Võ sư Bùi Trung Hiếu:
“Tôi vẫn luôn gắn mình với võ cổ truyền”
21:30', 25/3/ 2012 (GMT+7)

Trưởng thành từ VĐV, HLV và giờ đã chuyển sang làm công tác quản lý, nhưng võ sư Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, vẫn dành ưu tiên cho việc xây dựng và phát triển võ cổ truyền, coi đó như trách nhiệm mà mình phải tham gia bằng tất cả sự nhiệt tâm.

 

Để giữ được thành tích cao tại các giải vô địch toàn quốc nhiều năm liền, Đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định luôn tập luyện với cường độ rất cao.

- Trong ảnh: Võ sư Bùi Trung Hiếu và các học trò trong một buổi tập.

 

Người thầy mẫu mực

Phát hiện và đào tạo nhiều VĐV xuất sắc, đem về nhiều vinh quang cho Bình Định tại các đấu trường lớn suốt gần 10 năm qua, võ sư Bùi Trung Hiếu khẳng định được sự vững vàng trong chuyên môn. Còn với các học trò, ông cũng luôn nhận được sự kính trọng bởi tính nghiêm khắc nhưng cũng dễ gần.

* VĐV đối kháng ở nhiều địa phương khác, thậm chí ở đội tuyển quốc gia thường là nỗi lo của các nhà quản lý, bởi thường thiếu ý thức trong sinh hoạt và gây ra những vụ lộn xộn đối với những người xung quanh. Vậy, ông đã làm gì để hạn chế tình trạng tương tự xảy ra ở đội tuyển võ cổ truyền Bình Định?

- Với tôi thì một VĐV đối kháng cần có tính chiến đấu cao, luôn hừng hực khí thế khi xung trận, thậm chí, ngoại hình có “ngầu” một chút cũng tốt vì sẽ tạo tâm lý e dè cho đối phương. Nhưng đó là khi thi đấu, còn trong sinh hoạt hàng ngày và tập luyện vẫn phải thể hiện tác phong và lời nói như một người bình thường. Vì vậy, bên cạnh việc truyền đạt về chuyên môn, tôi vẫn luôn nhắc nhở học trò giữ gìn đạo đức, cư xử đúng mực. Bản thân tôi cũng phải như vậy để làm gương cho học trò.

* Người ta thường nói rằng, các võ sư thường giữ lại một số chiêu, thế “độc” để thủ thân hoặc phòng khi học trò phản trắc, liệu ông có nằm trong số này?

- Với một nhạc sĩ, những bài hát do mình sáng tác được ca sĩ có tài năng thể hiện thì tác phẩm đó mới có cảm xúc. Tôi cũng quan niệm nghiệp của mình như vậy. Nếu mình không truyền hết những gì mình có cho học trò, thì khi các em thi đấu không thành công, chính tên tuổi của mình cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, chẳng việc gì tôi phải giữ lại chút gì đó cho mình. Những người có học trò phản trắc là do họ không biết nhìn người, hoặc đối xử không tốt với học trò. Còn tôi chưa làm điều gì không phải với học trò thì sao lại sợ chúng phản tôi.

* Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với ông trên con đường võ thuật?

- Đó chính là thầy Kim Đình. Dù ở mỗi người thầy, tôi đều lĩnh hội được những cái hay riêng về võ thuật, nhưng khi được tiếp xúc với thầy Kim Đình thì tôi ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với bộ môn võ cổ truyền. Chính thầy đã truyền ngọn lửa đam mê cho tôi, để tôi có đủ dũng khí và quyết tâm theo đuổi môn võ đến cùng. Tôi học được rất nhiều từ thầy Kim Đình về phong cách khi đứng lớp và cách truyền đạt với học trò; đến giờ, phần lớn thành công của tôi cũng chính là do dựa theo những kiến thức và cách làm tiếp thu từ thầy Kim Đình.

 

Võ sư Bùi Trung Hiếu cùng cậu học trò cưng Lê Trung Kỳ tại Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010.

 

Không bao giờ tự mãn

Nắm đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định từ khi chưa đầy 30 tuổi và ngay lập tức đem đến những thành công bằng hàng loạt huy chương quý giá tại các giải toàn quốc. Nhưng, Bùi Trung Hiếu vẫn chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì đã có…

* Đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định đã giành được rất nhiều thành công lớn, nhưng khi còn là HLV của đội, chưa bao giờ thấy ông có ý định dừng lại?

- Nhiệm vụ của chúng tôi là tập luyện và thi đấu tốt để đem thành tích cao nhất về cho tỉnh nhà nên phải luôn cố gắng. Tôi hiểu rằng chỉ cần buông lỏng ở một giải đấu thì rất khó để lấy lại vị trí của mình. Mà khi chuẩn bị cho một giải đấu với tư tưởng không tốt, cứ để mặc kết quả thế nào cũng được thì chắc chắn thái độ tập luyện của VĐV sẽ thiếu nghiêm túc, ảnh hưởng lớn về lâu dài. Vì vậy, dù có bị mang tiếng “tham lam”, nhưng tôi vẫn yêu cầu học trò thể hiện hết khả năng của mình khi bước vào thi đấu.

* Trong các cuộc tranh tài lớn, ngoài yếu tố chuyên môn thường có những tác động từ nhiều phía làm ảnh hưởng đến thành tích của các đoàn. Đã bao giờ ông rơi vào những tình huống nhạy cảm đó?

- Nói thật là tôi đã nhận được không ít “lời đề nghị khiếm nhã” từ lãnh đạo, HLV các đoàn khác, nhưng tôi luôn biết cách từ chối. Bởi, nếu tôi chấp nhận một cuộc trao đổi nào đó thì làm sao ăn nói với học trò của mình? Tôi không thể chỉ đạo cho VĐV của mình thua cuộc ở bất kỳ trận đấu nào, vì như vậy sau này làm sao còn dạy dỗ được các em. Do đó, dù có lúc biết cuộc chơi đã được sắp đặt từ trước, tôi vẫn hướng các học trò tập trung nhiều hơn vào chuyên môn để nếu có thua thì cũng trong thế ngẩng cao đầu. Cũng chính vì còn có nhiều yếu tố tác động đến chuyên môn nên tôi phải yêu cầu học trò tập luyện nghiêm túc, thi đấu thuyết phục để hạn chế tối đa những điều không hay có thể đến với mình.

 

Võ sư Bùi Trung Hiếu (thứ hai, từ phải sang) cùng các thành viên Đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định giành thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2010, được nhận phần thưởng của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

 

Hết mình vì võ cổ truyền

Hiện đang nắm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, nhưng võ sư Bùi Trung Hiếu vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến bộ môn võ cổ truyền. Võ sư chính là chỗ dựa tinh thần cho các thành viên của đội tuyển võ cổ truyền đối kháng tỉnh. Bản thân ông cũng luôn trăn trở tìm cách để võ cổ truyền Bình Định phát triển mạnh mẽ hơn nữa…

* Năm ngoái, để chuẩn bị cho các VĐV làm quen với cách thức thi đấu mới và gầy dựng lại phong trào tập luyện võ cổ truyền ở các địa phương, ông đã khởi xướng tổ chức võ đài liên tỉnh ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Liệu điều đó có giúp cho đội tuyển võ cổ truyền Bình Định giành thành tích tốt ở giải vô địch năm nay?

- Thật khó để nói trước một điều gì, nhất là với bộ môn võ, lại có nhiều thay đổi cả về con người và thể thức thi đấu như hiện nay. Đấu đài vốn là sở trường của người Bình Định, nhưng không phải nói vậy là chúng ta có nhiều ưu thế hơn các VĐV của các địa phương khác nếu không có sự chuẩn bị nghiêm túc. Hiện nay, việc huấn luyện đội tuyển đối kháng võ cổ truyền đã được giao cho các HLV Trần Đình Đô, Lê Công Bút, Phan Thị Diệu Hằng, đây đều từng là những VĐV tài năng, tham gia công tác huấn luyện cũng nhiều năm nên cũng nắm bắt được nhiều vấn đề và tạo được lòng tin từ các VĐV. Mong rằng họ sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công ở các giải đấu sắp tới.

* Đã đảm nhận nhiệm vụ mới, vậy trong thời gian qua ông có còn thường xuyên giữ liên lạc với đội tuyển đối kháng?

- Tôi vẫn luôn sát cánh cùng nơi mà mình từng gắn bó và gửi gắm nhiều tâm huyết bằng những cách khác so với trước đây. Nếu các anh em có nhu cầu tham khảo ý kiến về chuyên môn thì tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ trong phạm vi hiểu biết của mình. Ban đầu tôi cũng sợ ai đó bảo mình “dài tay”, nhưng ngẫm lại mình làm với cái tâm tốt và vì cái chung thì chẳng sợ điều tiếng gì.

* Theo kế hoạch, trong năm nay Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định sẽ chính thức được thành lập, ông đón nhận thông tin này như thế nào?

- Đó có thể nói là một tin rất vui đối với võ cổ truyền Bình Định, cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với môn thể thao truyền thống của dân tộc. Bản thân tôi là người đã gắn bó với võ cổ truyền hơn 20 năm nên rất phấn khởi và hy vọng sẽ được đóng góp chút công sức để Trung tâm hoạt động một cách hiệu quả, xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân Bình Định.

* Xin cảm ơn ông!

Võ sư Bùi Trung Hiếu sinh năm 1974, tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Ông bắt đầu tham gia đội tuyển năng khiếu võ cổ truyền tỉnh từ năm 1991. 5 năm liền (từ năm 1996 đến 2001), ông vô địch hạng cân 70kg tại Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc. Dưới sự dẫn dắt của HLV Bùi Trung Hiếu, Đội tuyển đối kháng võ cổ truyền tỉnh giành vị trí Nhất toàn đoàn nội dung đối kháng tại Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc các năm: 2003, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2011. Với những thành tích đó, võ sư Bùi Trung Hiếu đã được Bộ VH-TT&DL tặng bằng khen vào các năm 2006, 2008, 2009, 2010, cùng nhiều bằng khen của UBND tỉnh và ngành thể thao.

  • LÊ CƯỜNG (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vĩnh Lợi – mùa biển vui  (18/03/2012)
THÔNG BÁO CUỘC THI VIẾT “BÚT KÝ - PHÓNG SỰ - NHÂN VẬT” TRÊN BÁO BÌNH ĐỊNH  (17/03/2012)
Mưu sinh trên ngọn dừa  (11/03/2012)
Bình Lâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới  (11/03/2012)
Quyến rũ mùa sen Bình Định  (08/03/2012)
Ngày mới trên Cảng Quy Nhơn  (04/03/2012)
Người có “bàn tay vàng”  (26/02/2012)
Công việc giúp tôi sống thiện hơn  (19/02/2012)
Muốn dùng điện ảnh giúp công chúng hiểu thêm về Bình Định  (17/02/2012)
Giữ màu cho hoa  (14/02/2012)
Nỗi lo lắng từ các ao tôm tự phát ở Mỹ Thành  (10/02/2012)
Sức xuân bài chòi  (05/02/2012)
Ông Tiên “nấm rơm”  (03/02/2012)
Những nẻo đường xuân  (29/01/2012)
Tin vui từ khơi xa đua nhau ùa về  (25/01/2012)