Ngày mới trên Cảng Quy Nhơn
19:58', 4/3/ 2012 (GMT+7)

Năm 2011, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn đạt 5,5 triệu tấn. Với hệ số khai thác cầu bến 6.700 tấn hàng trên 1 mét cầu tàu trong năm, Cảng biển Quy Nhơn trở thành một trong những cảng có sản lượng hàng hóa thông qua lớn nhất nước. Đây là cột mốc mang lại niềm vui, tạo mùa xuân đầy sắc màu nơi thành phố nhỏ.

 

Những chiếc tàu hàng container cập Cảng Quy Nhơn ngày càng nhiều nhờ thuận lợi địa lý và công tác xuất nhập hàng ở Cảng tốt.

 

Một ngày về thăm Cảng Quy Nhơn, chúng tôi tận mắt nhìn quang cảnh rộn rịp những chuyến hàng ra - vào, công nhân xếp dỡ, cơ giới, cơ khí ngày đêm trên công trường sản xuất… Cùng với máy móc, họ thay ca bốc xếp đưa hàng lên xuống kịp thời để những chuyến hàng đầy ắp đi về muôn nơi. Nhìn từ trên cao, họ như những chú kiến nhỏ bé cần mẫn, miệt mài dưới những container, cần cẩu, hay bên những thân tàu dài hàng trăm mét. Họ khuân vác những bao, kiện hàng xếp dỡ lên tàu.

Phấn khởi đời công nhân

Lẫn với những chiếc áo công nhân, tôi mới cảm nhận hết sự vất vả và cả niềm vui của họ. Một nhóm công nhân bốc dỡ bột mì tranh thủ phút nghỉ ngơi, kéo chiếc khẩu trang che mặt cùng đùa với nhau. Phút giải lao ngắn ngủi, họ cười thật tươi. Tôi hỏi một anh công nhân: “Anh làm ở đây lâu chưa? Có vất vả không?”. Vẫn nụ cười rất tươi, giọng anh vang lên sau container hàng vừa thả xuống: “Quen rồi! Hàng nhiều là vui!”. Nói rồi anh bước đi, bóng anh và hàng chục công nhân khác ẩn hiện sau container hàng cạnh những boong tàu.

Anh Trương Văn Tưởng, người có hơn 10 năm làm công nhân ở Cảng, tâm sự: “Vợ chồng tôi ở Phù Cát, năm 2000 mới chuyển vào Quy Nhơn. Ban đầu, công việc không ổn định nên cuộc sống vất vả. Từ khi tôi vào làm công nhân ở đây, hàng hóa xếp dỡ liền tay nên thu nhập cũng đỡ”.

Báo cáo cuối năm 2011, thu nhập bình quân ở Cảng là 11 triệu đồng/người/tháng. Anh Tưởng khoe: “Nhiều anh em công nhân từ chỗ có ăn đến dư giả, tôi cũng đã xây được nhà rồi!”.

Tôi ghé thăm Xưởng sửa chữa cơ khí ở Cảng trong lúc 35 công nhân và 5 kỹ sư đang tất bật công việc. Ông Huỳnh Văn Phú, Giám đốc Xưởng, cho biết: “Xưởng không chỉ gia công, sửa chữa công cụ xếp dỡ và các máy móc thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất ở Cảng mà còn nhận hàng ở bên ngoài. Gần đây, đơn đặt hàng cho Xưởng ngày càng nhiều nên thu nhập công nhân cũng nhỉnh hơn các bộ phận khác”.

 

Công nhân điều khiển cẩu hàng đưa xuống khoang tàu.

 

Rộn rã những chuyến hàng

Với sản lượng thiết kế là 2,2 triệu tấn/năm, nhưng năm 2011 Cảng Quy Nhơn đạt đến con số 5,5 triệu tấn. Đối với các cảng biển khác, hệ số khai thác cầu bến 4.000 tấn/m cầu tàu là mong muốn thì Cảng Quy Nhơn đã đạt con số 6.700 tấn/m cầu tàu, tổng doanh thu 330,5 tỉ đồng, tổng giá trị thu được của Cảng lên đến 476 tỉ đồng. Từ đó, Cảng đã mở rộng quy mô, sắm sửa trang thiết bị hiện đại, đủ sức đón những chiếc tàu lớn. Đến nay, Cảng Quy Nhơn có 5 hãng tàu và hơn 25 hãng container hoạt động, năng suất xếp dỡ được nhiều chủ tàu đánh giá cao. Đây là cảng có lượng hàng container cao nhất so với các cảng khu vực miền Trung. Với những con số ấn tượng, Cảng Quy Nhơn hôm nay đã cựa mình lớn dậy, trở thành thương cảng sầm uất nhất miền Trung, đứng thứ ba toàn quốc.

Trong ký ức của nhiều người, khi Cảng Quy Nhơn mới thành lập (năm 1976), lượng hàng hóa chỉ được hơn 50.000 tấn. Bến cảng vắng vẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn. Để lên được 1 triệu tấn hàng, Cảng phải mất hơn 10 năm (năm 1999). Vậy mà, chỉ sau 13 năm, Cảng đã đón nhận 5,5 triệu tấn. Một giấc mơ mà ít ai nghĩ tới.

Cảng Quy Nhơn gần các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Nha Trang... nên luôn nằm trong sự cạnh tranh khốc liệt. Những con tàu cập cảng không hoàn toàn phụ thuộc vào độ dài của những hải lý trên biển mà còn có nhiều yếu tố khác. Cảng Quy Nhơn đã biết đặt mình vào vị trí của khách hàng để xây dựng một hệ thống dịch vụ hiện đại, giảm thiểu các thủ tục hành chính. Hệ thống kho bãi tập kết hàng tốt, bảo đảm hàng hóa cho khách hàng; tạo cơ chế thông thoáng, giải phóng tàu nhanh và tạo mối quan hệ tốt với các đầu mối kinh tế trong khu vực là những tiêu chí quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Cảng.

Không những thế, liên hoàn Cảng Quy Nhơn, Thị Nại, Tân cảng miền Trung, Cảng nước sâu Nhơn Hội với gần 2.000 m cầu cảng, đường vào cầu cảng được thiết kế cho tàu 3 vạn tấn, độ sâu 11 m âm… cũng là những yếu tố tăng năng lực đáp ứng nhu cầu của các tàu hàng lớn. Hải phận hoa tiêu từ phao số 0 vào cảng 5 km, những luồng lạch, cầu cảng, khúc cua được Cảng Quy Nhơn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoa tiêu dẫn tàu an toàn.

Tôi đã có lần gặp ông Milyayev Valeriy (quốc tịch Indonesia) thuyền trưởng tàu Blue Moon, tàu có trọng tải 1 vạn tấn, dài 148 m, độ chìm -8,2 m, chở 300 container - trong một lần tàu cập Cảng. Ông Milyayev Valeriy hào hứng chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần đến Cảng Quy Nhơn. Dù chỉ là cảng nhỏ, nhưng chúng tôi luôn có cảm giác an toàn vì những hoa tiêu ở đây rất nhiệt thành và giỏi”.

“Tạo an toàn là tạo thương hiệu” - một cán bộ ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn cho biết vậy khi nói về công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cho hàng triệu lượt tàu, thuyền viên qua cửa khẩu. Hơn 5 triệu tấn hàng thông qua Cảng với các mặt hàng chủ yếu như: xăng dầu, mì lát, bột mì, phân bón, nông sản, gỗ... đều an toàn và đúng thời gian.

Một ngày đi trên cảng. Hàng ngàn tấn hàng lên xuống, hàng trăm công nhân, thuyền viên ra vào tấp nập nhưng mọi việc đã được lập trình đều đặn, nhanh gọn.

 

Nụ cười hồn nhiên xua tan cái mệt nhọc trong giờ giải lao tại chỗ của công nhân.

 

Điểm nhấn kinh tế

Trong buổi làm việc đầu năm tại Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Hiện, sản lượng hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn chỉ đứng sau cụm cảng TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Điều kiện địa lý nối liền với Tây Nguyên, qua Campuchia và Lào là lợi thế mà Bình Định cần chú trọng khai thác, đầu tư hạ tầng để phát triển”. Cảng Quy Nhơn nối liền với nhiều tuyến giao thông biển trong nước, khu vực và trên thế giới; đồng thời, là cửa ngõ giao lưu hàng hóa của khu vực miền Trung- Tây Nguyên, Đông Bắc Lào và Campuchia.

Cảng Quy Nhơn đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và áp dụng tiêu chuẩn này từ năm 2004. Đây là cảng biển đầu tiên do Trung ương quản lý áp dụng và phát triển hệ thống quản lý chất lượng ISO nói trên. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hành lang Quy Nhơn - Tây Nguyên là một trong năm hành lang vận tải chính của vùng, là tuyến quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn với Tây Nguyên và Lào, Campuchia theo quốc lộ 19. Việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Quy Nhơn phụ thuộc rất nhiều vào tuyến huyết mạch này. Với chuyến làm việc và lời hứa cho nâng cấp tuyến quốc lộ 19 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã giải được nỗi lo của tỉnh.

Cảng Quy Nhơn cũng đã trình quy hoạch thêm một cầu tàu container 30.000 DWT và thành lập công ty cổ phần để huy động các nguồn vốn đầu tư một cầu cảng dài 200 m, kho bãi khoảng 10 ha, các thiết bị chuyên dùng theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp nhận tàu container đến 30.000 DWT và tàu hàng tổng hợp 50.000 DWT giảm tải, với tổng giá trị 750 tỉ đồng; dự kiến, đến năm 2012, cơ bản hoàn thành giai đoạn một và đưa cầu tàu vào khai thác.

Với những bước đi thuận lợi, ngay từ những ngày đầu năm, Cảng Quy Nhơn cũng chớm những sắc màu tươi sáng, khởi sắc hơn, thu hút những chuyến hàng từ khắp nơi về cập Cảng và đưa những chuyến hàng đi khắp nơi. Cảng Quy Nhơn trở thành một điểm nhấn quan trọng trong thế mạnh phát triển kinh tế ở Bình Định.

  • TRƯỜNG ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người có “bàn tay vàng”  (26/02/2012)
Công việc giúp tôi sống thiện hơn  (19/02/2012)
Muốn dùng điện ảnh giúp công chúng hiểu thêm về Bình Định  (17/02/2012)
Giữ màu cho hoa  (14/02/2012)
Nỗi lo lắng từ các ao tôm tự phát ở Mỹ Thành  (10/02/2012)
Sức xuân bài chòi  (05/02/2012)
Ông Tiên “nấm rơm”  (03/02/2012)
Những nẻo đường xuân  (29/01/2012)
Tin vui từ khơi xa đua nhau ùa về  (25/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (24/01/2012)
Dọc những miền hoa  (20/01/2012)
Những người làm đẹp thành phố  (20/01/2012)
Âm âm lòng đất…  (15/01/2012)
Hồi chuông cảnh báo từ một vụ ngộ độc rượu  (08/01/2012)
Bình minh thị xã  (31/12/2011)