Họ là những người nuôi ong di động, ngày này tháng nọ phiêu bạt khắp nơi đưa ong đi tìm nguồn hoa hút mật. Để có được những giọt mật ong ngọt ngon, họ phải đánh đổi bằng cuộc sống rày đây mai đó, đầy rủi may, bất trắc…
|
Anh Bình bên những tổ ong của mình giữa rừng keo lá tràm vắng vẻ.
|
Miệt mài đời ong
Ven con đường phía Tây tỉnh qua xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn là những cánh rừng keo lá tràm rộng thênh thang. Giữa một cánh rừng như thế là “căn nhà di động” của anh Phạm Thanh Bình và người đồng nghiệp, những người làm nghề đưa ong đi tìm mật. “Căn nhà di động” chỉ là túp lều với mấy tấm bạt giăng ra che mưa nắng, chiếc giường xếp để khi mệt có nơi ngả người và bộ xoong nồi, chén bát đơn sơ. Xung quanh lều là 250 tổ ong sắp đều tăm tắp. Anh Bình bảo, người nuôi ong di cư quanh năm suốt tháng, phải lạc quan, coi ong như những người bạn thì mới thấy bớt cô đơn.
Anh Bình là người ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn. Năm nay 40 tuổi, nhưng anh đã có trên 20 năm rong ruổi cùng những con ong. Anh đã từng đưa ong ra đến tận Hưng Yên, Bắc Giang để lấy mật vải, nhãn, ra Huế để lấy mật tràm… Song, địa bàn mà anh cùng người nuôi ong Bình Định hay “đóng đô” nhất là các tỉnh Tây Nguyên. “Cứ ở mình hết mùa nắng thì anh em lại rồng rắn kéo lên Gia Lai, Đắc Lắc… Cà phê mật hoa, cao su mật lá, đi trúng vùng mật thì coi như “số đỏ”. Khi nào trên đó bắt đầu mùa mưa thì lại thu quân về” - anh Bình cho biết.
Thực tế, nghề nuôi ong di cư không chỉ đơn giản đưa ong đến, đưa ong về là xong. Trước khi di chuyển đàn ong, người nuôi ong phải đi “tiền trạm”, để biết chỗ nào khí hậu mát mẻ, môi trường xung quanh thuận lợi, hoa lắm mật nhiều. Và đặc biệt là phải thương lượng được với chủ rừng, chủ vườn. Theo anh Bình, để được đặt hàng trăm tổ ong, người nuôi ong phải biết “phải chẳng” bằng trà nước, chứ ít khi phải trả nhiều tiền.
Người nuôi ong di cư thường đi thành từng nhóm, ít nhất cũng phải có hai người chung một lều để hỗ trợ nhau trong công việc. Công việc thường ngày của người nuôi ong không nặng nề vất vả, nhưng lại đòi hỏi tính cần cù, tỉ mẩn, khéo léo; dù gió mưa bão bùng vẫn phải “bám lều”. Nhiều người có thâm niên trong nghề khẳng định, người nuôi ong phải… như ong, tức cần cù làm việc cả ngày mới gom góp được những giọt mật ngọt ngào.
|
Làm nghề rày đây mai đó, nên người nuôi ong di cư phải sống trong những túp lều tạm bợ.
|
Mật ngọt mật đắng
Dân trong nghề vẫn thường nói, nuôi ong di cư cũng như đi đánh bạc vậy. Nếu gặp may thì giàu nhanh mà xui thì nợ nần chồng chất. Mỗi chuyến xe đưa ong lên Tây Nguyên đánh mật phải mất từ 20-25 triệu đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, gặp nơi mật nhiều, đàn ong 300 tổ cứ nửa tháng sẽ hút được gần 600 lít mật, lãi cả tháng đến vài chục triệu đồng. Nhưng nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc gặp dịch bệnh làm ong chết thì lâm nợ là cái chắc…
Trong nghề nuôi ong di cư, không phải cứ làm lâu năm thì thành công hơn người trẻ. “Thợ ong” Lê Văn Thuấn, 29 tuổi, quê ở xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn, phân tích: “Không ít người ỷ lại kinh nghiệm mà đưa ong di cư theo thói quen, gặp lúc trời đổ mưa bất thường thì chỉ có nước khóc ròng. Làm nghề này phải chịu khó giao lưu học hỏi, bổ sung kiến thức. Với chúng tôi, không chỉ những kiến thức, kỹ năng chăm sóc đàn ong, mà kiến thức về tình hình thời tiết cũng rất quan trọng, phải được cập nhật thường xuyên, nhất là khi thời tiết ngày càng diễn biến thất thường”.
Cuộc sống cực khổ đến mấy rồi người nuôi ong di cư cũng thích nghi được. Và, lâu dần, họ cũng phải chấp nhận sống chung với những bất trắc xảy ra trên nẻo đường rong ruổi. Điều khiến người nuôi ong di cư lo sợ nhất là làm phật lòng chủ rừng, chủ vườn hoặc người dân bản địa. Ở nhiều nơi, người dân thiếu hiểu biết vẫn cho rằng ong sẽ hại lúa, hoa màu, nên không cho người nuôi ong đặt tổ.
Đặc biệt, không ít trường hợp người nuôi ong di cư bị dân trong nghề ở địa phương bắt nạt, dẫn đến xô xát, đổ máu. Có người ròng rã cả tháng trời mới tìm được vùng mật nhiều, vừa chở ong đến thì đã có người khác chiếm chỗ, không tránh khỏi lời qua tiếng lại. Từ mâu thuẫn nhỏ, nhiều người đã tìm cách hại nhau bằng cách “suốt ong”. Đầu tháng 5 vừa qua, tại vùng núi thuộc thôn Cự Lễ, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn đã xảy ra một vụ ong chết hàng loạt. Hàng vạn con ong trong 350 tổ ong đang lúc lấy mật bỗng chết sạch, thiệt hại tính ra gần 190 triệu đồng. Chủ ong cho rằng có người dùng thuốc diệt kiến để diệt bầy ong. Lực lượng công an địa phương phải vào cuộc điều tra.
Thế mới biết, phía sau những giọt mật ngọt ngào là biết bao mồ hôi nước mắt của người rong ruổi cùng đường ong…
|