“Bao giờ Núi Bụt hết cây/ Lại Giang hết nước, dạ này hết thương”. Có lẽ người xưa không ngờ rằng, đã có một thời bom đạn, đồi Núi Bụt (xã Ân Phong, huyện Hoài Ân) như một vùng đất chết, tịnh không một bóng cây. Đó cũng là nơi ghi dấu những chiến công oai hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…
|
Màu xanh đã trở lại trên Núi Bụt. |
Chứng nhân lịch sử
Về Ân Phong một ngày đầu tháng 4, chúng tôi được ông Hai Lộc, người phụ trách công tác Thương binh - Xã hội của xã, đưa đến gặp ông Lê Văn Trông (Ba Trông), người gắn trọn đời mình với Núi Bụt và rành rẽ đến từng ngọn cây, cọng cỏ nơi đây. Nói vậy là vì ông Trông sinh ra, lớn lên, chiến đấu tại Núi Bụt; căn nhà hiện giờ của ông cũng nằm ngay dưới chân ngọn đồi này.
Theo chân ông Ba Trông lần lên đỉnh Núi Bụt, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về những năm tháng chiến đấu ác liệt để giữ ngọn đồi này không rơi vào tay địch. Trong đó, lực lượng du kích xã và bộ đội chủ lực thuộc Sư đoàn 3 Sao vàng đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công quy mô lớn của địch. Núi Bụt cũng đã một lần bị địch chiếm lại nhưng trước khí thế hào hùng của nhân dân Hoài Ân, những tên lính được giao canh giữ chốt điểm này luôn sống trong tâm trạng hoang mang, đêm đến không dám ngủ vì sợ bị tập kích, phải liên tục la hét, tạo tiếng động. Do đó, dù có hơn một đại đội bảo an thường xuyên đóng tại đây, nhưng chỉ cần 3 người trong tổ du kích xã, chúng ta đã có thể lấy lại Núi Bụt. Song điều mà người ta nhắc đến nhiều chính là việc chỉ mình ông Ba Trông bảo vệ Núi Bụt trong suốt hai ngày đêm.
Nhắc đến chuyện này, ông Ba Trông kể: “Hồi đó, chỉ còn mình tôi trên đồi, những người ở phía dưới không dám lên tiếp tế do không biết cứ điểm này rơi vào tay địch chưa, còn tôi thì dù đói nhưng không dám bỏ chốt vì sợ địch lên chiếm lại. Để chống lại các đợt tấn công của địch, tôi lấy súng đặt ở các hầm, lối đi của giao thông hào để di chuyển đến chỗ nào cũng có vũ khí sử dụng, còn trong người luôn kè kè khẩu M79 và AR15. Địch khi đó không biết mình còn bao nhiêu người trên đồi, vì vậy mỗi lần xua quân lên, khi một vài tên bị tiêu diệt là đám còn lại lo tìm đường tháo chạy. Cũng nhờ vậy mà tôi có thể cầm cự được trong 2 ngày để chờ đồng đội lên tiếp ứng”.
Đang hồi tưởng về những năm tháng hào hùng đó, giọng ông Ba Trông đột nhiên chùng xuống khi đứng trước một hố bom cũ: “Chỗ này trước đây là miệng hầm. Có lần, tôi và hai chiến sĩ Sư đoàn 3 đang nằm thì địch ném bom ngay sát bên. Khi tỉnh dậy, tôi thấy âm ấm ở lưng nên mới biết mình còn sống, nhưng hai đồng đội thì chẳng thấy đâu. Những người khác đều tưởng tôi đã chết đận đó rồi…”.
Không những không chết, ông Ba Trông còn tham gia bảo vệ Núi Bụt an toàn đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, ông cũng chứng kiến không ít đồng đội ngã xuống trên mảnh đất này và nhiều lần tự mình an táng cho họ. Sau này, ông giúp cho nhiều gia đình tìm lại được hài cốt thân nhân là những chiến sĩ đã hy sinh khi chiến đấu tại Núi Bụt.
|
Ông Lê Văn Trông đứng trước cửa phía Tây của địa đạo Núi Bụt. |
Theo dấu địa đạo Núi Bụt
Từng tận mục sở thị và chui vào địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) nên khi biết ở Núi Bụt cũng có một địa đạo, tôi liền nhờ ông Ba Trông dẫn lên xem có gì khác biệt. Đã ngoài 60, nhưng ông Ba Trông vẫn giữ được dáng người chắc khỏe, nhanh nhẹn. Ông phăm phăm vượt qua những đoạn dốc thẳng đứng, khiến chúng tôi phải vừa đi vừa chạy khá vất vả mới không bị tụt lại phía sau. Ông bảo, giờ Núi Bụt có cây cối nhiều, cứ bám vào cây mà đi cũng dễ, chứ hồi trước núi trọc lóc, khó đi.
Sau một hồi leo dốc, ông rẽ cây cỏ, reo lên: “Cửa địa đạo đây rồi!”. Tuy nhiên, trái với sự tưởng tượng của chúng tôi, địa đạo đã bị đất cát và cây cối che lấp. Ông Hai Lộc lý giải: “Sau ngày giải phóng, người ta lên đây lấy những ống đạn pháo từng làm trụ chống nóc địa đạo nên sau vài cơn mưa, đất cát chuồi xuống làm sập phần cửa ra vào, nhưng chắc chắn bên trong vẫn còn nguyên vẹn”.
Không thể thâm nhập vào trong lòng địa đạo, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được phần nào sự gian khổ của quân và dân ta trong việc xây dựng hệ thống phòng ngự trên Núi Bụt qua những hồi ức. “Khi đó địch điên cuồng dùng máy bay ném bom và đạn pháo trút xuống Núi Bụt, cây cỏ không còn gì. Vì vậy, việc đào địa đạo thường phải được tiến hành vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Đất được moi trong lòng đồi ra phải đem rải đều để tránh sự phát hiện của địch. Người dân Ân Phong rất hăng hái tham gia vào việc đào địa đạo, nhiều gia đình còn không ngần ngại đóng góp tôn, cánh cửa, cột kèo… để chống nóc hầm”.
Trong vòng 4 tháng (từ tháng 2 đến tháng 6.1973), chúng ta đã hoàn thành địa đạo với tổng chiều dài khoảng 250 m xuyên sâu vào lòng đồi, gồm 3 cửa. Chiều cao hầm khoảng 2 m, rộng 1,5 m mà theo ước tính của ông Ba Trông là “có thể một chiếc xe jeep chui lọt”. Trong địa đạo có nơi dành cho hội họp, làm trạm cứu thương, nơi trú quân… Ông Lê Cải, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ân Phong, nhận định: “Núi Bụt là nơi dễ đánh khó giữ”, vì vậy, công trình địa đạo khi hoàn thành đã trở thành nơi trú quân an toàn và là căn cứ chiến đấu thuận lợi để lực lượng bộ đội và du kích của ta bám chốt đánh tan các đợt phản kích của địch, giữ vững cứ điểm quan trọng này cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
|
Những người thợ xây đang tất bật với công trình Bia Di tích lịch sử địa đạo Núi Bụt. |
Giữ lại màu xanh
Bốn mươi năm đã trôi qua, Núi Bụt lại rậm rạp cỏ dại, xanh thẳm những vòm điều, bạch đàn, keo lá tràm. Nơi cửa địa đạo, những hố bom, đường hào cũng đã hóa màu xanh. Đứng trên đỉnh Núi Bụt nhìn xuống là những đồng ruộng ngút ngàn. Người giữ đất, để rồi đất mang lại màu xanh trù phú cho cuộc đời.
Chúng tôi nghỉ chân ở cửa phía Đông của địa đạo. Cách đó chừng chục mét, những người thợ xây đang tất bật với công trình Bia Di tích lịch sử địa đạo Núi Bụt, để kịp hoàn thành chào mừng Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Hoài Ân. Địa đạo Núi Bụt được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009, ghi nhận đóng góp quan trọng của công trình này trong lịch sử chiến đấu bảo vệ quê hương.
Chiến thắng Núi Bụt và địa đạo Núi Bụt là niềm tự hào của người dân Hoài Ân, đặc biệt là người Ân Phong. Thế nên, từ sau những ngày giải phóng đến nay, cứ đến mỗi mùa hè, các em học sinh ở Ân Phong lại đến với Núi Bụt, được nghe những người anh hùng chiến đấu bảo vệ địa đạo năm xưa kể lại những ngày tháng bom đạn hào hùng. Nói chuyện xưa là để tiếp thêm sức mạnh cho con người hôm nay phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.
Quê hương Ân Phong hôm nay đã thật sự thay da đổi thịt. Là một xã thuần nông, tổng diện tích trồng trọt 1.573 ha, trong đó có 1.440 ha lúa. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thắm vui mừng cho biết, Ân Phong là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Hoài Ân. Tỉ lệ hộ nghèo của Ân Phong chỉ còn 11%, trong khi mặt bằng chung của huyện là 15%.
Chia tay những người mang lại màu xanh cho Núi Bụt, chúng tôi được mời trở lại Ân Phong vào ngày 17.4 để dự cuộc gặp mặt của các cựu binh từng tham gia chiến đấu trên địa bàn xã trong kháng chiến chống Mỹ. Một cuộc gặp mặt chắc chắn sẽ rất cảm động của những người không cùng sinh quán nhưng đã cùng chiến đấu trên một chiến hào, trong một địa đạo để giữ mảnh đất này, góp phần vào chiến công chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Núi Bụt là một khu đồi thấp, đỉnh cao khoảng 50m so với khu vực đồng bằng trong vùng. Đây là một trong những vị trí quan trọng được địch sử dụng nhằm tạo thế phòng thủ quanh Chi khu Quận lỵ ở đồi Đất Đỏ, thôn Ân Hậu, xã Ân Phong năm 1965. Quân địch cũng cho xây dựng Núi Bụt thành một căn cứ quân sự kiên cố và xây khu ấp chiến lược dưới chân đồi. Sau Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 huyện Hoài Ân được giải phóng, ta xây dựng Núi Bụt thành căn cứ chốt tiền tiêu bảo vệ mặt phía Đông vùng dân cư giải phóng. |
|