Vĩnh Lợi – mùa biển vui
19:48', 18/3/ 2012 (GMT+7)

Gần hai tháng qua, làng chài Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ liên tiếp đón nhận nhiều chuyện vui. Khởi đầu là chuyện “Ông lị” (cá voi chết dạt vào bờ), tiếp đến tin vui trúng mùa đánh bắt xa bờ. Làng chài Vĩnh Lợi vốn trù phú nay thêm phần bề thế, nhộn nhịp hẳn lên.

 

Bến Đò Vĩnh Lợi.

 

Từ chuyện vui ở làng…

Tin “Ông lị” ở làng Vĩnh Lợi bay từ chợ biển, chợ quê đến chợ huyện rồi loang xa dần, thu hút nhiều khách thập phương và những người con Vĩnh Lợi xa xứ về làng cúng Ông. Theo chân người quen, tôi đến Vĩnh Lợi vào một ngày nồm nam phớt nhẹ. Lúc này, làng đang tất bật lo việc tập dượt nghi lễ chuẩn bị cúng bốn chín ngày Ông lị nên tôi được dịp tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người. Biết tôi đến đốt hương cho Ông nên làng rất quý. Họ cởi mở chân tình, san sẻ niềm vui với khách như người thân. Ông Võ Văn Hoàng – chủ tang cá Ông- vồn vã kể tôi nghe chuyện Ông lị: “Lúc ấy, bảy giờ sáng mùng tám tháng giêng năm Nhâm Thìn, con trai tôi tên Hà trên đường đi mành tôm đã phát hiện Ông lị đang được một Ông sanh (cá voi sống) dìu ngược nước về hướng bãi Vũng Bầu. Nó điện tôi. Tôi luýnh quýnh, cuống cuồng chạy gọi làng cùng ra đón. Thấy có người đến, Ông sanh giương cờ (kỳ cá), dìu tiếp một đoạn nước xiết rồi hạ cờ trở ra biển. Người làng vui mừng nhảy tõm xuống nước, tròng dây vào Ông, cho ghe kéo chậm về bãi Bến Đò (nơi có lăng Ông Đại Nam Hải). Ông mới này to lắm, dài 12 m, nặng chừng 10 tấn! Biết là phúc lớn của làng nên mọi người gác hết việc nhà, cùng tham gia đưa Ông vào bờ. Làng chặt cây làm bàn lược để nâng Ông. Lên bờ được một đoạn, đuôi vừa khỏi nước thì Ông không chịu đi nữa. Người làng cố sức hè nhưng không nhích nổi dù chỉ một cm. Có lẽ Ông đã chọn nằm dưới, liền kề bên lăng Ông Đại nên mới nặng như vậy. Thế là làng lo đến chuyện chuyển cát, vào bao, xếp chất mộ Ông. Hôm sau, mùng chín, làng phủ cát, lợp xong ngôi mộ và xây điện thờ dưới chân Ông nằm!”.

Thấy ông Hoàng đeo khăn tang màu đỏ, tôi tò mò. Ông giải thích: “Con tôi phát hiện Ông lị nhưng nó còn nhỏ, tôi là cha nên để tang Ông ba năm. Tôi cùng với làng lo tuần tự ba ngày, bảy ngày, hai mươi mốt ngày, bốn chín ngày, giáp năm, ba năm rồi chuyển hài cốt Ông về lăng mới thờ tự. Lúc này, mới hết tang. Màu tang đỏ là màu phúc đó chú à! Làng nào được Ông lị là làng ấy có phúc, hưởng được nhiều lộc biển. Tính Ông này nữa là làng tôi trước, giờ có trên hai mươi Ông lị. Những hài cốt lâu đời, làng cho vào sành, đặt thờ ở từ đường Ông!”.

Trò chuyện với cụ bà Nguyễn Thị Trúc (80 tuổi) về chuyện Ông lị, bà hớn hở: “Mùng mười tháng ba đến, làng tổ chức chèo hầu hai đêm cho hai Ông, sẽ vui lắm chú. Hiện nay bà con đã tập luyện kỹ càng, hào hứng lắm!”.

 

Mộ cá Ông mới chôn ở Vĩnh Lợi.

 

…đến chuyện vui trên biển

Ông Lê Văn Trường- trưởng vạn chài Vĩnh Lợi- có con tên Lê Văn An là thuyền trưởng đang đánh bắt xa bờ, cho biết: “Hiện ở Vĩnh Lợi có trên 200 tàu đánh cá đang hoạt động. Trong đó có 150 chiếc đánh bắt xa bờ. Một số gia đình đã sắm được ba, bốn chiếc; lập thành tổ đánh bắt rất hiệu quả như gia đình ông Nguyễn Của, Ba Trường. Tàu của Vĩnh Lợi chủ yếu đánh bắt ở các ngư trường quanh đảo Côn Sơn, Phú Quý, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn. Tàu hoạt động mạnh vào những đêm tối trời. Đêm trăng và ngày gió, tàu nghỉ hoặc tránh gió trong đảo. Chuyến đi xa bờ của ngư dân Vĩnh Lợi không định ngày. Nhiều cá, họ ở lâu, ít cá về sớm. Có khi họ nghỉ vài ngày tại nhà rồi lại sắm chuyến ra khơi, tìm ngư trường mới. Họ đánh bắt và bán ngay trên biển cho các chủ vựa ở Vũng Tàu. Chủ vựa tiếp dầu, lương thực, nước ngọt ra tận nơi cho họ.

Niềm vui Ông lị chưa dứt, tin vui trúng mùa cá chỉ, cá nục từ biển khơi dồn dập bay về. Cả làng tưng bừng, ngây ngất niềm vui. Ông Trường vui vẻ khoe: “Chôn cất Ông được vài ngày thì tin vui từ con tôi và các chủ tàu đang đánh bắt xa bờ dội về tới tấp. Họ bảo trúng lớn, điện về để mừng. Các tàu đánh bắt ở ngư trường phía Nam trúng đậm hơn. Trung bình mỗi tàu ở đây thu từ 800 triệu đến một tỉ đồng. Nhà có nhiều tàu cùng trúng như nhà ông Của, nhà ông Trường thu được ba, bốn tỉ đồng! Chủ vựa đưa 10 chiếc tàu loại 80 tấn ra biển gom cá nhưng đều bứt đá (hết chỗ chứa). Họ phải điện cho các chủ vựa nhỏ ra chia mới hết cá!”.

Xin được số điện thoại anh Lê Văn An, từ Vĩnh Lợi, tôi gọi ra ngư trường đảo Côn Sơn. Lúc này, anh An đang chạy thăm dò chuyến hai ở 0,80 Bắc, 1060 Đông. Anh cho biết: “Sau gió mấy ngày, anh em bạn đã ra biển trở lại. Các tàu vẫn liên lạc thường xuyên. Thời tiết lúc này thuận lợi, rất có thể tìm được vùng nhiều cá như đợt một!”.

Chuyện Ông lị và chuyện trúng cá ở Vĩnh Lợi cứ làm tôi bán tín bán nghi. Nhưng rồi tôi đã hiểu bí quyết nào giúp ngư dân Vĩnh Lợi đánh được nhiều cá, thu được lãi cao, trong khi rất nhiều tàu nơi khác liên tục lỗ tổn hoặc hoàn vốn do không dò ra nguồn cá mà giá dầu, chi phí chuyến cao. Ông Trường tiết lộ: “Ngư dân Vĩnh Lợi khi xa bờ, rất coi trọng việc chia sẻ nguồn cá. Họ thường thăm dò, đánh bắt gần nhau. Tàu nào phát hiện nguồn cá lớn, đánh không hết, lập tức điện các tàu xung quanh tới cùng đánh. Trước đây, Vĩnh Lợi không trúng nhiều, gần đây thường trúng đậm là nhờ tàu đã trang bị máy dò quét hiện đại. Giá mỗi máy hiện nay lên đến sáu, bảy mươi triệu đồng! Loại máy này dò được cá trong phạm vi rộng, sâu, gấp nhiều lần máy cũ. Hiện tàu Vĩnh Lợi có trên trăm chiếc trang bị máy này. Mỗi chuyến ra khơi, sắm khởi điểm của một tàu khoảng 80-90 triệu đồng. Chuyến đầu năm nay chỉ khoảng 1/4 tàu Vĩnh Lợi huề vốn, còn lại đều trúng lớn!”.

 

Một cơ sở đan, vá lưới ở Vĩnh Lợi.

 

Bình yên và giàu có

Đi dọc bãi Bến Đò, đến Từ đường Lăng Ông, ngồi dưới tán dừa xanh ngắm nhìn biển nước, nghe hàng dương thì thào với gió, tôi thấy Vĩnh Lợi thật thơ mộng. Vĩnh Lợi hôm nay đã chia thành ba thôn: Vĩnh Lợi 1, 2, 3 nằm gối nhau. Mặt làng hướng ra biển lớn, lưng tựa vào cồn cát vững chãi, bề thế, ấm mát bốn mùa. Lòng vòng trong làng hơn nửa giờ đồng hồ, đến đâu tôi cũng bắt gặp những lối đi xi măng sạch tươm, nhà cửa san sát, kiên cố. Ngược ra bãi sau, tôi lại bắt gặp nhịp sống hối hả tuôn chảy trên từng đôi tay, ánh mắt của chị em ngồi đan, vá lưới. Rất nhiều cụ già thong thả ngồi hóng mát, nghêu ngao mấy câu hò bá trạo.

Sau mấy lần lạc lối, tôi đã tìm đến được nhà anh Nguyễn Văn Minh – thôn trưởng thôn Vĩnh Lợi 3. Vồn vã, cởi mở, anh cho biết: “Làng chài Vĩnh Lợi có hơn ngàn hộ dân. Đa số làm biển. Đàn ông - trừ người già và con nít- đều ra khơi. Phụ nữ buôn bán, vá lưới, chăm lo nhà cửa, con cái!”.

Khi đề cập đến đời sống dân chài Vĩnh Lợi, anh Minh chia sẻ: “Dân ở đây rất thuần. Mặc dù nhà cửa san sát nhưng hiếm khi xảy ra mất cắp hay cãi vã to tiếng. Ngược lại, dân làng biết đùm bọc, bảo ban lẫn nhau. Thu nhập bình quân trên đầu người hiện nay trên 25 triệu đồng/người/ năm. Nhà ở của dân Vĩnh Lợi đã khác xưa rất nhiều. Tỉ lệ nhà cấp bốn chiếm 80%, nhà mê: 20%. Hầu hết hộ dân có đủ phương tiện nghe nhìn. Máy tính nối mạng và internet đã bắt đầu phổ biến. Vĩnh Lợi đã có gần 20 người mua được nhà, đất ở Quy Nhơn, Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Con em Vĩnh Lợi hiếu học. Cả làng có gần 250 con em đã và đang học đại học, cao đẳng. Làng có chi hội khuyến học khuyến tài, có nhiều gia đình hiếu học được khen thưởng hàng năm!”.   

  • TẤN PHƯỚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
THÔNG BÁO CUỘC THI VIẾT “BÚT KÝ - PHÓNG SỰ - NHÂN VẬT” TRÊN BÁO BÌNH ĐỊNH  (17/03/2012)
Mưu sinh trên ngọn dừa  (11/03/2012)
Bình Lâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới  (11/03/2012)
Quyến rũ mùa sen Bình Định  (08/03/2012)
Ngày mới trên Cảng Quy Nhơn  (04/03/2012)
Người có “bàn tay vàng”  (26/02/2012)
Công việc giúp tôi sống thiện hơn  (19/02/2012)
Muốn dùng điện ảnh giúp công chúng hiểu thêm về Bình Định  (17/02/2012)
Giữ màu cho hoa  (14/02/2012)
Nỗi lo lắng từ các ao tôm tự phát ở Mỹ Thành  (10/02/2012)
Sức xuân bài chòi  (05/02/2012)
Ông Tiên “nấm rơm”  (03/02/2012)
Những nẻo đường xuân  (29/01/2012)
Tin vui từ khơi xa đua nhau ùa về  (25/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (24/01/2012)