Kỳ I: Rừng phòng hộ đầu nguồn không bình yên
Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một (gọi tắt là rừng hồ Núi Một) giữ vai trò hết sức quan trọng không chỉ với hồ thủy lợi Núi Một mà còn với cả một vùng sinh thái rộng lớn ở huyện Vân Canh và thị xã An Nhơn. Nhận tin báo vùng rừng này đang bị tàn phá nặng nề, nhóm phóng viên Báo Bình Định đã lên đường…
|
Một trong nhiều khoảnh rừng bị lâm tặc tàn phá tại tiểu khu 334, 347a (thuộc Tổ Mười, xã Canh Hiệp).
|
Ngày 17.2.2006, Báo Bình Định điện tử có loạt bài “Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một bị “rút ruột””, phản ảnh: Thời gian này, rừng hồ Núi Một, thuộc địa bàn thôn Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh bị “moi ruột” với mức độ khá nghiêm trọng. Ngày 20.2.2006, Thủ tướng Phan Văn Khải có ý kiến chỉ đạo, UBND tỉnh kiểm tra xử lý việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một; có biện pháp xử lý nghiêm những người phá rừng và những cán bộ thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng. Hơn 6 năm sau, chúng tôi trở lại nơi đây, tình trạng phá rừng không giảm, thậm chí rừng còn bị rút ruột một cách tinh vi và phức tạp hơn.
|
Bên cạnh những khoảnh rừng bị “húi trọc”, nhiều khoảnh rừng gần đấy cũng bị “xí phần” bằng cách dùng cành cây khô rào lại làm dấu
|
Phá rừng phòng hộ đầu nguồn
Từ đập chính hồ Núi Một, chúng tôi chèo sõng vào khu vực rừng đầu nguồn giáp ranh với làng Canh Tiến. Trong hành trình, nhóm chúng tôi nghe văng vẳng tiếng cưa máy hoạt động suốt từ khu rừng Thác Đổ đến khu vực phía tây nam làng Canh Tiến, khu vực rừng Suối Bùn, rừng Suối Tràm… Người dẫn đường cho chúng tôi biết: “Ban ngày bọn chúng chủ yếu đi dò thám, xem nơi nào có gỗ rừng tốt, cây to, tối đến họ mới huy động lực lượng đổ bộ vào rừng để khai thác, rồi vận chuyển ra khỏi cửa rừng. Những tiếng cưa máy mình đang nghe là của một số người vào nhặt nhạnh những gì còn sót hoặc một vài súc gỗ lẻ”.
Kết quả điều tra riêng của nhóm phóng viên cho biết:
+ Tại khoảnh 8, tiểu khu 334, thuộc xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh có rừng bị tàn phá, người nhận khoán bảo vệ rừng khu vực là ông Diệp Đăng Dũng (ở xã Canh Hiệp).
+ Tại khoảnh 1 và 2, tiểu khu 347a, xã Canh Hiệp, có các đối tượng tham gia chặt phá rừng, gồm: Đinh Văn Tiến, Trần Văn Tài, Lê Văn Nếp, Đinh Văn Tý, Trần Kim Bằng, Đinh Văn Huy, Lê Văn Ni, Đinh Văn Thoại và Đinh Văn Phủm đều ở làng Canh Tiến, xã Canh Liên. Những đối tượng này đều có nhận khoán bảo vệ rừng. |
Từ lúc sắp đến khu vực Thác Đổ, người dẫn đường liên tục nhắc nhở nhóm phóng viên chúng tôi cất giấu tất cả các phương tiện tác nghiệp để tránh sự hoài nghi, nhòm ngó của bọn lâm tặc, có thể ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp và bản thân. Sau gần 3 tiếng đồng hồ vượt 14km đường thủy, đến 10 giờ 30 phút sáng, chúng tôi đã đặt chân đến khu vực suối Tổ Mười, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, đây là vùng rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Núi Một.
Đóng giả là những người đi hái lan rừng, lần theo lối mòn đến cách suối Tổ Mười chừng 250m về hướng Tây Nam, chúng tôi đã đứng giữa vùng rừng đã bị tàn phá nặng. Trước mắt chúng tôi, trên các lối mòn xuyên rừng, vết bánh xe “công nông” mới tinh hằn rất sâu. Những gốc cây to còn ứa nhựa tươi rói, chưa kịp keo đặc lại. Rừng phòng hộ đầu nguồn là loại rừng được quản lý, bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Rừng hồ Núi Một - như đã nói - giữ vai trò hết sức quan trọng trước tiên là với công trình hồ thủy lợi Núi Một, vậy mà những gì chúng tôi thực chứng lại đi ngược với quy định của Nhà nước.
|
2 cây dẻ sừng có đường kính gốc khoảng 75cm, tại tiểu khu 347a vừa bị lâm tặc triệt hạ lấy đi phần gỗ thành phẩm.
|
Rút ruột rừng theo kiểu “da beo”
Tại suối Tổ Mười, đầu nguồn hồ Núi Một, đi dọc bìa rừng sẽ thấy rất ấn tượng bởi các con đường mòn lượn quanh và mất hút sau những khu rừng rậm rạp. Nhưng chỉ vượt qua lớp vỏ bọc bên ngoài một chút là đã thấy cảnh rừng tan hoang. Nhóm chúng tôi tỏa ra đếm nhưng không xuể, dễ chừng có đến cả ngàn cây dẻ lá, dẻ sừng, muồng… vừa bị ai đó đốn hạ; vô số cây gỗ đường kính thân từ 30-40cm bị cưa gục, nằm ngổn ngang, gốc, cành còn tứa nhựa tươi. Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, điểm rừng đầu tiên bị cưa trụi có diện tích gần 1ha.
Công trình thủy lợi hồ Núi Một có dung tích chứa trên 110 triệu m3, đây là hồ chứa lớn thứ 2 của tỉnh (sau hồ chứa nước Định Bình). Hiện nay, hồ Núi Một hàng năm cung cấp nước tưới cho hàng chục ngàn héc ta lúa, cây trồng cạn, và cung cấp nước sinh hoạt, nước cho nuôi trồng thủy sản của các địa phương như: Thị xã An Nhơn, Tuy Phước, TP Quy Nhơn. Bên cạnh việc cung cấp nguồn nước tưới, hồ Núi Một còn góp phần ngăn lũ cho vùng hạ du, bảo vệ sinh thái đầu nguồn. |
Chúng tôi lại tiếp tục băng rừng và trong vòng gần 3 giờ đi bộ, đã phát hiện thêm 7 vạt rừng phòng hộ đầu nguồn, thuộc tiểu khu 334 và 347a bị tàn phá dữ dội. Đặc biệt, những kẻ phá rừng hồ Núi Một hiện nay không khai thác theo kiểu cuốn chiếu như trước đây. Chúng không khai phá nguyên khoảnh lớn hàng chục héc ta để dễ bị phát hiện, ngăn chặn, mà chúng phá rừng theo kiểu “da beo”. Cứ khoảnh rừng nào tương đối bằng phẳng, lâm tặc chặt phá trắng chừng 1 ha, sau đó cứ cách quãng vài trăm mét chúng lại phá một khoảnh khác. Sở dĩ lâm tặc chọn phương án thôn tính dần dần là bởi sau khi dọn lấy gỗ lớn, đốt sạch thực bì, chúng trồng cây lâm nghiệp, xem như rẫy của cá nhân. Từ những khoảnh rừng bị biến thành rẫy, rừng trồng kinh tế chúng lấn dần ra và tiếp tục trồng cây mới; chẳng mấy chốc khoảnh rừng này sẽ tiếp giáp khoảnh rừng kia và trở thành những khoảnh rừng trồng lớn. Rừng đầu nguồn cứ thế bị thu hẹp dần.
Nạn phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép, sang nhượng đất rừng trồng trên địa bàn huyện Vân Canh nói chung và rừng hồ Núi Một, thuộc địa bàn xã Canh Liên, huyện Canh Hiệp nói riêng âm ỉ nóng như thế từ rất lâu nhưng chính quyền địa phương, cơ quan quản lý rừng, thậm chí cả đơn vị quản lý và khai thác hồ Núi Một vẫn chưa ngăn chặn.
|
Vượt 14km đường thủy bằng sõng chèo, nhóm phóng viên xâm nhập vào các điểm nóng phá rừng.
|
“Bắn tỉa” gỗ rừng
Ngoài những khoảnh rừng bị lâm tặc cưa phá trắng (cưa, chặt sạch cây, phát sạch thực bì, đốt và trồng cây lâm nghiệp), trong quá trình lần tìm những cánh rừng bị phá, chúng tôi phát hiện có cả những cuộc khai thác gỗ quý, có giá trị tương đối cao, như: dẻ sừng, gụ bằng lăng… Những cây gỗ bị “bắn tỉa” này có đường kính thân khá lớn, dấu vết còn lại ở hiện trường cho thấy chúng bị đốn hạ bằng cưa máy.
Tại tiểu khu 347a, suối Tổ Mười, xã Canh Hiệp, lần theo vết bánh xe độ chế, chúng tôi tìm thấy một gốc gụ đường kính khoảng 65cm vừa bị cưa cách đó chừng vài ba ngày. Cách gốc gụ này chừng 300m, nhóm phóng viên chúng tôi còn tìm thấy 2 cây dẻ sừng có đường kính gốc khoảng 75cm vừa bị cưa hạ, nhựa tươi đang quánh lại…
Mở rộng tìm kiếm quanh tiểu khu này, chúng tôi còn thấy nhiều cây gỗ lớn khác, trong đó có bằng lăng, gụ, chò… bị lâm tặc “bắn tỉa”. Một người chăn trâu, bò ở khu vực đầu nguồn suối Tổ Mười, e dè cho biết: “Cách đây vài hôm, một số người dùng xe độ chế, chở theo cưa máy, xăng dầu và lương thực vào khu vực này đốn hạ cây rừng, xẻ thành súc lớn chở đi. Họ đưa gỗ ra khỏi rừng chủ yếu trên đường mòn qua ngõ đèo Sam, suối Tổ Mười, rồi về xã Canh Hiệp”.
Kỳ II: Chặt rỗng rừng phòng hộ Vân Canh |