(Bài dự thi)
Gỗ rừng trồng (GRT) vừa thoát được nỗi ám ảnh giá cả lên xuống thất thường, người trông rừng bắt đầu yên tâm đầu tư sản xuất thì từ đầu năm đến nay, GRT đang phải đối mắt với “rào cản” bởi một số thủ tục hành chính trong khai thác, vận chuyển. “Trồng nên rừng đã khó, giờ bán sản phẩm còn cơ khổ hơn”-người trồng rừng than thở...
|
Người dân lo lắng rừng đến tuổi khai thác không bán được.
|
Doanh nghiệp “bó giò”
“Trước đây, gỗ rừng trồng được lưu thông thông thoáng bao nhiêu thì bây giờ gặp trắc trở bấy nhiêu. Mọi sự bắt đầu từ Thông tư số 01/2012/TT-BNN-PTNT (ngày 04.01.2012) của Bộ NN-PTNT. Mục đích của thông tư này nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ để tạo thuận lợi khi lưu thông ra thị trường xuất khẩu không bị vướng các luật định khắt khe của nhiều nước trên thế giới. Mục đích là tốt, nhưng với cách làm hiện nay cho thấy nhiều bất cập, gây trắc trở cho doanh nghiệp và những hộ trồng rừng”, ông Nguyễn An Điềm - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định-cho biết.
Theo ông Điềm, sau 4 tháng thực hiện thông tư số 01 đã lộ ra nhiều vướng mắc. Việc lập bảng kê lâm sản khi thực hiện khai thác, vận chuyển đối với GRT không phù hợp với tình hình thực tế khai thác hiện nay. Bởi rừng trồng tập trung khai thác vào mùa khô, trước đây, các đơn vị giao dịch, mua bán GRT thường được tính đếm bằng đơn vị tấn hoặc ster. Khai thác đến đâu các doanh nghiệp phải lo vận chuyển đến đó để tránh hao hụt, giảm chất lượng gỗ. Bây giờ, khi khai thác xong, phải hoàn tất thủ tục lập bảng kê, qua xác nhận của kiểm lâm thì mới được vận chuyển. Tình trạng trên làm chậm tiến độ giao nhận gỗ, gây thất thoát sản lượng và làm tăng chi phí cho người trồng rừng. Thêm vào đó, lực lượng kiểm lâm ở các địa phương rất mỏng, lại tập trung cho công tác bảo vệ rừng tự nhiên nay gánh thêm việc xác nhận sản lượng GRT khai thác hàng ngày trên địa bàn … Việc kiểm kê gỗ rừng trồng khi khai thác là nhiệm vụ quá quá sức của ngành Kiểm lâm. Ông Nguyễn An Điềm tính toán: “Nói riêng tại Bình Định, hiện nay, trên địa bàn tỉnh này mỗi ngày khai thác được 5.000 tấn GRT, phải cần đến hơn 300 chiếc xe mới vận chuyển hết lượng gỗ ấy. Để thực hiện tốt công tác xác nhận số lượng gỗ nói trên, lực lượng kiểm lâm cần phải có 300 người mới làm xuể”.
Đặc biệt, hiện nay, GRT được khai thác có độ tuổi bình quân từ 5-7 năm, cây gỗ có kích cỡ nhỏ, đường kính chủ yếu dưới 15cm cùng 1 lượng lớn là cành ngọn nên khó thực hiện việc đo đếm, ghi chép, lập bảng kê với khối lượng khai thác hàng ngày rất lớn. Ông Võ Văn Cường-GĐ Cty TNHH Lâm Nghiệp Sông Kôn cho biết thêm: “Hiện nay, trung bình mỗi ngày DN chúng tôi khai thác khoảng 360 tấn, tương ứng với 20 xe vận chuyển (18 tấn/xe). Việc đo đếm, lập bảng kê, đánh số từng lóng gỗ theo quy định, thì với 1 xe gỗ có 500 lóng/18 tấn, phải mất cả ngày mới thực hiện xong. Trong khi đó, trước đây chỉ làm 5-10 phút là hoàn tất 1 xe gỗ”.
|
Gỗ rừng trồng phải được đo đếm từng lóng mới được vận chuyển.
|
Theo ý kiến nhiều doanh nghiệp chế biến, hiện nay, GRT bao gồm gỗ trong nước và cả nhập khẩu đang đối mặt với những quy trình, thủ tục kiểm tra, xác nhận kiểm lâm rất phức tạp. Nhất là khi nguồn gỗ này tiếp tục được phân phối thành nhiều nguồn nguyên liệu khác cho các cơ sở chế biến khác nhau. Ông Điềm đưa ra ví dụ: “DN mua GRT cho chế biến dăm gỗ XK, để tăng hiệu quả kinh tế, chúng tôi sẽ sử dụng phần lóng gỗ gốc bán cho các cơ sở chế biến đồ mộc, phần còn lại mới chế biến dăm. Hoặc có nhiều DN thương mại chuyên nhập khẩu gỗ nguyên liệu phân phối cho nhiều nhà máy chế biến trong cả nước. Đường đi của gỗ nguyên liệu thênh thang, nhiều ngõ ngách là thế thì lực lượng kiểm lâm nào kiểm tra cho xuể, buộc tiến độ sản xuất sẽ bị chậm lại”.
Những vướng mắc nói trên đã góp thêm phần khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ tỉnh Bình Định vốn đang giảm sút. Từ đầu năm đến nay, ngành gỗ tỉnh này chỉ XK đạt 115.63 triệu USD, giảm 13.2% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, đồ gỗ ngoài trời – sân vườn đạt 54.501 m3, giảm 11.6%; đồ gỗ nội thất đạt 2.588 m3, giảm 15.2%; dăm gỗ đạt 135.002 BDMT, giảm 24.5%.
Hộ trồng rừng “bó tay”
Khó khăn không chỉ đến với các DN, những hộ trồng rừng cũng lâm cùng cảnh ngộ. Các thủ tục hành chính nói trên đang làm “phức tạp hóa” cho các cá nhân, hộ gia đình tham gia trồng rừng trong quá trình khai thác, vận chuyển gỗ vườn nhà, cây trồng phân tán. Đặc biệt là đối với 1 tỉnh có phong trào người dân tham gia trồng rừng SX mạnh như tỉnh Bình Định.
Bây giờ, khi bán gỗ, nếu các hộ trồng rừng không xác định được nguồn gốc gỗ được trồng trên đất đã được cấp sổ đỏ, nếu không tuân thủ các thủ tục hành chính như lập bảng kê lâm sản, xác nhận của kiểm lâm thì gỗ sẽ bị “ách” lại, không được lưu thông. Mấy yêu cầu trên đang khiến các hộ trồng rừng lo sốt vó. Bởi từ trước đến nay, người dân sống gần rừng tham gia trồng rừng với mục đích tạo nguồn thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống. Họ trồng tận dụng trên cả đất nương rẫy, đất hàng rào, đất đầu thừa đuôi thẹo... nên không màng đến việc làm sổ đỏ cho những diện tích trên. Bây giờ, đứng trước yêu cầu nguồn gốc gỗ phải được trồng trên đất đã được cấp sổ đó mới được lưu thông thì họ “bó tay”.
|
Khai thác rừng trồng.
|
Ông Nguyễn Trọng Hường, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Canh, bộc bạch: “Cái khó nhất của Vân Canh là hầu hết các hộ cá nhân tham gia trồng rừng trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chỉ lao động giỏi chứ chẳng mấy ai rành các thủ tục hành chính, bây giờ muốn bán được gỗ phải “dính” đến những thứ ấy, họ như lạc vào rừng rậm. Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ có rừng đến tuổi khai thác nhưng không bán được gỗ, kéo nhau đến UBND xã, lên cả UBND huyện yêu cầu giải quyết làm chúng tôi đau đầu”.
Vân Canh là huyện có phong trào trồng rừng SX mạnh nhất tỉnh Bình Định với diện tích 14.600 ha. Theo ông Nguyễn Trọng Hường, 50% trong số này là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, và hầu hết diện tích trồng rừng nói trên đều chưa được cấp sổ đỏ, chỉ những diện tích rừng trồng tập trung của các dự án là đáp ứng được yêu cầu này. Do đó, dù hiện nay đang vào mùa khai thác nhưng “vấp” phải những ràng buộc trên nên những cánh rừng vẫn nằm yên. Anh Mai Văn Bình, trưởng làng Hà Lũy (xã Canh Thuận), than thở: “Gia đình tôi trồng được 5 ha rừng, năm ngoái khai thác 2 ha, bán được 140 tấn gỗ nguyên liệu giấy rất thông suốt. Năm nay cũng có rừng đến tuổi nhưng không dám khai thác sợ bán không được. Cả 112 hộ dân trồng rừng ở làng Hà Lũy như đang ngồi trên đống lửa vì rừng mình trồng mà không được bán. Trồng nên rừng đã khó, giờ bán sản phẩm còn cơ khổ hơn…”.
Ông Huỳnh Chút, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, cho biết thêm: “Trong thời gian qua, để khắc phục điểm vướng về “sổ đỏ”, khi có hộ dân làm đơn xin khai thác rừng, kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, nếu xác nhận rừng này được trồng trên đất không vi phạm thì cho phép khai thác. Còn khi làm các thủ tục hành chính thì cán bộ xã và kiểm lâm địa bàn phải ra tay làm giúp, chứ đồng bào dân tộc thiểu số biết đâu mà làm. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm “chữa cháy”, nếu kéo dài tình trạng này thì không lấy đâu ra lực lượng mà giúp dân trong thời điểm khai thác đại trà”.
“Nhà nước đang có chính sách khuyến khích người dân tham gia trồng rừng. Họ bỏ vốn ra đầu tư, thế nhưng đến lúc khai thác thì bị vướng mắc trong khâu tiêu thụ với những thủ tục hành chính làm tăng thêm chi phí. Tình trạng này sẽ làm giảm độ kích thích người dân tham gia nghề rừng”.
Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định. |
|