Thuận Nghĩa thay da đổi thịt nhờ cây rau, đến Thuận Nghĩa giờ đây là những con đường bê tông sạch đẹp, đèn điện sáng chiếu. Đời sống của người dân Thuận Nghĩa đi lên nhờ trồng rau, người dân Thuận Nghĩa càng vui mừng khi vùng rau Thuận Nghĩa lâu đời được chọn làm nơi thí điểm mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong những ngày “ba cùng” ở làng rau , tôi dễ dàng cảm nhận - Mùa vui đang về với Thuận Nghĩa.
|
Tác giả (ở giữa) đang tham gia sơ chế và đóng gói rau tại Nhà máy sơ chế rau sạch Thuận Nghĩa.
|
“Ba cùng” với nông dân Thuận Nghĩa
Được bồi đắp phù sa bởi dòng sông Côn, Thuận Nghĩa là vùng rau lâu đời ở Tây Sơn. Nay, cánh đồng Thuận Nghĩa rộng 96 ha (60 ha trồng lúa, 36 ha trồng rau màu) còn được biết đến là vựa lúa, vựa đậu của thị trấn Phú Phong. Đến Thuận Nghĩa bây giờ, bất cứ lúc nào người ta cũng gặp cảnh nhộn nhịp ngày mùa.
Ở Thuận Nghĩa, người ta làm việc không kể ngày đêm. Khó có thể hình dung công việc đồng áng của người nông dân hiện đại nếu bạn chưa trải nghiệm. Ở Thuận Nghĩa, mùa này, nông dân chong điện ngay tại vườn, ruộng để thu hoạch trong đêm. Âm thanh của máy móc, của tiếng người lao xao khuấy động màn đêm tĩnh mịch. Họ vừa làm, vừa nói chuyện, cười đùa để xua tan mệt mỏi, cơn buồn ngủ.
VietGAP (chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. |
Người ta hay nói: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” còn với người làng rau thì bữa cơm chính là cơm trưa, bữa cơm sum họp gia đình thay vì cơm tối như thói quen của người Việt. Vào ngày mùa, nông dân ở đây vừa ăn vừa chạy mới kịp công việc. Gặt lúa, phơi rơm, gieo sạ ... rồi còn lo cắt rau để kịp buổi rau chiều, người mua có rau ra chợ sớm lúc tảng sáng.
Những ngày “ba cùng” với nông dân Thuận Nghĩa, tôi được cắt rau muống đêm dưới ngọn đèn trời. Bởi không quen tay, quen mắt, tôi chỉ dám cắt ở những nơi được chong sẵn bóng điện. Quá quen với công việc của mình, mọi người cắt rau, bó rau dưới ánh trăng mà mớ nào, mớ đó ngay ngắn và bằng nhau. Vào mùa vụ, nông dân khối Thuận Nghĩa thường đổi công cho nhau, nhiều gia đình cũng thuê công nhưng việc đổi công chiếm tỷ lệ cao.
Bà Sáu Kho (tức Nguyễn Thị Kho, 62 tuổi) gắn bó với làng rau Thuận Nghĩa nhiều năm nay, cho biết: “Mùa rau làm rau, mùa lúa làm lúa, mùa đậu làm đậu, cứ thế mà người dân Thuận Nghĩa làm quanh năm, suốt tháng. Tôi già rồi, không thể bươn chải bằng lớp trẻ bây giờ nên tôi chỉ làm một ít để phục vụ nhu cầu của gia đình thôi…”.
Vừa trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng bà Sáu lại cất giọng hát hò, xa xa cũng có tiếng hát cùng, màn đêm tĩnh lặng như lung linh hơn và mệt nhọc vất vả dường như cũng giảm đi nhiều. Dưới ánh trăng bàng bạc, gió mát của dòng sông Côn phả vào tôi mát rượi.
Thuận Nghĩa với sức sống mới VietGAP
Rau ở Thuận Nghĩa lâu nay được tiếng thơm, ngọt và là nguồn thu nhập lớn của bà con trong vùng. Loại rau canh tác truyền thống ở đồng Thuận Nghĩa là hành và rau muống. Khoảng mươi năm lại đây, bà con trồng thêm nhiều loại rau như: cải ngọt, cải xanh, cúc tần ô, mồng tơi, rau thơm... Rau ở Thuận Nghĩa được tiêu thụ ở Phú Phong, Quy Nhơn và đi nhiều tỉnh Tây Nguyên. Nông dân Thuận Nghĩa rất tích cực sáng tạo, tiếp thu những kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Điều này là một trong những cơ sở để Thuận Nghĩa được chọn triển khai mô hình sản xuiất rau VietGAP.
Cô Phạm Thị Nga, một trong những hộ gia đình có thế mạnh về kinh tế ở khối Thuận Nghĩa. Ngoài làm ruộng, làm đậu thì gia đình có cũng làm 6 sào rau các loại. Gia đình cô cũng là một trong 28 thành viên của nhóm cũng sở thích (NCST) trồng rau an toàn ở khối Thuận Nghĩa. Diện tích trồng rau của gia đình cô chủ yếu tập trung vào trồng hành và trồng rau muống, thu nhập mỗi năm của gia đình cô sau khi trừ chi phí cũng được từ 80 đến 100.000 triệu đồng. Cô Nga, cho biết: “Thuận Nghĩa trồng rau quanh năm. Gia đình tôi ít người, một đứa con trai đi học xa, còn hai vợ chồng với thằng út không thể làm xuể công việc nên phải thuê công ngày mùa. Tuy vậy chúng tôi cũng tích cực tham gia sản xuất rau an toàn”.
Ông Thái Lương Hùng – Giám đốc Coopmart Quy Nhơn, cho biết: “Coopmart Quy Nhơn luôn tiếp nhận và tiêu thụ sản phẩm rau sạch của bà con trong tỉnh Bình Định, đặc biệt là sản phẩm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của Thuận Nghĩa và Chánh Luật. Mục đích là cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, đồng thời cũng nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh rau sạch của nông dân Bình Định. Hiện tại, Coopmart Quy Nhơn đang bày bán sản phẩm rau quả của Chánh Luật, rau lá ở Thuận Nghĩa chưa có lại. Thời gian ký hợp đồng là 1 năm tùy theo rau, theo mùa...” |
Làng rau Thuận Nghĩa như thêm sức sống mới khi được chọn làm nơi thí điểm sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Đến Thuận Nghĩa, đâu đâu cũng nghe bà con nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm về canh tác theo hướng VietGAP. Người ta dễ dàng thấy được sự hồ hởi trên gương mặt nông dân khi họ chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Thuận Nghĩa (Phú Phong) và Luật Chánh (Phước Hiệp ) là hai nơi được chọn trồng thử nghiệm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap ở Bình Định. Ở Chánh Luật (Phước Hiệp) là nơi sản xuất rau, củ, quả; còn Thuận Nghĩa thích hợp với rau lá.
Ở Thuận Nghĩa ban đầu chỉ mới 28 hộ tự nguyện đăng ký vào NCST sản xuất rau an toàn. Được tập huấn về kỹ thuật, phương thức trồng mới, những hộ này là hạt nhân cho phương pháp canh tác mới. Diện tích thí điểm canh tác theo chuẩn VietGAP chỉ có gần 1 ha, nhưng nhiều nông dân ở đây cho biết, khi thấy hiệu quả tích cực của phương pháp mới, giờ đây ngay cả những hộ không đăng ký NCST cũng áp dụng quy tắc sản xuất rau sạch.
Trước đây, mỗi lứa rau kéo dài từ 1 tháng đến gần 2 tháng, lượng phân, lượng nước đều dùng theo kinh nghiệm, không căn cứ vào cơ sở khoa học nào, rau không đảm bảo an toàn. Giờ đây, thời gian canh tác nằm trong khung khoảng 25 đến 35 ngày, việc chăm sóc rau từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, đóng gói đem bán đều dựa trên những quy định cụ thể về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm – tức là theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chị Trần Thị Kim Loan, cho biết: “Gia đình tôi không nằm trong mô hình sản xuất rau an toàn, nhưng tôi có tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn. Từ khi được nghe, hiểu về rau VietGAP, nông dân chúng tôi biết về những tác hại của rau bẩn, không đảm vệ sinh, có hại cho sức khỏe của mọi người. Giờ đây, gia đình theo cũng sản xuất theo hướng rau sạch, toàn bộ rau ở Thuận Nghĩa giờ là rau sạch!”. Nhà chị Loan trồng được 4 sào rau, chủ yếu là trồng cải ngọt và xà lách. Gần đây, chị Loan thuê thêm ruộng của một số nhà trong thôn chủ động mở rộng sản xuất rau sạch.
Mình bán cho người ta cũng giống như trồng cho mình ăn, phải làm cho sạch. Trước đây chưa biết, mình tưởng làm vậy là sạch. Giờ đã hiểu ra thì mình làm lại, để mọi người có nguồn thực phẩm an toàn – đây là điều rất đáng mừng, là chuyển biến mới ở Thuận Nghĩa. Rau sạch VietGAP lan ra khắp đồng rau Thuận Nghĩa. Người người, nhà nhà ở Thuận Nghĩa đều trồng rau sạch.
Ông Đào Văn Tri, Chủ nhiệm HTX kiêm nhóm trưởng NCST sản xuất rau an toàn khối Thuận Nghĩa, cho biết: “Mới đầu tiếp xúc, cũng bỡ ngõ nhưng bà con ở đây làm quen với phương pháp mới rất nhanh. Thực hành theo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vừa giảm được chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo sức khẻo, thân thiện với môi trường. Từ khi có phương pháp mới, bà con đã đoạn tuyệt với phương thức sản xuất cũ. Rau ở Thuận Nghĩa giờ đây chỉ có rau sạch và cận sạch. Sắp tới để mở rộng sản xuất cho bà con, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn, mở rộng diện tích”.
Để VietGAP trở thành xu hướng sản xuất chủ yếu
Tại Thuận Nghĩa đã có nhà máy sơ chế rau sạch, rau sau khi thu hoạch được đưa đến đây chế biến, đóng bao bì và xuất đi các nơi khác. Theo ông Đào Văn Tri, sản xuất rau sạch ở Thuận Nghĩa còn nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất đó là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Thời gian này, rau chủ yếu chuyển lên CoopMart Gia Lai, chủ động phương tiện vận chuyển đang là khó khăn của người trồng rau ở đây. Và điều quan trọng hơn, nông dân Thuận Nghĩa vẫn chưa thể chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân Thuận Nghĩa giỏi chịu cực để sản xuất, làm quen với cách làm mới. Nhưng họ rất vất vả khi vừa là nông dân sản xuất - vừa là người tiếp thị, bán hàng. Và trong suy nghĩ, nhiều người vẫn chờ đợi, tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài, từ chính quyền chứ chưa quan tâm đến nội lực của tập thể người làng rau.
Ông Đào Văn Tri, cho hay: “Rau ở Thuận Nghĩa chủ yếu đưa lên Gia Lai vì thuận tiện trong việc vận chuyển. Mỗi chuyến rau mình trả chi phí vận chuyển khoảng 300.000 đồng, trong khi vận chuyển xuống Quy Nhơn tuy gần nhưng lại có phần vất vả hơn vì chưa tìm được xe vận chuyển thích hợp. Bà con bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư phương tiện để chủ động đưa ra rau ra thị trường. Còn hiện tại, đa phần bà con vẫn làm và bán sản phẩm theo cách cũ là bán nhỏ, lẻ ngay tại vườn!”.
Khối Thuận Nghĩa hiện có 380 hộ dân, gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Một số hộ kết hợp thêm buôn bán và chăn nuôi để tăng hiệu quả kinh tế. Đời sống người dân ngày càng khởi sắc nhờ trồng rau. Trồng lúa là lấy công làm lãi, mỗi năm chỉ làm 2 vụ, thì trồng rau để có thu nhập hàng tháng, chi tiêu trong gia đình và nhiều gia đình tích được của ăn của để.
Nhiều gia đình trong vùng khấm khá lên từ rau như gia đình ông Quách Thanh Cầu, bà Trần Thị Tùng, ông Đào Văn Tri. Những hộ gia đình này đều có thu nhập từ 50 đến 100 triệu mỗi năm nhờ trồng rau. Thuận Nghĩa được công nhận làng văn hóa vào năm 2007. Ở Thuận Nghĩa đường bê tông nông thôn thẳng tắp chạy tới cuối làng, đèn đường được thắp sáng phục vụ người dân đi lại... Thế nhưng, ở Thuận Nghĩa người dân vẫn giữ gìn nếp xưa, những ngôi nhà 4 mái, cổng lá, có mái uốn cong... vẫn còn nhiều…
Thuận Nghĩa đang khá lên. Nhưng để có nhiều Thuận Nghĩa ở Bình Định, sau khi giúp nông dân thay đổi tư duy về canh tác, có lẽ đã đến lúc cơ quan chức năng nên cùng với nông dân tìm đầu ra tiêu thụ ổn định cho rau sạch, giúp nông dân linh hoạt hơn trong cách nghĩ, cách làm, tiếp cận thị trường mới. Thuận Nghĩa đã có nhà máy sơ chế rau nhưng vẫn chưa sử dụng hết công suất, nông dân Thuận Nghĩa cần chủ động hơn trong vấn đề này.
Đắm mình giữa màu xanh của đồng rau Thuận Nghĩa tôi thấy dường như mình đang từ từ bay lên.
Một số hình ảnh về rau VietGap tại Thuận Nghĩa:
|
Đồng rau Thuận Nghĩa hưởng lợi rất lớn do ở ven sông Kôn. |
|
|
Rau muống Thuận Nghĩa không chỉ nổi tiếng ở Bình Định mà còn có khách hàng khắp Tây Nguyên. |
|
|
CTV Báo Bình Định cùng tham gia thu hoạch rau với bà con nông dân. |
|
|
Rau được rửa sạch sẽ trước khi đem cân, đóng gói. |
|
|
Cân rau để đóng gói theo định lượng. |
|
|
Rau sạch do chính nông dân trong tỉnh Bình Định sản xuất bán tại siêu thị Coop Mart Quy Nhơn. |
|
|
Thành công từ Thuận Nghĩa cho phép chúng ta hy vọng nhiều hơn về “rau sạch nhãn hiệu Bình Định”. |
|
|