Những ngày tháng Tư, tôi lại đi trên những con đường bê tông hôm nay của vùng đất Bình Quang xưa (nay là các xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, Vĩnh Quang và thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) để cảm nhận những đổi thay của quê hương sau 40 năm giải phóng. Gọi là 40 năm vì xã Bình Quang được giải phóng hoàn toàn vào ngày 20.4.1972 và giữ vững cho đến ngày giải phóng toàn tỉnh Bình Định (31.3.1975).
|
Một góc thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh. |
Ngày ấy…
Xã Bình Quang trước đây thuộc huyện Bình Khê gồm 6 thôn: Vĩnh Phúc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Bình, Định Thành, Định Bình và Định Quang. Tổng diện tích Bình Quang lúc đó khoảng chừng 120 km2, dân số 2.500 người, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Đây là xã miền núi nằm dọc hai bờ sông Côn, là vùng đất cửa ngõ nối đồng bằng Bình Định với Tây Nguyên.
Trong ký ức của mình, ông Lê Văn Diện, nguyên Bí thư Chi bộ xã Bình Quang ngày ấy, vẫn còn nhớ như in quê hương trong những ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cách đây hơn 40 năm: “Từ năm 1965, sau khi Chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ chuyển sang áp dụng Chiến lược Chiến tranh cục bộ, huy động ồ ạt quân viễn chinh trực tiếp đổ vào xâm lược, đánh phá miền Nam. Cùng thời điểm trên, Mỹ tập trung lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại để tái chiếm Bình Quang. Đến cuối tháng 10.1965, địch đã lấn chiếm được Bình Quang và dùng nhiều thủ đoạn dã man để trả thù đối với đảng viên, cơ sở cách mạng đã hoạt động công khai trong thời gian xã giải phóng. Hầu hết đảng viên, quần chúng trung kiên đã chạy ra rìa núi sinh sống bất hợp pháp; nhiều nơi trong xã trở thành vùng trắng, không có lực lượng cách mạng bám trụ trong quần chúng”.
Trước tình hình cấp bách đó, đầu tháng 11.1965, Chi bộ Bình Quang tiến hành Hội nghị, đề ra chủ trương “bốn bám” quyết “một tấc không đi, một ly không rời”. Nhờ đó, Bình Quang đã vượt được bước ngoặt khó khăn, khôi phục lại phong trào cách mạng, củng cố lực lượng vũ trang, trực tiếp xuống từng thôn diệt ác phá kìm. Với tinh thần chủ động đối phó với Chiến tranh cục bộ, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, du kích Bình Quang đã chặn đánh, làm thất bại 6 trận càn quét của địch, đột kích đánh địch 17 trận, bắt sống 30 tên, tiêu diệt 98 tên địch, làm bị thương 87 tên, đánh hỏng 4 xe GMC, 1 xe ZEP, thu 133 súng các loại và nhiều đạn dược.
Thất bại trong Chiến lược Chiến tranh cục bộ, đầu năm 1969 đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Bình Định vẫn là một trong những trọng điểm đánh phá khốc liệt của Mỹ - ngụy, trong đó có Bình Quang, Bình Khê và huyện Vĩnh Thạnh. Nhưng nhân dân Bình Quang luôn bám trụ vững chắc, kiên cường chống trả đánh địch.
Tiêu biểu đầu năm 1972, mở màn Chiến dịch Xuân - Hè 1972, phối hợp với bộ đội huyện Vĩnh Thạnh, quân dân Bình Quang đã liên tục tấn công địch trên tất cả các mặt trận. Ngày 20.4.1972, toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền gồm 4 đại đội bảo an, 6 trung đội dân vệ ở chi khu quận lỵ Vĩnh Thạnh đã tháo chạy. Phát huy thế tiến công, du kích Bình Quang đã tiêu diệt chốt Gò Lẫm và Hòn Cấm, giải phóng 6 thôn với 5.000 dân; quần chúng nổi dậy san bằng các đồn bót trong xã, thu chiến lợi phẩm, truy quét tàn quân và ngụy quyền xã, thôn. Đây là lần thứ hai quận lỵ Vĩnh Thạnh và xã Bình Quang được hoàn toàn giải phóng; riêng Bình Quang là xã đầu tiên của huyện Bình Khê được giải phóng.
|
Hồ Định Bình, công trình thủy lợi - thủy điện lớn của tỉnh được xây dựng trên địa bàn Vĩnh Quang.
|
Bình Quang khởi sắc
Do nhu cầu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, tháng 11.1986, địa giới 3 xã: Bình Quang, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp đã được điều chỉnh thành 4 xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa và Vĩnh Hiệp. Đến năm 2006, thị trấn Vĩnh Thạnh được thành lập trên cơ sở một phần diện tích đất và số dân của xã Vĩnh Quang và Vĩnh Hảo.
Dẫu khác nhau về ranh giới hành chính, tên gọi từng xã, thị trấn, nhưng cán bộ và nhân dân Bình Quang vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quê hương, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau trên mọi lĩnh vực, chung sức xây dựng quê hương ngày một đổi mới và phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, bình quân thu nhập đầu người ước đạt 12,4 triệu đồng/năm; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng ngày một hoàn chỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ dân sinh. Đường giao thông đã được bê tông hóa đến từng thôn, xóm; trên sông Côn, suối Sem, Hà Rơn, Nước Liêm, Nước Tấn… đều được xây dựng cầu kiên cố, thuận lợi trong việc sản xuất và đi lại. Nhiều công trình thủy lợi: hồ Định Bình, hồ Hồn Lập, đập Nước Tấn, đập Nước Liêm và các tuyến kênh mương được xây dựng kiên cố đáp ứng đủ nước tưới trong sản xuất.
Các xã, thị trấn thuộc Bình Quang xưa đều đã có trạm y tế, trường học và tất cả đều được đầu tư xây dựng kiến cố, khang trang, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe và học tập. Chất lượng đội ngũ y tế, giáo viên ngày được nâng cao, được chuẩn hóa về chuyên môn; các xã, thị trấn đều có bác sĩ và được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; phong trào văn nghệ - thể thao ngày một phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tốt, tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3%; công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách xã hội được thực hiện tốt.
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, cách mạng trong đấu tranh giải phóng, người dân Bình Quang đã đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Cảnh hoang vu ngày nào nay đã trở thành những vùng dân cư trù phú với cánh đồng lúa tít tắp, những công trình thủy lợi rộng lớn…
Bình Quang giờ đã khác xưa, cuộc sống mọi nhà đã ấm no và quê hương thay da đổi thịt từng ngày…
Qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, xã Bình Quang có 247 người con hy sinh cho Tổ quốc, 199 thương bệnh binh. Đảng bộ và nhân dân xã Bình Quang đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; liệt sĩ Huỳnh Thị Đào được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; 881 huân, huy chương và bằng khen đã được trao cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước. |
|