Xem “ơ rô” giữa đại ngàn
20:39', 17/6/ 2012 (GMT+7)

Rời TP Quy Nhơn, nơi đang sôi sục không khí Euro 2012, chúng tôi về với vùng núi An Lão với mong muốn được hít thở không khí bóng đá với bà con dân tộc thiểu số và cũng muốn xem Euro nơi đây có gì lạ so với thành phố…

 

Người hâm mộ xem bóng đá ở quán cà phê New Life.

 

Ngay buổi chiều mới đến, tôi đi một vòng quanh xã An Hòa để khảo sát những địa điểm có phục vụ người hâm mộ bóng đá xem Euro 2012. Nhưng đi đến đâu cũng chỉ gặp những cái lắc đầu và những câu trả lời mơ hồ về một giải đấu bóng đá đang làm nức lòng người hâm mộ trên toàn thế giới.

“Ơ rô là gì mình không biết”

Đêm nay có trận Bồ Đào Nha gặp Đan Mạch. Ở vùng núi rừng An Lão, trời tối rất nhanh. Chưa đến giờ thi đấu, tôi chạy xe máy vào làng Gò Mít, thôn 2 thị trấn An Lão. Người dân nơi đây sau một ngày lao động vất vả đã đi ngủ sớm. Làng yên ắng vô cùng, nghe tiếng xe gắn máy, bầy chó sủa ầm lên khắp xóm. Nhìn thấy nhà anh Đinh Văn Dớt đang sáng đèn, tôi liền ghé thăm.

Hôm nay có người em ở xã An Vinh sang thăm nên anh Dớt tổ chức nhậu lai rai. Sau màn “chào sân” bằng ly rượu đế cay xè mà anh Dớt bảo là “uống làm phép”, tôi đưa mắt nhìn chiếc tivi 21 inch đang mở kênh VTV6 hỏi: “Tối nay nhà mình có xem Euro không anh?”. Anh Đinh Văn Dớt cười khì: “Ơ rô là cái gì mình không biết”. Tôi giải thích: Là giải bóng đá có truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 lúc 11 giờ và 1 giờ 45 phút đấy”. Anh Dớt ra chiều hiểu rồi lại cười: “À, hôm trước mình mở ra có thấy đá banh, nhưng mấy hôm nay nhà đài cắt rồi hay sao ấy, mở ra không thấy mà, vả lại tôi cũng chẳng mê bóng đá nên uống rượu rồi ngủ cho khỏe để mai đi rừng”. Tiếp lời anh Dớt, cậu em trai Đinh Văn Hoàng khề khà: “Thôi anh ở đây uống rượu với anh em tôi, vui vẻ gì cái trò mấy chục con người ta đi giành một trái bóng ấy. Ơ rô ơ riếc gì, có món cá rô để nhấm rượu nè, anh làm một ly nữa nhé…”.

Chưa chịu bỏ cuộc, tôi lại lặn lội vào xã An Hưng. Đồng hồ điểm sang 21 giờ, cả xã như chìm vào giấc ngủ, tôi tìm đến nhà ông Đinh Xuân Bền, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhưng trong nhà tối om, có lẽ gia đình ông cũng đã yên giấc. Ý tưởng muốn được xem bóng đá trong làng người H’re của tôi bị “phá sản”.

Nỗi buồn “chảo lậu”

Tôi tiếp tục “tìm sóng Euro” giữa mênh mông núi rừng và sự hưởng ứng của tiếng chó sủa váng. Nhưng rồi bất lực. Niềm vui từ Euro đang phủ sóng trên toàn cầu nhưng lại không thể đến với những người H’re ở An Lão. Gặp một nhóm thanh niên đang ngồi ở quán cà phê Bờ Hồ, tôi lân la làm quen, anh Đinh Văn Hùng bức xúc: “Anh em tôi cũng thích xem bóng đá, nhưng mới xem được vài trận đầu thôi, bây giờ không thể xem được nữa vì cứ mỗi lần bật kênh VTV3 lên lại thấy hiện dòng chữ “đã mã hóa”, chẳng hiểu vì sao nữa…”.

Không riêng anh Hùng mà rất nhiều người dân ở An Lão hẳn cũng chẳng hiểu vì sao cái kênh VTV3 mà hàng ngày mình vẫn xem thì thời điểm này bị “mã hóa”. Họ sẽ không biết thế nào là bản quyền, thế nào là chống sóng tràn lan. Khi tôi giải thích rằng: Đài VTV3 muốn phát sóng các trận đấu tại Euro thì phải mua bản quyền và chỉ được phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam thôi, vì thế nếu để tràn lan thì một số nước khác có thuê kênh vệ tinh Vina SAT của Việt Nam sẽ bắt được và như thế Việt Nam vi phạm bản quyền và bị phạt rất nặng. Để tránh tình trạng đó nên nhà đài bắt buộc phải “mã hóa” nên bà con sử dụng loại “chảo lậu” sẽ không xem được. Nghe giải thích như thế, mọi người chừng hiểu ra. Rõ ràng không hẳn là người H’re không ham mê bóng đá, nhưng thực trạng như thế nên họ đành gác niềm vui này sang một bên. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Lắm, cán bộ Đài truyền thanh - truyền hình huyện An Lão cho biết: “Chúng tôi tiếp sóng từ MyTV, những hộ gia đình nào có mua gói cước từ MyTV thì sẽ xem được…”. 

 

Gia đình của anh Đinh Văn Dớt không xem được Euro 2012.

 

Vùng sâu “chơi sang”

Ăn cơm tối xong, anh Nguyễn Đình Hùng, chủ quán cà phê New Life cùng các nhân viên lục tục sắp xếp lại bàn ghế, vừa hướng dẫn nhân viên căng tấm bạt trắng và chỉ lại chiếc máy chiếu, anh vui vẻ cho biết: “Cả cái huyện An Lão này, duy nhất chỉ một mình quán tôi phục vụ cho bà con xem các trận bóng đá Euro 2012. Anh thấy đấy, tôi đã trang bị cả máy chiếu để chiếu qua màn ảnh rộng cho mọi người xem. Tối nay mời anh đến đây để thấy không khí Euro ở An Lão cũng cuồng nhiệt lắm…”.

Chưa đến giờ trận Bồ Đào Nha - Đan Mạch thi đấu, nhưng quán cà phê New Life đã đông khách. Trong lúc chờ bóng lăn, anh Hùng cho biết: Hôm đá trận khai mạc, cả huyện An Lão đều cúp điện. Tôi cho chạy máy nổ để phục vụ cho bà con xem bóng đá. Mặc dù vậy, giá cả phục vụ các loại thức uống ở quán tôi vẫn như ngày thường chứ không tăng. Anh thấy đấy, tiền dầu chạy máy, tiền trả cho nhân viên khiến tôi chẳng lời lãi gì, nhưng tôi mê bóng đá và thấy bà con cũng mê nên phục vụ. Chưa hết, cách đây 2 ngày, bỗng dưng kênh VTV3 bị cắt, tôi phải sử dụng thiết bị 3G để mở từ trên mạng về rồi nối từ laptop ra máy chiếu để cho bà con xem. Tín hiệu không tốt lắm, xem bị giật giật nhưng có còn hơn không.

Anh Phạm Công Hận, một khách trong quán cười tươi: “Anh thấy dân An Lão chơi sang không?”. Mà đúng là sang thật, chạy máy nổ suốt đêm để xem bóng đá, tivi không tiếp sóng được thì sử dụng “công nghệ cao” để coi qua mạng. Quán cà phê New Life những ngày có Euro chẳng khác nào cái rạp chiếu bóng. Nơi đây không chỉ thu hút những người dân ở các xã An Hòa, thị trấn Xuân Phong mà ngay cả những thanh niên người H’re ở các xã lân cận như: An Hưng, thậm chí là An Vinh cũng kéo về đây xem. Ngồi lọt thỏm giữa đông đảo người hâm mộ, tôi nghe đủ thứ tiếng hò hét, bàn tán bằng tiếng Việt và tiếng H’re chẳng biết đâu mà lần. Tất cả tạo nên một không khí náo động cả một vùng rừng núi vốn tĩnh mịch.

 

Một khán giả lớn tuổi ở An Lão đang “dán mắt” vào màn ảnh để xem trận Bồ Đào Nha gặp Đan Mạch.

 

“Cá cược” ở vùng cao

Ở An Lão cũng có trò cá cược. Nhưng cá cược ở đây không phải “chai” này, “xị” kia để rồi quy thành tiền mặt như các nơi ở thành phố, đồng bằng. Trò cá cược ở đây đúng nghĩa của chữ “vui là chính”. Họ không cá cược mang tính cá nhân mà chia theo nhóm. Tại quán cà phê New Life tôi ngồi bên một nhóm bạn 4 người, họ vừa xem đá bóng vừa nhâm nhi bia với mấy gói bin bin. Nhận ra tôi là người quen, một anh đưa lon bia mời rồi nói: “Mời nhà báo uống với anh em tôi cho vui. Bia này là bia bắt độ ấy, chúng tôi chia làm 2 phe, phe tôi bắt Bồ Đào Nha chấp Đan Mạch 1 trái. Lát nữa tan trận, bên thua sẽ tính tiền…”.

Phía sau bàn chúng tôi ngồi là một nhóm thanh niên người H’re nghe vậy cũng bàn nhau: Mình cũng chia làm 2 phe đi, bàn mình có 6 người thì mỗi bên 3 người để bắt độ, bên nào thua sẽ tính tiền chầu cà phê này nghen. Sau khi “bắt độ” xong cả nhóm càng hò hét tợn mỗi khi đội bóng mà mình bắt độ tấn công hoặc ghi bàn. Điều này khiến cho không khí trong quán thêm phần hứng khởi.

Trên đường trước khi về lại Quy Nhơn, ghé ăn trưa tại quán cháo ở Xuân Phong, chúng tôi được “hít thở” tiếp không khí bóng đá ở bàn nhậu kế bên. Nhóm đàn ông 6 người đang “chung độ” nhau bằng chầu nhậu sau khi kẻ thắng người thua ở trận Ba Lan gặp Nga. Một người trong nhóm sau khi uống cạn ly rượu chuối hột, khà một tiếng khoái trá rồi nói oang oang: “Mấy anh tưởng Nga thắng đậm CH Czech nên cũng dễ dàng “làm gỏi” Ba Lan hả? Đừng nói là chấp 1 trái rưỡi, dù mấy ông có chấp 1 trái tụi tôi cũng nắm kèo dưới, bóng đá  đâu dễ ăn như miếng thịt vịt này đâu mấy cha”. Cả nhóm bùng cười khoái trá. Thì ra nhóm bạn này chia làm 2 phe để “bắt độ”, sự thắng thua của chầu độ là một bữa nhậu thịt vịt với rượu ngâm chuối hột.

Vĩ thanh

Rời huyện miền núi An Lão trong cái nắng nung người để về lại TP Quy Nhơn, tôi cứ suy nghĩ mãi câu nói của anh Nguyễn Đình Hùng, chủ quán cà phê New Life: “Ở vùng sâu vùng xa luôn thiệt thòi, cũng vì điều đó mà tôi cố gắng góp một chút công sức nhỏ của mình để bà con được xem bóng đá. Nếu thuần túy làm kinh doanh thì chắc chắn sẽ lỗ. Nhưng nếu cứ tính lỗ, lãi thì người chịu thiệt thòi chính là những người dân”.

  • CÔNG TÂM
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dọc đường 631  (13/06/2012)
Ruổi rong đường mật  (09/06/2012)
Người xây đắp quan hệ Việt - Lào  (03/06/2012)
Trả lại cho em những nhịp tim bình yên  (01/06/2012)
Hành trình nước ngọt ra biển  (27/05/2012)
Cóc đổ vào Nam  (20/05/2012)
Cồn Chim, rừng đang lên xanh  (15/05/2012)
Hướng thiện để vượt lên  (06/05/2012)
Bình Quang ngày ấy… bây giờ  (29/04/2012)
Trò chuyện với người đi tìm “Di văn thời Tây Sơn”  (14/05/2012)
Bước ra “giấc mộng vàng”  (22/04/2012)
Lá giang ký sự  (22/04/2012)
Mùa vui ở làng rau Thuận Nghĩa  (17/04/2012)
Xanh lên Núi Bụt  (15/04/2012)
Tản mạn từ vùng đất Văn chỉ  (10/04/2012)