Ở đâu, trâu là con vật lỗi thời, chứng tích của một thời nông nghiệp lạc hậu, nhưng ở thôn Đại Chí, xã Tây An, huyện Tây Sơn, trâu thật sự là “đầu cơ nghiệp”. Đại Chí là nơi ra ngõ gặp trâu, người nông dân ở đây thoát nghèo, khấm khá lên cũng nhờ “nghiệp trâu”…
|
Trâu ra đồng cùng dân làng Đại Chí.
|
Có một làng… trâu
“Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công…”, câu ca dao không phải vang vọng từ miền cổ tích xưa cũ mà là chuyện hôm nay ở Đại Chí. Người Đại Chí dùng trâu vào ba việc chính: Trâu đực cày bừa, làm sức kéo và truyền giống; trâu nái an nhàn hơn, cày là phụ, cái chính là hoàn thành chỉ tiêu mỗi năm cho ra một chú trâu nghé khỏe mạnh; trâu nghé sinh ra được chăm bẵm, vỗ béo bán kiếm lời. Trung bình giá một con trâu đực chừng 40 triệu đồng, trâu nái 25-30 triệu và trâu nghé 10-15 triệu.
Ở Tây An nói chung, làng Đại Chí nói riêng, người dân vẫn chủ yếu dùng trâu để cày bừa. Nhà nào có trâu nghĩa là đàn ông, đàn bà, con trai, con gái đôi vai không chai sần vì gánh gồng mỗi mùa vụ. Các phần việc nặng nề đã có cộ trâu gánh vác. Nhờ đó, đồng ruộng Đại Chí cò bay thẳng cánh, rất nhiều hộ làm một mùa từ 2-3 mẫu ruộng, kịp thời vụ ngon lành!
Trong tổng số đàn trâu gần 200 con ở Tây An, trâu ở thôn Đại Chí chiếm gần phân nửa, tập trung ở đội 12 và đội 13. Nhiều hộ sở hữu từ 5-10 con trâu như hộ các ông: Lê Kim Ngọc, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Thành Nhơn, Nguyễn Hoài Đắc, Huỳnh Kỳ Nam, Phan Văn Lượng, Ngô Thanh Bình Minh, Trịnh Văn Hùng… Nói một cách hình tượng, ở Đại Chí, mỗi mùa lúa vừa cắt xong, trâu đen cả đồng!
Trâu hay bò, công nuôi, chăm sóc gần như nhau nhưng nếu có vốn ban đầu, nuôi trâu mau sinh lời hơn, nhất là có thể tận dụng để cày bừa, làm cộ trâu, xe trâu. Một đám ruộng 3 sào, phải dùng 3-4 công gánh, tiền công gánh hiện nay là 120 ngàn đồng/công. Đến khi sạ, 3 sào ruộng này nếu mướn máy để phay ruộng, làm đất, tiền công 100 ngàn đồng/sào. Thay công gánh bằng cộ trâu, máy phay bằng trâu cày thì chi phí giảm một nửa.
Chưa hết, phân trâu hiện nay là thứ hái ra tiền. Ở Đại Chí, lọt vào xóm nào cũng có thể bắt gặp hình ảnh trâu ung dung gặm cỏ bên đường, trâu nghé mới sinh chạy lăng quăng khắp xóm, trâu kéo bệ vệ chở gạch ngói, nông phẩm… nhưng đường bê tông nông thôn tịnh không dấu vết phân trâu. Ông Ngô Xuân Ngọc, ở đội 12, người chuyên thu mua phân trâu, giải thích: “Phân trâu bón cho cây cà phê tốt cực kỳ. Người ta lùng sục vào tận thôn xóm mua, bao nhiêu cũng không đủ. Chuồng trâu chừng 4-5 con, hơn tuần là đủ 1 khối, bán được 450 ngàn đồng. Để phân trâu vương vãi khác nào phung phí, con nào dại không mang “của” vào chuồng, đi bậy ra đường người ta cũng hốt đem phơi bán thôi”.
|
Anh Bảy Trâu, người có biệt tài thuần trâu, bên con trâu mới tậu về.
|
Chuyện những triệu phú… trâu
Ông Hai Ngọc (tức Lê Kim Ngọc, ở đội 12) là người khởi xướng tậu trâu, nuôi trâu ở Đại Chí. Bà Hai Ngọc kể: “Đâu chừng 30 năm trước, nhà con đông, làm ruộng cứ thiếu trước hụt sau, nghe lời mách nước của mấy người họ hàng bên Gò Dưa (xã Tây Vinh) rằng nuôi con trâu cũng như nhà nghèo chắt chiu, sẽ tích gió thành bão, ông nhà tui tậu một cặp trâu nái, thời đó trị giá 1,2 cây vàng. Có 5 thằng con trai, vợ chồng tui giao cho chúng thay phiên chăn dắt, tìm cỏ tốt cho trâu. Đều đặn hàng năm, mỗi nái cho một trâu nghé, nếu là trâu nghé cái tốt, gia đình tui tiếp tục để nuôi nái…”.
Bà con Đại Chí thường trầm trồ rằng, nhà Hai Ngọc riêng tiền sinh lời từ trâu có khi đã sắm được cả thùng đạn vàng! Ông Hai Ngọc mỗi lần nghe hàng xóm đùa vậy chỉ cười cười, còn bà Hai lắc đầu quầy quậy: “5 đứa con trai, đứa nào cũng có công ăn việc làm, nhà cửa đề huề, tiền bán trâu còn đâu nữa mà đồn dữ hè!”.
Giờ thì nhà nào cũng chăn trâu. Có cái bờ con nào bị giẫm nát, mảnh vườn nào bị đào ủi, người ta không nhè vào nhà Hai Ngọc mà chửi nữa. Cách nhà Hai Ngọc không xa, chuồng trâu anh Trương Văn Huấn có 7 con. Anh chia chuồng ra nhiều ngăn, trâu nái và nghé nhốt chung, trâu kéo ban ngày cột dây ngoài sân đất chỗ mát, để móng không bị đau khi cạ trên nền chuồng xi măng, tối mới lùa vào chuồng cho đỡ lạnh. Có câu “mua trâu xem vó”, bởi với con trâu kéo, bảo vệ chân, móng vó cho nó là vô cùng quan trọng, nên những lúc không xuống ruộng, anh Huấn đều mang dép cho trâu.
Hơn hai mẫu ruộng, chỉ với đôi trâu kéo, vợ chồng anh Huấn vẫn “chạy” ngon lành. Xong việc nhà mình anh còn sử dụng cộ trâu kéo mướn cho ruộng người. “Không có trâu thì sức hai người không sao kham nổi 2 mẫu ruộng” - anh Huấn khẳng định. “Nếu đàn trâu 7 con này cứ bình an phát triển, vài năm nữa, vợ chồng tui cũng được cơ ngơi như chú Hai Ngọc, có thể lo cho con cái ăn học, đỡ khổ hơn mình”- vợ anh Huấn ao ước.
Một triệu phú trâu khác, anh Nguyễn Thành Nhơn, biệt danh Bảy Trâu với biệt tài thuần trâu cày. Dân Đại Chí nói, con trâu dữ cỡ nào qua tay Bảy Trâu cũng phải thuần. Rồi như để chứng tỏ, anh Bảy Trâu mở cửa chuồng, ngoắt con Xe, nói gì đó vào tai, vỗ vỗ vào mông. Trước mặt chủ, trước khách lạ, con Xe thong thả đi từ chuồng ra ngõ và quay trở vào với tư thế 4 chân quỳ, dừng trước chủ cúi chào.
Anh Bảy Trâu tâm sự, nuôi trâu cày giỏi thật ra cũng chẳng có bí quyết gì lớn. Người nuôi phải biết nhu biết cương. Chỉ con trâu đang lững thững trước cộ phân cạnh bụi tre, anh nói: “Con này hung quá, người ta chịu không nổi nên bán đi. Tôi mua về, chỉ hơn tháng là bảo gì nghe đó. Nó dữ thì mình phải quất thẳng tay. Nhưng rồi cũng phải biết chăm sóc nó bằng tình thương”.
Anh Bảy Trâu bật mí thêm, trâu làng anh không chỉ hữu ích trong việc đồng áng, mà nhiều con còn được dân buôn “ngã giá”, mang ra Hải Phòng huấn luyện để tham gia Hội chọi trâu Đồ Sơn. Trung bình mỗi năm, có vài con trâu cày trở thành trâu chiến. Đó là những con trâu có sừng cong, xoáy tam tinh hoặc trùng ngư, bờm dài, vẻ mặt hung dữ, phải nặng cỡ 3 tạ trở lên. Ngay mùa trước, khi con trâu của anh đang cày giữa ruộng, một lái buôn đã trả 40 triệu đồng. Không phải vớ được giá hời mà là tự hào vì con trâu mình có số lâm trận mạc, anh Bảy Trâu quyết định cho nó giã từ nghiệp ách bừa để nhập làng trâu chọi.
|
Dân Đại Chí chăm trâu rất cẩn thận.
|
Không là cổ tích
Lợi nhuận từ trâu cứ túc tắc mà như mưa dầm thấm lâu. Ở Đại Chí, nhiều gia đình chưa có trâu ao ước có vốn để tậu cặp trâu nái hay trâu đực, của cải từ đấy sẽ sinh ra. Hiện tại, trâu nghé ở Đại Chí gần như không lọt ra ngoài, bởi từ khi còn trong bụng mẹ đã có người trong thôn xóm hoặc ở các thôn khác đến đặt cọc. Nhiều người còn nhờ “quân sư” Hai Ngọc dẫn đến các lái trâu như Bốn Đông ở Nhơn Lộc, Năm Hạnh ở Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn); Bảy Đàm, Tám Bể ở Bình Nghi (huyện Tây Sơn) hoặc lên nguồn trâu rừng ở Xà Tang, An Khê (tỉnh Gia Lai) để tậu trâu. “Người sau học theo người trước, cứ đà này chẳng mấy năm nữa, đàn trâu ở Đại Chí, cả Tây An sẽ đông gấp đôi, gấp ba” - anh Huấn dự đoán.
Mối thâm tình giữa con trâu và người nông dân tưởng chỉ có thể tìm thấy ở ca dao, tục ngữ hoặc hồi ức người già, về Đại Chí mới thấy còn lâu con trâu mới tách khỏi nhà nông. Có lẽ thế mà vợ chồng Hai Ngọc nhất mực giữ lại con Lũ - con trâu nái đầu tiên trong sự nghiệp nuôi trâu của ông bà - dẫu nó đã “hết xí-quách”, chỉ nằm chơi xơi cỏ. Đúng như tên gọi gợi lên sự sinh sôi của nó, 30 năm Lũ đã sản sinh ra chừng ấy trâu nghé khỏe mạnh. “Mình với nó đồng cam cộng khổ, công nó lớn như thế, nỡ nào cho nó… ra đi” - bà Hai Ngọc nói khi đang vuốt ve con Lũ già…
|