Trước đây, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định được nhiều người biết đến do trên địa bàn có ngôi tháp Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích quốc gia năm 1993. Ngày nay, chẳng những khu vực tọa lạc ngôi tháp đã phong quang, thu hút nhiều du khách hơn, mà Bình Lâm còn nổi tiếng là làng hoa Tết, làng nấm với những người dân hồn hậu, chất phác.
|
Sông Bình Lâm.
|
Thôn Bình Lâm hiện có 600 hộ dân, quần cư tại 5 xóm nhỏ: Bình Nga, Bình Trung, Bình Đông, Long Mai, Đồng Quan. Bình Lâm là một thôn thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa sản xuất nông nghiệp. Trước đây, người dân chỉ biết làm ruộng một năm/2 vụ, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình trông hẳn vào hạt lúa. Gần 10 năm trở lại đây, diện mạo Bình Lâm đã thay đổi dần nhờ người dân biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và năng động trong sản xuất.
Năng động trong sản xuất
Trong 5 xóm ở Bình Lâm, xóm Bình Trung và Bình Đông chuyên về trồng cúc với khoảng gần 200 hộ dân. Xóm Long Mai chuyên về trống nấm rơm và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cả thôn Bình Lâm có khoảng 100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, gần 50 hộ trồng nấm rơm. Hai xóm Bình Nga và Đồng Quan là chuyên canh lúa và hoa màu.
Tuy nhiên dù là chuyên canh thức gì thì hầu như nhà nào cũng có một ít ruộng lúa, người Bình Lâm lấy đó là chỗ dựa cơ sở. Ngoài ra, bà con còn kết hợp trồng nhiều cây trồng khác, chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình. Mùa nào thức ấy, mảnh đất của các gia đình trong thôn Bình Lâm luôn phủ dồi dào sức sống, sinh sôi, nảy nở. Ngoài 2 vụ lúa trong năm, người dân thôn Bình Lâm trồng hoa cúc và vụ hoa lớn nhất trong năm là vào dịp Tết. Cúc Bình Lâm góp phần quan trọng làm nên thương hiệu Cúc Bình Định. Những ngày cuối năm, Bình Lâm khoác lên mình chiếc áo vàng hoa cúc. Những chuyến xe chở mùa xuân ở Bình Lâm ra Bắc vào Nam.
|
Thôn Bình Lâm thành danh là làng hoa Tết với hoa cúc - loại hoa được trồng nhiều nhất. Trong ảnh: Người dân Bình Lâm chăm sóc vườn hoa cúc.
|
Cúc ở Bình Lâm được trồng nhiều nhất ở hai xóm Bình Trung và Bình Đông. Mùa hoa tết Bình Lâm bắt đầu từ tháng 8 đến tháng Chạp, sau hơn 4 tháng vun trồng, những chậu cúc kim, cúc đại đóa, cúc pha lê… rộ hoa vàng. Hiện nay với sự hỗ trợ của chính quyền, người làng hoa đang cố gắng xây dựng Bình Lâm thành làng hoa trong nay mai.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng thôn thôn Bình Lâm, cho biết: “Nghề trồng cúc gắn bó với người dân từ nhiều năm nay. Ở Bình Lâm, mùa hoa cúc chỉ có mấy tháng cận tết nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng rau các loại. Vì thế, ngày càng có nhiều gia đình đầu tư trồng hoa cúc bán mùa hoa tết. Trồng hoa cúc ở Bình Lâm chỉ theo thời vụ, nhưng nhiều năm nay hoa cúc Bình Lâm đã nức tiếng khắp vùng. Bà con trong thôn đang cố gắng để đưa làng hoa Bình Lâm trở thành làng nghề trong nay mai”.
Hết mùa cúc tết, những luống đất lại phủ xanh bởi ngô, đậu, rau và những loại cây ngắn ngày khác. Không để đất trống, trên những mảnh đất đó luôn được đánh thức bởi mầm sống của hoa, cỏ. Việc thay đổi cây trồng, luân phiên đã tăng thêm nguồn thu nhập cho cuộc sống của người dân trong vùng.
|
Những luống đất được phủ màu xanh của ngô, rau, đậu. Bác Bảy đang cuốc đất, làm cỏ cho những cây ngô non.
|
Bình Lâm cũng được biết đến với nghề trồng nấm rơm. Nghề nấm xuất hiện rộ ở Bình Lâm trước cả chục năm so với nghề trồng hoa tết. Khi đó nấm rơm xuất hiện khắp trong thôn nhưng nay chỉ tập trung ở xóm Long Mai – khu vực thích hợp nhất với nghề này, với khoảng 30 hộ gia đình. Nghề trồng nấm rơm đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật, thức khuya dậy sớm, bù lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những cây trồng khác. Trồng nấm rơm, người dân tận dụng được nguồn nguyên liệu sau thu hoạch cây lúa. Sau mùa gặt, những rơm rạ được đem phơi khô để sẵn sàng cho vụ nấm rơm. Sau khoảng 11 ngày cấy meo vào rạ, người dân có thể thu hoạch nấm rơm. Toàn bộ nấm rơm trong vùng được thương lái mua tận vườn và đem về các chợ bán. Giá bán tại vườn giao động từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/1kg.
Ông Trần Quang Lộc (xóm Long Mai, thôn Bình Lâm), cho biết: “Ở Bình Lâm chúng tôi thường gọi là trồng nấm rạ bó. Rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa được phơi khô, buộc thành bó và sắp thành luống để trồng nấm nên người dân gọi vậy. Nhiều gia đình ở đây phải mua rơm, rạ từ nơi khác về để phục vụ việc trồng nấm rơm quanh năm. Trồng nấm rơm cho lợi nhuận cao, nhưng đòi hỏi người trồng nấm phải nắm vững kỹ thuật, chịu khó. Nhà tôi trồng nấm quanh năm, và từ quãng 8 – 9 năm nay, sau mùa lúa, gia đình tôi tập trung toàn lực cho việc trồng nấm. Vào dịp tết gia đình tôi cũng trồng thêm hoa cúc. Tôi hay nói vui, làm lúa để có cái ăn, làm nấm để có cái chi dụng hàng ngày, còn trồng hoa là để có thêm tích lũy. Nhờ có thu nhập ổn định, tôi nuôi con ăn học tới nơi tới chốn. Con trai tôi đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM và đang công tác tại Vũng Tàu 2 năm nay. Bây giờ vợ chồng tôi gắn với nghề nấm để tích lũy cho tuổi già”.
|
Bà Phạm Thị Loan, mẹ anh Võ Thanh Hiền cho vịt xiêm ăn. Trang trại của anh Hiền hiện có hơn 2.000 con gà, 500 con vịt xiêm và 100 con lợn thịt. Ngoài chăn nuôi gia đình anh Hiền còn trồng khoảng 1.000m2 nấm rơm.
|
Bình Lâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Nhiều gia đình trong thôn Bình Lâm đổi đời nhờ biết làm giàu từ mảnh đất quê mình. Trồng trọt kết hợp chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều gia đình và xuất hiện những người con Bình Lâm chăm chỉ làm ăn, vươn lên trong nghèo khó. Điển hình về làm kinh tế giỏi ở Bình Lâm như quán quân làng hoa Nguyễn Ngọc Tùng, ông Đinh Châu Lan chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại chăn nuôi và trồng nấm rơm của anh Võ Thanh Hiền...
Anh Hiền, chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí làm việc một thời gian tại TP Hồ Chí Minh nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Một thời gian sau tôi trở về quê và bắt đầu tìm hiểu về chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu từ mảnh đất quê mình. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Thiếu kinh phí, chưa hiểu hết kỹ thuật trong chăn nuôi nhiều lúc cũng nản. Nhưng rồi nhờ kiên nhẫn học hỏi, tôi đã gặt hái kết quả khá tích cực. Hiện gia đình tôi nuôi 2.000 con gà, 500 vịt xiêm và hơn 100 con lợn thịt. Mỗi năm, gia đình anh tôi nuôi khoảng 3 lứa gà (2000 con/ lứa), 2 lứa lợn (80 con/ lứa) và vịt xiêm (150 con/ lứa). Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng thu được trên 200 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, gia đình tôi cũng trồng hơm 1.000m2 nấm rơm. Trồng nấm rơm cũng gắn bó với gia đình tôi khoảng hơn 5 năm nay”. Gia đình anh Hiền có 4 nhân khẩu, mẹ và anh Hiền là lao động chính trong nhà. Bà ngoại anh đã ngoài 80 tuổi và bố anh đau cột sống nhiều năm nay.
|
Tháp Bình Lâm – di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia – niềm tự hào của người dân Bình Lâm.
|
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, người dân trong thôn chăm lo việc học tập cho con em. Nhiều gia đình trong thôn Bình Lâm nuôi con ăn học thành đạt như gia đình ông Nguyễn Bá Hồng, gia đình bà Nguyễn Thị Thu (Bình Trung), gia đình ông Trần Quang Lộc (Long Mai)...
Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng thôn thôn Bình Lâm, cho biết: “Nhìn chung đời sống của người dân trong thôn ngày càng cao, con em được giáo dục và học hành tốt. Những năm qua, học sinh thôn Bình Lâm thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều và chiếm tỷ lệ cao trong toàn huyện. Chính quyền địa phương luôn chăm lo đến đời sống của người dân, tạo điều kiện và khuyến khích lớp trẻ làm kinh tế giỏi. Toàn thôn có 53 hộ nghèo, những hộ này chỉ yếu là người già độc thân và đau yếu. Chính quyền địa phương và người dân trong thôn cũng luôn quan tâm và chăm sóc cho họ. Năm 2006, thôn Bình Lâm được công nhận làng văn hóa, đến nay chính quyền và người dân thôn Bình Lâm đang cố gắng hoàn thiện những chỉ tiêu xây dựng một nông thôn mới, đưa Bình Lâm ngày càng đi lên”.
|