Mưu sinh trên ngọn dừa
20:39', 11/3/ 2012 (GMT+7)

Hầu hết đàn ông ở Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân đều giỏi leo dừa. Họ lao động trên ngọn dừa nhiều hơn ở đồng, dẫu biết nghề thu hái dừa có nhiều rủi ro khó lường.

 

Tróc dừa tại gốc.

 

Mờ sáng, đỉnh đèo Bằng Lăng - nơi giao nhau giữa hai huyện Phù Mỹ - Hoài Ân hơi sương mát dịu. Từ phía hồ Thạch Khê (Hoài Ân), những chiếc xe thồ lần lượt vượt đèo, xuôi về những vùng dừa mênh mông. Xe đi trong lặng lẽ, tách rời, tất bật, mất hút trong màu xanh điệp trùng cây trái. Chủ nhân những chiếc xe thồ ấy là những người leo- mua dừa ở xã Ân Tường Đông, đang hành trình mưu sinh.

Lùng sâu, leo cao, bán xa

Sau nửa giờ đồng hồ bám sát, vòng vèo, rẽ ngang, cắt dọc, tôi tiếp cận được chủ nhân chiếc xe thứ mười lăm - anh Nguyễn Tấn Trực ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông đang ngã giá dừa tại một vườn dừa ở thôn Trung Bình, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ. Thỏa thuận xong giá mua với chủ, anh vào chuyện cùng tôi: “Dừa được trồng quanh vườn nhà hộ dân theo địa bàn dân cư: thôn, xóm, chòm. Có nơi còn trồng dừa ở hóc, gò, cồn, giữa đồng cách trở. Dừa của hộ dân ven trục đường chính dễ thấy, tiện mua, nên hầu hết không còn. Muốn đủ chuyến, vừa giá, người mua dừa phải chịu khó đi sớm, vào sâu, săn lùng những nơi hẻo lánh, thậm chí nơi không có đường xe vận chuyển. Mua được dừa, lắm lúc người mua phải vác nhiều chuyến, vượt nửa cây số mới  ra được nơi để xe máy”.

Tạm ngừng câu chuyện, anh Trực tròng dây nài vào đôi bàn chân, nhanh nhẹn cầm rựa phóc lên cây dừa. Anh thoăn thoắt leo như chú sóc chuyền cành. Thoáng chốc, anh đã vút lên ngọn dừa cách mặt đất tầm 14m. Điểm mua dừa của anh đã chạm. Đó là ngọn dừa chót vót trên cao, bốn bề đầy nắng gió; nhìn xuống sâu hun hút đến chóng mặt.

Từ mặt đất nhìn lên ngọn dừa, dáng anh Trực nhỏ xíu, lềnh bềnh, một tay vịn tàu, một tay vặn trái, thả dừa theo điểm đã định. Dừa rơi đì đùng. Người hái cứ hái, dừa rơi cứ rơi. Hái không nhầm, rơi không sai, tất cả diễn ra như định sẵn. Hái xong dừa, anh tiếp tục “làm cỏ dừa”. Đó là việc chặt dọn buồng, bẹ, áo, mo khô cho dừa…

Tại sao không mua dưới đất lại phải leo cao, nguy, khó? Tôi thắc mắc. Anh cho biết: “Chỉ những cây dừa cao mới còn trái già, khô để mua. Dừa cao, chủ nhà không khèo, leo được mới còn trái mà bán. Còn “làm cỏ” sẽ giúp dừa ra nhiều trái mùa sau. Chủ nhà ưng bụng sẽ để dành dừa bán cho mình!” . . .

Chạm đất, chưa kịp nghỉ ngơi, anh Trực bắt tay ngay vào việc tróc dừa. Chọn một vị trí rộng dưới gốc, anh ngồi, kẹp dao lóc vào chân, hai tay vừa ôm dừa phập vào đầu dao, vừa cạy, tách vỏ xơ ra khỏi sọ dừa. Các thao tác tróc dừa diễn ra thành thục, đều, nhanh. Thoáng chốc, dừa tróc lăn lông lốc chật kín gốc. Nhìn mặt trời lên cao, anh khẩn trương chất dừa vào đôi giỏ sắt chờ sẵn. Dừa còn được cơi thêm hai túi lưới trên giỏ, trông vun chùn, đầy ắp. Xe dừa vừa chuyến tựa vào gốc cây, sẵn sàng xuất phát.

Rửa tay, mở túm cơm dỡ với miếng cá khô nướng, anh Trực ngồi dưới gốc dừa ăn nhanh bữa trưa đơn lẻ... Giao tiền cho chủ nhà xong cũng là lúc mặt trời đứng bóng. Chia tay với tôi, anh Trực cùng xe dừa nặng trên ba tạ bắt đầu chuyến hành trình xuyên huyện với tuyến đường trên 40 km. Điểm bán dừa, anh Trực và những người mua dừa thường đến là các đại lý thu gom dừa ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Xe chở dừa phải vượt hết các ngõ ngách của chòm, xóm mới ra được đường bê tông thôn, xã rồi mới đến được quốc lộ. Xe dừa cồng kềnh, nặng, tay lái anh Trực chao đảo liên tục, nhất là lúc mới xuất phát.

 

“Làm cỏ ” cho dừa.

 

Khó khăn và rủi ro

Tâm sự với tôi tại một vườn dừa ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, anh Nguyễn Hồng Tưởng cùng thôn với anh Trực bộc bạch: “Không tính công trèo, tróc, mỗi trái dừa chúng tôi mua tại gốc hiện nay là 4.500 đồng. Chở đến điểm thu mua, chúng tôi bán được 6.000 đồng/trái. Một xe dừa 200 trái, chúng tôi bán, lãi được 300 ngàn đồng. Trừ chi phí xăng, nhớt, còn 250 ngàn đồng. Đó là ngày được. Còn ngày không có dừa, mua ít thì thu nhập không được bao nhiêu”.

Mua dừa phải leo, hái, “làm cỏ” đã đành. Lắm cảnh khó khăn mà người mua dừa còn phải đối mặt. Anh L.V.Q cùng ở thôn với anh Trực và anh Tưởng tâm sự: “Đường chở dừa đến điểm bán rất xa. Dừa tróc rồi nhưng vẫn cứ to, nặng. Mỗi xe chỉ chở được 180-200 trái.  Anh em chúng tôi tranh thủ leo, hái, tróc dừa ngay trong buổi sáng, ăn trưa qua loa rồi vội đưa dừa đi trong nắng trưa. Vận chuyển dừa giữa trưa khét nắng, có lúc xe xẹp lốp giữa đường đồng. Xe nặng, tiệm vá lốp gần – xa chưa biết, chúng tôi vừa ì ạch đẩy xe, vừa dò hỏi tiệm sửa. Mồ hôi chảy ướt cả người. Nhiều lúc gặp những cây dừa có dây leo quấn quanh như trầu, tiêu, thanh long, chủ nhà phán một câu xanh rờn: “Leo sao leo, dập, đứt dây phải đền!”... Gặp phải những trường hợp này, không leo thì không đủ chuyến, còn leo thì lo nơm nớp, phải bỏ dây nài, vừa vạch dây bám cây, vừa né ngọn dây, rất khó! Khó hơn nữa là gặp phải những cây dừa quanh gốc có nhiều cây cảnh. Chỉ cần sơ sót nhỏ lúc thả dừa, làm gãy một vài cành cây là chủ nhà mắng mỏ không thương xót, thậm chí phải đền cả cây cảnh”.

Khó khăn là vậy, rủi ro cũng không ít. Anh Trực cho hay: “Vào mùa nắng, trên ngọn dừa thường có ong vò vẽ làm tổ. Tổ ong đóng khuất. Người mua dừa dưới đất không nhìn thấy, cứ thế leo. Leo đến nơi, ong vù vù túa ra đốt không kịp trở tay. Có người bị chúng phủ nguyên cả đàn, vội vã tuột xuống, ra về hoặc vào bệnh viện. Mặt mày, tay chân sưng húp, mê man suốt mấy ngày liền. Nguy hiểm hơn là lúc lên cao, tay chân bị vọp bẻ. Lên không được, xuống không xong, anh em phải cố ghì thân dừa bằng tay, chân còn lại, chờ cơn vọp bẻ đi qua mới leo tiếp. Anh Lê Văn Nhanh cùng xã tôi, vì nắm phải bẹ dừa khô, rơi từ trên cao xuống, giờ phải chịu cảnh tật nguyền. Đáng sợ hơn cả là những cây dừa có rắn độc trên ngọn. Chúng lên được cây dừa từ những cành cây kế bên. Rắn nằm dưới bẹ dừa chờ ăn bọ, chuột, đụng phải chân người, chúng đớp ngay. Có người xuống kịp, được đưa đi cấp cứu. Có người xuống nửa cây, chịu hết nổi, thả tay…”.

 

Leo dừa mua trái.

 

Thói quen và hoàn cảnh

Theo anh Trực, hầu hết đàn ông, thanh niên ở Ân Tường Đông đều giỏi leo dừa. Có người biết leo từ năm mười hai tuổi. Có người cả ngày rong ruổi trên ngọn dừa, hết bẫy chuột, bắt bọ đến hái trái, “làm cỏ”… lao động trên ngọn dừa nhiều hơn ở đồng.

Anh Trực còn cho biết: “Nghề leo - mua dừa của người Ân Tường Đông hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước và rộ lên từ những năm 2000 - khi các xí nghiệp dầu thực vật và các cơ sở sản xuất dầu ăn, bánh kẹo dừa trong tỉnh mọc lên nhiều. Người Ân Tường Đông lúc bấy giờ sẵn có thói quen leo dừa nên dễ dàng vào nghề leo - mua, cung cấp dừa và theo nghề từ đó. Ở Ân Tường Đông hiện có khoảng 30 người làm nghề leo - mua dừa. Toàn huyện có trên trăm người làm nghề này. Họ lùng leo, mua bán quanh năm, chỉ trừ những ngày mưa. Họ là những trụ cột gia đình, rong ruổi, mưu sinh từng ngày. Có người theo nghề từ cha. Có người theo anh em hàng xóm mua bán. Có người chỉ mua dừa trong địa bàn huyện. Có người lên tận An Khê – Gia Lai mua, đi về trong ngày đêm. Và nhiều hơn cả vẫn là số người đến mua ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát”… Điều đáng nói hơn, trong số những người leo - mua dừa ở Ân Tường Đông, có không ít người có hoàn cảnh khó khăn, như: Anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Lộc Giang, vừa leo - mua dừa vừa chăm sóc cha mẹ già, lo thuốc thang cho vợ đau ốm, nuôi con thơ học hành.

Suy nghĩ về nghề nghiệp của mình, anh Trực bùi ngùi: “Ruộng ít, đất hẹp, không vốn; nhà máy, xí nghiệp lại ở xa, nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, ơn nghĩa, học hành của con cái và gia đình tăng cao nên phải lặn lội, leo trèo kiếm ngày công phụ cùng vợ con. Dẫu biết nghề này có nhiều rủi ro khó lường nhưng anh em quen rồi, không theo thì không biết làm gì, ngồi không coi sao được!”.

  • TẤN PHƯỚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Lâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới  (11/03/2012)
Quyến rũ mùa sen Bình Định  (08/03/2012)
Ngày mới trên Cảng Quy Nhơn  (04/03/2012)
Người có “bàn tay vàng”  (26/02/2012)
Công việc giúp tôi sống thiện hơn  (19/02/2012)
Muốn dùng điện ảnh giúp công chúng hiểu thêm về Bình Định  (17/02/2012)
Giữ màu cho hoa  (14/02/2012)
Nỗi lo lắng từ các ao tôm tự phát ở Mỹ Thành  (10/02/2012)
Sức xuân bài chòi  (05/02/2012)
Ông Tiên “nấm rơm”  (03/02/2012)
Những nẻo đường xuân  (29/01/2012)
Tin vui từ khơi xa đua nhau ùa về  (25/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (24/01/2012)
Dọc những miền hoa  (20/01/2012)
Những người làm đẹp thành phố  (20/01/2012)