Lá giang - loại rau rừng dây leo mọc hoang dại khắp rừng núi - là nguyên liệu chính làm nên món canh chua lá giang ngon miệng, mát lành và quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Bình Định. 2.000 đồng/bó nhỏ vừa nắm tay, hái lá giang trở thành công việc dễ làm, dễ kiếm tiền của người dân nông thôn lúc nông nhàn…
Rau rừng dễ kiếm
Hầu như chỗ nào có rừng, đồi, triền núi, gò cao… là chỗ ấy có lá giang. Tùy vùng đất mà lá giang leo, bám lưa thưa lẫn cùng các loại cây cỏ khác hay mọc dày cả mảng xanh. “Nón cời liềm quéo bao ga, gò hoang bụi rậm tìm ai một mình/ Mồ hôi rướm má đỏ bừng, bàn chân gai góc đã từng dẫm đan/ Thương người dưới nắng chang chang, vườn cam ai ngọt, rừng giang chua lừng/ Sớm đi bứt lá giang rừng, chiều về phố thị bán từng lọn giang…” - nhà thơ nông dân Hồ Thế Phất, tác giả của những câu thơ “vườn” hóm hỉnh mà không kém phần xúc động, đã “vẽ” rất tài tình, đầy đủ không gian, dụng cụ lao động cũng như nỗi vất vả của những người đi hái lá giang rừng.
|
Một số phụ nữ ở thôn Gia Lạc (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) vào rừng hái lá giang kết hợp hái trái cây rừng. Ảnh: S.L |
Chị Nguyễn Thị Lý, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, cho biết: “Nguồn lá giang ở quê tui giàu có lắm. Hái vài bó để nhà nấu canh hay cho họ hàng thì ra bờ rào các nhà hướng trong núi, chịu khó tìm nửa giờ cũng được 1-2 kg. Còn muốn hái nhiều 10-20 kg để đem ra chợ bán thì vào trong gò đất núi mà hái. Với lá giang, chỉ suốt lá, cắt ngọn chứ đừng cắt gốc để còn khai thác tiếp. Thời tiết ráo rẻ, thỉnh thoảng có mưa, mười bữa nửa tháng quay lại chỗ cắt trước đã thấy xanh rì lá giang”.
Lá giang dễ tìm dễ hái. Với trẻ em nông thôn, nghỉ hè đi hái lá giang có thể phụ cha mẹ mua sách vở, bút mực cho năm học mới. Tôi đã theo chân 3 em nhỏ Nguyễn Thị Mỹ Hiền, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Văn An (ở đội 6, thôn Hòa Trung, xã Bình Tường) cuốc bộ mấy cây số vào gò Cây Cầy thuộc núi Hố Sâu trước mặt thôn Hòa Trung để hái lá giang. Hiền nói: “Mỗi buổi chiều không học, tụi em thường đi hái lá giang. Tay yếu, không kéo, giật, cắt cọng giang trên cao được nên tụi em chỉ đứng dưới đất tuốt lá những cọng giang mọc thấp hoặc chìa xuống đất. Mỗi buổi như vậy, mỗi đứa cũng lặt được 2-3 kg lá để má đem ra chợ bán”.
Nguyễn Đình Lợi bổ sung: “Khi hái lá giang, phải nhìn cho kỹ vì có một vài loại lá giống lá giang như đúc nhưng ăn vào là bị ngộ độc như lá giăng, lá nhám…”. An thì kể: “Lá giang hái xong cho vào bao đem về nhà, trút ra rổ bốc hết hơi nóng, ẩm. Xong, đổ nước vào ngâm chừng 10 phút cho lá tươi trở lại. Sáng sớm, má đem lá lên chợ Hòa Sơn cân bán cho những người bán rau ở chợ, với giá 15.000-20.000 đồng/kg”.
Hơn cả một loại rau
Theo những người bán rau, lá giang mọc ở vùng rừng núi huyện Tây Sơn là ngon hơn cả. Chị Lê Thị Thúy, một tiểu thương bán rau ở chợ Sân Bay, TP Quy Nhơn, quả quyết: “Lá giang ở Tây Sơn có màu xanh tươi, vị chua thanh, ít chát, nấu canh nước trong…”.
Là loại rau lành tính, canh lá giang ngon miệng, dễ chế biến với nhiều loại thực phẩm. Được dùng phổ biến, có thể đến một lúc nào đó, nguồn lá giang ngoài thiên nhiên cung cấp không đủ, người dân trong tỉnh sẽ nghĩ đến việc trồng lá giang tại vườn nhà như người dân các tỉnh Nam Bộ đã làm.
Với những nhà phố may mắn có bụi lá giang mọc tự nhiên ở hàng rào, góc vườn, khỏi nói hết niềm vui của chủ nhà. Như nhà anh Đình Hòa, ở hẻm đường Tôn Thất Tùng, TP Quy Nhơn, 20 năm trước khi vợ chồng anh đến ở, bụi lá giang đã mọc tự bao giờ, gốc to bằng bắp chân, vỏ gốc thô ráp xù xì như một cây cổ thụ. Cái gốc giang cằn cỗi ấy lại cho những cành xanh non mơn mởn, leo bò khắp nơi, lấn sang và bám đầy hàng rào các nhà bên cạnh. Hàng xóm anh Hòa tất nhiên rất sướng với loại rau này, thỉnh thoảng còn bón phân, tưới nước. Vậy là, từ một gốc giang, nhiều hàng rào lá giang ra đời, cả xóm ăn không hết, ai đi ngang muốn xin hái về nấu canh cứ việc!
Lúc nhỏ, tôi đã thấy người dân quê mình mỗi khi lên núi kiếm củi, đốt than hay chặt cây chành rành, đót về làm chổi, đều không quên kiếm ít lá giang về nấu canh. Hôm nào nhà tôi có khách đột xuất, sau khi cúc, nhử con gà, thể nào má cũng tất tả đến gò đất cao giữa đồng hái nắm lá giang để nấu món canh gà lá giang đãi khách.
Quê tôi, những đứa con vào đại học xa nhà, mãi không quen được với món canh chua Nam Bộ đặc những cà chua, thơm, me, bạc hà, đậu bắp…; thèm bát canh lá giang “trong trỏng” mà chua chua, thanh thanh quê nhà. Không quên được những bà má tìm lá giang về rửa sạch, phơi khô để dành đến hè, Tết, con về mang vào trường; hay trong gói đồ dùng chuẩn bị cho chồng, con đi bạn dài ngày cũng không thiếu lá giang phơi khô.
“Quê ta lợi thế lá giang, nấu đầu cá nục cứ chan húp ào/ Dầu ai nghèo khổ, cao sang, chén cơm chan bát canh giang thấm tình”, trở lại với những câu thơ dân dã của nhà thơ Hồ Thế Phất, để thấy với người Bình Định nói riêng, người miền Trung nói chung, lá giang và canh chua lá giang không chỉ là một loại rau rừng, một loại canh ngon. Nó là hương vị quê nhà trong tim mỗi người.
|