Tin núi Kim Sơn thuộc thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân) có vàng bị thổi phồng, bay xa. Dân đào vàng các nơi ồ ạt tìm đến. Mặc dù bị lực lượng chức năng ngăn chặn nhưng nhiều người vẫn lén lút vào bãi. Sau nhiều năm ẩn bãi, nhiều người đã dụi mắt, nhận ra thực – hư “giấc mộng vàng” và âm thầm bước ra.
|
Từ bỏ bãi vàng về trồng dâu nuôi tằm. |
Được người dân xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân mách bảo, tôi tìm đến nhà một số người từng đào đãi vàng ở bãi Kim Sơn trong bộ dạng “người học nghề”. Anh L.L ở thôn Kim Sơn, sau lượt nhìn soi mói, đã thẳng thắn: “Muốn vào bãi phải không? Biết gì về vàng ở đây mà đi đào?”. Tôi đã dự trù các tình huống nên nhanh miệng: “Nghe nói bãi Hố Khế, Hố Cọp có vàng, em muốn vào một chuyến. Biết anh có thâm niên nên nhờ chỉ giáo!”. “Nghe lời đồn, coi chừng hết nhà, thiệt thân đấy!”, anh nói, rồi gọi điện một người có tên là T.V.H cùng thôn đến lai rai vài ly nhấm nháp chuyện cũ.
Xây mộng
Anh L. cho biết: “Năm 1995, sau khi một công ty khoáng sản hết thời gian thăm dò địa chất, rút khỏi các núi Hố Khế, Hố Cọp, Hố Chuối, Hòn Khô thuộc địa phận xã Ân Nghĩa thì hàng loạt người ở miền Bắc tràn vào, tiếp chân. Họ mang theo vật dụng đào đãi vàng và xin tá túc ở nhà dân. Ngày lên núi, tối về. Cứ vài hôm, họ lại mở cuộc nhậu thỏa thuê. Người làng thấy vậy, cứ nghĩ họ trúng vàng. Một ngày, hai ngày, rồi dần dần trong chúng tôi hình thành ước mộng giàu sang bằng việc vào núi đào đãi vàng. Chúng tôi làm quen và theo họ lên núi làm công. Giữa lúc chúng tôi cần kinh nghiệm tăm tia, phân loại đất đá, lọc đãi thì lực lượng chức năng vây ráp và trục xuất số người này ra khỏi địa phương. Không từ bỏ “giấc mộng vàng”, bằng những gì biết được, chúng tôi lén lút, tiếp tục vào núi. Hằng ngày, chúng tôi dạo khắp các khe suối, sườn đồi theo tăm vàng. Nhiều ngày, nhiều tháng không phát hiện được gì nhưng chúng tôi vẫn đeo đuổi. Rồi tin điểm này có tăm, điểm kia có tia rộn lên, khiến chúng tôi mơ tưởng nhiều hơn, quyết tâm bám núi, đào, đãi! Cứ thấy từ xa có vũng cát đọng, trong đầu lại sáng lên ánh vàng. Một thời gian sau, nghe cánh nhà S. đụng tia trong đất, chúng tôi chuyển sang tăm vàng bằng địa đạo!...”.
Riêng anh H. đến năm thứ hai tìm vàng không thấy vẫn quyết gom tiền hùn mua máy, cối… với quyết tâm một ngày không xa sẽ bù gấp trăm, triệu lần dù vợ nước mắt ngắn dài. Anh H. nhớ lại: “Đầu óc tôi lúc ấy chỉ có vàng. Ăn cũng nghĩ vàng. Ngủ cũng thấy vàng…”.
|
Một người thôn Kim Sơn từ bỏ đào đãi vàng về làm thợ xây. |
Thực – hư vàng Kim Sơn
Thực tế ở thôn Kim Sơn từng có tin đồn “cha con ông S., ông T. trúng đậm”. Nhưng anh H. khẳng định: “Ông S., ông T. chưa bao giờ mở miệng bảo trúng vàng. Người ta thấy họ có sắm sửa đôi chút đồ đạc đắt tiền thì kháo nhau như vậy!”.
Trả lời thắc mắc của tôi rằng không có người trúng vàng, sao người tìm vàng vẫn cứ ẩn trụ khá lâu, anh L. giải thích: “Có người lỡ sắm phương tiện, vật dụng đào đãi nên cố theo. Có người theo để mua bán trục lợi. Cũng có thể có người được vàng đủ chi phí nhưng số này không quá 5%. Đại đa số người bám bãi là người nuôi mộng, chịu hao tài tổn sức!”.
Khi hỏi về khó khăn, nguy hiểm trong quá trình đào đãi vàng ở bãi Kim Sơn, anh H. tâm sự: “Giờ nghĩ lại vẫn còn kinh hãi. Đi tăm trên mặt đất, vất vả vì phải đi nhiều điểm, mang nhiều mẫu cát, đá từ núi về suối mới có để dập, đãi. Đào hầm vào lòng đất, vừa vất vả vừa nguy hiểm khó lường. Hầm ở bãi có hai dạng: hầm đứng và hầm ngang. Hầm đứng sâu từ 3-15 m, xuống dưới là tức ngực. Hầm ngang dài từ 10-80 m. Diện tích hầm lớn, nhỏ tùy thuộc vào số lượng người đào. Hầm đứng, đào rồi dùng ròng rọc kéo đất đá lên. Hầm ngang, đào, dùng xô xách hoặc gánh chuyển ra ngoài. Có hầm có kè, có hầm không kè, rất nguy hiểm. Vào sâu trong hầm ngang phải dùng đèn pin hoặc đèn cầy, phải có máy thổi không khí vào mới đủ thở. Năm ngoái có vụ đứt ròng rọc, bao đá rơi ập xuống lưng một người đào, gây chấn thương cột sống, nằm ngay tại chỗ. Rồi vụ sập hầm ngang làm chết ba người, bị thương hai người”.
Đất đá lấy từ các hầm được đưa đến máy phân loại, sàng lọc rồi mới cho vào cối dập. Dập xong, đá dăm được đưa tiếp sang máy xay, xay nhuyễn. Bột đá rớt xuống chiếc máng đã được tráng lớp thủy ngân. Nước từ vòi máy xối xuống làm trôi bột đá. Cám vàng nếu có, thủy ngân hút vào, giữ lại. Có vàng hay không, những người đứng máy phải tráng, gom, cô, vắt thủy ngân. Tất cả đều phải tiếp xúc với hóa chất vô cùng độc hại!
Cũng theo lời kể của anh H., khổ nhất là lúc bị lực lượng chức năng truy quét tập kích bất ngờ phải bỏ của chạy tháo thân. Rồi đau ốm, say rượu, ham hố vào hầm, rất dễ chết ngạt. Mâu thuẫn, xô xát xảy ra ở đây cũng không ít. Nhiều người đào vàng thấy rõ việc “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nên đã rời bãi!”.
|
Hố nước đãi vàng đã khô ở bãi vàng Kim Sơn.
|
Bước ra
Qua chuyện trò, tôi biết anh L., anh H. rời bãi vàng về làm thợ nề đã hơn ba năm nay. Đầu tiên đi phụ, sau xây chính. Hiện công việc của các anh khá ổn định. Anh H. vừa làm thợ, vừa phụ vợ chăn nuôi và đang chuẩn bị khởi công xây chuồng trại nuôi heo theo quy mô lớn. Tôi hỏi hai anh về những khó khăn, trở ngại lúc từ giã bãi vàng. Anh L. cười tươi, mạnh miệng: “Không có gì để luyến tiếc. Ngần ấy năm, mình đã biết và thấm thía rồi. Về càng sớm càng tốt!”.
Anh H. thì nói như giãi bày: “Lúc gom đồ rời bãi, tôi cũng quyến luyến. Lòng đã quyết nhưng vẫn thấy tiếc vốn liếng hùn chung. May mà cứng rắn chứ chần chừ thì chưa chắc giờ được ngồi cùng anh em!”. Rồi anh kể tiếp: “Những ngày đầu rời bãi về nhà, tôi thấy ngượng với vợ con, gia đình, hàng xóm; thẹn với lương tâm vì suốt mấy năm trời không làm ra lại còn tiêu tốn khá nhiều tiền của. Tôi ân hận vì để mặc một thân vợ yếu vừa lo việc đồng áng, chăm con, chăm sóc mẹ chồng, lại vừa lo nhơn nghĩa. Nghĩ vậy, tôi thấy tủi hổ và quyết làm lại từ đầu. Vợ tôi thấu hiểu nên luôn san sẻ, động viên tôi vượt qua mặc cảm!”.
Anh L. chia sẻ thêm: “Mang thói quen ăn uống, tiêu xài xả láng, về nhà, lúc đầu cũng lùng bùng, bực bội nhưng tập dần rồi cũng quen. Giờ tiêu tiền biết xót rồi! Hồi đó về, tiền không có một xu, làm việc gì cũng khó. Nghĩ mãi mới chọn nghề thợ nề. May mà công việc đều đều nên cũng đỡ!”.
Không chỉ có anh H., anh L. sau một thời gian, không thấy vàng hoặc thu không đủ chi, rất nhiều người đã bỏ bãi. Có người về, đi làm thợ nề, có người trồng dâu nuôi tằm, người chăn nuôi heo, người trồng rừng, người làm dịch vụ cho thuê rạp cưới... Họ sớm hòa nhập cuộc sống và tìm được niềm vui trong công việc. Nhiều người trồng được vài hec ta keo lai gần đến tuổi khai thác như anh N.V.T, anh H.V.N ở thôn Kim Sơn. Nhiều người nuôi được 2-3 hộp tằm giống/ vụ cho thu nhập cao như anh B., anh K. ở thôn Nhơn Sơn. Đa số họ vừa làm ruộng, vừa làm thêm nghề phụ, cuộc sống đã ổn định! Riêng anh L. làm mỗi ngày được 120-150 ngàn đồng, đủ chi phí trong gia đình lại vừa phụ giúp được vợ chuyện nhà, theo dõi, nhắc nhở con cái học hành, lo chu toàn chuyện nhơn nghĩa! . . .
Tiễn tôi ra về, chị L.T.M- vợ anh L. thổ lộ: “Ảnh bỏ bãi vàng lâu rồi, chị mừng lắm! Em về xin làm xưởng hoặc phụ xe, nếu không tìm được việc thì lên đây đi làm thợ hồ với anh. Nay ảnh cần nhiều thợ lắm!”.
|