Vui vẻ, cởi mở là ấn tượng ban đầu của tôi đối với ông Bùi Trung Dũng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (BTXH), Sở LĐ-TB&XH. Được làm việc thường xuyên với ông, tôi còn được biết, ông có đức tính tận tụy, tâm huyết với công việc; hết lòng vì những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống…
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho ông Bùi Trung Dũng.
|
“Công việc cho tôi nhiều thứ”
Gần 18 năm làm công tác BTXH, trong đó có đến 14 năm giữ chức Trưởng phòng BTXH thuộc Sở LĐ-TB&XH, không quá lời khi nói rằng, gần như cả cuộc đời làm việc của mình, ông Bùi Trung Dũng gắn bó với những đối tượng yếu thế trong xã hội. Ông từng nửa đùa rằng, công việc của ông gắn bó với thân phận con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, như những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, hay những người già cô đơn lìa đời ở đầu đường xó chợ…
* Nhìn lại quá trình làm việc của mình, điều gì làm ông hài lòng?
- Tháng 8.1994, tôi được phân công về Sở LĐ-TB&XH, đến tháng 10 tôi được cử tham gia một lớp bồi dưỡng công tác BTXH ở TP Hồ Chí Minh do một tổ chức nước ngoài tổ chức. Chính từ lớp bồi dưỡng này, tôi nhận ra BTXH là công việc phù hợp với mình. Trong suốt thời gian dài gắn bó với công tác BTXH, điều tôi hài lòng nhất là luôn kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, nhằm mục đích đảm bảo hoạt động của Phòng BTXH được thông suốt, lấy các đối tượng BTXH làm mục tiêu thực hiện công việc. Từ phương châm đó, tôi chủ động đề xuất lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh xem xét tạm mượn một phần kinh phí từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo khi có các chủ trương trợ giúp người nghèo vào các dịp lễ, Tết song phải chờ đợi kinh phí Trung ương phân bổ. Tôi cũng chú ý tham mưu lãnh đạo Sở làm việc, thống nhất với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh huy động các nguồn kinh phí để kịp thời chi trả hằng tháng và kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế theo Luật Người cao tuổi cho người từ đủ 80 đến 84 tuổi trong khi chờ đợi nguồn kinh phí của Trung ương. Chính sự linh hoạt trong việc thực hiện chính sách đã nhận được sự đồng tình của các sở, ngành, địa phương và bản thân đối tượng.
* Vậy còn những gì làm ông trăn trở?
- Càng đến gần ngày nghỉ hưu, tôi lại hay suy nghĩ về công việc của mình. Công việc chính là trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, tuy nhiên, nhiều lúc mình cũng không thể trợ giúp tất cả những người có nhu cầu. Trở ngại chính vẫn là những vướng mắc trong cơ chế. Là người quản lý, tôi từng trải qua nhiều trường hợp phải băn khoăn lựa chọn, cân nhắc trước khi tham mưu cho lãnh đạo ra các quyết định hỗ trợ.
Tôi luôn nghĩ rằng, thực hiện tinh thần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước là cần thiết, nhưng công tác giúp đỡ người khó khăn trong hoạn nạn cũng không thể lơ là. Làm sao để đảm bảo hài hòa hai yếu tố, đó chính là trăn trở lớn nhất của tôi. Có những đối tượng mình phải vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để trợ giúp kịp thời trong hoàn cảnh cấp bách, như các đối tượng người nghèo chạy thận nhân tạo, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi…
* Ông đã có nhiều đóng góp cho công tác BTXH, trợ giúp cho nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội. Ông nghĩ mình được gì?
- BTXH là công việc mang tính sự vụ, thường xuyên phát sinh những trường hợp bất ngờ phải giải quyết, chứ không mang tính “đến hẹn lại lên”. Tuy vậy, trong quá trình làm việc, chưa bao giờ tôi có ý định chuyển sang công việc khác. Làm công tác BTXH, tôi nhận được rất nhiều thứ. Tôi thấy mình được sống thiện hơn, giảm bớt sự nóng nảy, toan tính trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi lần làm được một công việc hữu ích, lại thấy tinh thần mình thoải mái hơn…
|
Ông Bùi Trung Dũng cùng gia đình.
|
Vui vì có rất nhiều con
Khi ông Bùi Trung Dũng nhắc đến những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, tôi nghĩ ngay đến những đứa trẻ mang họ Bùi ở Trung tâm BTXH tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm, cho tôi một con số đáng chú ý: đến nay, đã có 19 người từng được nuôi dưỡng ở Trung tâm mang họ Bùi. Hiện tại, con số đó là 12. Những cái tên như “vận” vào thân phận của mỗi người: Bùi Long Khánh, Bùi Thị Gia Lai, Bùi Ngọc Cát Tiến… Ngoài ra, còn một số người tâm thần ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn cũng mang họ Bùi của ông Bùi Trung Dũng.
* Động lực nào khiến ông quyết định lấy họ của mình đặt họ cho những người bị bỏ rơi?
- Với đặc thù công việc của mình, tôi tiếp xúc thường xuyên với những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Khi một đứa trẻ bị bỏ rơi, tôi chính là người làm hồ sơ, thủ tục để đưa các cháu vào Trung tâm BTXH tỉnh. Sau vài lần phải điền hai chữ “vô danh” vào mục “họ tên”, tôi cứ thấy bất nhẫn thế nào. Đặt cho trẻ một cái tên để hồ sơ sổ sách thuận tiện là một lẽ, thêm nữa, đứa bé có tên mới được công nhận như một con người trong xã hội.
* Những cái tên có họ Bùi nào làm ông nhớ nhất, thưa ông?
- Là trẻ bị bỏ rơi, người “ngơ ngác”, nên để dễ nhớ, tôi thường đặt tên gắn liền với những đặc điểm của từng người, phổ biến là nơi bị bỏ rơi. Tháng 11.2004, một đứa trẻ bị bỏ rơi nơi gốc cây ở chùa Long Khánh, tôi đặt tên cháu là Bùi Long Khánh. Đó là đứa trẻ bị bỏ rơi đầu tiên mang họ Bùi của tôi. Lúc được phát hiện, bé nằm trong một chiếc khăn, kiến bu đầy. Lúc đó, bé chưa đầy một tuổi; hơn một năm sau, bé đã không trụ nổi trước căn bệnh bại não.
Sau này, có hai mẹ con cùng được đặt tên theo họ của tôi: Bùi Thị Lạng Sơn và Bùi Trung Hưng. Câu chuyện cảm động về cuộc lưu lạc của người phụ nữ này đã được đưa lên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam.
* Có nhiều “con” mang họ Bùi như vậy, ông có bị “phiền toái” gì không?
- (Cười) Thực ra, tôi không phải là người duy nhất “được” lấy họ đặt họ cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Trước đây, ông Trần Quốc Tế (nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH), rồi anh Nguyễn Thanh Châu đều lấy họ của mình đặt họ cho trẻ. Nhiều người biết chuyện cũng trêu đùa: “Con ông ở đâu mà đông thế!”. Bà nhà tôi thì quá hiểu tính tôi, nên không bao giờ phàn nàn gì. Bà ấy còn trực tiếp lên Trung tâm BTXH tỉnh thăm, tặng quà cho mấy đứa nhỏ nữa…
|
Phần lớn thời gian làm việc, ông Bùi Trung Dũng gắn bó với công tác chăm sóc các đối tượng BTXH.
- Trong ảnh: Ông Bùi Trung Dũng tặng quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
|
Nghỉ hưu, chứ không nghỉ việc
Ngày 1.3 tới đây, ông Bùi Trung Dũng sẽ chính thức nghỉ hưu. Ông tâm sự, với gia đình, ông luôn cảm thấy hài lòng với “một nửa” luôn hiểu và cảm thông với công việc của chồng. Ba người con gái, hai người đã có công việc và gia đình ổn định, còn con gái út đang học năm 3 đại học Tài chính ngân hàng. Và như vậy, ông vẫn có một “hậu phương” vững chắc để yên tâm tiếp tục thực hiện tâm huyết của mình với công tác chăm sóc cho những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
* Ông có thể chia sẻ dự định của mình khi nghỉ hưu?
- Với tôi, nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ việc. Tôi không thấy hụt hẫng gì cả, bởi tôi đã xác định, mình vẫn tiếp tục với những công việc đầy tính nhân văn mà xã hội trao cho. Hiện nay, tôi vẫn đang kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Khi chính thức nghỉ hưu, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho công việc này. Ngoài ra, khi có công việc gì liên quan đến lĩnh vực BTXH, tôi đều sẵn sàng tham gia.
* Xin cảm ơn ông.
Ông Bùi Trung Dũng sinh ngày 9.2.1952, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thôn Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn. Ông tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, với nhiệm vụ Tổ trưởng giao liên hợp pháp chạy thư từ Hoài Xuân đến Hoài Hương. Trải qua nhiều công việc khác nhau, đến năm 1994, ông chính thức làm công tác BTXH cho đến nay. Ông đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quyết thắng hạng Nhì (tháng 5.1975), Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (tháng 6.1976), Huân chương Kháng chiến hạng Ba (tháng 4.1987), Huân chương Lao động hạng Ba (tháng 11.2011)… |
|