Gian truân con đường làm giàu
15:42', 22/6/ 2012 (GMT+7)

(Bài dự thi)

Khởi nghiệp năm 1985 với vỏn vẹn 1ha rừng bạch đàn, giờ đây vợ chồng ông Nguyễn Châu Cầu (52 tuổi) và bà Trần Thị Bình (48 tuổi) ở thôn Định Bình, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn nổi tiếng với nghề trồng keo lai, phát triển mô hình kinh tế trang trại vườn rừng…

 

Ông Cầu với giống keo cấy mô 1 năm tuổi, đường kính đã được 6-7cm.

 

Ở đâu khó, ở đó có cơ hội

Hồi ấy cách nay đã 27 năm. Chưa đầy 30 tuổi nhưng vợ chồng ông Cầu lại khởi nghiệp bằng nghề trồng rừng. Nhưng rừng của họ còn non, không thể sinh lợi ngay, nên hai vợ chồng trẻ nghĩ ngay đến việc canh tác dưới tán rừng, theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Sau 3 vụ mì năng suất không như ý, vợ chồng ông lại chuyển sang trồng…lúa. Chuyện nghe có vẻ ngược đời nhưng với tính toán của ông Cầu lại là khả thi.

Với 6 ha đất từ nguồn được cấp, xin và khai hoang, ông bà kiên trì vừa canh tác vừa cải tạo gần chục năm ròng từ đất xấu thành thành đất tốt. Dù chỉ có sức lực là chính nhưng gia đình ông Cầu vẫn vững tin vào con đường đã chọn.

Năm 1996, nghe tin tỉnh sắp xây dựng nhà máy đường, lập tức ông nhờ mối quen lấy giống mía về trồng. “Năm ấy tôi liều vét hết tài sản trong nhà và vay ngân hàng 10 triệu đồng với lãi suất 2,4%/tháng để đầu tư vô 2 ha mía. Mình trông chờ đợt bội thu, nhưng không ngờ đến thời điểm thu hoạch thì nhà máy đường chưa xây xong. Lúc đó tôi như người điên, đi lang thang để mong tìm được cách…”, ông Cầu nhớ lại.

“Chính từ những hôm đi như thế tôi bắt gặp được một gia đình chuyên nấu đường ly tâm. Về nhà tôi đem tất cả mía ép lấy nước, sơ chế rồi bán cho người ta để nấu đường. Vậy mà cũng được 372 chảo chè (1 chảo = 160 lít nước mía), bù lại được một phần vốn bỏ ra”, lúc đó – nói thật là ngao ngán lắm. Liên tiếp điêu đứng mấy vụ làm ăn, nhưng thay cho suy nghĩ sẽ dừng cuộc chơi, vợ chồng ông kiên trì “bám” mía và tăng diện tích lên gấp 7 lần-điều mà nhiều nông dân trong vùng không dám nghĩ tới.

Vụ thu hoạch hai năm sau đó, vợ chồng ông Cầu có trong tay tới hơn 500 tấn mía. Thời điểm đó, ông quyết định bán mía cho nhà máy đường Phổ Phong (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Bấy giờ ông gần như trở thành “vua” mía ở khu vực phía bắc tỉnh Bình Định. Nhưng rồi cây mía cũng chỉ được mấy mùa, do giá mua giảm, không bù lại được chi phí nên ông bà “dẹp” hẳn mía để đầu tư trở lại vào nghề rừng. Dù vậy, chính từ thành công của mía đã giúp ông Cầu tự tin hơn trong việc làm ăn, mạnh dạn tìm kiếm cơ hội mới.

 

Sau khi khai thác, ông bà nhận cây non gầy tiếp lứa keo mới.

 

Điển hình là việc vợ chồng ông quyết đầu tư tiền của, công sức vào vụ đu đủ để bán trong dịp Tết 2008. Tuy nhiên, vận rủi dường như chưa buông tha vợ chồng ông. Năm ấy, chỉ sau một đợt lũ quét, ông mất trắng 3.800 cây đu đủ đang ra quả. Quyết tâm gỡ gạc, ông Cầu dự định gầy tiếp 10.000 cây nữa, nhưng bà Bình đã ngăn lại: “Sau đợt thua lỗ mía tôi muốn đứng tim rồi, lúc ấy nhất quyết không cho ổng liều thêm nữa. Với lại trồng nhiều quá, chỉ có hai vợ chồng quản không xuể”. Nhắc lại vụ này ông Cầu vẫn còn tiếc bởi sau đó ông trúng mùa đu đủ.

Không chỉ là mì, mía, bạch đàn, đu đủ… về xã Hoài Đức hỏi lò gạch ông Cầu hầu như ai cũng biết. Hơn 10 năm lăn lộn với đất và lửa, vợ chồng ông đã tạo dựng được nhiều mối quan hệ với khách hàng. Gạch của ông bắt đầu “vượt” làng, vươn ra thị trường… Thế nhưng đến cuối năm vừa rồi, thực hiện chủ trương của nhà nước, ông Cầu đã dừng hẳn sản xuất gạch, tập trung vào mảng trồng rừng.

Tỷ phú keo lai

Sau nhiều năm trồng bạch đàn, ông Cầu nhận thấy đây là loại cây hút nhiều nước, không cải tạo được đất nên quyết định chuyển sang trồng keo lai. Theo ông, loại cây này có khả năng làm đất tơi xốp và có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều nông dân ở Hoài Nhơn lúc đó cũng rục rịch bắt đầu chuyển đổi giống cây. Tuy nhiên không phải người nào cũng thành công với bước đột phá này.

Bằng việc mua lại đất rừng từ những hộ đầu tư thất bại và tiếp tục khai hoang, đến nay ông Cầu đã tăng diện tích keo lai của mình lên gần 80 ha. Trở thành một trong những ông chủ rừng lớn ở Hoài Nhơn.Việc chuyển đầu tư sang keo lai có thể coi là bước ngoặt trong làm ăn của vợ chồng ông Cầu.

Chia sẻ kỹ thuật chọn giống đạt năng suất cao, ông không ngần ngại: “Tôi lấy giống từ trung tâm của tỉnh, chủ yếu là loại keo hôm. 8 tháng trước tôi có trồng thêm giống keo cấy mô. Loại này phát triển nhanh, dẻo, khó bị gãy, nay đường kính đã được 6 đến 8 cm rồi”.

 

Hồ cá chim của vợ chồng ông rộng 3500m2, sau 2 tháng thả tự nhiên chúng đã lớn bằng lòng bàn tay.

 

Theo ông Cầu, giống keo bình thường trồng từ 5 đến 7 năm, đường kính đạt 15, 20 cm là có thể khai thác được, riêng keo cấy mô chắc chắn sẽ đạt năng suất cao hơn. Giá thị trường hiện nay của gỗ keo được mua khoảng 1 triệu đồng/1 tấn. Nếu cây phát triển tốt, ông Cầu có thể thu hoạch trung bình 1000 tấn/10ha/đợt khai thác. Mỗi đợt, vợ chồng ông chỉ khai thác chừng đó diện tích, rồi lại mua giống mới về gầy tiếp. Cứ thế xoay vòng cho đến hết diện tích. Tính ra hàng năm vợ chồng ông Cầu thu đều đặn hàng tỉ đồng từ cây keo. Ngoài giống keo lấy gỗ giấy, vợ chồng ông bàn năm tới sẽ trồng thêm 30.000 cây keo tràm để lấy gỗ xây dựng. Thời gian để khai thác được giống cây này khá lâu nhưng lợi nhuận sẽ cao hơn.

Bên cạnh nguồn thu chính từ keo lai, vợ chồng ông tận dụng bóng mát trong rẫy làm trại bò, nuôi chừng 30 con. Tùy năm, trại bò bán từ 9 đến 10 con. Không những vậy, ông còn cho thả hơn 5000 con cá chim ở hồ đào trong rẫy. Với lợi thế đất rộng, có vườn, trang trại, hồ cá, ông Cầu có dự định tương lai sẽ phát triển nơi đây thành một khu sinh thái miệt vườn.

Thành công đến từ những điều giản dị

Tuy ở vùng quê nhưng vợ chồng ông Cầu chỉ có 2 người con. Cô con gái đầu đã lập gia đình ở xa, còn cậu út học xong chọn theo nghiệp bố mẹ. Những khi không có ông Cầu, con trai ông là người đứng ra trông mấy chục công thợ, đôi khi cũng sắn tay cùng anh em. Một điều thú vị ở nhà ông Cầu đó chính là cụ ông Trần Đức, bố vợ ông Cầu, đã ngoài 80 nhưng sớm nào cũng tự mình đạp xe hơn 6 cây số vào trong rẫy, đến chiều lại đạp xe về. Dù đường vào rẫy gập ghềnh, hơn một nửa là đường rừng, dốc, đá…, vậy mà trừ những hôm đau ốm cụ vẫn đi không sót ngày nào trong tháng. “Tầm 5, 6 giờ sáng mình đã lục đục chuẩn bị đồ đạc vào rẫy nhưng nhiều khi tới nơi đã thấy cụ loay hoay dọn dẹp sẵn”, bà Bình tươi cười kể lại sở thích của cha mình.

Vì đảm nhận công tác ở xã nên đến giờ nghỉ trưa ông Cầu mới mang đồ ăn vào cho vợ. Những ngày cuối tuần hay dịp nghĩ lễ ông Cầu hầu như có mặt cả ngày trong rẫy. Để có thể trò chuyện cùng lúc với ông bà, một là đến nhà sau 6 giờ tối hoặc trưa tròn bóng tìm đường vào rừng. Con đường quanh co, hai bên rừng cây bạt ngàn, nếu chỉ nghe chỉ dẫn bằng lời nói khó lòng đến đúng nơi được.

 

Công việc của vợ chồng ông Cầu giờ đây đã đi vào ổn định.

 

Điều ấn tượng với tôi trong mỗi lần ghé thăm chính là căn nhà dựng tạm giữa rừng vỏn vẹn hơn chục mét vuông nhưng buổi trưa nào cũng rôm rả tiếng người. Bữa cơm đạm bạc nhưng tình cảm giữa chủ - thợ thật đầm ấm. Tiếng cười nói vang cả một góc rừng… 

Mỗi ngày, túc trực trong rẫy từ sáng đến chiều ngoài bà Bình còn có khoảng 15 lao động khác. Đến mùa vụ, con số này tăng lên gấp đôi. Những người làm cho ông bà đều là dân địa phương, từ phụ nữ đến cả thanh niên trai tráng. Buổi trưa có người mang cơm theo, có người ăn chung với vợ chồng ông Cầu. Cơm nước xong, ai nấy đều tranh thủ tìm cho mình bóng mát ngả lưng để chiều tiếp tục công việc. Chẳng mấy chốc lại quay về không khí tĩnh lặng giữa trưa rừng…

Có dịp trò chuyện với chị Võ Thị Hoa, Chủ tịch Hội nông dân xã Hoài Đức tôi mới biết, đoạn dẫn từ đường chính của thôn vào rừng là do vợ chồng ông Cầu đầu tư vốn mở tuyến. Tuy chỉ là đường băng rừng, lổm chổm đất đá, suối nước nhưng thật cần thiết. Con đường này ngoài giúp ông Cầu giảm bớt cực nhọc và công sức cho khâu vận chuyển, nó còn là niềm vui của người dân địa phương đi lại dễ dàng hơn.   

Chị Hoa còn cho biết: Hầu như những người thợ làm thường xuyên cho vợ chồng anh Cầu vốn là hộ nghèo của xã. Từ ngày làm ăn được, vợ chồng anh giúp đỡ cho bà con rất nhiều, xây nhà tình thương, trường học, ủng hộ vật chất cho gia đình khó khăn hay mở đường nông thôn đều có sự đóng góp nhiệt tình của vợ chồng anh ấy.

Năm ngoái, bà Bình vinh dự tham gia Đại hội nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc tại Hà Nội. Đây không chỉ là niềm vui chung của xã mà còn là niềm tự hào của bà con nông dân vùng thôn quê này.

Để có cơ ngơi ngày hôm nay bên cạnh sự quyết đoán, tính toán của ông Cầu là sự chịu thương chịu khó, nhẫn nại của bà Bình. 27 năm vợ chồng ông lăn lộn đủ nghề cũng chỉ để thực hiện một quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhìn hai dáng người cặm cụi cả ngày với đất, với cây khiến tôi không khỏi nghĩ: “Thuận vợ thuận chồng,…”

  • HỒ MINH ÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xem “ơ rô” giữa đại ngàn  (17/06/2012)
Dọc đường 631  (13/06/2012)
Ruổi rong đường mật  (09/06/2012)
Người xây đắp quan hệ Việt - Lào  (03/06/2012)
Trả lại cho em những nhịp tim bình yên  (01/06/2012)
Hành trình nước ngọt ra biển  (27/05/2012)
Cóc đổ vào Nam  (20/05/2012)
Cồn Chim, rừng đang lên xanh  (15/05/2012)
Hướng thiện để vượt lên  (06/05/2012)
Bình Quang ngày ấy… bây giờ  (29/04/2012)
Trò chuyện với người đi tìm “Di văn thời Tây Sơn”  (14/05/2012)
Bước ra “giấc mộng vàng”  (22/04/2012)
Lá giang ký sự  (22/04/2012)
Mùa vui ở làng rau Thuận Nghĩa  (17/04/2012)
Xanh lên Núi Bụt  (15/04/2012)