Đảo Ngọc (Phú Quốc) từng ghi dấu cuộc vượt ngục lịch sử của một cựu tù cộng sản người Bình Định; từng mở lòng cho một kết thúc có hậu của câu chuyện tình lãng mạn về đôi văn nghệ sĩ người Bình Định… Và giờ đây tôi còn biết thêm cả ngàn người Bình Định đã chọn nơi đây ký thác đời mình và con cháu.
|
Một góc làng Bình Định (Khu phố 9) ở Phú Quốc.
|
Hạ tuần tháng 6 vừa qua, Hội VHNT Bình Định đã cử một đoàn văn nghệ sĩ đi tham quan, thực tế các tỉnh phía Nam mà đích cuối là miền cực tây nam Tổ quốc: Đảo Phú Quốc!
Với tôi, dẫu đã kinh qua hải trình 2 ngày 2 đêm đến đảo Trường Sa Lớn vẫn không khỏi bồi hồi với hải trình hơn 2 giờ đến hòn đảo xinh đẹp này. Phú Quốc mơ hồ trong tôi là câu chuyện tình lãng mạn của cặp đôi nghệ sĩ người Bình Định tôi hằng ngưỡng mộ. Khi tuổi tác đã bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời, họ vẫn không ngần ngại đoạn tuyệt quá khứ, làm cuộc vượt biển ra đảo Ngọc xây “lâu đài tình ái” với bàn tay trắng siết chặt trong nhau. Với thời gian giới hạn trọn một ngày đêm, chúng tôi phải tính toán từng giây cho bước chân mình trên đảo song vẫn đến được di tích nhà tù Phú Quốc, Nghĩa trang liệt sĩ, thăm làng đồng hương và được tận mắt chứng kiến người ta lấy ngọc từ thân con trai, làm rượu từ trái sim trên núi… Thói quen của một người làm báo địa phương đã hướng tôi về những gì liên quan đến Bình Định và từng bước chân trên đất đảo, tôi đã nhìn ra sự hiện diện của quê mình.
|
Đoàn văn nghệ sĩ Bình Định viếng Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc
|
Bình Định trong nhà tù, trên nghĩa trang
Những ai một lần đặt chân đến Phú Quốc đều khó bỏ qua cái điểm đến từng là “địa ngục trần gian”. Đó là di tích nơi giam giữ tù binh cộng sản. Từng đọc thiên phóng sự “Nhà Lao Cây Dừa” của nhà văn Chu Lai song phải tận mắt chứng kiến những bức ảnh, những hình tượng mô tả các kiểu tra tấn dã man như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống... mới hiểu thấu được sự hy sinh gian khổ, sự tranh đấu kiên cường của thế hệ cha ông một thời vì tự do, độc lập.
Tấm ảnh của cựu tù Phan Thành Lang (Bình Định) trong tấm pano ảnh đặt ở vị trí trang trọng của khu di tích sáng trưng một bằng chứng sống về tinh thần bất khuất của người Bình Định trong tù. Tại đây, tôi cũng được nghe câu chuyện vượt ngục như một huyền thoại về cựu tù nhân cộng sản tên Trần Hồng. Người thuyết minh gọi cuộc vượt ngục của Trần Hồng là có một không hai trong lịch sử bởi phải vượt qua 18 lớp rào kẽm gai giữa thanh thiên bạch nhật, dưới con mắt cú vọ của bọn cai ngục. Ông Trần Hồng hiện đang còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh với một thân thể chằng chịt những vết sẹo là hậu quả từ những cuộc tra tấn... Là người Bình Định giỏi võ cổ truyền, khi bị địch bắt đày ra Phú Quốc, ông mới hai mươi tuổi. Tuổi trẻ, máu nóng, lại sẵn khí phách của người thượng võ nên ông thường “đụng độ” với bọn quân cảnh. Và mỗi lần như thế, ông lại bị chúng tra tấn khi thì đập ngón rút móng tay, khi thì bẻ răng… Có lần, uất quá, ông chửi: “Mẹ chúng mày. Oai gì cái lối trói người lại đánh. Giỏi thì ra ngoài bìa rừng kia, một mình tao chấp cả chục”. Vậy là ông lại bị bọn chúng quẳng vô chuồng cọp, chuồng chó…
|
Ông Phan Thanh Muôn (trái) người Bình Định đầu tiên ở Phú Quốc.
|
Trại giam tù binh Phú Quốc được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1993. Mỗi năm khu di tích này đón hàng vạn lượt khách trong nước và nước ngoài tới tham quan. Không ít trong số đó là những cựu tù trở về thăm lại nhà ngục xưa.
Chúng tôi ghé thăm Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc khi trời đã về chiều. Nghĩa trang nằm trên đồi cao. Người quản trang đi vắng, chúng tôi phải dạo khắp lượt mới phát hiện những bia mộ liệt sĩ quê Bình Định để thắp nén nhang cho người đồng hương quá cố. Đọc nội dung ghi trên bia mộ, tôi chợt phát hiện Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc thật đặc biệt. Có rất nhiều liệt sĩ hy sinh vào năm 1976, khi đất nước đã thống nhất; thậm chí nhiều liệt sĩ hy sinh vào những năm 1978-1979 - thời kỳ đánh Pol Pot xâm lăng biên giới tây nam. Ở đây cũng có cả những liệt sĩ là người Trung Quốc!
Trước một dãy bia mộ liệt sĩ quê Bình Định: Nguyễn Nhang, Đặng Văn Chương, Nguyễn Văn Than, Nguyễn Hồng Nhan, Võ Văn Đang… hy sinh năm 1972, cả đoàn đã cúi đầu rất lâu. Nhà thơ Mai Thìn rơm rớm nước mắt và nói như vô thức: Các liệt sĩ đã biết người đồng hương vào thăm!...
Bình Định - cả một làng biển
Buổi tối, trò chuyện với ông Võ Thành Nam, Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL huyện Phú Quốc, tôi được biết trước ngày giải phóng miền Nam, dân cư trên cả đảo chỉ khoảng 5.000 người, phần lớn sống bằng nghề biển và làm rẫy. Sau ngày thống nhất đất nước, di dân từ nhiều vùng, miền trong cả nước tìm đến khai hoang, hình thành cộng đồng dân cư đông đúc. Đến nay dân số Phú Quốc vào khoảng trên 80.000 người. Chưa ai thống kê được cụ thể số người có quê quán Bình Định đang sống ở Phú Quốc là bao nhiêu nhưng theo ông Thành thì đông lắm! Bởi vì phần lớn người tìm đến Phú Quốc là người làm biển trong khi Phú Quốc lại là ngư trường truyền thống của Bình Định về nghề mành và câu mực.
Người Bình Định có mặt ở hầu hết các khu phố của thị trấn Dương Đông và các xã, song sống tập trung nhất là ở khu phố 3 và khu phố 9. Háo hức với thông tin này, tôi cùng 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh là Ngọc Lối và Ngọc Tuấn đã dành cả buổi sáng trong giới hạn có mặt trọn một ngày đêm ở Phú Quốc cho cuộc viếng thăm làng đồng hương, cách trung tâm huyện lỵ hơn chục cây số.
Chị Nguyễn Ngọc Thúy, Trưởng ban khu phố 9, gác công việc hành chính tiếp chúng tôi. Đối diện với chị Thúy, chúng tôi thật bất ngờ và khâm phục vì kiến thức, sự năng động và cả cách giao tiếp của một trưởng ban khu phố. Chị Thúy kể về lịch sử thị trấn Dương Đông, về khu phố 9. Chị giải thích: chữ “Dương Đông” là từ chữ “nhiều dương” mà ra bởi xưa đây là bãi cát trồng dương. Rồi khu phố 9 xưa là ấp Gành Đá thuộc xã Cửa Dương cho đến khi thành lập thị trấn Dương Đông năm 2001 rồi bỏ đơn vị ấp vào năm 2005. Khu phố có 1.015 hộ dân với 4.203 khẩu, trong đó 85% dân là người gốc gác từ Bình Định. Thực sự khu phố 9 cũng mới sầm uất lên từ năm 2007, khi dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị mới 67,5 ha khởi động với vốn đầu tư trên 400 tỉ đồng. Đất đai ở đây cũng đắt đỏ lên từng ngày… Sau khi báo cáo những nét căn bản về tình hình kinh tế - xã hội ở khu phố, chị Thúy “bàn giao” chúng tôi lại cho người đồng hương là chị Nguyễn Thị Hữu, Chi hội trưởng phụ nữ. Chị Hữu quê ở Mỹ Thắng (Phù Mỹ), vào đây từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm mà người Bình Định ồ ạt vào Phú Quốc.
|
Phụ nữ ở làng Bình Định vá lưới.
|
Chị Hữu đưa chúng tôi đi thăm gia đình người Bình Định đầu tiên di cư vào Phú Quốc. Đó là gia đình ông Phan Thanh Muôn. Ông Muôn cũng là người Mỹ Thắng, cựu tù chính trị ở Côn Sơn. Sau giải phóng ông đưa gia đình vào Đồng Nai làm ăn và năm 1981 thì định cư về Phú Quốc trở lại nghề biển thuở thiếu thời. Ông có 4 người con, các con trai lớn lên lại về quê cưới vợ rồi đưa vào Phú Quốc. Làm biển và buôn bán hải sản, ông Muôn giàu có dần lên. Các con ông cũng tiếp nối nghề và đều trở nên khấm khá.
Từ là “Gành Gió”, “Cửa Dương”, những cái tên nghe là thấy thông thốc sự nghèo nàn, người Bình Định đã làm nên một “khu vực 9” của thị trấn Dương Đông sầm uất với nhiều nhà xây, nhà cao tầng. Những cái tên vượt khó làm giàu không chỉ nức tiếng ở thị trấn Dương Đông như Hồ Màng, Hồ Xuân Quang, Bảy Nhiệm… đều quê ở Bình Định. Riêng các con ông Màng giờ có cả mấy chiếc ô tô vận chuyển hải sản và đưa đón khách du lịch.
Thế hệ trẻ quê Bình Định cũng thật giỏi giang khi được học hành bài bản trở thành tầng lớp trí thức mà điển hình là anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc; anh Trần Cao Thắng, lãnh đạo Cục thuế Phú Quốc, ông Đặng Văn Dũng, chủ khách sạn Thanh Kim Liên ở thị trấn Dương Đông, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, tay phẫu thuật số 1 ở Bệnh viện của Phú Quốc cùng 1/3 cán bộ, thầy thuốc của bệnh viện đều có gốc gác là người Bình Định.
Đêm trước hôm chia tay với đảo Ngọc, tôi bần thần đứng từ sân thượng tầng 4 một khách sạn nhìn bao quát thị trấn Dương Đông, huyện lỵ của huyện đảo. Thị trấn đang xây dựng; đan xen những ngôi nhà cao tầng là một vài nếp nhà khung gỗ, lợp ngói âm dương. Tôi hiểu cư dân trên đảo là sự pha trộn của người Việt, người Hoa và người Khmer. Có người tổ tiên đến đây từ hàng trăm năm trước, có người mới đến lập nghiệp mấy chục năm nay, tất cả làm nên một Phú Quốc đa văn hóa. Những người Bình Định quê tôi cũng góp công vào sự đa dạng ấy.
|