệt độ gồm các xã: Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Hương (Hoài Nhơn); Mỹ An, Mỹ Thắng (Phù Mỹ) và Cát Thắng, Cát Hải (Phù Cát) sẽ thả giống vào ngày 1.2.2012. Những diện tích nuôi bán thâm canh sẽ thả giống vào 15.2. Những diện tích nuôi theo phương thức quảng canh thân thiện môi trường sẽ thả giống vào ngày 1.3.
Ấy vậy mà khi về đến thôn Hưng Tân, tôi được biết những hồ tôm ở đây đã thả giống từ trước Tết Nguyên Đán. Quy trình nuôi tôm nghe cũng rất “xốc”. Vì là vùng cao triều, nằm xa đầm Đề Gi nên người nuôi tôm trái phép phải đóng giếng ở những vùng đất ven đầm để lấy nước mặn. Sau đó bơm, dẫn vào ao nuôi bằng đường ống dài cả 1km. Nước ngọt thì khai thác tại chỗ từ nguồn nước ngầm. Bởi không được quy hoạch nên những vùng nuôi này không có hệ thống xử lý, thoát nước thải.
Thế nên mới có chuyện, kết thúc một vụ nuôi, hệ thống dẫn nước mặn vào ao tiếp tục có nhiệm vụ đưa nước thải ra đầm hoặc xả ra đầm theo những con mương thủy lợi vốn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Manh người nào người nấy xả. Hệ quả là nguồn nước cung cấp cho nuôi tôm tại đầm Đề Gi tăng tốc ô nhiễm từng ngày.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, ông Ngô Hải cho biết: “Nuôi tôm kiểu “ăn xổi ở thì” như vậy thì chỉ “ăn” được vài vụ đầu khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Chẳng chóng thì chầy, sự ô nhiễm của nguồn nước sẽ quay lại hại chính con tôm trên những diện tích nuôi trái phép. Chẳng những vậy, chúng tôi còn lo nó sẽ hại lây những diện tích nuôi tôm trong quy hoạch ở những vùng hạ triều”.
Quả nhiên như vậy, chỉ tại thôn Hưng Tân, tôi đã nghe hàng bao nhiêu chuyện “đổ bể” vì con tôm trong năm 2011 vừa qua. Ông Huỳnh Ngọc Giai (56 tuổi), người đang sở hữu 2.400m2 ao tôm tiết lộ: “Thấy nuôi tôm lãi to ham quá cũng “nhắm mắt đưa chân” bắt chước làm theo chứ làm tôm trên vùng cao triều bấp bênh lắm. Ở quanh quanh đây thôi đã có nhiều hộ lỗ to sau nhiều vụ nuôi như ông Võ Bá Sỹ, Võ Bá Dũng, Đinh Văn Ly, Đinh Văn Bình và ông Ba Nông”.
Theo chỉ dẫn của ông Giai, tôi tìm đến ao nuôi của anh Võ Bá Sỹ. Vừa bước chân vào chòi canh tôm, tôi nhìn thấy anh Sỹ đang đứng tựa cửa nhìn ra ao nuôi với đôi mắt đầy lo lắng. Không lo lắng sao được khi mới “nảy” ra nghề nuôi tôm vào đầu năm 2011, nuôi liên tiếp 2 vụ thua đủ 2 vụ. “Tui đào khoảnh vườn rộng 170m 2 để nuôi tôm. Vụ đầu thả giống mới 20 ngày tôm bỗng lăn đùng ra chết trắng ao. Xả nước ra thả tiếp vụ khác, cầm cự cũng chỉ được chưa đầy 1 tháng tôm lại chết hết. Làm ruộng bấy lâu nay dành dụm được 30 triệu thì nay đã bị lũ tôm “ăn” mất, lại còn đang phải gánh nợ đại lý thức ăn 30 triệu nữa. Đây là vụ thứ 3 mới thả được hơn 1 tháng, nếu thua nữa thì tui sẽ phải chịu nợ thêm hơn 20 triệu nữa”, anh Sỹ nói như khóc.
Cũng theo anh Sỹ, tại những thời điểm tôm trong ao của anh Sỹ bị chết cũng là lúc các ao nuôi của các hộ ông Ba Nông, Minh Ly, ông Hy, ông Hạnh...nằm trong cùng 1 vùng nuôi đều lâm cảnh tương tự. Tôm đang phát triển ngon lành, qua 1 đêm ra thăm ao thấy lũ tôm đã dạt vào bờ chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân do bệnh gì. Anh Sỹ dự đoán: “Phía trên vùng nuôi của chúng tôi có nhiều ao nuôi khác. Nước thải của những ao nuôi này theo con mương khe, chảy ngang qua những ao nuôi của chúng tôi rồi đi ra đầm Đề Gi. Khi các ao phía trên bị dịch bệnh, tôm chết họ xả xuống nổi lềnh bềnh đầy mương. Có lẽ bệnh của tôm chết lây sang tôm trong ao chúng tôi”.
Vậy là đã rõ, việc nuôi tôm trái phép đã lộ rõ những nhược điểm chí tử. Và nay, nguy cơ vùng tôm thuận triều cũng bị ảnh hưởng cũng đang được tính đến.
Ông Ngô Đình Ba-Phó Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ: “Những diện tích nuôi tôm trái phép gây ô nhiễm không chỉ dẫn tới kết quả tự hại mình mà còn làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Việc đóng giếng lấy nước ngọt vô tội vạ cũng làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong khu vực. Ngay trong tháng 2 này chúng tôi phối hợp với xã thành lập đoàn công tác, kiểm tra từng hộ vi phạm, xác định diện tích và loại đất. Bắt họ phải cam kết san lấp ao nuôi trả lại nguyên trạng. Nếu trường hợp nào ngoài phạm vi xử lý của xã thì trình lên huyện, tỉnh để xử lý đúng khung. Trong thời gian tới phải kiên quyết bằng mọi biện pháp để chấm dứt tình trạng này”. |
|