Hành trình nước ngọt ra biển
20:30', 27/5/ 2012 (GMT+7)

Cùng với dầu, gạo và nước đá, nước ngọt là thứ không thể thiếu cho mỗi chuyến đánh bắt cá xa bờ. Tự bao đời, người dân biển phải học cách chắt chiu từng chút nước ngọt giữa muôn trùng sóng nước.

 

Anh Danh đang bơm nước vào ghe  để cung cấp cho các tàu đánh bắt xa bờ.

 

Từ đầm ra biển

“Alô, anh Lộc hả? Cần chục khối à? Ok!”. Tắt điện thoại xong, anh Nguyễn Thanh Danh, chủ ghe BĐ 0110H, chuyên bán nước ngọt cho các tàu đánh bắt xa bờ tại Cảng cá Quy Nhơn, hớn hở quay sang tôi báo tin: “Nhà báo gặp hên rồi, hẹn 6 giờ rưỡi sáng mai tại cầu Hàm Tử, tôi chở đi lấy nước nhé”.

Đúng hẹn, tôi có mặt thì thấy anh Danh đang xả nước từ ghe ra. Anh cho biết, còn một ít nước cũ, xả hết để nhẹ ghe. Con nước đang lớn, anh hối tôi tranh thủ đi rồi về, phòng khi nước ròng, ghe chở nặng rất dễ bị mắc cạn.   

Đầm Thị Nại thật yên bình vào sáng sớm. Chiếc ghe lướt êm trên mặt nước đưa anh Danh và tôi hướng về thôn Hội Vân, xã Nhơn Hội. Hai con chim bói cá chao lượn trên không, thỉnh thoảng lao mình xuống nước để bắt mồi. Anh Danh trải lòng: “Tôi vốn làm nghề lái đò, thấy nghề này “có ăn” nên chuyển qua. Thời gian đầu rất chật vật vì không tìm được nguồn nước tốt. Từ khi biết nước khe Hội Vân, từ núi cát chảy ra, ngọt, mát và sạch sẽ, có thể dùng uống và nấu nướng, tôi quyết định mua đất xây hồ, sắm ghe, bắt đường ống bơm từ hồ ra ghe, rồi chở về Cảng cá Quy Nhơn bán. Hàng ngày phải quen với nắng cháy, mưa dầm, bởi ghe chở nước dành toàn bộ diện tích cho bồn chứa, không có cabin để vào trong ngồi nghỉ”.

Mất hơn 30 phút, ghe mới cập chiếc cầu tạm do anh Danh làm để bắt đường ống nước ra ghe.  Với thao tác nhanh nhẹn, anh Danh nhảy lên bờ xả nước từ hồ và dẫn ra ghe. Thật cẩn thận, anh lấy miếng vải trắng bịt đầu ống nước để lọc rong rêu, cáu cặn có thể tồn đọng trong đường ống, sau đó mới xả nước vào ghe.

Anh tâm sự, làm nghề cung cấp nước ngọt này phải có cái tâm, vì tàu đánh cá dùng nước để nấu ăn cho thuyền viên. Mở biển ra khơi, phí tổn rất lớn, mạng người quan trọng, sớ lỡ có hậu quả gì, phải đình chuyến biển, nợ nần là cái chắc. Anh Danh tính, mỗi chuyến ghe, chở được 16 khối nước, bán từ 20 đến 30 ngàn đồng/khối, trừ chi phí, lãi gần 100 ngàn đồng/chuyến. Hiện ở Cảng cá Quy Nhơn, có khoảng 10 ghe chuyên cung cấp nước ngọt, nguồn nước cũng đa dạng và không phải ghe nào cũng chịu khó chạy lên tận thôn Hội Vân lấy nguồn nước mát lành về bán cho bạn biển như anh Danh.

Nhìn thấy ghe nước từ xa, ông Nguyễn Đình Lộc, chủ tàu BĐ 91051TS đã liên tục vẫy tay. Cho ghe áp sát tàu, anh Danh nối ống nước vào các phuy lớn. Từng dòng nước mát chảy ào ào vào phuy, tung bọt trắng xóa. Vốc một bụm nước uống ực, anh Danh đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên mặt, nhìn tôi cười giòn: báo cáo, nhiệm vụ đưa nước ngọt từ đầm ra biển hoàn thành bước 1.

 

Nhiều tàu đánh bắt xa bờ chờ bơm nước ngọt để ra khơi.

 

Vị ngọt giữa trùng khơi

Chiếc tàu làm nghề vây lưới ngày của ông Lộc có chiều dài gần 20 mét, bề ngang hơn 6 mét, công suất 500 CV, thường xuyên hoạt động trên vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Tôi đếm nhẩm, có gần 50 phuy nước trên tàu, mỗi phuy chứa khoảng 100 lít nước. Ngoài ra, còn có hàng chục bình nước lọc. Ông Lộc giải thích, bình nước lọc chỉ dùng để uống, còn nước trong phuy dùng nấu ăn và tắm rửa. Mỗi chuyến mở biển tàu chở theo 15 người, gặp được luồng cá thì 15-20 ngày về, có khi hơn 1 tháng mới về. Nước ngọt giữa trùng khơi “quý hơn vàng”, bởi nếu hết nước ngọt, buộc lòng tàu phải quay vào bờ. Bởi vậy, các thuyền viên phải sử dụng hết sức tiện tặn.

Ông Phan Thành Sự, chủ tàu BĐ 91077 TS cho biết: “Anh em thuyền viên phải thay nhau nhảy xuống biển coi cá, người ướt sũng nước mặn, nhưng lên tàu chỉ được một ca nước ngọt để xoa lên mặt và tay chân cho khỏi xót người. Những người mới đi biển sẽ bị ngứa ngáy khó chịu. Có lần tôi thấy tội nghiệp, cho họ xài thêm là lập tức những ngày sau bị hụt nước, phải cắt toàn bộ nước tắm rửa mới đủ dành để nấu nướng”.

Việc hạn chế chở theo nhiều nước ngọt trên tàu không phải vì tiết kiệm chi phí, mà để giảm trọng lượng và diện tích chứa trên tàu, dành cho việc chở nhiều thứ khác như nhiên liệu, nước đá, muối và thực phẩm... Do vậy, tình trạng thiếu nước ngọt trên biển thường xuyên xảy ra với các tàu đánh bắt xa bờ thường có đông thuyền viên. Và không còn cách nào khác, các thuyền viên phải chấp nhận sống trong cảnh thiếu thốn nước ngọt.

“Ngâm nước mặn cả tiếng đồng hồ, nhưng có khi 2-3 ngày mới được tắm. Những lần đầu đi bạn, tôi cứ mở phuy nước ngọt nhìn vào, rồi ao ước được xối cho thỏa thuê”- một thuyền viên trẻ tuổi chia sẻ.

Như là một “thỏa thuận ngầm” của những người “ăn đầu sóng, nói đầu gió”, nếu đi bạn cho những tàu làm nghề lưới vây, thì nước ngọt mang theo dùng chung. Nhưng với những tàu câu mực hay câu cá ngừ đại dương, thì nước ngọt được khoán ngày cho từng người. Thuyền trưởng một tàu chuyên câu cá ngừ đại dương cho biết, mỗi chuyến mở biển kéo dài ít nhất cả tháng, bình quân mỗi người được phát 4 lít nước/ngày để làm vệ sinh và tắm rửa. Ngại nhất là những bạn biển trẻ tuổi, nên tôi phải “canh” nước chặt chẽ, nhắc nhở liên tục. Chỉ cầu có mưa mới được tắm đúng nghĩa.

 

Không chủ động về nước ngọt là một trong những khó khăn làm hạn chế hiệu quả đánh bắt xa bờ của ngư dân. Ảnh: V.Đ.T

 

Mong nước biển...  ngọt

Không chủ động về nước ngọt là một trong những khó khăn làm hạn chế hiệu quả đánh bắt xa bờ của ngư dân. Thêm vào đó, việc mua nước từ những nguồn trôi nổi cũng gây ra không ít phiền toái. Ông Lộc nhớ lại, có lần, sau khi ăn cơm xong, tất cả thuyền viên ôm bụng rên đau. Qua tìm hiểu nguyên nhân thì phát hiện nước dùng để nấu ăn không đảm bảo vệ sinh. Phải lấy nước uống dùng thay, nên chuyến đó anh em rất khổ sở.

Để đảm bảo nguồn nước sạch cho tàu đánh bắt xa bờ, Cảng cá Quy Nhơn từng tổ chức cung cấp nước máy cho tàu đánh bắt xa bờ, nhưng lại bị Nhà máy nước Bình Định áp tính giá dịch vụ, nên giá bán cho ngư dân cao hơn so với giá của các ghe cung cấp nước. Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Cảng cá Quy Nhơn cho biết: “Ở bến cá cũ, tại các mặt cầu cảng, đều có các hộc nước để cung cấp nước ngọt cho tàu thuyền. Nhưng nếu bán giá cao thì người dân sẽ không muốn mua”.

Dạo gần đây, nghe phong thanh đã có thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ phấn khởi ra mặt. Nhưng qua tìm hiểu thì giá thiết bị lại quá cao. Nghe nói đến trên 100 triệu đồng, lại không biết hiệu quả sử dụng ra sao.

“Giữa trùng khơi, trời nước mênh mông, chỉ vì lượng nước ngọt có hạn nên không thể kéo dài thời gian đánh bắt trên biển. Nếu được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn nước ngọt, chúng tôi sẽ thêm quyết tâm bám biển đánh bắt”, ông Phan Thành Sự khẳng định vậy.

Đoạn, ông Sự lấy điện thoại gọi những người đi bạn chuẩn bị chuyến biển tới. Trong muôn vàn khó khăn giữa khơi xa, nước ngọt là một trong những bài toán hóc búa. Vài lần bắt gặp cảnh thuyền viên xối lấy xối để những gàu nước ngọt lên người, chợt thấy thương những ngư dân, cứ mãi sống chung với cảnh “thừa mặn thiếu ngọt” mà không biết khi nào mới chấm dứt được...

  • NGỌC TÚ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cóc đổ vào Nam  (20/05/2012)
Cồn Chim, rừng đang lên xanh  (15/05/2012)
Hướng thiện để vượt lên  (06/05/2012)
Bình Quang ngày ấy… bây giờ  (29/04/2012)
Trò chuyện với người đi tìm “Di văn thời Tây Sơn”  (14/05/2012)
Bước ra “giấc mộng vàng”  (22/04/2012)
Lá giang ký sự  (22/04/2012)
Mùa vui ở làng rau Thuận Nghĩa  (17/04/2012)
Xanh lên Núi Bụt  (15/04/2012)
Tản mạn từ vùng đất Văn chỉ  (10/04/2012)
Kẻ lỗi thời hữu dụng  (08/04/2012)
Nghề hớt tóc nam và một phần ký ức Quy Nhơn  (09/04/2012)
Sản vật bàu Chánh Trạch  (31/03/2012)
“Tôi vẫn luôn gắn mình với võ cổ truyền”  (25/03/2012)
Vĩnh Lợi – mùa biển vui  (18/03/2012)