Dọc đường 631
14:39', 13/6/ 2012 (GMT+7)

Đầu năm 2011, Đường tỉnh (ĐT 631) được thay màu, niềm vui của người dân hai huyện Hoài Ân, Phù Mỹ dâng trào, trải rộng. Hơn một năm qua, ĐT 631 đã góp phần rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, văn minh - lạc hậu không chỉ cho người Ân Tường Đông mà còn các xã vùng cao của huyện Hoài Ân…

Đất, làng bừng thức

Mờ sáng, theo ĐT 631 qua thôn Trung Hội, Lạc Sơn (Mỹ Trinh - Phù Mỹ), ngược đèo Bằng Lăng và đèo Mọi, tôi băng qua làng quê Ân Tường Đông. Dọc đường, tiếng gáy gà rừng, tiếng sóc, tiếng chim vọng từ hóc núi hòa lẫn tiếng còi xe của dòng người xuôi ngược làm thành khúc nhạc rừng vui nhộn, đánh thức bình minh trên vùng lòng chảo núi đồi trung du vốn lặng lẽ nhưng giàu tiềm năng này.

 
Tỉnh lộ 631 được nâng cấp mang lại sự trù phú cho vùng đất nó đi qua

Hai ngôi nhà mới xây kiên cố ẩn hiện giữa rừng đầu nguồn của xóm Ba Lăm (chỉ có người dân tộc thiểu số) làm tôi tò mò. Ông Đinh Văn An 52 tuổi, nhà ở sát ĐT 631 vui vẻ tiếp chuyện: “Xóm này chỉ có 8 hộ người Hrê. Từ ngày đường được rải nhựa, giao thông thuận lợi bà con thêm hăng hái làm ăn, đất bỏ hoang không còn nữa. Nhiều hộ tận dụng cả rẻo đất thừa để trồng keo, chăn nuôi. Có người giàu lên trông thấy như anh Đinh Văn Hồng hiện có 25 con bò, 2 con trâu, nhiều ha keo lai và gần 1 ha ruộng, mỗi mùa thu trên 5 tấn lúa”. Nhìn hóc ruộng Ba Lăm rì rào sóng lúa và những rẫy bắp mơn mởn phất cờ, tôi biết nhịp sống tươi vui đã bừng thức trong cộng đồng người Hrê nơi đây.

Đến thôn Thạch Long 1, Thạch Long 2 rồi sang Lộc Giang, đất ngả hẳn màu đỏ bazan pha chút sỏi cơm óng vàng. Trên màu đất ấy đã xanh um những vườn dó, vườn hồ tiêu. Chị Đặng Thị Loan ở thôn Thạch Long 2 vừa phơi hạt tiêu vừa khoe: “Đất này thích hợp với dây tiêu nên dân trồng tiêu ngày một nhiều, nhất là từ ngày giao thông thuận lợi. Nhà tôi trồng gần 700 trụ, thu rộ trong hai năm nay. Mùa này, tôi thu khoảng 1 tấn hạt khô. Với giá thị trường 130 ngàn đồng/kg, nhà tôi cầm chắc có 130 triệu đồng!”

 
Xe khách từ vùng cao Hoài Ân vượt đèo Bằng Lăng đi Quy Nhơn.

Còn anh Phạm Văn Bính ở thôn Lộc Giang thì xác định: “Trước đây, đường sá khó khăn không ai dám nuôi nhiều heo. Còn giờ ở Ân Tường Đông này đáng mặt là trung tâm  của vựa heo của Miền Trung, trong đó thôn Lộc Giang chiếm đại đa số với 90% hộ dân nuôi heo; một phần ba số hộ nuôi đến con số trăm! Nhờ nuôi heo mà dân Lộc Giang từng bước thoát nghèo, cuộc sống dần khấm khá!”. Gia đình anh Bính cũng nuôi đến 300 con heo và đang xây thêm chuồng để nuôi thêm 100 con nữa.

Con đường nhựa mở ra, đất làng Ân Tường Đông bừng thức, số nhà xây kiên cố và nhà tầng dọc ĐT 631 ngày càng nhiều. Riêng thôn Lộc Giang đã có trên 20 nhà tầng. Đời sống nhân dân được nâng cao, con em trong xã có điều kiện học hành. Có em là thạc sĩ, có em đang du học nước ngoài!

Xích lại gần nhau

Ngã ba Gò Loi nối ĐT 631 với hai con đường lớn. Một đường ngược về xã Ân Nghĩa gắn các đường liên xã vùng cao, một đường xuôi về thị trấn Tăng Bạt Hổ xuống cầu Dợi (Hoài Nhơn) ráp với Quốc lộ 1A. Khi ĐT 631 chưa thuận hành, hàng hóa và người Hoài Ân xuôi đồng bằng, vào thành phố, lên Tây Nguyên và ngược về chỉ bằng con đường cầu Dợi. Nay có ĐT 631 khoảng cách giữa Hoài Ân với các vùng, miền đã xích lại gần hơn.

 
Đường thay áo mới, nông sản cũng mở rộng đường tiêu thụ.

Trong ảnh: Dân Ân Tường Đông phơi hạt tiêu.

Tại xã Ân Nghĩa mỗi ngày có một chuyến xe đò đưa đón khách các xã tây nam huyện Hoài Ân và xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) đi - về Quy Nhơn - Hoài Ân theo ĐT 631. Xe đi đầu sáng, về cuối chiều. Chị Trần Thị Huệ - chủ xe Phú Huệ cho biết: “Xe tuyến này luôn đủ khách, rút ngắn được 20 cây số so với đường cầu Dợi”. Ông Trần Nhật Nam ở thôn Thạch Long 1, buôn bán tạp hóa ven đường so sánh: “Xe chạy được tuyến này, tôi không phải tốn công sức đi Quy Nhơn lấy hàng. Người ta gởi ra bằng xe đò đến tận nhà. Đồng bằng có hàng gì, ở đây có nấy!”

Chợ Kim Sơn thuộc xã Ân Nghĩa ngày nào cũng họp, rồi chợ xã Ân Tường Tây, chợ Lộc Giang, chợ Ân Tường Đông trước đây chỉ có cá biển Tam Quan, nay có thêm cá, tôm, cua, sò của đầm, đìa Phù Mỹ. Anh Nguyễn Văn Bổng – một người dân ở Ân Nghĩa khoe: “Mâm cỗ giỗ chạp, cưới hỏi ở quê tôi nay thường xuyên có món cá chua, tôm, chình Phù Mỹ!”. Sản vật núi rừng và những món ăn đặc trưng của người Hoài Ân như chuối, khóm Đắkmang, lạt dang Bóktới, bánh mì Trường Bường nay cũng đã có mặt ở nhiều chợ quê, chợ biển và chợ huyện Phù Mỹ.

Người Hoài Ân hôm nay biết trồng kiệu, ớt, dưa leo, khổ qua như người Phù Mỹ. Có người từ thị trấn Phù Mỹ lên Ân Tường Đông thuê đất trồng màu, sáng đi chiều về. Họ vừa làm vừa chỉ dẫn kỹ thuật cho chủ đất như anh Xuân Anh, Thế Vinh. Nhiều người lên tận Ân Nghĩa, Đắkmang phối hợp với dân địa phương trồng dưa hồng trên đất mới cho thu nhập cao như anh Tám Thông, Hai Hoàng ở xã Mỹ Trinh. Họ cùng làm, cùng hưởng thân mật tình đất tình người…

 
Cá biển Phù Mỹ theo ĐT 631 lên đến chợ vùng cao Kim Sơn.

Hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa các tổ chức, đoàn thể ở Hoài Ân với các huyện phía bắc tỉnh cũng sôi động hơn. Trường THCS thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ) và trường PTDTNT Hoài Ân vừa tổ chức buổi lễ kết nghĩa long trọng vào đầu tháng 3.2012. Hai bên thường xuyên vượt ĐT 631 thăm hỏi, động viên, giúp nhau thắm tình. ĐT 631 còn là con đường kết nối tơ duyên, thắm tình đôi lứa gái trai giữa Ân Tường với các huyện phía đông nam Hoài Ân.  

Mừng, lo theo đường

Xã Ân Tường Đông có truyền thống cách mạng kiên cường, trước đây còn có cả một nông trường chè Gò Loi nổi tiếng. Hồ Thạch Khê có sức chứa lớn, lại có Suối Ba Lăm đầu hồ nhiều cảnh đẹp, thác nước. ĐT 631 đi ngang qua khoát trên mình chiếc áo mới chính là điều kiện tốt để Ân Tường Đông phát triển. Anh Lợi, cán bộ xã Ân Tường Đông, cho biết: “Đã có nhiều nhà đầu tư đến thăm dò, khảo sát để khôi phục lại cây chè; xây mới nhà máy dăm gỗ và xây dựng khu du lịch sinh thái. Trước mắt, xã quy hoạch lại vùng chăn nuôi theo hướng hiện đại, tăng số lượng đàn heo, phát triển thêm đàn trâu bò!”

 
Xe của công ty TNHH An Bình đang sửa chữa đường ĐT 631.

Mừng vui, hứa hẹn là vậy nhưng nỗi lo cũng không kém. ĐT 631 đưa vào sử dụng chưa tròn năm thì đoạn từ dốc Mả Đá đến cầu Bộ Đốc thuộc xã Mỹ Trinh đã xuất hiện ổ gà, ổ voi rồi sống trâu, mặt đường vỡ vụn gần 1 km. Nhiều người dân địa phương đi lại đoạn đường này bị té nhào, phải vào bệnh viện cấp cứu như chị Nguyễn Thị Lâm, ông Lê Văn Ẩn. Anh Huỳnh Văn Bê – phó thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, nhà ở cạnh đoạn đường hỏng cho biết: “Có rất nhiều người và xe bị văng xuống đường, nhất là những người ở xa đến. Gần đây nhất có vụ tai nạn của anh Đặng Văn Đức – Bí thư chi bộ thôn bị sập sống trâu té lộn nhào, trầy xước khắp người, phải điều trị cả tuần!”

Tỉnh lộ 631 dài 21 km, chạy từ ngã ba Gò Loi (huyện Hoài Ân) theo triền núi, qua nhiều xóm làng xã Ân Tường Đông (Hoài Ân), Mỹ Trinh (Phù Mỹ), cắt đường chiến lược phía tây tỉnh rồi chạm Quốc lộ 1A tại dốc Mả Đá thuộc xã Mỹ Trinh. Trước đây, con đường này thường xuyên bị xói mòn, ách tắc. Đầu năm 2011, đường được nâng cấp, rải nhựa và đưa vào sử dụng.

Khi chúng tôi đang viết bài này, sáng ngày 10.6, trên đoạn đường hư hỏng này đã thấy xuất hiện một xe móc và một xe ben bắt đầu hoạt động. Anh Huỳnh Tấn Thành – cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH An Bình đang có mặt trên công trường cho biết: “Công ty đang tiến hành công việc tu sửa. Đầu tiên sẽ ũi bỏ mặt đường và đất nền, sau đó thay móng, cấp phối đá dăm nền đường rồi thảm lại bê tông mặt nhựa. Dự kiến đến đầu tháng 7.2012 thì hoàn thành!”.

Anh Phan Văn Tân, nhà ở cạnh đoạn đường hỏng có vẻ chưa tin tưởng: “Thực tế, đường hỏng nặng, hỏng nhiều. Trong khoảng thời gian ấy, với phương tiện ít ỏi như vậy, liệu chất lượng đường được sửa xong có đảm bảo?”. Dẫu sao đây cũng là dấu hiệu đáng mừng trong hoàn cảnh đoạn đường này sắp bị tê liệt. Một số xe tải hạng nặng phải tránh sang các đường bê tông liên thôn. Mà nếu chạy mãi đường thôn thì bê tông cũng hỏng. Chị Huệ - chủ xe đò Phú Huệ than phiền: “Đã tránh đường cầu Dợi để rút ngắn thời gian, đến đoạn đường này lại phải chậm mất mười phút. Chủ xe, hành khách tham gia giao thông rất mong nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sửa chữa để xe và người đi lại an toàn, thông suốt!”

  • TẤN PHƯỚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ruổi rong đường mật  (09/06/2012)
Người xây đắp quan hệ Việt - Lào  (03/06/2012)
Trả lại cho em những nhịp tim bình yên  (01/06/2012)
Hành trình nước ngọt ra biển  (27/05/2012)
Cóc đổ vào Nam  (20/05/2012)
Cồn Chim, rừng đang lên xanh  (15/05/2012)
Hướng thiện để vượt lên  (06/05/2012)
Bình Quang ngày ấy… bây giờ  (29/04/2012)
Trò chuyện với người đi tìm “Di văn thời Tây Sơn”  (14/05/2012)
Bước ra “giấc mộng vàng”  (22/04/2012)
Lá giang ký sự  (22/04/2012)
Mùa vui ở làng rau Thuận Nghĩa  (17/04/2012)
Xanh lên Núi Bụt  (15/04/2012)
Tản mạn từ vùng đất Văn chỉ  (10/04/2012)
Kẻ lỗi thời hữu dụng  (08/04/2012)