Người xây đắp quan hệ Việt - Lào
20:15', 3/6/ 2012 (GMT+7)

Có một người con của quê hương Bình Định đã dành cả cuộc đời thực hiện công việc lặng thầm nhưng vô cùng quan trọng, góp phần xây đắp mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Người đó là đại tá Tăng Xuân Ngọc, hiện đang sống ở TP Quy Nhơn.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng (bên phải) tặng hoa cho đại tá Tăng Xuân Ngọc trong đêm giao lưu “Quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào: Sáng mãi tình anh em”.

 

Cả cuộc đời gắn bó với nước Lào

Ông Tăng Xuân Ngọc sinh năm 1932 tại xã An Hòa, huyện An Lão, là cháu đời thứ tư của chí sĩ Tăng Bạt Hổ. Cha của ông là ông Tăng Xuân Mai, từng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở phía Bắc tỉnh Bình Định và là Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến đầu tiên của huyện Hoài Ân…

Năm 17 tuổi, Tăng Xuân Ngọc xung phong đi bộ đội, sau đó được đào tạo ở lớp tình báo đầu tiên của quân khu V. Năm 19 tuổi, ông tham gia quân tình nguyện Việt – Lào.  Liên tục 35 năm, Tăng Xuân Ngọc ở Lào tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc của nước Lào sau khi thành lập chế độ mới. Do đặc điểm công việc, ông Tăng Xuân Ngọc gần như có mặt trong hầu hết các sự kiện quan trọng giữa hai nước Việt, Lào như thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam (5.9.1962),  ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18.7.1977)... Sau khi ở Lào về tỉnh Nghĩa Bình năm 1985, ông Ngọc được phân công làm Phó Ban hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia của tỉnh Nghĩa Bình, Phó Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch. Từ khi nghỉ hưu năm 1995 cho đến năm 2010, hầu như năm nào ông Ngọc cũng đi Lào với vai trò cố vấn cho lãnh đạo tỉnh và là khách mời của cả hai bên.

* Tuổi thanh xuân phải xa quê hương, đất nước, rồi cả cuộc đời gắn với việc xây dựng, vun đắp cho mối tình hữu nghị Việt - Lào, ông thấy mình được gì, mất gì?

- Tôi chẳng phải tài cán gì, chỉ do hoàn cảnh lịch sử và duyên nợ nên tôi có cái được là đóng góp nhất định vào việc vun đắp mối tình hữu nghị Việt – Lào. Cái được thứ hai là với bề dày 60 năm gắn bó với nước Lào nên đến nay, dù đã ngoài 80 tuổi, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội Lào vẫn rất yêu quý, tin cậy. Tôi đã được lãnh đạo của hai nước Việt Nam và Lào giao những nhiệm vụ rất đặc biệt… Cái được thứ ba là con cái hiểu mình, mặc dù có người thân có quyền lực muốn giúp đỡ nhưng con tôi không hề dựa dẫm mà luôn nỗ lực đi lên bằng chính khả năng bản thân.

Còn mất mát ư. Tất nhiên là có. Sự mất mát lớn nhất là không được ở gần chăm sóc, giúp đỡ vợ con do thời gian sống bên Lào quá lâu. Năm 2010, ngay cả khi vợ tôi đi mổ tim ở TP HCM, tôi vẫn không thể có mặt được vì phải sang Lào theo chỉ thị của Trung ương để bàn một số việc quan trọng với lãnh đạo nước Lào… Với vợ con, tôi thấy mình có nhiều khuyết điểm lắm!.

* Ông nói mình được những lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội Lào yêu quý, tin cậy. Vậy theo ông, điều gì khiến ông được tin yêu như thế?

- Trước hết phải tạo ra cho mình một năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời phải giữ đạo đức ở mức không có điều tiếng gì. Có lần Bí thư tỉnh Savannakhet của nước Lào đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bình Định rằng thấy nhà tôi còn lụp xụp quá, nên đã chuẩn bị sẵn gửi biếu tôi một xe chở 10 khối gỗ hương để làm nhà, nhưng tôi đã khéo léo từ chối. Mỗi lần sang Lào, tôi đều được các lãnh đạo nước bạn đưa nhiều tiền để tiêu xài nhưng chưa bao giờ nhận. Mình phải luôn giữ gìn đạo đức cá nhân để giữ được lòng tin thì mới có thể làm tốt được nhiệm vụ. 

 

Nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtai Siphandon (người bên phải), mời cơm thân mật ông Tăng Xuân Ngọc (bên trái) tại nhà riêng.

 

Quan hệ Việt Nam – Lào thực sự đặc biệt

* Quan hệ Việt Nam – Lào luôn được xem là mối quan hệ đặc biệt. Vì sao lại nói như thế, thưa ông?

- Gọi “quan hệ đặc biệt” vì dường như các nước trên thế giới chưa có mối quan hệ giữa nước này với nước kia như vậy. Yếu tố khởi đầu cho mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào là từ lịch sử. Thế kỉ thứ XIV, Lê Lợi đã xây dựng căn cứ ở Sầm Nưa để tụ nghĩa rồi mới về dựng nghiệp ở Thanh Hóa. Đến cuối thời Lê khi bị Mạc Đăng Dung làm phản, Lê Trang Tông cũng chạy sang Lào… sau đó về xưng vương khôi phục nhà Lê. Từ thế kỉ XIV đến hết thời phong kiến, mỗi khi nước Lào lâm nguy bị các kẻ thù xâm lược thì các vua Lê Lợi, Quang Trung, Minh Mạng đều cho quân sang cứu giúp rồi rút về chứ không tơ hào gì. Điều này rất quan trọng, nó tạo thành tâm lí dân tộc nhiều đời của người Lào coi người Việt Nam như là người bạn thân thiết, luôn có sự giúp đỡ vô tư.

Yếu tố quan trọng thứ hai tạo nên tình hữu nghị đặc biệt chính là nhờ vào công vun đắp của các thế hệ Việt kiều ở Lào. Những người dân nước khác đến Lào thường lợi dụng sự lạc hậu của dân bản địa để trục lợi, nhưng Việt kiều lại cùng tham gia làm ăn, hỗ trợ người Lào phát triển kinh tế nên rất được người Lào quý, coi như người nhà. Yếu tố quan trọng thứ ba là sự dày công vun đắp Việt Nam có Đảng, Bác Hồ, quân tình nguyện Việt – Lào…

* Trong mối quan hệ đặc biệt này, phía Việt Nam không chỉ “giúp” bạn Lào…

- Bác Hồ đã từng nói với đoàn chuyên gia chúng tôi ở Lào là không tìm ra được từ gì khác để nói thì mới nói là “giúp” Lào, chứ thực sự ra giúp bạn là tự giúp mình. Thực tế lịch sử đã chứng minh nếu không có sự hi sinh, kề vai sát cánh của lãnh đạo và nhân dân Lào, thì Việt Nam khó có thể thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc cho đến ngày nay. Nếu không có sự giúp đỡ của nước Lào, chúng ta khó có thể hoàn thành con đường Trường Sơn huyền thoại...  

 

Đại tá Tăng Xuân Ngọc trong một buổi giao lưu với sinh viên Lào, Việt ở Đại học Quy Nhơn.

 

Bài học sâu sắc từ Bác Hồ

* Ông nghĩ gì về vai trò của Bác Hồ trong việc xây dựng quan hệ đặc biệt Việt – Lào?

- Có thể khẳng định quan hệ Việt - Lào bền vững như ngày hôm nay là do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Souphanouvong và Tổng Bí thư Cay xỏn Phôm vi hản đặt nền móng và vun đắp. Vai trò của Bác Hồ đặc biệt quan trọng, đã chỉ đạo tập hợp và tổ chức lớp học đặc biệt cho các “hạt giống đỏ” của cách mạng Lào ở an toàn khu Việt Bắc năm 1958. Tôi cũng được giao nhiệm vụ là giáo viên giảng dạy cho lớp học này trong thời gian một năm rưỡi. Lứa học sinh của lớp học này sau đó đều trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào, trong đó có Choummaly Sayasone, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào hiện nay. Bác Hồ đã căn dặn chiến sĩ cách mạng Việt Nam hoạt động ở Lào là lúc nào cũng dành thuận lợi cho bạn và nhận khó khăn cho mình. Thành tích nào trên đất Lào thì đều là của bạn và những thiếu sót, khuyết điểm nếu có thì mình nên nhận hết. Phương châm này của Bác Hồ đã được quân tình nguyện Việt – Lào thực hiện rất nghiêm, càng làm mối quan hệ Việt Nam – Lào thêm đặc biệt.

* Trong mối quan hệ ngoại giao với Lào, ông có câu chuyện nào về Bác Hồ muốn chia sẻ? 

- Năm 1963, nhà vua Lào đã gửi thiếp mời Bác Hồ dự đám cưới hoàng tử. Nguyên thủ các nước có quan hệ ngoại giao với Lào gửi quà mừng phần lớn đều tặng vàng bạc châu báu có giá trị. Còn quà tặng của Bác Hồ gửi sang là một đôi xiển (đôi thùng đan bằng tre có nắp đậy) chứa 2 tấm chăn thổ cẩm thêu hình rồng, hình phượng, giá trị chỉ khoảng 50 đô la.

Ngày đám cưới, vua Lào đã cho làm lễ công bố quà tặng của các nước. Quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn công bố đầu tiên, đích thân hoàng tử và vợ xuống mở xiển lấy quà, rồi vua Lào phát biểu rất cảm động. Các món quà khác chỉ được công bố sơ qua. 

* Trong những lời chỉ dạy từ Bác Hồ, ông tâm đắc điều gì nhất ?

- Khi gặp đoàn chuyên gia ở Lào, Bác Hồ ân cần căn dặn: Người cộng sản luôn cống hiến hết mình không phải chỉ để được khen thưởng…

Thấm nhuần lời dạy Bác Hồ, cả cuộc đời tôi chỉ biết cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện khen thưởng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, tôi chỉ biết tin mình được trao tặng tổng cộng 14 huân chương các loại qua điện đài ở quê nhà báo sang. Sau đó mấy chục năm thì Tổng cục Chính trị cho người đem huân chương đã cất giữ giùm đến giao lại cho tôi. Tôi cũng được trao tặng huân chương cao nhất của nước Lào. Nhưng tôi không trưng bất cứ huân chương nào ở trong nhà. Tôi nghĩ căn bản là phải sống như thế nào để khi mất đi người ta còn nhớ mình một tý. Thế thôi!

* Xin cảm ơn. Chúc ông mạnh khỏe và tiếp tục cống hiến cho mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào.

  • Hoài Thu (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trả lại cho em những nhịp tim bình yên  (01/06/2012)
Hành trình nước ngọt ra biển  (27/05/2012)
Cóc đổ vào Nam  (20/05/2012)
Cồn Chim, rừng đang lên xanh  (15/05/2012)
Hướng thiện để vượt lên  (06/05/2012)
Bình Quang ngày ấy… bây giờ  (29/04/2012)
Trò chuyện với người đi tìm “Di văn thời Tây Sơn”  (14/05/2012)
Bước ra “giấc mộng vàng”  (22/04/2012)
Lá giang ký sự  (22/04/2012)
Mùa vui ở làng rau Thuận Nghĩa  (17/04/2012)
Xanh lên Núi Bụt  (15/04/2012)
Tản mạn từ vùng đất Văn chỉ  (10/04/2012)
Kẻ lỗi thời hữu dụng  (08/04/2012)
Nghề hớt tóc nam và một phần ký ức Quy Nhơn  (09/04/2012)
Sản vật bàu Chánh Trạch  (31/03/2012)