Nghề hớt tóc nam và một phần ký ức Quy Nhơn
17:10', 9/4/ 2012 (GMT+7)

Trong rất nhiều nghề đang tồn tại ở thành phố Quy Nhơn, nghề hớt tóc nam hãy còn rất trẻ - quãng 50 tuổi, không nhiều nhưng cũng không phải là ít. So với khi mới xuất hiện, nay nhìn lại, nghề không khác gì lắm dù thời gian và thay đổi của cuộc sống là rất lớn. Tìm hiểu, quan sát và lắng nghe những tín hiệu từ nghề này, một phần ký ức đáng yêu của Quy Nhơn sẽ hiện lên…

 

Tiệm hớt tóc Mỹ Tân - ảnh chụp năm 1960.

 

Ngay cả những người thợ cao niên, giàu tuổi nghề nhất cũng không dám chắc nghề hớt tóc nam xuất hiện ở Quy Nhơn chính xác vào thời điểm, ai là người đưa nghề tóc (cách mà thợ hớt tóc nam và nữ gọi nghề của mình) vào Quy Nhơn. Tuy nhiên điều mà ai cũng công nhận, nó thuộc quanh đâu đó trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Những người thợ đầu tiên có lẽ hành nghề bằng cách đi hớt tóc dạo. Theo sự phát triển nhanh chóng của Quy Nhơn, cuộc sống và việc làm ổn định hơn, họ mở tiệm. Trong thập niên này, theo trí nhớ của lớp thợ trên 60 tuổi với khoảng 40 năm hành nghề, ban đầu, cả Quy Nhơn có chừng 8 tiệm hớt tóc lớn. Nghề hớt tóc nam ở Quy Nhơn có trước gần 20 năm so với nghề hớt tóc nữ.

Từ hớt dạo đến mở tiệm

Không kể những nghề truyền thống lâu đời, trong số những nghề mới, đặc biệt là những nghề du nhập từ phương Tây, hớt tóc nam là nghề có mặt khá sớm ở Quy Nhơn. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Quy Nhơn chưa sầm uất như bây giờ. Phố xá chỉ nhộn nhịp ở những khu vực mà nay là những đường phố như: Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng và Lý Thường Kiệt bây giờ. Tiệm hớt tóc lớn đều tọa lạc dọc những trục đường này.

Ông Trần Văn Mạch (84 tuổi, chủ tiệm hớt tóc 71 Vũ Bảo), một trong những thợ hớt tóc nam lâu năm nhất ở Quy Nhơn, cho biết: “Tôi theo gia đình di tản từ Phù Cát vào Quy Nhơn và dựng lên quán cắt tóc nhỏ năm 1962. Khi đó, Quy Nhơn còn rất vắng và tiệm hớt tóc rất hiếm, thợ chủ yếu đi hớt tóc dạo. Tôi biết cắt tóc rất sớm từ năm 13 tuổi. Lúc đầu tôi nhìn những người hớt tóc dạo hành nghề rồi bắt chước. Tôi cắt cho người trong gia đình trước, cắt nhiều rồi quen. Cứ thế mà thành nghề.  Hồi mới mở tiệm, tôi dùng đèn măng sông (manchon) để lấy ánh sáng, thời đó cả vùng khu 6 này chưa có điện”.  Mở ra năm 1962, tuy không nổi tiếng như những “salon” ngoài phố nhưng tiệm cắt tóc nhỏ của ông Mạch được nhiều người biết, tin cậy, trong đó nhiều ngườilà khách hàng quen của ông dễ chừng cũng đã đến 3-4 chục năm có dư. Những người này, phần lớn đều trở thành bạn của ông Mạch.

Như đã kể ở trên, ban đầu, thợ hớt tóc ở Quy Nhơn chủ yếu dạo khắp các đường phố, ngõ hẻm  để tìm khách. Các loại dao cạo, kéo cắt, tỉa, tông đơ… khi ấy đều là đồ thủ công, phải mài thường xuyên nên bác thợ nào cũng thạo việc mài. Vì thế, những khi vắng khách, thợ hớt tóc cũng sẵn sàng kiêm thêm việc mài dao kéo cho những ai có nhu cầu. Cho đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Quy Nhơn vẫn còn một vài thợ hớt tóc dạo – kiêm nghề mài dao kéo như vậy. Nhưng nay thì không ai thấy họ hành nghề nữa.

Nghề hớt tóc không có gì đáng gọi là bí truyền, gia truyền, tất cả những người thợ cắt tóc mà tôi đã gặp đều khẳng định như thế. Ai cũng có thể học, có thể làm. Giỏi nghề hay không phụ thuộc vào tình yêu nghề nghiệp. Nếu may mắn có thêm chút năng khiếu sẽ tạo được những mái tóc đẹp, vừa ý khách hàng, tốn ít thời gian hơn thợ bình thường.

 

Để gội đầu cho một khách hàng, thời ấy cần phải có ít nhất là hai người phục vụ. Ảnh chụp tại tiệm Mỹ Tân vào năm 1960.

 

Nếu chú ý một chút sẽ thấy, các tiệm cắt tóc nam giống như một kiểu câu lạc bộ thư giãn, ở đó trong khi đợi đến phiên người ta có thể chơi cờ, đọc báo, chuyện phím với nhau. Tiệm cắt tóc vì thế đôi khi là nơi lưu giữ ký ức của một khu dân phố, một cụm dân cư.

Khi đã có  khách quen, hoạt động ổn định, hiếm khi chủ tiệm cắt tóc di chuyển nơi làm việc. Trường hợp phải tìm chỗ làm mới họ cũng cố tìm một chỗ gần quanh đâu đó để đỡ mất công gầy lại khách. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động xã hội, nhiều tiệm cắt tóc lớn ở Quy Nhơn đã biến mất. Trong số này có thể kể đến các tiệm như: Mỹ Tân, Xuân Lộc, Ninh… Theo lời kể của những thợ hớt tóc có thâm niên cao, tôi tìm đến nơi từng tọa lạc tiệm hớt tóc nổi tiếng Mỹ Tân. Nói là nổi tiếng là bởi nơi đây từng là cái nôi đào tạo nhiều lớp thợ giỏi nghề.

Nghe tôi hỏi thăm chuyện nghề tóc, con cháu của những người sở hữu thương hiệu Mỹ Tân (nay là cửa hàng xe đạp Mỹ Tân, 314 Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) vui vẻ hẳn lên. Họ cho biết, họ không nghĩ sẽ có ngày, có người đến hỏi chuyện cửa hiệu của cha ông mình dù có thể nói không quá rằng, sẽ rất thiếu sót nếu vẽ một bức đại cảnh về Quy Nhơn những năm của thế kỷ 20 mà lại thiếu Mỹ Tân.

Người dựng lên cửa hiệu Mỹ Tân là cụ Lê Thoại Thành (đã mất, quê gốc ở An Nhơn). Một thời dài trước khi mở tiệm, cụ Thành hành nghề cắt tóc dạo. Theo lời anh Lê Tấn Tiến – con trai cụ Thành, ban đầu, cụ Thành đi hớt tóc dạo, thường thì người ta trả tiền, nhưng nhiều khi cụ cũng sẵn sàng nhận gạo thay tiền và mang về nuôi cả nhà. Cứ túc tắc như thế đến quãng năm 1959 cụ Thành mở tiệm ở nhà. Ngay khi mới mở, cùng với cụ Thành còn có thêm 2 người thợ nữa cùng làm nghề ở tiệm Mỹ Tân. Quy mô như thế vào thời đó là khá lớn. Đến năm 1964, cụ Thành nghỉ làm vì sức khỏe không cho phép. Đến năm 1985 thì tiệm Mỹ Tân chuyển qua buôn bán xe đạp như ngày nay. Hiệu Mỹ Tân nghỉ từ đó đến nay tròm trèm ba mươi năm nhưng nay mỗi khi nhắc đến, những người thợ giỏi vẫn dành cho thương hiệu Mỹ Tân sự tôn trọng rất cao không phải chỉ vì đây là một tiệm lớn mà còn bởi cửa hiệu là nơi dạy nghề nghiêm túc, đào tạo được nhiều lứa thợ giỏi.

 

Bác Đoàn Thanh Mỹ khi còn làm thợ cho hiệu cắt tóc Văn Hoa, trên đường Lý Thường Kiệt – một tiệm lớn ở Quy Nhơn ảnh chụp năm 1970.

 

Thợ giỏi là thợ …

Thợ giỏi nghề là thợ biết cách làm khách hài lòng, với nghề tóc sự hài lòng không chỉ đến từ mái tóc mà khách hàng có được sau khi rời tiệm. Ngày xưa, một số tiệm cắt tóc ở Quy Nhơn kết hợp với châm cứu, giác hơi, lể đẹn... thợ vừa học cắt tóc vừa học làm thầy thuốc. Những tiệm cắt tóc kiêm dịch vụ kiểu này nay không còn ở Quy Nhơn nữa. Nhưng không vì thế mà nghề lại dễ dàng hơn.

Anh Nguyễn Văn Cường (tiệm cắt tóc Thanh Sơn – nhà số 68 đường 31 tháng 3, TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Giữ khách hàng không chỉ ở chỗ cắt tóc đẹp, nhanh mà còn biết làm sao cho khách thoải mái. Khách ngồi một chỗ trên ghế cả tiếng đồng hồ cũng chồn chân lắm chứ. Mình cắt  mà còn khó chịu, huống khách hàng ngồi yên trên ghế cho mình cắt thì khó chịu biết nhường nào. Thế nên để đôi bên cùng thoải mái, người thợ khéo phải là người biết gợi chuyện, trò chuyện cùng khách. Phải làm cho thời gian trôi qua một cách thú vị, thoải mái…”.

Tiệm cắt tóc Thanh Sơn do cụ Nguyễn Chắc mở ra từ năm 1968 và hoạt động liên tục từ đó đến giờ. Cả 4 người con của cụ đều theo nghề hớt tóc. Sau ngày cụ mất, người con lớn – anh Nguyễn Văn Hà vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, 3 người còn lại là các anh: Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Cường thay cha quản lý cửa tiệm. Tiệm Thanh Sơn có truyền thống và phong cách riêng, thợ của Thanh Sơn chỉ cắt kiểu đầu chân phương truyền thống. Những kiểu phăng tê di, quậy quậy không có chỗ ở đây. Và Thanh Sơn chấp nhận mất đi lượng khách trẻ, hiếu động. Khi được hỏi về cạnh tranh trong nghề, anh Cường mỉm cười tự tin: “Tôi nghĩ, mức độ cạnh tranh trong nghề cắt tóc rất thấp. Khách quen hiệu nào, sẽ trở lại hiệu ấy, thậm chí có người chuyển chỗ ở nhưng không chuyển chỗ hớt tóc đấy. Lượng khách của những tiệm cắt tóc lâu đời chủ yếu là khách quen, khách vãng lai rất ít. Tiệm tôi đã quen với kiểu đầu truyền thống, với nếp cũ nên không muốn thay đổi theo model hiện nay. Không có gì xấu khi cắt hoặc giữ những kiểu đầu thời trang mới, lạ. Nhưng anh em muốn giữ nét riêng của mình”.

 

Ông Trần Văn Mạch (84 tuổi, chủ tiệm hớt tóc 71 Vũ Bảo), một trong những thợ hớt tóc nam lâu năm nhất ở Quy Nhơn.

 

Bác Đoàn Thanh Mỹ, chủ tiệm cắt tóc Thanh Mỹ (nhà số 02 Nguyễn Thái Học) – ra đời từ năm 1967, một thợ cắt tóc đã đứng vào hàng lão làng, cho hay: “Nghề cắt tóc vừa dễ lại vừa khó. Nói dễ với những người có năng khiếu sẵn, có thể nhìn là cắt được liền. Khó là tuy ai cũng học được, làm được mà không phải ai cũng giỏi nghề. Người thợ tay ngang có thể cắt tóc nhưng không độ nhạy bén, khả năng sáng tạo, kỹ thuật dẻo dai. Học 6 tháng là ra nghề giống nhau, nhưng không phải ai cũng làm vừa lòng khách hàng. Nghề cắt tóc còn đòi hỏi người thợ sự kiên nhẫn, cẩn thận và tâm huyết với nghề”.

Bác Mỹ là một người hớt tóc lâu năm ở Quy Nhơn kể, nhà tôi vốn ở Gò Bồi, tôi vào Quy Nhơn học nghề cắt tóc mất 6 tháng. Sau đó đi làm công cho tiệm Văn Hoa (ở đường Lý Thường Kiệt) gần 5 năm. Lúc thấy đã cứng cáp  thầy mới cho ra mở tiệm. Ngày xưa tình nghĩa thầy trò sâu đậm lắm, không chỉ học chữ, cả học nghề cũng đầy những phép tắc ràng buộc thắm thiết tình nghĩa, mình làm học trò luôn luôn nghĩ sao cho trọn vẹn trước sau. Mở tiệm được hơn 3 năm, tôi bắt đầu nhận học trò. Mình giờ xêm xêm hàng bảy, lứa học trò đầu giờ cũng đã vào hàng 50, 55 đấy. Nhưng khác với thầy, không mấy đứa còn theo nghề. Nhưng tôi lai rai vẫn cắt cho khách quen đấy nhé!

Tiệm cắt tóc Thanh Mỹ của ông Đoàn Thanh Mỹ giờ được hai người con trai nối nghề. Trừ khách quen, ít ai biết được ông thợ dí dỏm, nom hết sức bình dân ấy từng là phó chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong. Nhắc đến chuyện này, ông lại cười – Thời bao cấp khó khổ, hết giờ hành chính mình cũng tranh thủ mần việc kiếm thêm như ai đấy chứ. Và cũng chính từ những câu chuyện được nghe, được kể ở đây, mình thêm hiểu về người dân và có cách ứng xử sao cho uyển chuyển hơn.

Cắt được một đầu tóc hoàn thiện, điều khó nhất với người thợ là nhận diện khuôn mặt nào phù hợp với kiểu tóc nào. Khi đã nhìn ra được kiểu đầu thì những người thợ trổ tài cắt tỉa để tạo ra được kiểu đầu đẹp nhất. Trong những kiểu đầu nam khó nhất là kiểu đầu đinh (đờ mi), nhiều thợ phải mất 3 tháng ròng để học kiểu đầu đinh. Khi chưa có tông đơ điện, thợ cắt tóc phải bóp tông đơ vừa giữ độ ngắn khoảng 1 đến 3 phân cho mái tóc, vừa phải bóp đều tay để tông đơ không chệch hàng. Mất khoảng 30 phút cho một đầu đinh với tông đơ tay, thay vì 5 đến 10 phút như tông đơ điện bây giờ. Nhiều thợ cắt tóc, những salon làm tóc lớn hiện đã không dùng tông đơ tay. Bởi tông đơ tay đòi hỏi người thợ phải dẻo dai, luyện đôi tay khéo léo và nó chiếm nhiều thời gian hơn so với tông đơ điện. Dạo quanh Quy Nhơn những ngày mất điện, hầu hết những tiệm làm tóc lớn đều ở chế độ chờ, duy chỉ có những tiệm cắt tóc nhỏ với tông đơ tay còn hoạt động. Và phần nào đó, chính tiếng lách cách, xành xạch của chiếc tông đơ thủ công lại thầm lặng chứng tỏ đảng cấp tay nghề.

 

Theo anh Nguyễn Văn Cường (tiệm cắt tóc Thanh Sơn – nhà số 68 đường 31 tháng 3, TP Quy Nhơn), giữ khách hàng không chỉ ở chỗ cắt tóc đẹp, nhanh mà còn biết làm sao cho khách thoải mái.

Chuyện quanh chiếc ghế cắt tóc

Có thể nói cắt tóc cũng là một nghề làm dâu trăm họ, xung quanh chiếc ghế cắt tóc cũng lắm chuyện vui, chuyện buồn. Điều làm cho người thợ cắt tóc cảm thấy hạnh phúc nhất là cắt được đầu tóc vừa ý cho khách hàng và dần dần biến người ấy thành khách quen của cửa hàng mình. Làm nên thành công đó không đơn giản là giỏi tay nghề mà còn giỏi chuyện. Mỗi người khách đến tiệm cắt tóc là một câu chuyện khác nhau. Xung quanh chiếc ghế cắt tóc, họ có thể nói từ chuyện bóng đá, tin tức thời sự, giá xăng dầu tăng giảm, giá gas đến chuyện tình yêu, sức khỏe, giới tính... Chí ít người thợ cắt tóc phải luôn cập nhật tin tức, phải biết lắng nghe những gì khách hàng nói. Nhiều tiệm cắt tóc là nơi quen thuộc nhiều người tìm đến trò chuyện, họ xem người thợ cắt tóc như người bạn tri kỷ.

Đó cũng là lý do khiến cả 3 “ông thợ” cắt tóc tiệm Thanh Sơn đều tham gia hoạt động xã hội. Anh Nguyễn Văn Thịnh hiện là Phó chủ tịch hội cựu chiến binh phường Lê Lợi. Còn anh Nguyễn Văn Hùng là Tổ trưởng tổ tự quản phường Lê Lợi, anh Nguyễn Văn Cường là Tổ trưởng tổ Đảng (tổ 19, Kv5) , phường Lê Lợi. Các anh lấy chính nơi hành nghề của mình để lắng nghe hơi thở cuộc sống và tâm tư của người dân.

 

Anh Lê Hoàng Thái (35 tuổi, chủ tiệm cắt tóc Thái Thiện, đường Ngô Mây) cùng một người nữa làm chung ở tiệm Thái Thiện. Họ làm việc theo “phương án chung – chi”. Tiền thu được bỏ chung vào một nơi, cuối ngày làm việc, sau khi trừ chi phí và chia số tiền kiếm được trong ngày làm 3 phần bằng bằng nhau, mỗi người nhận một phần, phần lại sẽ để giành vào chi phí mua dụng cụ và tiền thuê mặt bằng.

 

Ở Quy Nhơn có rất nhiều tiệm hớt tóc nam theo kiểu chung chi. Một tiệm cắt tóc có từ 3 đến 4 thợ. Thợ cắt tóc cũng nhiều lứa tuổi. Cắt theo nhu cầu của từng độ tuổi khách hàng khác nhau. Những tiệm cắt tóc thế này ngày càng phát triển, thợ cắt tóc không phải chịu áp lực về chi phí, giá cả... Nó còn tồn tại được nhờ việc đáp ứng được nhiều khách hàng khác nhau. Thợ trẻ cắt khách trẻ, thợ già cắt cho những vị khách lớn tuổi... Trừ chi phí, tiền bạc được chia đều cho mỗi người cùng làm.

Cả TP Quy Nhơn hiện có chừng 500 tiệm cắt tóc lớn, nhỏ. Tiệm cắt tóc nam chiếm 1/3 số đó, còn lại là tiệm cắt tóc nữ và salon làm tóc cho cả nam lẫn nữ.  Mỗi con đường trong TP Quy Nhơn có 3 đến 5 tiệm cắt tóc, tiệm hớt tóc lớn chủ yếu tập trung ở đường Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thái Học... Những hiệu cắt tóc nam có thâm niên trên 30 năm còn lại không nhiều.

 

- Một bộ dụng cụ cắt tóc cơ bản gồm: kéo cắt, kéo tỉa, kéo hớt, lược và tông đơ điện (ảnh 1).

- Kéo cắt tóc ở tiệm Thanh Mỹ, hai cấy kéo ngoài cùng (màu đen) từ bên trái qua là những cây kéo do Đức sản xuất, thuộc hạng đồ cổ -  đã hơn 50 năm tuổi (ảnh2).

- Ngày trước, thợ cắt tóc phải dùng dao cạo chứ không dùng dao lam như bây giờ nên tiệm nào cũng phải sắm một sợi dây da dùng để mài dao (ảnh 3).

- Dụng cụ cắt tóc cơ bản của những năm 80 trở về trước, gồm: máy sấy, tông đơ bóp tay, dao cạo. Những thiết bị trong ảnh là đồ lưu niệm của anh em nhà thợ tiệm Thanh Sơn.

 

Ông bà ta hay nói, “cái răng, cái tóc là gốc con người”, thay đổi mái tóc đôi khi là dấu hiệu thay đổi một phần tính cách con người. Lớp thanh niên, trai trẻ có thể dễ dàng đổi từ kiểu đầu này sang kiểu đầu khác nhưng từ tầm bốn mươi trở lên, người ta giữ ổn định kiểu tóc trên đầu mình. Lần tìm từ một nghề đơn giản như nghề hớt tóc lại thấy tiếng vọng thời gian dội lại những nhịp bồi hồi. Có lẽ mỗi một nghề lại giữ một phần ký ức vùng đất tọa lạc nghề đó, nếu dựng lại chân dung từng nghề một vùng đất đó sẽ hiện lên… Bằng cách đó, một phần chân dung của Quy Nhơn cũng hiện lên trong tiếng lạch xạch của tông đơ, của nhịp lắc cắc của kéo cắt tóc… Nếu bạn thử bỏ ra một buổi chiều để tự mình chiêm nghiệm sẽ thấy nói như thế quả tình không có gì quá đáng.

  • Nguyễn Thị Thu Dịu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sản vật bàu Chánh Trạch  (31/03/2012)
“Tôi vẫn luôn gắn mình với võ cổ truyền”  (25/03/2012)
Vĩnh Lợi – mùa biển vui  (18/03/2012)
THÔNG BÁO CUỘC THI VIẾT “BÚT KÝ - PHÓNG SỰ - NHÂN VẬT” TRÊN BÁO BÌNH ĐỊNH  (17/03/2012)
Mưu sinh trên ngọn dừa  (11/03/2012)
Bình Lâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới  (11/03/2012)
Quyến rũ mùa sen Bình Định  (08/03/2012)
Ngày mới trên Cảng Quy Nhơn  (04/03/2012)
Người có “bàn tay vàng”  (26/02/2012)
Công việc giúp tôi sống thiện hơn  (19/02/2012)
Muốn dùng điện ảnh giúp công chúng hiểu thêm về Bình Định  (17/02/2012)
Giữ màu cho hoa  (14/02/2012)
Nỗi lo lắng từ các ao tôm tự phát ở Mỹ Thành  (10/02/2012)
Sức xuân bài chòi  (05/02/2012)
Ông Tiên “nấm rơm”  (03/02/2012)