Ba năm trở lại đây, giới sành chơi hoa trong và ngoài nước biết đến sản phẩm hoa tươi ướp với nhiều màu sắc độc đáo mang thương hiệu Đà Lạt. Nhưng có lẽ nhiều người chưa biết để làm được điều này, tác giả đã mất hơn 10 năm nghiên cứu, thí nghiệm. Đó là một nông dân Đà Lạt, quê gốc ở Bình Định – anh Nguyễn Công Hóa.
|
Anh Hóa đang giới thiệu công nghệ ướp hoa. |
Nghe tôi tự giới thiệu mình cũng là con dân Bình Định, anh Hóa hồ hởi, cởi mở hẳn. Nét chất phát, thô hào đặc trưng của người Bình Định lồ lộ ra.
Anh Hóa vốn cũng chỉ là một nông dân quen trồng rau, hoa để mưu sinh và nuôi đam mê võ thuật. Năm 1990, khi trò chuyện với một anh bạn người Pháp đang tham quan làng hoa Vạn Thành – nơi anh cư ngụ, anh Hóa nghe nói đến kỹ thuật ướp hoa để giữ cho hoa tươi rất lâu. Nghe kể mà cứ nửa tin nửa ngờ, mãi sau này, lúc nhận đóa hoa ướp rất đẹp mà người bạn gởi sang từ Pháp anh mới thật sự tin rằng có loại công nghệ kỳ diệu như thế. Nâng niu đóa hoa, anh Hóa nảy ra ý nghĩ táo bạo – phải nghiên cứu để tự mình cũng có thể ướp hoa.
|
Một số mẫu hoa hồng đã được chuyển đổi màu sắc khi ướp khô. |
Một nông dân đam mê nghiên cứu.
Tuy nhiên khi đem ý tưởng này đến hỏi một số giáo sư, các nhà nghiên cứu chuyên ngành Hóa, Sinh ở Đà Lạt, TP.HCM... thì chưa ai biết công nghệ này. Chẳng chịu thua, anh Hóa lặng lẽ xuống TP. HCM tìm mua một số loại hóa chất vốn thường được dùng để ướp các loại rau, quả mang về thí nghiệm...
Riêng từ năm 2002 đến năm 2005, giai đoạn mà “ướp hoa” đã làm một ám ảnh dễ chịu, anh Hóa đã "nướng" không biết bao nhiêu bông hồng của gia đình và hàng trăm triệu đồng tiền hóa chất, tài liệu. Cuối năm 2005, trong hàng ngàn thí nghiệm, cuối cùng cũng có những bông hoa giữ được màu sắc và độ tươi. Nhưng đó cũng là lúc anh kiệt mọi nguồn tiền.
Anh đi vay mượn của bạn bè được 50 triệu đồng và tiến hành thử nghiệm trên hơn 3.000 bông hồng, tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ ướp hoa của mình. Và thành công đã đến với "nhà khoa học trình độ lớp 12" này, những bông hồng đầu tiên (chủ yếu màu đỏ và màu vàng) sau khi được ướp theo kiểu Nguyễn Công Hóa đã giữ nguyên màu sắc, mềm mại và nền nã y hệt như những bông hoa tươi mới cắt từ ruộng hoa lên.
|
Hoa hồng đen. |
Hơn 3.000 bông hồng được ướp thành công đầu tiên gây chấn động thành phố Hoa. Báo chí, các Đài PT- TH liên tục đến phỏng vấn, đưa tin. Với đà thành công, anh Hóa tiếp tục thử nghiệm và ướp thành công thêm 16 loài hoa khác nhau như: cẩm chướng, đồng tiền, sa lem, bi bi, cẩm tú cầu, cúc ngàn sao, hoa sứ, hoa hồng sa mạc... và các loại lá, quả khác để làm phụ kiện trang trí....
"Phù thuỷ" đổi màu sắc hoa hồng.
Không dừng với công nghệ ướp giữ nguyên màu sắc hoa, anh Hóa còn nghiên cứu và nhuộm hàng chục sắc màu khác nhau cho hoa. Đặc biệt, đối với hoa hồng, từ 5 màu sắc tự nhiên, đến nay "phù thuỷ" Nguyễn Công Hóa đã "hóa phép" thành công một bộ hoa tươi ướp khô với 42 màu sắc mới rất đẹp và độc đáo mà bất cứ ai được chiêm ngưỡng không khỏi ngất ngây như: hoa hồng màu tím, màu Chocola, hoa hồng màu xanh với nhiều màu sắc khác nhau: xanh đen, xanh lục, xanh lá chuối non, xanh lơ... Đặc biệt, hoa hồng màu đen kỳ bí vốn chỉ có trong truyền thuyết qua bàn tay người nông dân quê gốc Bình Định đã hiện hữu trước con mắt thán phục của nhiều người!
Hiện nay mỗi bông hoa hồng tươi ướp khô được bán với giá 16.000 đồng, nếu xuất bán ra ngoài giá từ 2 - 2,5 USD/bông. Điều đáng nói là hoa tươi ướp có nhiều màu sắc mới lạ, đẹp và có độ bên rất lâu, có thể giữ được màu sắc từ 5 - 10 năm. Anh Hóa cho biết, hiện đã có 11 công ty, cửa hàng trong nước thường xuyên đặt mua hoa tươi ướp khô của anh và đã bán sang các nước Nhật, Anh, Pháp, Hàn Quốc... Cũng từ các sản phẩm hoa tươi uớp này đã phục vụ cho công nghệ trang trí các bình hoa, lẵng hoa, tranh hoa... được nhiều người yêu hoa ưa thích.
|
Hoa cẩm tú cầu cũng được anh Hóa ướp khô thành công. |
Ngoài ra, anh Hóa còn phối hợp với các cộng sự sáng tạo hàng trăm bức tranh hoa có giá rất cao. Công nghệ đầy sáng tạo của anh Nguyễn Công Hóa đã mở ra hướng kinh doanh, sản xuất mới không chỉ cho gia đình anh Hóa mà còn cho cả những người trồng hoa khác ở Đà Lạt...
Anh Nguyễn Công Hóa quê gốc ở xã Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Vào Đà Lạt định cư từ năm 1979
Ngoài nghề làm vườn, trồng hoa và sản xuất các sản phẩm từ hoa, anh Hóa còn là một võ sư Vôvinam mang Hồng đai Lục đẳng. |
Năm 2010 phù thủy Nguyễn Công Hóa được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao giấy công nhận: "Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài". Và, 1.000 đoá hoa hồng ướp của anh Hóa được dùng để trang trí bức tranh sơn dầu khổ lớn (dài 2,4m, cao 1,75m) mừng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được Trung tâm sách Kỷ lục VN công nhận "Bức tranh hoa tươi lớn nhất, có số lượng hoa nhiều nhất..."
Cuối năm 2011, nghệ nhân Nguyễn Công Hóa còn nghiên cứu thành công và đưa ra kỹ thuật tạo đột biến sắc tố trên cây hoa hồng ngay khi cây hoa còn đang ở trên luống. Theo đó, anh Hóa sẽ can thiệp khiến màu sắc bông hoa biến đổi theo ý muốn, tạo ra trên từng cánh hoa những đường viền, hoa vân, màu sắc lạ mắt trong khi cây hoa vẫn phát triển bình thường. Kỹ thuật mới này đang được anh Hóa làm hồ sơ đề nghị công nhân quyền sở hữu trí tuệ....
|