Chiếc thuyền máy nhỏ đưa tôi rời Cồn Chim về xóm bãi. Tiếng máy ấm reo vang trên mặt đầm, tôi khỏa nước nhè nhẹ khi gặp những vạt bần, mắm bụ bẫm đang vươn lên. Sắc nhập nhoạng tan dần, bình minh đang lên với màu xanh Cồn Chim…
|
Rừng Cồn Chim đang lên xanh và cò trắng đã trở lại quần cư rất nhiều.
|
Màu xanh đã về với vùng Cồn Chim. Những rừng bần, mắm bắt đầu cho hoa, kết quả và trở thành nơi trú ngụ của các loại chim. Người ta từng than thở vô vọng - không biết bao giờ mới thấy lại rừng Cồn Chim. Thế nhưng, với những trải nghiệm sau những ngày sống ở Cồn Chim; những cán bộ khoa học đang gieo màu xanh, đang gầy dựng lại hệ thống rừng ngập mặn và chính những người dân giúp tôi khẳng định rằng - màu xanh trở lại trên mảnh đất này.
Buông lưới ở “rừng trên mặt đầm”
Mặt trời lặn hẳn, màn đêm buông xuống, giữa mênh mông sóng nước, ngư dân bắt đầu cuộc mưu sinh. Họ dong thuyền bỏ lưới, soi cua. Đêm Cồn Chim bắt đầu ...
Ngư dân Nguyễn Hữu Niên (31 tuổi, xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) chèo sõng ra giữa đầm thả lưới. Thường thì một người một sõng, vừa chia nhau địa bàn làm việc và cũng dễ di chuyển trong khi làm việc. Thế nhưng, chiếc sõng anh Niên hôm nay đặc biệt hơn, có đến 3 người – thêm tôi và một người bạn cũng muốn biết thế nào là “rừng trên mặt đầm”.
Lần đầu tiên trong đời, tôi được đánh lưới đêm như một ngư dân nên không khỏi hồi hộp. Đầm mênh mông. Chiếc sõng nhỏ lên xuống, bập bềnh theo từng con nước, đưa chúng tôi xa dần. Đi được chừng 5km, chúng tôi cho sõng dừng lại bắt đầu buông lưới. Đêm ở Cồn Chim được thắp sáng bởi những ngọn đèn, nhìn ra giữa đầm tưởng như một trời sao lung linh trên mặt nước.
Vừa buông lưới, anh Niên vừa trò chuyện. “Ở Cồn Chim, ai cũng biết bơi, biết lặn, biết đánh cá, bắt tôm từ ngày còn nhỏ. Tôi nhớ, năm tôi lên 10 tuổi, tôi hay theo anh trai ra đầm đánh cá. Đánh lưới đơn giản lắm, nhìn con nước trong ngày lên hay xuống , xem dòng chảy rồi quăng lưới là xong. Cá tôm thường đi theo con nước. Đàn ông đánh lưới, đi soi, phụ nữ đan lưới, đi chợ... Ban đêm là thời gian làm việc chính của ngư dân ở đây. Hồi mới theo anh trai ra đầm đánh cá, rừng Cồn Chim ken dày chứ không trống lổng như bây giờ, tôm cua cá nhiều lắm. Hai anh em tôi chỉ bơi sõng quanh quanh mà lưới được nhiều cá to về bán kiếm tiền phụ mẹ. Sau này, khi đổ xô nuôi tôm, người ta chặt hết nên không còn mấy cây”.
Rừng ngập mặn (RNM) Cồn Chim chỉ còn trong kí ức tuổi thơ những người của thế hệ anh Niên trở lên. Với những người trẻ hơn, những bờ tôm san sát nhau đã thế chỗ của rừng.
Anh Hai Bước (Nguyễn Hữu Bước), cho hay: “Cuộc sống của chúng tôi đều cậy vào đầm nên nhà nào cũng sắm cho mình ít nhất một chiếc sõng câu để vừa làm phương tiện đi lại vừa đánh bắt thủy sản. Trước đây, người dân chỉ đánh cá bằng những phương tiện thô sơ, dùng lưới đan bình thường. Bây giờ, một số người dùng xiếc máy, xung điện. Số này không nhiều nhưng sức tàn hại lại lớn, nguồn lợi kiệt dần… Đầm giờ vậy là nghèo lắm đó cô, trăm sự cũng bắt đầu từ chuyện mất rừng! Xưa không ai tin nhưng giờ thì khác rồi”.
Ký ức rừng ngập mặn Cồn Chim
Theo thống kê hơn 400 ha RNM ở Cồn Chim mất đi thay thế vào đó là 300 ha diện tích nuôi tôm. Rừng Cồn Chim – rừng trên mặt đầm biến mất.
Trời sáng, ông Nguyễn Văn Thơm (54 tuổi, ở thôn Vinh Quang 2) đưa chúng tôi đi quanh một vùng Cồn Chim rộng lớn, giờ đây chỉ còn nước và những đìa tôm. Trong ký ức của những người tầm tuổi như ông Thơm, bao quanh Cồn Chim trước đây là những dải RNM dày đặc. Ông Thơm, nói: “Ngày xưa đưng, mắm, bần ở Cồn Chim mọc dày thành rừng. Sang Cồn Chim chẳng thể dùng ghe, phải dùng sõng nhỏ. Sõng nhỏ mới len qua được những luồng, lạch trong rừng. Những thân cây to cỡ một người ôm mọc san sát nhau, nắng mặt trời cũng khó lọt vào trong. Chúng tôi muốn vào rừng đều phải đi thành nhóm, tránh bị lạc. Vào rừng, chúng tôi phải bẻ nhành cây làm dấu mới có thể tìm được đường ra. RNM Cồn Chim lúc đó là nơi trú ngụ của nhiều chim muông và các loài cá, cua, tôm, ghẹ”. Ông Thơm vừa nói vừa chỉ tay vùng đầm nằm giữa Cồn Chim và Cồn Trạng chừng 300m – Xưa là rừng… Giờ trước mắt tôi là nước nước mênh mông.
Ở RNM Cồn Chim, dưới nước là tôm, cua, cá, trên cây là rất nhiều chim và ong tìm về đây làm tổ. Một buổi sáng vào rừng, người ta lượm được một giỏ đầy trứng chim. Đặc biệt, Cồn Chim lúc đó có nhiều chim cu cu. Rất nhiều người già trong xóm vẫn quen gọi Cồn Cu Cu.
Bà Huỳnh Thị Giúp (68 tuổi, xóm Cồn Chim), cho biết: RNM Cồn Chim từng căn cứ mạng, những dãi rừng dày đặc ở Cồn Chim là nơi che chắn bộ đội, cán bộ cách mạng. Những cây lớn được người ta sử dụng như cột nhà, lắp ghép ván đóng thành sàn, lợp mái là có một ngôi nhà nổi giữa rừng. Những chuyến đi rừng nhiều ngày, những ngôi nhà tạm trên cây trở thành chỗ nghỉ của mọi người...”
Trong một thời gian ngắn, quãng từ năm 1981 đến năm 2000, RNM ở đây bị đốn sạch. Người thì chặt cây, đắp bờ làm tôm, kẻ không làm tôm thì đốn cây làm củi, đốt than. Ông Huỳnh Văn Pha (bến đó Vinh Quang 2, Phước Sơn), cho hay: “Vào những năm 80, người dân ở Cồn Chim thi nhau chặt phá RNM làm hồ tôm. Hồi đó, gia đình nào được giao diện tích mặt nước thì chặt rừng, đắp bờ, những gia đình không có thì chặt cây về làm củi đốt. Chưa nhận được tác hại của viêc phá RNM, bản thân tôi cũng không ít lần đi ghe qua Cồn Chim đốn những cây to về làm củi”.
Gieo lại màu xanh
Khi Xí nghiệp nuôi tôm đầm Thị Nại cho đắp bờ làm ao nuôi tôm nước lợ thành công, người dân cũng bắt chước làm theo. Mới đầu, nghề nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao nên cuộc sống của người dân vùng Cồn Chim khá hẳn lên.
Sau một thời gian nuôi tôm ồ ạt, môi trường ô nhiễm, hệ sinh thái trong đầm bị hủy hoạt, nguồn lợi thủy sản trong đầm giảm dần. Dịch bênh tôm xảy ra liên tục khiến nhiều gia đình mất trắng, nợ nần chồng chất. Lúc này, con người mới bàng hoàng nhìn lại. Những nỗ lực khôi phục hệ sinh thái, RNM được nhen lên.
Nhận ra tác hại của việc phá rừng làm hồ tôm, cũng như vai trò to lớn của RNM với cuộc sống của mình, những người dân ở Cồn Chim bắt đầu trồng lại rừng, đầu tiên là ở những diện tích thuộc sở hữu của mình, quanh nhà mình…
Năm 2004, Dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim – đầm Thị Nại” (gọi tắt là dự án Cồn Chim) được triển khai. BQL Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại (KSTCC – ĐTN) phối hợp với người dân bắt tay vào việc trồng lại rừng ngập mặn. Diện tích nằm trong dự án do BQL KSTCC – ĐTN trồng và chăm sóc, diện tích của người dân sử dụng thì mỗi gia đình tự chủ động trồng rừng hai bên bờ đìa chống xói lở.
Sau hơn 8 năm cố gắng, những cây bần, cây đước, cây mắm đã lên xanh. Những cây mắm, cây bần hơn 7 năm tuổi bắt đầu cho hoa, kết quả, cho hạt giống để ươm trồng. Ngoài việc trồng lại rừng, bảo vệ diện tích đầm phá, BQL KSTCC – ĐTN tự ươm giống cung cấp cho các dự án phục hồi RNM trong tỉnh, cung cấp miễn phí cho người dân. Ít người biết rằng, Vườn ươm thực nghiệm ở Cồn Chim chính là nơi cung cấp cây giống trồng rừng ngập mặn các tỉnh miền Trung khu vực từ Bình Định đến Huế.
Anh Trần Thanh Đệ, nhân viên BQL KSTCC – ĐTN, cho biết: “Tôi về công tác ở đây lúc bắt đầu triển khai dự án, đến nay đã gần 9 năm. Trồng RNM phải dựa vào con nước để biết thời điểm chính xác mới có thể nắm phần thắng. 10 cây trồng xuống có khi chỉ sống được một cây, có lúc không được cây nào. Nên được một cây, quý một cây. Hôm nay có một cây sống là mừng một cây. Ngày mai có thêm một cây nữa là mừng thêm chút nữa. Nhiều ngày vui nối tiếp ta sẽ có RNM trở lại. Trồng lại RNM bây giờ khó hơn nhiều, bởi nước trong đầm thường xuyên lên, khu vực rỗng quá nhiều nên con nước lên rất nhanh. Cây con ngâm trong nước dễ bị úng, bị đục thân nên khả năng sống sót rất thấp. Vì thế, mọi người phải nắm chắc con nước, mới dám trồng và giao cây cho bà con để đảm bảo chất lượng trồng. Trồng thành công ở vành ngoài thì phía trong sẽ dễ hơn một chút”.
Việc trồng lại rừng bước đầu có kết quả, đó là sự cố gắng của BQL KSTCC – ĐTN, người dân và chính quyền địa phương. Ngoài việc trồng rừng, BQL KSTCC – ĐTN phối hợp cùng chính quyền ngăn chặn những hoạt động khai thác tận diệt NLTS như xung điện, xiết máy, dã cào.. trên đầm. Hướng dẫn người dân trong vùng xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm quãng canh xen lẫn cua, hàu thương phẩm cải thiện môi trường, đem đến sinh kế bền vững cho người dân.
Năm 2009, chính quyền địa phương 4 xã khu Đông - Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận thành lập Hội đồng điều hành liên xã bảo vệ nguồn lợi sinh thái đầm Thị Nại. Hội đồng điều hành liên xã có trách nhiệm vận động bà con, tuyên truyền bảo vệ rừng, ngăn chặn những biện pháp khai thác tận diệt NLTS trong đầm. Đến nay công tác trồng rừng, bảo vệ NLTS ở vùng Cồn Chim vẫn tiếp tục. Môi trường dần cải thiện, rừng đã lên xanh.
Theo thống kê của BQL KSTCC – ĐTN, đến nay đã phục hồi được hơn 40 ha RNM chủ yếu là mắm và bần, cây đước có khă năng sống sót thấp nhất. Ở các địa phương, người dân và chính quyền đã trồng thêm gần 100 ha RNM quanh bờ bao và những ao nuôi. Mỗi người dân đều tự giác trồng lại RNM trên đầm, nâng diện tích RNM mỗi năm lên.
Điều kiện sống sinh hoạt, làm việc ở Cồn Chim cực kỳ thiếu thốn, nhưng ai cũng quyết tâm đem lại màu xanh cho Cồn Chim. Ông Trần Cao Sơn, Phụ trách đội làm việc ở Cồn Chim, cho biết: “Ở đây nước ngọt là khan hiếm nhất. Phải tiết kiệm tối đa. Những sinh hoạt thường nhật như tắm, giặt phải hạn chế mới đủ dùng cho cả tuần. Nguồn thực phẩm chủ yếu khai thác từ đầm, còn lại tất cả đều được chuyển từ đất liền qua. Điện thắp sáng mới có gần 3 năm nay thôi. Xài bình ắc quy nên chỉ khi có trận bóng thật hay mới đặc cách mở ti vi. Anh em hay nói vui, muốn xem tivi phải có nghị quyết tập thể thông qua 100%”.
***
Khi gom tư liệu cho bài viết này tôi không hình dung được rừng ngập mặn là như thế nào. Những con chữ số liệu cứ bung biêng qua đầu và không ở lại. Thế nhưng chỉ cần một lần về Cồn Chim nhiều điều đã vỡ vạc trong tôi. Rồi tôi trở lại Cồn Chim thêm vài lần nữa để được trò chuyện gặp gỡ với những người dân, những người đang trồng từng cây mắm, cây bần trên đầm. Những câu hỏi về rừng trên mặt đầm thôi thúc tôi tìm những trải nghiệm mới và tôi buộc mình thêm một lần trở lại Cồn Chim để tự mình thả lưới, bắt cá, soi cua; lắng nghe cuộc mưu sinh về đêm của người dân trên mặt đầm. Tôi cũng theo những người cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra những vạt mắm đang lên xanh, cùng đi tuần tra những vạt rừng mới trồng, những trải nghiệm giúp tôi hiểu vì sao người gieo rừng lại quý từng cây một như thế. Gần một tuần sống ở Cồn Chim giúp tôi từ chỗ không biết gì về rừng ngập mặn đã thấy nhớ Cồn Chim và tin mãnh liệt rằng màu xanh đang trở lại với Cồn Chim, và ngày trù phú đang trở lại từ chính nỗ lực của không phải ai khác – chính người dân Cồn Chim.
Một số hình ảnh về rừng ngập mặn Cồn Chim
|
Rừng ngập mặn trên 3 năm tuổi. |
|
|
Trồng RNM tập trung ở đầm Thị Nại. |
|
|
Vườn ươm thực nghiệm ở Cồn Chim. |
|
|
Kiểm tra rừng mới trồng. |
|
|
CTV Báo Bình Định (giữa) đi thả lưới với ngư dân. |
|
|
Những con cua to như thế ngày trước có nhiều nhưng nay thì rất hiếm. |
|
|
Đi thăm rừng mới trồng trên đầm Thị Nại |
|
|
Anh Trần Thanh Đệ, nhân viên BQL KSTCC – ĐTN, cho biết: “10 cây trồng xuống có khi chỉ sống được một cây, có lúc không được cây nào. Nên được một cây quý một cây. Hôm nay có một cây sống là mừng một cây. Ngày mai có thêm một cây nữa là mừng thêm chút nữa. Nhiều ngày vui nối tiếp ta sẽ có RNM trở lại.” |
|
|
Rễ mắm đan dày, xen nhau chống xói lở, xâm thực của biển vào đất liền. Lọc chất thải, giữ lại phù sa. |
|
|
Buổi sáng trên vùng sông nước Cồn Chim. |
|
|