“Mẹ ơi, con vui lắm, bây giờ con khỏe ghê lắm. Tim con không còn thình thịch, thình thịch như trước đây nữa”. Việt Trúc nói với mẹ sau đêm đầu tiên được xuất viện về nhà. Nhiều trái tim lỗi nhịp như Việt Trúc đã tìm được cuộc sống.
|
Bé Nguyễn Phạm Chí Quân (giữa) được đến trường, vui chơi cùng bạn bè.
|
Nhìn vào đôi mắt trẻ thơ trong sáng, đôi mắt biết nói của Bảo Huy sau khi được phẫu thuật tim, ai cũng thấy từ đó ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ của người thân của bé, của những người tận tâm tìm lại nhịp tim bình yên cho bé. Đôi mắt đó đã thắp lên niềm hy vọng sống cho nhiều trái tim lạc nhịp khác. Cậu bé 17 tháng tuổi này đã chịu những đau đớn về thể xác khi vừa sinh ra đã bị tim bẩm sinh. Những con ho kéo dài do viêm phổi, những lần cháu bỗng lặng im không thể khóc, da dẻ tím tái đi... nay đã hoạt bát, cười nói bi bô suốt ngày. Sau khi gặp mặt, trò chuyện với những bệnh nhân được mổ tim, với những người đã giúp đỡ, hỗ trợ, can thiệp để các cháu bé này được phẫu thuật tim… chuỗi hình ảnh những nụ cười, những giọt nước mắt, những đôi bàn tay xoắn lại vì hy vọng…khiến tôi muốn kể lại thật nhiều về những người làm nên chuyện cổ tích.
Bé bỏng những trái tim lỗi nhịp
Tìm đến nhà chị Huỳnh Thị Ca (ở thôn Cảnh An 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) vào một ngày cuối tháng 5, từ ngoài cửa chúng tôi đã nghe được tiếng cười nói của con trẻ. Khi biết chúng tôi đến thăm bé Việt Trúc và muốn trò chuyện về hành trình tìm lại sự sống cho con gái, chị Ca không nén được xúc động…
Vợ chồng chị Ca làm nghề nông, gia đình hạnh phúc khi sinh được cô con gái đầu lòng Việt Trâm vừa chăm ngoan, học tốt. Niềm vui trong căn nhỏ nhân lên khi cô con gái thứ 2 chào đời, bé Việt Trúc bụ bẫm, hoạt bát. Trời thương cho gia đình chị 2 cô công chúa, vợ chồng anh chị lo làm ăn, dành tiền nuôi con ăn học. Nhưng niềm vui của anh chị không được lâu, khi bé Trúc càng lớn, cơ thể bé gầy gò, đau ốm liên tục.
Chị Huỳnh Thị Ca, mẹ bé Nguyễn Huỳnh Việt Trúc, cho hay: “Bắt đầu lên bốn, bé Trúc nhà tôi đau ốm và ho liên tục. Lâu dần, mắt nó không bình thường và thành mắt lác. Những cơn ho kéo dài, khó thở, con bé không muốn vận động, mọi người đều cho rằng con bé bệnh thiểu năng. Nhiều lúc thấy con một mình, tôi cũng bảo con ra chơi cùng các bạn nhưng bé Trúc lại nói “Con mệt mà sao mẹ cứ hỏi con hoài”. Nghe con nói vậy, tôi cũng chỉ biết bảo con nằm nghỉ ngơi cho khỏe thôi”.
Chị Ca nói thêm: “Mãi đến năm bé Trúc vào lớp 4, bé thường xuyên bị tím tái, ngất xỉu ngay trên lớp. Nhiều lần đang học, bé nằm xỉu trên bàn, cô giáo phải gọi gia đình đưa bé về nhà nghỉ. Hè năm 2010, gia đình tôi đưa con đi khám mổ mắt, bác sỹ nói con tôi bị lác mắt là do bệnh tim bẩm sinh (thông liên thất), vợ chồng tôi chết lặng. Nhiều đêm nằm bên con, tôi thấy phần áo bên ngực cứ nhô ra phập phồng, giữa đêm khuya thanh vắng, tôi nghe thấy nhịp tim con mình như đập thùng thùng vào não mình vậy. Tôi sợ con bỏ mình lúc nào không hay, nước mắt cứ thế tuôn ra…”.
Muốn cứu sống bé Trúc phải có số tiền vài chục triệu đồng, đối với gia đình nông dân nghèo như chị Ca là không thể. Trong cơn tuyệt vọng chị dắt con cầu cứu mọi nơi. May mắn mỉm cười với gia đình chị, khi chương trình phẫu thuật tim miễn phí của Văn phòng Tư vấn Di truyền và Hỗ trợ trẻ em khuyết tật (OGCDC), trường Đại học Y dược Huế thực hiện, bé Trúc được phẫu thuật nhờ sự đóng góp của nhiều nhà tài trợ với số tiền 30 triệu đồng.
Bé Trúc đã tăng 2kg sau khi phẫu thuật (25kg), sức khỏe dần ổn định. Khi tôi hỏi “Con đã khỏe chưa?”. Bé Trúc trả lời: “Dạ, con khỏe lắm cô ơi. Con vui lắm. Bây giờ con được chơi với mấy bạn rồi!”.
Riêng với em Võ Thị Thanh Dung, học sinh lớp 9, trường Lương Thế Vinh (47/1 Lương Định Của – Quy Nhơn – Bình Định), gần như mất hết hy vọng khi phát hiện mình bị bệnh tim bẩm sinh. Con đường đến trường của em gắp trắc trở khi thường xuyên đau yếu, bị ngất xỉu liên tục. Giấc mơ đến trường của em tưởng chừng khép lại khi cơn đau tim hành hạ, em không thể làm việc giúp đỡ bố mẹ, không thể đến trường cùng bạn bè, không tập thể dục, hay vận động... Bệnh tim bẩm sinh của Dung được phát hiện từ rất sớm, lúc 5 tuổi nhưng gia đình không thể chạy chữa cho em. Bố chạy xe ôm, mẹ đi bán vé số. Tiền kiếm mỗi ngày chưa đủ chi tiêu cho 5 miệng ăn, nói chi đến tiền chữa bệnh. Bất lực, gia đình chỉ biết nhìn Dung mệt mỏi, xanh xao từng ngày. Đến năm lớp 8, Dung bị ngất xỉu liên tục, mặt tím lại và tần suất đau đớn tăng lên nhiều lần mỗi ngày (6 đến 7 lần/ngày). Đến năm lớp 9, Dung yếu đến mức không thể đến lớp được, giấc mơ đến trường của em gần như chấm dứt. Được sự giúp đỡ của Hội chữ thập đỏ tỉnh, của những nhà tài trợ, Thanh Dung đã được phẫu thuật tim miễn phí tại Huế. Giấc mơ đến trường với Dung được viết tiếp từng ngày. Không chỉ có vậy, chứng kiến nỗi ham muốn trở lại lớp học của em, các nhà hảo tâm đã tặng Thanh Dung suất học bổng hơn 3.000.000 đồng, một chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại.
Cầu nối của những yêu thương
Người bắc nhịp cầu nối những vòng tay nhân ái, những tấm lòng bao dung đến các em nhỏ là thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi. 15 năm làm việc không lương cho Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Định, bác Chi đa giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Những câu chuyện cổ tích (tôi thật sự không muốn đặt trong ngoặc kép hai từ cổ tích đáng yêu mà nhiều cháu bé âu yếm gọi tên bác) về bố Chi, ông Chi đến giờ được rất nhiều người biết đến.
Từ tháng 7.2010, khi chương trình phẫu thuật tim miễn phí của Văn phòng Tư vấn Di truyền và Hỗ trợ trẻ khuyết tật, trường Đại học Ydược Huế thực hiện, bác Chi lãnh đạo AGCDC tín nhiệm mới cộng tác. Công việc của bác Trang Xuân Chi là đến tận nhà từng trường hợp một, xác minh cụ thể từng hoàn cảnh khó khăn, thực sự cần giúp đỡ.
Thế là không quản ngại khó khăn, vất vả, chưa một lần than vãn, thất vọng… tình nguyện viên già này có mặt khắp mọi nẻo đường, mọi miền quê, đem niềm vui đến cho những người bất hạnh. “Trẻ em mắc bệnh tim” và “bệnh nhân da cam” là vấn đề thường xuyên sôi động trong đầu óc của thầy thuốc ưu tú Trang Xuân Chi. Khi tham gia vào chương trình phẫu thuật tim của OGCDC, bác sĩ Chi tâm sự: “Mình như cá được thả vào nước, như chim được tung lên trời. Mình hăng say làm việc. Chương trình phẫu thuật của OGCDC mở ra cơ hội sống sót cho nhiều trẻ em bị bệnh tim. Chương trình này đem hy vọng sống cho nhiều người. Những việc tôi làm chẳng là gì so với nỗi đau mà họ phải chịu đựng, nhất là các cháu nhỏ. Tôi muốn dồn hết sức mình giúp những số phận kém may mắn có được một chút niềm vui. Phải cảm ơn OGCDC, đã tạo cơ hội cho tôi làm việc, cho những trái tim yếu đuối tìm lại cuộc sống. Thật đấy, ngắm những gương mặt hồng nhuận trở lại, tôi mừng vui chả kém gì cha mẹ các bé đâu”.
Đôi chân của ông già đã vượt qua tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn bon chen với cuộc đời, giành giật sự sống cho nhiều người. Khi thực hiện chương trình phẫu thuật cho tim cho trẻ em, nhiều lần bác sĩ Chi đã căng mắt ra viết những bài báo, rồi cậy cục đi cậy đăng với hy vọng biết đâu sẽ có nhà hảo tâm giúp cho những hoàn cảnh khó khăn, ít ra là một ít chi phí đi lại.
Ông Phạm Thanh Bình (12/5 Nguyễn Trãi, Quy Nhơn), ông ngoại bé Nguyễn Phạm Chí Quân được phẫu thuật trong chương trình của OGCDC, cho biết: “Gia đình tôi luôn biết ơn những người đã giúp đỡ, cứu sống cháu tôi. Đặc biệt, chúng tôi xem bác Trang Xuân Chi như người cha, người mẹ thứ hai của bé, người giúp chúng tôi nhận sự giúp đỡ từ mọi người! Với tất cả lòng chân thành chúng tôi biết ơn bác Chi”. Không riêng gì gia đình bé Quân, những người được bác Chi giúp đỡ đều gọi bác bằng hai tiếng thân thương “ba Chi”, “bố Chi”.
Hình ảnh một ông già tóc bạc luôn bận rộn với những cuộc điện thoại, với những địa chỉ, thông tin về những người kém may mắn là một ông già bình dị, hồn hậu đã viết nên nhiều câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Trò chuyện với ông, tôi có cảm giác, không chỉ trái tim bao la, mà tất cả hồn vía của ông già đã dồn hết về cho các bé kém may mắn.
Tri ân những tấm lòng vàng
Chương trình phẫu thuật tim miễn phí của OGCDC, tạo cơ hội cho rất nhiều trái tim không khỏe mạnh tìm lại cuộc sống. Từ tháng 7.2010 đến nay, chương trình này đã cứu sống được 44 trẻ em bị tim bẩm sinh tại Bình Định. Số tiền quyên góp của những nhà hảo tâm lên tới 1,331 tỉ đồng.
Tôi đã trò chuyện với mẹ con bé Phạm Thị Lệ Quyên (Bình Long, Mỹ Hiệp, Phù Mỹ, Bình Định) đang nằm hồi sức, chờ ngày xuất viện ở Huế. Trong cuộc điện thoại, chị Phạm Thị Mỹ Hoa (mẹ bé Lệ Quyên), cho biết: “Nhờ nhiều người tốt giúp đỡ, con gái tôi được khỏe mạnh. Con gái tôi đã mổ xong 2 tuần, nhưng sức khỏe vẫn còn yếu nên bác sỹ dặn dò phải nằm viện theo dõi thêm. Những ngày nằm chờ mổ ở đây, nhiều bác sỹ thường xuyên đến thăm và khám bệnh cho con tôi. Các bác sỹ luôn an ủi, động viên chúng tôi giữ gìn sức khỏe chăm cho con”. “Trước đây, đưa con đi khám, bác sỹ có nói mổ cũng chết, không mổ cũng chết, gia đình tôi mất hết hy vọng. Nay con tôi được cứu, không có niềm hạnh phúc nào bằng. Tôi không biết nói gì hơn lời cảm ơn đến tất cả mọi người, cảm ơn bác Chi, cảm ơn các y, bác sỹ, cảm ơn những người tốt đã cho mẹ con tôi có ngày hôm nay”. Chị Hoa xúc động nức nở.
Bác Trang Xuân Chi, người làm cầu nối của những trái tim loạn nhịp, cho hay: “Nhờ có những nhà hảo tâm sẵn sàng chung tay giúp đỡ, những số phận kém may mắn mới được hồi sinh. Đặc biệt là những “lương y như từ mẫu” của OGCDC, trường Đại học Y dược Huế đã giúp nhiều trái tim hồi sinh. PGS.TS Nguyễn Viết Nhân, Chủ nhiệm OGCDC, đã tạo điều kiện cho tôi và những trẻ em Bình Định có được cơ hội này. Chương trình này của OGCDC không đòi hỏi thủ tục rườm rà, chỉ cần xác minh đúng là gia đình các cháu có hoàn cảnh khó khăn, họ sẽ giúp. Trong thời gian làm việc cho chương trình phẫu thuật tim miễn phí, Văn phòng Tư vấn Di truyền và Hỗ trợ trẻ khuyết tật đã gởi chi phí, hỗ trợ cho tôi đi lại. Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Định tạo điều kiện cho tôi làm việc. Và những tấm lòng hảo tâm của nhiều người, giúp các em nhỏ được phẫu thuật. Mong rằng chương tình sẽ còn tiếp tục, các nhà tài trợ còn giúp đỡ để nhiều trẻ em kém may mắn khác được giúp đỡ! Tôi mong mình có nhiều sức khỏe hơn để đi được nhiều hơn vì còn nhiều cháu bé cần được giúp quá!”.
Ban thường vụ Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Định có tờ trình lên UBND tỉnh, tặng bằng khen cho những đơn vị, cá nhân giúp đỡ, cứu sống nhiều bệnh nhân khó khăn là công dân của tỉnh Bình Định trong đó có OGCDC, trường Đại học Y dược Huế.
Những người tôi gặp, tiếp xúc đều không dấu nổi niềm vui trong ánh mắt, hạnh phúc khi con mình được cứu. Trong mỗi căn nhà đều tràn ngập tiếng cười hạnh phúc, ai cũng muốn nhờ chúng tôi nói lời cảm ơn với những người giúp đỡ họ. Một lời cảm ơn từ sâu tận đáy lòng!
Một số hình ảnh của em nhỏ sau khi được phẫu thuật tim:
|
|
Em Nguyễn Huỳnh Việt Trúc đã tăng lên 2kg (tù 23kg – 25kg) sau khi phẫu thuật. Trúc cùng chị Trâm giúp mẹ việc nhà, vui chơi cùng bạn. |
| |
|
Bé Nguyễn Đoàn Bá Tâm bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ ở Vạn Long, An Hòa, An Lão, Bình Định. |
|
|
Bác Trang Xuân Chi, người làm cầu nối cho những trái tim loạn nhịp. Ngoài giờ làm việc bác dành thời gian nghiên cứu khoa học, theo đuổi sở thích riêng của mình là nhiếp ảnh. |
|
|
Thanh Dung đã viết tiếp được con đừng đến trường nhờ sự giúp đỡ của mọi người. |
|
|