Thượng tá, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đình Hiến:
“Quá khứ là động lực để tôi không ngừng phấn đấu”
21:19', 22/7/ 2012 (GMT+7)

Suốt buổi trò chuyện, chúng tôi không thể dứt ra khỏi quãng thời gian 3 năm 3 tháng ông nằm rừng chữa thương cho bộ đội ở chiến trường Campuchia. Bác sĩ Nguyễn Đình Hiến bảo rằng, quãng thời gian đó tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm, là động lực để ông phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp cứu người… 

 

Bác sĩ Nguyễn Đình Hiến (thứ 2 từ phải qua) tham gia khám bệnh từ thiện tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, khi còn công tác ở Sư đoàn 315.

 

Ăn mì tôm lấy sức để mổ

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quân y (sau này là Học viện Quân y) ở thị xã Hà Đông, Hà Tây (cũ), Nguyễn Đình Hiến được điều động sang Campuchia, công tác ở Sư đoàn 315, “chốt” ở điểm nóng Preah Vihear. Đây là một thử thách không nhỏ với một bác sĩ trẻ…

* Ra trường lúc mới 23 tuổi, lại được điều động ngay sang chiến trường K đầy ác liệt, ắt hẳn ông đã đối mặt với nhiều khó khăn?

- Đúng vậy. Bệnh xá Sư đoàn 315, nơi tôi công tác nằm giữa rừng sâu, lại luôn thay đổi địa điểm. Chúng tôi thường xuyên xây dựng “căn cứ” mới, phải dựng nhà an dưỡng thương binh, nhà cấp cứu, nhà phẫu thuật. Thời tiết rất khắc nghiệt, mùa nắng nóng cháy rừng trụi lá, mùa mưa lại kéo dài dai dẳng. Preah Vihear là chiến trường ác liệt, quân ta tổ chức truy quét thường xuyên. Ngược lại, lính Pôn Pốt cũng đặt nhiều ổ phục kích, mìn rải khắp nơi.

* Trước những khó khăn ấy, ông và đồng đội đã làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa cho thương binh?

Thượng tá Nguyễn Đình Hiến sinh ngày 5.8.1962, ở xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ ngày 23.7.1979; sau khi được đào tạo quân y, ông được cử sang công tác tại chiến trường Campuchia từ tháng 9.1985. Tháng 12.1988, bác sĩ Hiến về nước, tiếp tục công tác ở Sư đoàn 315, đóng quân ở Núi Thành, Quảng Nam. Ông về công tác tại BV Quân y 13 từ năm 2005. Năm 2008, ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Ông đã 2 lần được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

- Lúc đó, ban ngoại của tôi có tổng cộng 40 người, trong đó có 5 bác sĩ. Tôi là bác sĩ trẻ nhất, lại mới ra trường, ngày ngày chứng kiến cái chết cận kề với đồng đội, tôi tự nhủ mình phải nỗ lực thật nhiều. Bằng vốn kiến thức học được từ trường đại học, cộng với sự chỉ bảo tận tình của lớp đàn anh, tôi đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong từng ca bệnh. Nhiều lần, thương binh chuyển về dồn dập, tôi đã mổ không nghỉ ngơi, chỉ ăn mì tôm cầm cự. Ám ảnh nhất thời điểm ấy là các ca sốt rét ác tính gây chảy máu trong phổi, những trường hợp sốt rét đái huyết cầu tố, đe dọa đến tính mạng của các chiến sĩ. Ngay cả tôi cũng nhiều lần bị sốt rét rừng hành hạ, dù vậy, là một bác sĩ, tôi vẫn phải vừa tự điều trị cho mình, vừa chăm lo cho các bệnh nhân. Trong hoàn cảnh nguy bách, đôi khi người BS phải linh hoạt, sáng tạo xử lý tình huống. Như trong một lần theo bộ đội hành quân, tôi phải dùng dây truyền dịch để thông tiểu cho một chiến sĩ bị sốt rét ác tính. Trong trường hợp đó, chỉ chậm một tí nữa là bệnh nhân sẽ bị vỡ bàng quang mà chết…

Thường xuyên đi theo cứu chữa tại chỗ cho bộ đội tác chiến, tôi từng đi bộ ròng rã 24 ngày đêm, trên lưng gùi bộ trung phẫu và tư trang cá nhân nặng gần 30kg. Có lần dọc đường không có nước uống, cả đội còn 10 lít sirum, nhưng không ai dám uống vì phải để dành cho anh em thương binh. Khi khát cháy họng, thậm chí có người phải uống nước tiểu để cầm hơi.
3 năm 3 tháng bên ấy, từ 58kg, tôi chỉ còn 48kg.

Tự pha dịch truyền cứu thương binh

Bác sĩ Nguyễn Đình Hiến bồi hồi nhớ lại, giữa thời điểm công tác cứu thương vô cùng khó khăn, thiếu thốn, các bác sĩ phải tự pha dịch truyền để cứu thương binh. Ông kể:

- Thời ấy, thuốc quý như vàng. Khi nguồn dịch truyền từ Việt Nam gửi qua bị gián đoạn, chúng tôi phải tự pha lấy. Đầu tiên, lấy nước giếng tự đào chưng cất 2 lần để được nước cất. Sau đó, cho một số hóa chất vào nước cất với tỉ lệ phù hợp để pha thành dung dịch. Dung dịch này được lọc thủ công qua 8 lớp gạc vô trùng, sau đó được đóng chai thủy tinh cẩn thận. Các chai dịch truyền này được bọc gạc, mang đi hấp khử trùng. Thường thì mỗi lần chỉ pha 20-30 lít dịch truyền, khi dùng hết (thường là sau 10 ngày) mới pha tiếp. Tuy dùng dịch truyền tự pha, nhưng điều đáng nói là trong vô số ca cấp cứu do chúng tôi thực hiện, không có trường hợp bệnh nhân nào bị sốc.

Việc truyền máu cấp cứu thời ấy cũng được tiến hành nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Nhất thiết phải làm phản ứng chéo để xác định những người trùng nhóm máu với bệnh nhân. Tôi trộn máu của người cho và nhận, quan sát qua kính hiển vi, nếu hỗn hợp không ngưng kết thì cho máu được. Cẩn trọng hơn, chúng tôi còn làm thêm phản ứng sinh vật, 10ml máu đầu tiên sẽ được truyền với tốc độ nhanh, nếu bệnh nhân không có phản ứng gì thì mới truyền tiếp.

* Trong thời gian làm công tác cứu chữa thương binh ở Campuchia, ca bệnh nào ông nhớ nhất?

- Đó là mùa mưa năm 1986. Anh Nguyễn Văn Quang (thuộc Tiểu đoàn trinh sát 21) bị một mảnh bom Z2 đâm thủng ổ bụng. Anh Quang được đưa vào bệnh xá lúc khoảng
17 giờ. Vết thương ra máu rất nhiều, ướt hết cả băng ca. Bệnh nhân bị sốc, mạch nhanh, nhỏ, niêm mạc da đã nhợt nhạt. Sau khi cho truyền dịch, tiêm các thuốc tim mạch giúp bệnh nhân chống sốc, tôi điện báo cấp trên xin lực lượng chuẩn bị lấy máu cấp cứu. 40 bộ đội ngay lập tức được điều động đến để sẵn sàng cho máu.

Bệnh nhân được đưa vào nhà mổ dã chiến. Khi mổ vết thương, tôi phát hiện bệnh nhân bị đa chấn thương, đại tràng thủng, gan vỡ, động mạch đứt. Với điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn, đại tràng sau khi khâu xong phải đưa ra ngoài ổ bụng để làm hậu môn nhân tạo tạm thời. Tôi nhớ như in, ca mổ kéo dài đến 23 giờ cùng ngày, phải tốn đến 28 cặp pin để thắp sáng bàn mổ. 10 ngày sau khi phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và được đưa về Đà Nẵng tiếp tục điều trị. Sau đó, tôi có nghe tin anh Quang về quê ở Phú Tài (TP Quy Nhơn) an dưỡng. Tôi cũng đã nhiều lần dò hỏi xem tình hình sức khỏe anh ấy hiện nay ra sao, nhưng vẫn chưa có tin tức gì.   

 

Bác sĩ Nguyễn Đình Hiến khám bệnh cho quân nhân đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 13.

 

“Tuyệt đối không gây phiền hà cho bệnh nhân”

Tiếp tôi trong căn nhà giản dị ở khu tập thể của BV Quân y 13 (100 Đặng Văn Chấn, TP Quy Nhơn), ông cứ mân mê mãi tấm ảnh hiếm hoi chụp hồi còn ở Campuchia. Trong ảnh, ông và một đồng đội đứng trước nhà mổ của bệnh xá Sư đoàn 315. Tấm ảnh đen trắng đã loang lổ vết thời gian, chỉ còn lờ mờ khuôn mặt của hai người.

* Sau ngày về nước, ông và đồng đội cũ có hay gặp nhau?

- Có chứ. Kể cả khi tôi đã về BV Quân y 13, lâu lâu anh em cùng đơn vị từng công tác ở Campuchia cũng tổ chức gặp mặt, có cả những người ở Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Tôi có một ước nguyện là thành lập được nhóm liên lạc đồng đội ở Bình Định, hiện nay tôi đã liên lạc hơn 10 người đang ở TP Quy Nhơn và các khu vực lân cận. Và, một lần được quay lại chiến trường xưa. Quãng thời gian ở nước bạn tuy ngắn ngủi, nhưng là một dấu mốc quan trọng, là động lực để tôi không ngừng phấn đấu trong cuộc sống và công việc. 

* Là một bác sĩ công tác trong ngành quân y, phương châm làm việc của ông là gì?

- Trong thời gian công tác ở Campuchia, tôi đã cứu sống không biết bao nhiêu người. Tuy vậy, tôi vẫn mãi không quên lần thất bại khi cố cứu lấy bàn chân của một chiến sĩ. Mảnh bom cắm vào bàn chân anh, tôi đã tiến hành phẫu thuật lấy ra nhưng vết thương vẫn liên tục chảy máu. Cuối cùng, tôi và các đồng nghiệp phải quyết định cưa bỏ nửa bàn chân mới cầm máu được.

Sau khi về nước, tôi vẫn luôn cố gắng học tập không ngừng, học ở công việc, học ở đồng đội, học từ thực tế mỗi ca bệnh. Khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm khoa Nội chung của BV Quân y 13, tôi càng nỗ lực nhiều hơn trong công việc. Tôi tâm niệm rằng, đã là một bác sĩ, tuyệt đối không gây phiền hà cho bệnh nhân, phải hết lòng cứu chữa cho họ.

* Xin cảm ơn ông.

  • NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rừng phòng hộ lại bị băm vằm  (21/07/2012)
Khốn khó gỗ rừng trồng  (16/07/2012)
Lên non nghe tiếng ru buồn  (15/07/2012)
Bình Định trên đảo Ngọc  (09/07/2012)
RƯỢU BÀU ĐÁ TRÊN TỪNG HẠNH NGỘ  (03/07/2012)
Gian truân con đường làm giàu  (22/06/2012)
Xem “ơ rô” giữa đại ngàn  (17/06/2012)
Dọc đường 631  (13/06/2012)
Ruổi rong đường mật  (09/06/2012)
Người xây đắp quan hệ Việt - Lào  (03/06/2012)
Trả lại cho em những nhịp tim bình yên  (01/06/2012)
Hành trình nước ngọt ra biển  (27/05/2012)
Cóc đổ vào Nam  (20/05/2012)
Cồn Chim, rừng đang lên xanh  (15/05/2012)
Hướng thiện để vượt lên  (06/05/2012)