Không phải đến khi được tiến cử lên Chính phủ để phê duyệt là quốc hoa, vẻ đẹp của hoa sen mới được ghi nhận. Từ rất lâu, không chỉ tượng trưng cho sự bình dị, tinh khiết, sen chinh phục người Việt còn vì gần gũi với đời sống hằng ngày. Bình Định chưa nổi tiếng lắm về sen như kinh đô Huế, cố đô Hoa Lư nhưng những mùa sen ở Bả Canh (thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn) và Thanh Minh (thôn Phụng Du 1, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) cũng rộn ràng và đầy nét quyến rũ. Mùa sen năm nay đang về!
Tôi có cảm giác rằng, dường như lũ ve là những kẻ đã gọi mùa sen về. Chẳng phải vậy thì sao tiếng ve vừa ran thì mùa sen cũng khe khẽ đến. Những ngó sen thập thò ngước lên trời chuẩn bị cho những đóa sen rộn ràng khoe sắc. Mùa sen nở cũng là mùa vui của những người sống quanh làng sen, họ mưu sinh bằng nghề hái sen.
Rộn ràng mùa sen
Hiện nay, hầu hết các vùng quê, bàu sen teo tóp dần do bồi đắp, bị san lấp để chuyển đất dùng vào việc khác. Nhưng một số nơi, bàu sen vẫn còn được giữ vừa đem lại vẻ đẹp cho làng quê vừa đem lại nguồn thu không nhỏ từ cây sen. Thu hoạch sen không nặng nhọc nên người già, trẻ em cũng có thể tham gia, nhiều nhóm người, nhiều độ tuổi trên nền sen đầy màu sắc, tạo nên không khí lao động rộn ràng, dệt nên bức tranh quê quyến rũ, thanh bình.
Em Võ Thị Kim Thoa theo bà và bố ra “ao làng” (cách gọi của người dân gọi bàu sen Thanh Minh), cười bẽn lẽn: “Mấy ngày nghỉ ở nhà cũng không làm gì, ra đây vui hơn ạ”. Có thể vì ham vui nhưng cũng có lẽ ngay từ nhỏ các em đã quen với việc cứ đến mùa lại ra “ao làng”.
“Ngồi trong quán cafe kia nhìn ra hồ sen thì đẹp hết biết, cỡ tụi anh còn thích huống chi mấy đứa trẻ như tụi em”, anh Võ Hùng (45 tuổi) hồ hởi chỉ hồ sen đang vào mùa nở rộ.
Hồ sen mà anh Hùng nhắc đến nằm ở xóm Thanh Minh, thôn Phụng Du 1, Hoài Hảo, Hoài Nhơn rộng chừng 2ha. Nhưng khi đứng trước bàu sen Bả Canh, rộng trên 6 ha, tôi thấy mình bị choáng.
Bà Nguyễn Thị Phước (70 tuổi) cho biết: “Không biết bàu sen này có từ bao giờ nhưng ông nội tôi nói là có trước đó rất lâu rồi. Trước kia bàu này rộng lắm, bây giờ bồi đắp dần.”. Bàu sen trải rộng như một tấm thảm hoa trải dọc xóm Bả Canh. Ngắm bàu sen, nơi đó người lớn, trẻ em làm lụng, đùa giỡn như hút hồn chúng tôi khi một lần lạc bước đến đây.
Mùa đến, thường đàn ông xuống đầm để hái gương sen đã chín. Họ lội bùn hay chèo sõng băng vào “rừng” sen phủ đầu, mịt mùng với những ngó sen chi chít. Anh Phan Văn Hạ vừa vội chèo sõng ra bàu sen Bả Canh vừa nói vọng lên: “Tranh thủ hái cho kịp, gương già rồi hạt cứng không lột được”.
Hơn một tiếng, anh quay vào bờ trên sõng đầy gương sen. Đám trẻ con tranh nhau hốt. Cháu Dương Minh Thiện, 13 tuổi cho biết: “Ai hốt nhiều thì được làm nhiều, chậm chân là mấy đứa nó giành hết”. Thiện cho biết mỗi ngày tách hạt được 15 đến 20kg, mỗi ký được trả 1.000đồng. Nhiều học sinh tranh thủ làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có người ngỡ các cháu nhỏ phải lao động mà ái ngại, tuy nhiên cháu Hằng (10 tuổi) ở đây vui vẻ kể: “Vui lắm chú ạ, ra đây làm vừa được đùa giỡn, vừa có tiền. Không mệt nhọc gì đâu”.
Trong nhóm ngồi lột hạt sen có cả cụ già, trẻ em, có em mới 5, 6 tuổi cũng theo các cụ ra ngồi mày mò tách từng hạt sen ra khỏi gương. Trong những ánh mắt thơ ngây lúc nào cũng nhoẻn miệng cười, tôi thấy tuổi thơ sao hồn nhiên và đẹp đến thế. Công việc lột hạt sen không nặng nhọc, vừa làm vừa nói chuyện, vui tuổi thơ, nhàn tuổi già.
Chúng tôi men bờ theo những người đàn ông hái sen, giữa cái nắng trưa hè nhưng trông họ rất vui vẻ, miệng nói cười rôm rả mà tay vẫn liếng thoắt hái từng ngọn gương già. Gương chín, canh đúng thời điểm để hái thì chỉ có kinh nghiệm của những làm sen mới nhận ra. Anh Nguyễn An cho biết “20 ngày tính từ lúc sen nở hoa là có thể thu hoạch được. Nhưng một lứa sen chín chỉ kéo dài khoảng 3 ngày, vì vậy người hái phải tranh thủ trước khi sen già đi.”
Từ hương bùn của bàu sen
Sen sau khi được tách khỏi gương thì có các mối đến lấy. Thường thì những mối này lấy hàng về sẽ thuê người lột lụa, đâm tim sen (tim là mầm xanh nằm trong hạt sen, tim sen rất đắng vì thế phải lấy ra trước khi chế biến, thường dùng làm trà sen). Sen đã lột lụa có giá khoảng 70.000 đồng/kg, tim sen 300.000/kg. Riêng sen đã được xâu thành chuỗi thì giá 15.000đ/100 hạt. Ở Bả Canh, mỗi ngày vào mùa có thể thu hoạch khoảng 1,5tạ.
Việc mua bán sen ngay tại nơi hái thường tính theo thiên (bằng 1.000 hạt). “Mỗi mùa, hạt sen lớn nhỏ khác nhau, năm nay 1 thiên được hai kí chín. Năm ngoái chỉ có 2 kí, có năm chỉ hơn một kí mấy thôi. Mùa này được hạt sen to”, cụ Lại Thị Thái cho biết. Giá sen cũng thay đổi theo từng mùa. Chị Phan Thị Tích một trong những mối thường xuyên đến lấy sen cho hay: “Sen này chở đi Quy Nhơn. Ở trong đó có mấy đứa em hay bỏ sen cho các nhà hàng, khách sạn. Sen mình được cái bùi, hạt thơm”.
Sen không chỉ để ngắm, hương vị thanh mát của món chè sen trong những ngày hè oi bức, hay trà tâm sen trị chứng mất ngủ, giúp giải nhiệt và còn có tác dụng hạ huyết áp…làm nên giá trị cây sen. Hầu như tất cả các bộ phận của cây sen đều là những thực phẩm hữu ích và còn là những bài thuốc dân gian bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Từ ngó sen mọc ngập trong bùn, thường được chế biến thành món gỏi nổi tiếng, có tác dụng cầm máu, bổ huyết; củ sen có thể nấu thành nhiều món khác nhau như: canh củ sen hầm xương, kim chi củ sen, củ sen xào thịt… Đặc biệt ngay cả lá sen ngoài việc dùng để gói cốm, xôi, nó còn có rất nhiều công dụng chữa bệnh.
Sen bắt đầu nở từ tháng 2 đến tháng 6 (âm lịch), mùa nở rộ cũng là mùa thu hoạch hạt sen, sang tháng 7 sen bắt đầu tàn. Gặp những năm mưa lớn khoảng đầu tháng 8, cả hồ ngập nước sen sẽ tự chết rục, mùa sau lại mọc lên. Lá sen là loại có tán rộng, nhưng dường như sự to lớn ấy chẳng thể che lấp vẻ rực rỡ của những sắc hồng đang đu đưa. Tựa như những nét chấm phá trong bức tranh được bao phủ cả màu xanh của thiên nhiên, hoa sen hòa quyện và tạo nên một sức hút mê đắm lòng người. Sen mọc lên giữa bùn lầy nhưng vẻ đẹp của hoa sen thì không ai có thể khước từ.
Chỉ từ một thân cây đơn giản nhưng hầu như bộ phận nào cũng chứng tỏ mình “sinh” ra không vô ích. Không chỉ toát lên vẻ đẹp bình dị mà thanh cao, quý phái, sen đã thể hiện bản thân là một nguồn ẩm thực phong phú và là một nguyên liệu không thể thiếu của lối chơi phong nhã ướp trà sen. Hạt sen không chỉ nấu chè, nấu sôi mà tim sen còn có thế phơi khô làm trà, lá sen thỉnh thoảng trở thành nón che nắng cho tụi trẻ chăn trâu, hoa sen có thể để ngắm hoặc cắm bình. Cả cây sen đều được việc! Trồng sen tuy chỉ trang trải một phần kinh tế nhưng ở một góc khác nó đã giữ được cái hồn của thôn quê, vẻ đẹp của nó làm lòng người cảm giác bình yên hơn…
Hương quê theo dấu chân người
Thỉnh thoảng trong những dịp về thăm, thả bộ quanh những bàu sen vào mùa, ắt hẳn nhiều người sẽ không khỏi xao xuyến trước cái hữu tình ở thôn quê. Có lẽ vì thế mà chị Dương Hải Âu, quê ở Hoài Hảo cùng với những người bạn từ thành phố Hồ Chí Minh tranh thủ dịp nghỉ phép về thăm nhà đã rất thích thú khi chứng kiến cái bàu sen ở làng nở rộ. Chúng tôi gặp chị Hải Âu vào một buổi sáng khi sương còn lung linh trên những cành lá, chị hồ hởi trò chuyện: “Mình và nhóm bạn rất thích ra đây chụp hình. Sen ở quê nở nhiều và đẹp quá.
Trước khi lên xe quay lại cuộc sống sôi động ở thành phố, chị Hải Âu và những người bạn không quên mang theo những chuỗi hạt sen. Chị bảo: “Sen ở quê tươi và thơm. Mua hạt còn nguyên vỏ vào trong đó chịu khó bóc vỏ một tí mình có thể làm quà cho bạn bè. Mà mùa này nấu chè sen ăn mát lắm”.
Hạt sen ở đâu cũng bán, nhưng mua ở quê mang vào thành phố lúc nào cũng mang một ý nghĩa riêng. Những người con Bình Định đi lập nghiệp phương xa trong tiềm thức luôn muốn mang theo mình một chút gì đó hương vị của quê hương, để không chỉ giới thiệu với bạn bè mà còn nhắc nhở bản thân về một tình yêu…
Một số hình ảnh về sen ở Bình Định:
|
Trong đầm đẹp gì bằng sen… | |
| |
|
Mùa sen nở, từ 6 giờ sáng, anh Phan Văn Hạ (47 tuổi, ở thôn Phụng Du 1) đã ra bàu hái gương sen, anh cho biết, phải hái đúng vụ nếu không hạt sẽ già khó lột vỏ. Nhưng mùa thu hoạch sen bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6. Hái gương sen là một nghề thận trọng không phải ai cũng làm được vì sen mọc dày dễ bị gãy. |
|
|
Những em nhỏ cũng tham gia thu hoạch sen. |
|
|
Mùa sen về niềm vui nở tươi trên gương mặt người làng sen. |
|
|
“Vui lắm chú ạ, ra đây làm vừa được đùa giỡn, vừa có tiền. Không mệt nhọc gì đâu”. |
|
|
Gương sen được đưa về nhà, các em nhỏ thường nhận việc bóc gương sen để lấy hạt. Bóc mỗi kí hạt các em được trả 1.000 đồng, mỗi em bóc một ngày được hai mươi đến ba mươi kí. |
|
|
Bên cạnh bàu sen rộng hơn 6ha này có một làng chuyên bóc vỏ, lột lụa và đâm tim sen. Mỗi kí sen thành phẩm được trả 10.000 đồng. Trong ảnh: Cụ Diệp Thị Nhuận (83 tuổi) tuy mắt đã mù nhưng vẫn có thể lột lụa, đâm tim sen một cách điêu luyện. |
|
|
Lột lụa, đâm tim sen là công đoạn công phu, đòi hỏi người làm phải thạo việc, tỉ mỉ. |
|
|
Tim sen sau khi lấy được phơi khô có giá 300.000đồng/kg. |
|
|
Em Nguyễn Thị Thanh Trang (HS lớp 11A5, trường THPT Nguyễn Trường Tộ - An Nhơn - Bình Định) mang hoa sen đến trường tặng thầy cô. |
|
|