Dù anh không chịu khi tôi bảo, sẽ gọi anh là người có “bàn tay vàng” trong bài viết nhưng tôi không thể thay đổi theo ý anh “đính chính”. Rằng thì là… mình chỉ có công ứng dụng các kỹ thuật mổ hay của các chuyên gia và chỉnh sửa cho phù hợp với hoàn cảnh…
Với quan điểm khoa học phải chứng minh bằng thực tiễn, gần 30 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Phạm Văn Phú, Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã không ngừng nghiên cứu những phương pháp điều trị mới. Chuyên ngành phẫu thuật nhi cực kỳ phức tạp và tinh tế, dân ngoại khoa thường “né”, nhưng từ chỗ đến tình cờ, anh đâm ra thích, rồi mê.
|
Bác sĩ Phạm Văn Phú (đầu tiên, bên trái) trong một ca phẫu thuật teo thực quản bẩm sinh cho trẻ em.
|
Người đặt nền móng cho phẫu thuật nhi Bình Định
Bác sĩ Phạm Văn Phú vừa báo cáo đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật Soave qua ngã hậu môn điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh” tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ XIV, do Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức (Hà Nội) đăng cai, với chủ đề: “Những tiến bộ khoa học và kỹ thuật ngoại khoa Việt Nam”.
Không ít lần đi dự các buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về y khoa nhưng chưa bao giờ tôi thấy thích như hôm nghe bác sĩ Phú báo cáo đề tài trên. Buổi báo cáo lôi cuốn bởi những tìm tòi, hoàn thiện kỹ thuật mới và còn được trình bày sắc sảo, logic, các luận chứng sát thực, chặt chẽ, sinh động và dễ hiểu.
Tại Việt Nam, ba phương pháp Swenson, Duhamel và Soave trong phẫu thuật bệnh phình đại tràng bẩm sinh chỉ được thực hiện khu trú ở các trung tâm phẫu thuật lớn như Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng I và II TP Hồ Chí Minh. Năm 1993, lần đầu tiên bác sĩ Phú dùng phẫu thuật Swenson mổ làm ba thì cho bệnh nhi phình đại tràng bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bốn năm sau, anh cải tiến phẫu thuật Swenson một thì thành công, được báo cáo tại hội nghị khoa học hàng năm lần thứ ba do Hội Ngoại Nhi TP Hồ Chí Minh và sau đó là Hội nghị Ngoại Nhi Toàn quốc.
Tuy nhiên, phẫu thuật Swenson vẫn có nhược điểm. Năm 2005, bác sĩ Phú áp dụng phẫu thuật Soave qua ngã hậu môn cho bệnh nhân phình đại tràng bẩm sinh và tiếp tục cải tiến. Anh bảo, sau mổ nếu miệng nối của bệnh nhân bị hẹp thì phải dùng bộ nong Hegar với nhiều kích cỡ để nong ra, nhưng bệnh viện không đủ cung cấp cho bệnh nhân mang về nhà. Anh nảy ra sáng kiến dùng những cây nến vuốt theo kích thước của bộ nong Hegar; khi nong dùng bao cao su đã có sẵn chất bôi trơn hoặc dùng ngón găng cắt ra bao lên đầu nến, rồi dùng dầu bôi trơn để nong.
|
Bác sĩ Phú (thứ hai từ phải sang) tại lễ trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2010-2011).
|
Gần 30 năm trong nghề, đến giờ, bác sĩ Phú cũng không nhớ chính xác số đề tài nghiên cứu khoa học đã làm, chỉ áng chừng rằng cũng bằng ngần ấy tuổi nghề. Hầu hết đều là những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật rất có giá trị trong điều trị. Giờ đây, gần như tất cả các bệnh lý phức tạp về nhi như: u nang mật chủ, teo thực quản bẩm sinh, teo đường mật, không có hậu môn, dị dạng đường tiểu… anh đều thực hiện thành công.
Người ngoại đạo, mỗi năm lại thấy anh trình làng 1-2 đề tài nghiên cứu khoa học. Người trong nghề cũng ngã mũ thán phục sức sáng tạo của anh, dù công việc đã choán hết thời gian trong ngày. Không ngoa khi nói rằng, anh chính là người đặt nền móng cho phẫu thuật nhi tại Bình Định.
Mê… phẫu thuật nhi
Đối lập với sự sôi nổi, dữ dội và khó tính trong chuyên môn, ngoài đời, bác sĩ Phú ít nói, trầm tính. Anh thích đọc sách, lang thang trên internet. Bởi “những cái mới, cái lạ của phẫu thuật nhi đều bắt nguồn từ đó. Chúng đều có chung một nguyên lý, khác chăng là ở đường đi đến đích của mỗi người”.
Hỏi gốc gác gia đình, lý do chọn nghề, bác sĩ Phú gọn lỏn: “Tôi sinh năm 1964, gốc rạ chính cống (thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước). Cha mẹ làm ruộng, nên con cái tự quyết định chuyện chọn nghề. Giờ ngẫm lại là nghề chọn tôi!”.
Anh thi đỗ vào Trường Đại học Y Huế. Đến năm thứ năm, trường đào tạo chuyên ngành, anh được khoa chọn vào lớp Ngoại khoa. Anh tâm sự: “Tính tôi thích điều trị dứt điểm cho bệnh nhân đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc và cả sự đau đớn. Tất nhiên, trong ngoại khoa cũng có nhiều bệnh lý phải điều trị lâu dài nhưng phần lớn là những bệnh lý giải quyết một lần”.
Ra trường, bác sĩ Phú được phân về Bệnh viện Đa khoa Tuy Phước, mất mấy tháng ăn không ngồi rồi, tay chân bứt rứt không yên. Cuối cùng, anh xin về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Làm được vài năm, anh được cử đi học lớp đào tạo phẫu thuật nhi ở Viện Nhi Trung ương. Lúc đó, mỗi tỉnh cử một bác sĩ đi học, nhưng nghe đến phẫu thuật nhi ai cũng ngán nên kết thúc một tháng đào tạo, mọi người đều rút về, chỉ duy nhất bác sĩ Phú được bệnh viện cử quay lại học thêm 6 tháng.
|
Bác sĩ Phú (bên phải) tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ XIV.
|
Theo bác sĩ Phú, thành công đối với một bác sĩ ngoại khoa cần nhiều yếu tố, đó là kiến thức, kỹ năng thực hành, cung cách ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, quan trọng nhất là phải tinh tế để có quyết định nhanh, chính xác cách xử lý bệnh. Ngày còn đi học, anh có thói quen quan sát và ghi lại tất cả những diễn biến và cả những thao tác nhỏ nhất của các thầy sau các buổi phụ mổ. Những điều chưa hiểu, anh đọc sách, chưa thông thì hỏi thầy.
8 tháng học thêm phẫu thuật nhi, sau đó, anh học thêm các lớp chuyên khoa I và chuyên khoa II ở TP Hồ Chí Minh để nâng cao tay nghề. Hiện nay, bình quân mỗi năm, bác sĩ Phú mổ vài trăm ca bệnh. Anh Phú cho biết: “Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ. Phẫu thuật nhi khó bởi các bộ phận trong cơ thể trẻ là những đường nét rất tinh tế”.
Hỏi anh phẫu thuật nhi khó vậy, sao vẫn mê? Anh trải lòng: “Học ở Viện Nhi Trung ương, nghiệm ra sinh viên “đánh bài chuồn” phẫu thuật nhi vì ca mổ rất lâu, có lần phải đứng đến 8-9 tiếng đồng hồ. Ra Viện Nhi, các thầy chỉ mổ mất 3-4 tiếng đồng hồ. Hồi đó, các thầy chỉ bảo từng chân tơ kẽ tóc, chia sẻ những cách làm nhanh và hiệu quả nhất. Tôi đâm ra mê phẫu thuật nhi từ lúc nào không hay”.
|
Phẫu thuật nhi khó bởi các bộ phận trong cơ thể trẻ là những đường nét rất tinh tế.
|
Tất cả đều chỉ mới bắt đầu
Anh Phú bảo, tuy không có những phát minh, sáng kiến vĩ đại như các nhà khoa học, nhưng mỗi lần làm thành công một kỹ thuật mới khó là “sướng rơn” cả người. Anh bảo vui nhất là giờ đây ở bệnh viện đã có một số bác sĩ trẻ đã bước đầu làm được các phẫu thuật nhi như các bác sĩ: Hàn Cảnh Định, Phan Xuân Cảnh, Võ Xuân Thành, Hoàng Văn Công, Lê Công Hữu…
Trong mắt đồng nghiệp và bệnh nhân, bác sĩ Phú là người có cả tâm lẫn tài. Hỏi anh chắc có nhiều ca đặc biệt để nhớ, anh lắc đầu nói: “Tôi chỉ nhớ mỗi cháu Dương Văn Tuyển (huyện Hoài Ân) mắc bệnh không có hậu môn. Sau khi phẫu thuật, chỉ vì một sơ suất nhỏ mà gửi cháu đi hết các bác sĩ đầu ngành ở TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội cũng không thể chữa khỏi bệnh cho cháu được”.
Bác sĩ Phú tâm sự: “Còn trẻ thì lao vào cái khó vì niềm đam mê, khao khát hoàn thiện mình; giờ có gia đình thì mục tiêu tối thượng là làm thế nào tiếp cận được với những kỹ thuật mới, để giảm bớt nỗi đau của những người cha, người mẹ có con bệnh tật… Khoa học không có điểm dừng, nên với tôi, tất cả cũng chỉ mới bắt đầu, còn nhiều cái phải học lắm!”.
Điều đặc biệt nhất trong căn nhà của bác sĩ Phạm Văn Phú, ở đường Hà Huy Tập, TP Quy Nhơn, là chiếc tủ gỗ đựng các loại Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nghiên cứu khoa học và lao động sáng tạo… Danh hiệu cao quý Thầy thuốc ưu tú mà bác sĩ Phú được nhận ngày 27.2, nhân Kỷ niệm 57 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của anh trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. |
|