Trò chuyện với người đi tìm “Di văn thời Tây Sơn”
10:26', 14/5/ 2012 (GMT+7)

NXB Hà Nội đã trân trọng giới thiệu về cuốn sách như sau: “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội” đã bù đắp những hẫng hụt về mặt tư liệu, làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một phong trào khởi nghĩa nông dân lớn nhất nước ta cuối thế kỷ XVIII.(…) Tập sách còn có thể xem như một bong hoa khác lạ góp thêm hương sắc cho “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. CTV của Báo Bình Định điện tử đã trò chuyện cùng PGS Trần Nghĩa - chủ biên cuốn sách

 

Phó Giáo sư Trần Nghĩa.

 

Cuốn “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội” (NXB Hà Nội, năm 2010) là kết quả hơn 20 năm dày công “trục vớt” những tư liệu Hán Nôm được hình thành dưới thời Tây Sơn, qua bao thăng trầm của lịch sử, vẫn còn tồn tích lại trong kho sách cổ của Viện Hán Nôm, trong các văn bia, văn tự trên chuông, khánh, cột hương... ở các làng xã trên đất Thăng Long – Hà Nội của PGS Trần Nghĩa và các cộng sự.

Những văn bản rất xưa của một triều đại ngắn ngủi nhưng vô cùng hào hùng, rực rỡ trong lịch sử dân tộc đã là nguyên cớ để PGS Trần Nghĩa bày tỏ nhiều suy nghĩ về công tác nghiên cứu Hán Nôm cũng như chuyện đời, chuyện người…

“Phải học thêm nhiều mới dám động vào di sản”

“Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội” là một trong gần 100 đầu sách của “Tủ sách 1000 năm Thăng Long”, được xuất bản trong tuyến sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Theo lời kể của PGS Trần Nghĩa, số phận bản thảo cuốn sách khá long đong. Được hoàn thành một phần từ năm 1988, dự định sẽ ra mắt người đọc vào dịp kỷ niệm 200 năm kiến lập vương triều Tây Sơn, nhưng rồi phải đến năm 2010, hơn 20 năm sau, người đọc mới được tiếp cận với “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội”

PGS Trần Nghĩa, chuyên gia cao cấp về nghiên cứu Hán Nôm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp chúng tôi tại căn nhà nhỏ trong khu tập thể Thành Công, Hà Nội. Ông bồi hồi nhớ lại từ những năm 1984 - 1985, ông đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì nhận được tin sẽ có một đoàn cán bộ của Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình ra hợp tác với Viện để tìm kiếm các tư liệu về thời Tây Sơn.

“Tôi là con dân của tỉnh Nghĩa Bình, khi đó đang làm việc ở Viện nên đã hợp tác tích cực cộng tác với họ” – vị PGS quê gốc ở Quảng Ngãi bày tỏ.

Nhóm tác giả Trần Nghĩa – Lâm Giang – Vũ Thanh Hằng – Phạm Văn Thắm – Nguyễn Doãn Tuân đã thu thập được nhiều tư liệu quý về thời Tây Sơn, thế nhưng sau hai năm miệt mài, nhóm tác giả quyết định… chưa xuất bản cuốn sách. “Không phải nói cho hay đâu, hoặc nói để vờ khiêm tốn, mà thú thật là ngày ấy chúng tôi không dám in sách vì còn …sợ. Còn nhiều tư liệu mà chúng tôi tin là trong dân gian vẫn còn giữ nhưng chưa tìm được, sưu tầm dở dang rồi công bố thì uổng đi. Thêm nữa chúng tôi đã quyết định phải học thêm nữa để lý giải tư duy của cha ông mình”.

Lý giải cái nỗi sợ đáng trọng ấy, PGS Trần Nghĩa dẫn câu nói của các bậc tiền nhân dặn những người muốn theo đòi nghiệp chữ nghĩa: “Thao lược nhâm cầm đều thạo. Nho y lý số cùng tinh”. “Muốn nghiên cứu Hán Nôm là phải như vậy đấy! Phải thạo từ thao lược – binh pháp, đến nhâm – tướng số, cầm – âm nhạc hay nghệ thuật nói chung. Phải tinh thông từ chữ Nho đến y học, địa lý, phong thủy, số học, tướng số (khoa học dự báo)” – PGS Trần Nghĩa nói.

Hai mươi năm trôi nhanh, đến dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bản thảo cuốn sách xưa lại được rút ra khỏi ngăn kéo. Từ năm 2008, cũng chính nhóm làm sách xưa (trong đó có bà Vũ Thanh Hằng chính là phu nhân của PGS Trần Nghĩa) đã cùng đọc lại, sưu tầm thêm từ kho sách của Viện, từ công tác điền dã…

Việc tìm kiếm các bản di văn được khuôn gọn trong phạm vi “đất Thăng Long – Hà Nội” đã làm nội dung cuốn sách tập trung hơn. Khoảng 30% số tư liệu trong cuốn sách này được bổ sung trong hai năm 2008 – 2009, trong đó quả nhiên có nhiều tư liệu thuộc diện hiếm hoi, có tính phát hiện.

NXB Hà Nội đã trân trọng giới thiệu về cuốn sách: “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội” đã bù đắp những hẫng hụt về mặt tư liệu, làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một phong trào khởi nghĩa nông dân lớn nhất nước ta cuối thế kỷ XIX.(…) Tập sách còn có thể xem như một bong hoa khác lạ góp thêm hương sắc cho “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

 

Sách “Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội”.

 

“Một vương triều qua đi… và những gì còn lại”

Đó là tên của phần “Lời nói đầu” cuốn sách, đồng thời cũng là cách tóm lược nhất để nói về những tâm đắc của PGS Trần Nghĩa khi cùng cộng sự thực hiện công trình này.

Tốt nghiệp Khoa văn Đại học Tổng hợp Sơn Đông, Trung Quốc từ năm 1960, sau đó giữ nhiều trọng trách tại Viện Văn học, Viện Hán Nôm, vị giáo sư đã ngoài tuổi “thất thập” nói rằng ông chú tâm nghiên cứu triều Tây Sơn không phải chỉ vì quê quán vùng Nghĩa Bình mà còn vì muốn xóa đi lớp bụi thời gian có thể làm mai một quan điểm đổi mới của một vị vua có thể nói là “ít phong kiến” nhất trong lịch sử Việt Nam…

- Việc tìm kiếm những di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long có gặp khó khăn gì không, thưa PGS?

. Triều đại Tây Sơn tồn tại 14 năm (1788 – 1802), thời gian đó đã có nhiều thư tịch quý, nhưng sau đó các văn kiện bị các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, trả đũa, lấp xóa các dấu vết của cái mà họ gọi là “ngụy triều”, chúng ta ngày nay có quá ít tư liệu để nghiên cứu về thời đại Tây Sơn.

Rồi thêm nữa, các tác giả viết sách thời sau cũng tự “kiểm duyệt”. Khi đến triều Nguyễn thì nhiều người buộc lòng viết khác đi về thời Tây Sơn để tránh cảnh “ngục văn tự” (vào tù vì chuyện chữ nghĩa –TG). Vì vậy trước khi nghiên cứu phải làm công việc chỉnh lý văn bản, trả văn bản về đúng văn bản ban đầu để tránh biến “lợn lành thành lợn què”. Có những văn bản bị mối xông thì chúng tôi cứ để trống chữ đó, sau khi so sánh đối chiều với các văn bản cùng tác giả thì ghi cả vào các chữ “dự đoán” có thể được dùng trong văn bản gốc, và lý giải với độc giả đâu là chữ có nhiều khả năng đã được dùng – theo quan điểm của mình.

- Trong những quan điểm của thời Quang Trung thể hiện trong các bản di văn, ắt hẳn có nhiều quan điểm cấp tiến về mặt chính trị?

. Có hai quan điểm mà tôi rất tâm đắc đó là quan điểm về “thời cơ” và quan điểm “dụng nhân”.

Trong bài ký khắc trên chuông chùa chùa Lạc Lâm (Hoài Đức, Hà Nội) đã ghi lại chuyện: “chuông xưa đã đúc thành tiền, nay tiền lại đúc ra chuông”. Ấy chính là nhắc lại chuyện Nguyễn Hữu Chỉnh, thời kỳ được nhà Tây Sơn trọng dụng, trong lúc Nguyễn Huệ quay về Thuận Hóa, Nguyễn Hữu Chỉnh đã có “sáng kiến” đem các chuông, khánh bằng đồng cho vào lò nấu chảy ra rồi đem đồng… đúc tiền. Sau khi vua Quang Trung sai quân ra Bắc giết Chỉnh, dẹp loạn thì lệnh xây dựng lại đền chùa những nơi Chỉnh phá, đúc lại chuông, làm lại bia. Thời cuộc có những chuyện…quẩn quanh như thế đấy! Dưới thời Tây Sơn, chữ “thời”, chữ “đạo” đã trở thành bài toán hóc búa đối với những nhà quản lý chính trị – văn hoá – xã hội. Và cả bây giờ nữa, mỗi con người cũng như cả dân tộc luôn luôn cần phải đi tìm lời giải cho mình trước sự xoay vần của thế cuộc…

- Những văn tự thời xưa đã để lại cho chúng ta bài học gì trước những việc đời như thế, thưa PGS?

Có một bài học là: Suy nghĩ con người cũng phải chỉnh lại để phù hợp với những biến đổi của thời cuộc. Tôi nghĩ như là chỉnh đồng hồ vậy mà. Đồng hồ ở Hà Nội trong ngày nắng ráo thì nó chạy đúng, nhưng ngày trời nồm ẩm nó sẽ chạy lệch đi, mình lên Sapa, Đà Lạt… nó cũng chạy chệch choạc đi… Mình đừng đổ tội cái đồng hồ, do môi trường sống đó… Cho nên con người sống trong đời cũng vậy, đừng dùng nhiều cái câu “tôi trước sau như một”. Làm sao mà “trước sau như một” được? Thời đại công nghệ số, mọi thứ đều thay đổi chóng mặt. Chúng ta nên giống như người đánh cờ, người ta đi quân này mình phải khiển quân khác, chứ làm sao mà “trước sau như một được”.

 

Một đạo sắc phong thời Tây Sơn phát hiện ở Hải Dương. Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, đây là chứng tích quý của nhà Tây Sơn đời vua Cảnh Thịnh với 211 năm tuổi, là tài sản quốc gia cần được bảo vệ theo Luật di sản.

 

- Còn về quan điểm dụng nhân thì sao, thưa ông?

Anh em Tây Sơn - Nguyễn Huệ gốc từ nông dân mà ra. Họ hiểu được người dân muốn gì, không muốn gì. Thêm nữa, họ hiểu được cả điểm mạnh, điểm yếu của người Nam, người Bắc, và biết kết hợp những điểm mạnh của người dân hai miền, đặng làm tròn việc lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Huệ đã dùng Nguyễn Hữu Chỉnh và sau đó là Phan Huy Ích để giúp việc đâu. Qua các trí thức Bắc Hà này ông đã phát hiện ra nhiều thế mạnh cũng như điểm yếu của sĩ phu Bắc Hà, từ đó vua Quang Trung đã kết hợp cái quyết chí, dám làm của tướng lĩnh xuất thân nông dân khởi nghĩa phương Nam, với sự thâm trầm sâu sắc của những trí thức có truyền thống trên đất Bắc.

Tôi chỉ đơn cử chuyện này thôi…Năm 1789, khi đem quân ra đánh quân Thanh thì ra đến Nghệ An, Nguyễn Huệ cho binh sĩ dừng lại đấy, ăn Tết cái đã. Dân thì họ nghĩ như thế đấy! Tết là họ ăn Tết chứ họ không có chờ. Nghệ An là quê cha đất tổ của Nguyễn Huệ và nhiều binh lính của ông. Họ ở nơi có nhiều người cùng quê kiểng, mà cũng gặp lúc gần Tết nên ông cho binh lính ăn Tết ở đó, rồi hẹn với binh lính là thôi ta ăn Tết ở đây sơ sơ, rồi vào được Thăng Long thì mới ăn Tết to. Suy nghĩ đó gần với dân lắm!

- Xin hỏi thêm ông một câu hỏi nhỏ: làm một cuốn sách chưa đầy 900 trang mà mất… hơn 20 năm, ông và các cộng sự có băn khoăn gì về chuyện đãi ngộ?

Chúng tôi làm ban đầu đều không có thù lao gì, đều là ăn lương nhà nước ở các vị trí công tác thuộc Viện Hán Nôm, Trung tâm Quản lý di tích thắng cảnh Hà Nội…  rồi làm. Nói nôm na thì chỉ là việc “ăn cơm nhà vác ngà voi hàng xóm”.

Cá nhân tôi thì tôi nghĩ: Mình sống phải có chút gì đó để lại cho mai hậu, coi như là được trả cái nợ với cuộc đời này. Mình sinh ra, sống ở trên đời này được hưởng thụ biết bao nhiêu hạnh phúc. Con đường mình đi, cây cầu mình qua, kể cả lời ăn tiếng nói mà tôi nói hôm nay đều là được hình thành từ bao nhiêu đời trước… Phải để lại, dù ít dù nhiều, cho đời sau. Chẳng nhẽ sinh ra, kiếm sống rồi làm giàu, để của lại cho con cháu, chỉ có thế rồi đi khỏi cuộc sống này hay sao? Thời đại của tôi, chúng tôi nghĩ rất nhiều về niềm vinh dự được đóng góp.

Mặt khác, khi có công việc thôi thúc thì mình mới có cái hăng hái đi tìm hiểu. Học rồi để viết ra thì mới hăng hái học chứ học để quên thì học làm gì?

Nếu không làm việc, không viết thì “vỡ nợ” rồi đi sang thế giới bên kia sao? (cười sảng khoái)

Sắp tới PGS Trần Nghĩa sẽ tiếp tục nghiên cứu về tuồng Đào Tấn, một công việc ông đã bắt đầu từ 5 – 7 năm trước. Ông hào hứng nói về một công trình nghiên cứu về Nguyễn Diêu, thầy của Đào Tấn – người viết vở tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”. Nghiên cứu, tìm tòi dường như không bao giờ là đủ với vị PGS cao tuổi nhưng quyết tâm không rũ bỏ “món nợ” văn chương, chữ nghĩa với đời.

PGS Trần Nghĩa sinh năm 1936 tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng Hợp Sơn Đông, Trung Quốc năm 1960, sau đó làm việc ở Viện Văn học.

Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông được cử vào làm việc tại Viện Khoa học và Xã hội TP. HCM. Sau 5 năm làm việc ở đây, năm 1980 PGS Trần Nghĩa quay lại Hà Nội và công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho đến khi nghỉ hưu (năm 2001).

Ông đã chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học quan trọng về Hán Nôm và giữ nhiều trọng trách: Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (từ năm 1990), Tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm (từ năm 1986)…

  • BẢO PHƯỢNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bước ra “giấc mộng vàng”  (22/04/2012)
Lá giang ký sự  (22/04/2012)
Mùa vui ở làng rau Thuận Nghĩa  (17/04/2012)
Xanh lên Núi Bụt  (15/04/2012)
Tản mạn từ vùng đất Văn chỉ  (10/04/2012)
Kẻ lỗi thời hữu dụng  (08/04/2012)
Nghề hớt tóc nam và một phần ký ức Quy Nhơn  (09/04/2012)
Sản vật bàu Chánh Trạch  (31/03/2012)
“Tôi vẫn luôn gắn mình với võ cổ truyền”  (25/03/2012)
Vĩnh Lợi – mùa biển vui  (18/03/2012)
THÔNG BÁO CUỘC THI VIẾT “BÚT KÝ - PHÓNG SỰ - NHÂN VẬT” TRÊN BÁO BÌNH ĐỊNH  (17/03/2012)
Mưu sinh trên ngọn dừa  (11/03/2012)
Bình Lâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới  (11/03/2012)
Quyến rũ mùa sen Bình Định  (08/03/2012)
Ngày mới trên Cảng Quy Nhơn  (04/03/2012)