Rừng phòng hộ lại bị băm vằm
Kỳ II: Chặt rỗng rừng phòng hộ Vân Canh
22:50', 22/7/ 2012 (GMT+7)

Giá trị kinh tế của rừng nguyên liệu keo lai, bạch đàn ngày càng cao, tạo thu nhập đáng kể cho người dân trồng rừng. Mối lợi này khiến những cánh rừng phòng hộ Vân Canh liên tục bị xâm hại bằng những thủ đoạn ngày một tinh vi hơn.

 

Khoảnh rừng bị phá tại khu vực Suối Bùn (Canh Liên) cách đây hơn 6 năm, rộng khoảng 3 ha, giờ đã mở rộng khoảng gấp rưỡi và sắp tiếp giáp với một khoảnh rừng bị phá, trồng cây lâm nghiệp khác.

 

(Tiếp theo)

Biến dạng rừng đầu nguồn

Rời cánh rừng thuộc tiểu khu 334, 347a…, ngày hôm sau chúng tôi ngược dòng nước cũng bằng sõng đến tiểu khu 338, 347b xã Canh Liên. Đây là những vùng rừng bị phá rất nặng hồi năm 2006. Theo khảo sát của chúng tôi, hơn 6 năm trước, diện tích rừng bị chặt phá ở khu vực rừng Suối Bùn khoảng 3 ha, nay không những đã không được phục hồi mà còn bị mở rộng gấp rưỡi. Trong quá trình chăm sóc số cây keo lai, bạch đàn, các “chủ rừng” này đã phát dọn dần khu vực vành đai, nên RPHĐN phải dần… khép lại. Gần rừng trồng này, một khoảnh rừng phòng hộ khác rộng gần 1ha cũng bị chặt phá khoảng một vài năm trước, người ta đem trồng keo lai, giờ đã cao phả đầu người.

Băng qua khu vực Vực Rễ, cách mép nước hồ khoảng 3m, ngay trong khu vực rừng phòng hộ, một thửa rừng lớn trồng keo lai đã thu hoạch giờ trồng mới đã lên cao khoảng 2m, cây đã che tầm quan sát nên không xác định được diện tích.

Tại phía Tây làng Canh Tiến (xã Canh Liên), khu vực mà người dân của làng này vào vụ trồng rừng năm 2005, ngành Lâm nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho làng Canh Tiến 10.000 cây keo lai, bạch đàn theo chương trình “trồng cây nhân dân”. Với số cây giống được hỗ trợ thay vì sẽ trồng 7 đến 8 ha ở những vùng đất trống đồi núi trọc; nhiều người lại “húi trọc” gần 10 ha RPHĐN để trồng số cây này. Số cây bạch đàn đã khai thác khoảng 2 năm nay đang chăm dưỡng tái sinh; số keo lai cũng đã khai thác giờ đã trồng mới. Chỉ khác một điều, rừng kinh tế phát triển thì diện tích RPHĐN ngày càng … khép lại, nhường chỗ cho sự cơi nới, mở rộng diện tích tàn phá rừng của các “chủ rừng” bất hợp pháp này. 

Được biết, làng Canh Tiến hiện có gần 100 hộ, với trên 400 nhân khẩu gồm người Kinh, Ba na, Chăm, Tày... sinh sống. Bà con đều được nhận khoán quản lý, bảo vệ RPHĐN hồ Núi Một, thuộc Lâm trường Hà Thanh, mỗi hộ từ 10 đến 19ha. Rừng bị phá là những khoảnh RPHĐN có chủ nhưng điều kỳ lạ là không hộ nào báo cáo cho cơ quan chủ quản, và cơ quan chủ quản cũng không can thiệp quyết liệt. Theo Ban quản lý RPH Vân Canh, hiện nổi lên một số lâm tặc “cứng đầu”, như: Nguyễn Văn Lam (xâm lấn rừng tại TK 338); Đinh Văn Phủm, Đinh Văn Thoại (phá rừng tại TK 334, 347a); Đinh Văn Giăng (xâm lấn đất lâm nghiệp trong rừng phòng hộ tại TK 315, 316); Đinh Văn Tất (chặt phá rừng tại TK 338)... Xác định rồi để đó chứ Ban quản lý RPH Vân Canh cũng chưa làm gì nhiều hơn.

 

Một gốc đại thụ thuộc tiểu khu 338, bị đốn ngã để mở rộng khoảnh rừng bị phá trước đây.

 

“Chảy máu” gỗ rừng phòng hộ

Có những lâm tặc chỉ chuyên khai thác những thước gỗ có giá trị cao tại rừng Vân Canh. Đặt chân đến khoảnh 7, tiểu khu 237, thuộc làng Chòm, xã Canh Liên, chúng tôi phát hiện một gốc cây gụ lau đường kính khoảng 80cm đã được lâm tặc hạ sát gốc lấy đi phần thân cây, chỉ chừa lại phần gốc và ngọn cành. Mở rộng thực địa, tại tiểu khu 341, 337 chúng tôi còn phát hiện lổ chổ những gốc cây và ngọn cây kích thước lớn nằm ngổn ngang, do lâm tặc triệt hạ cách đây không lâu.

Ông Đoàn Văn Tây, Phó Giám đốc BQLRPH Vân Canh, cho biết: “Tại khoảnh 7, tiểu khu 327 phát hiện 2 khúc gỗ gụ lau, đường kính mặt cắt gốc 80-90cm, chiều dài mỗi khúc 2,5m, nằm trong diện tích BQLR, do nhân dân làng Chòm nhận khoán bảo vệ. Tại khoảnh 1, tiểu khu 341 và khoảnh 1,3, tiểu khu 337, xã Canh Liên phát hiện 12 cây gỗ gụ lau đường kính mặt cắt gốc từ 80-100cm, chiều dài dưới cành từ 6-9m, đã lấy hết phần thân gỗ; ngoài ra, tại đây còn phát hiện 6 thanh gỗ gụ lau, có kích thước chiều rộng 70cm, dày 20cm, dài 2,2m …”.

Qua con số thống kê của ngành chức năng, từ một đợt kiểm tra ngắn ngày cũng đủ thấy tình hình khai thác gỗ đang diễn ra có quy mô rộng, hoạt động hết sức liều lĩnh, phức tạp, có tổ chức, có “đơn đặt hàng” và nhờ nguồn tin của nhân dân làng Cát, xã Canh Liên lực lượng chức năng mới kiểm tra phát hiện. Theo một số người dân, chỉ cần khai thác xong, đưa 1 bộ gỗ gụ lau 3 tấm (kích thước khoảng 70cmx20cmx220cm) ra khỏi cửa rừng thì có thể bán ngay cho các đầu nậu với giá từ 15-20 triệu đồng. Rất tiếc các đối tượng này chưa được cơ quan chức năng làm rõ!

 

Xe độ chế chở gỗ từ trang trại của ông Phạm Xuân Toàn (ở khu vực suối Xoài - đèo Cú) đang vượt dốc,sau đó xe này chở gỗ về xưởng “mộc” của ông tại thôn Thọ Tân Nam.

 

Trang trại lập trong rừng(!)

Những tháng gần đây, dư luận tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) và xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) bàn tán xôn xao việc ông Phạm Xuân Toàn (Phó trưởng thôn Thọ Tân Nam, xã Nhơn Tân) vào tận vùng rừng núi hẻo lánh ở suối Xoài - đèo Cú (thuộc địa phận xã Canh Hiệp) để xây dựng trang trại. Dư luận cho rằng, ông Toàn chỉ dùng trang trại làm bình phong “che mắt thiên hạ” để thuận lợi cho việc khai thác gỗ tại RPH.

Vượt qua quãng đường dài hơn 5km, với nhiều dốc đá cheo leo, dựng đứng, đầy hiểm trở nằm sâu bên trong rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Vừa đến nơi, chưa kịp hết dốc, chúng tôi phải tránh đường cho chiếc xe độ chế chở đầy ắp gỗ từ trong trang trại của ông Toàn đi ra và đang bò lên dốc. 

Trang trại nằm trên một mảnh đất khá bằng phẳng, rộng gần 1ha, sát dòng suối Xoài và RPHĐN hồ Núi Một. Khi chúng tôi đến, trang trại chỉ có 2 thanh niên là người dân tộc Bana từ làng Canh Tiến tới làm thuê cho ông Toàn. Theo 2 người này, trang trại hiện nuôi khoảng 20 con heo, hơn 40 con gà, tất cả đều là con giống, cùng với 2 con ngỗng; chúng đều được thả rông.

Ngay phía trong trang trại của ông Toàn có một chiếc thuyền máy; bên cạnh có một ít gỗ, củi ở trên bờ. Một người chăn bò tại khu vực suối Xoài - đèo Cú, cho biết: “Chiếc xuồng này vừa bốc gỗ, củi lên xe độ chế đã chở đi về nhà ông Toàn ở thôn Thọ Tân Nam”. Quả thực khoảng vài chục phút sau, chúng tôi có được hình ảnh chiếc xe độ chế từ trong rừng vào đậu tại xưởng “mộc” của ông Toàn.

Không chỉ mở trang trại cạnh RPHĐN hồ Núi Một, hiện ông Toàn đang sở hữu một xưởng mộc cũng nằm ngay cửa RPH ở tại thôn Thọ Tân Nam. Sự tồn tại của xưởng cưa (núp bóng là xưởng mộc) khiến dư luận địa phương bức xúc; bởi một khi gỗ đã được chế biến tại xưởng này thì gỗ không hợp pháp sẽ trở thành gỗ hợp pháp. Và đặc biệt tính hợp pháp của trang trại mà ông Toàn mở ở trên cũng hết sức mù mờ. Tiếp xúc với chúng tôi, ngay cả ông Nguyễn Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn cũng không hiểu tại sao ngành chức năng lại để xưởng mộc tồn tại ở ngay cửa rừng phòng hộ một cách đáng ngờ như thế (?).

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Chếh, cán bộ chuyên trách của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Canh Tiến - hồ Núi Một, cho biết, việc tuần tra, kiểm tra để bắt quả tang hành vi khai thác gỗ trong rừng hồ Núi Một là rất khó. Bởi, hiện nay Trạm chỉ có 2 cán bộ nhưng phải quản lý gần 10.000 ha rừng phòng hộ.

  • NGỌC DIÊN - QUÝ HÂN - VĂN LỰC

Kỳ III: Quản lý, bảo vệ rừng quá lỏng lẻo

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Quá khứ là động lực để tôi không ngừng phấn đấu”  (22/07/2012)
Rừng phòng hộ lại bị băm vằm  (21/07/2012)
Khốn khó gỗ rừng trồng  (16/07/2012)
Lên non nghe tiếng ru buồn  (15/07/2012)
Bình Định trên đảo Ngọc  (09/07/2012)
RƯỢU BÀU ĐÁ TRÊN TỪNG HẠNH NGỘ  (03/07/2012)
Gian truân con đường làm giàu  (22/06/2012)
Xem “ơ rô” giữa đại ngàn  (17/06/2012)
Dọc đường 631  (13/06/2012)
Ruổi rong đường mật  (09/06/2012)
Người xây đắp quan hệ Việt - Lào  (03/06/2012)
Trả lại cho em những nhịp tim bình yên  (01/06/2012)
Hành trình nước ngọt ra biển  (27/05/2012)
Cóc đổ vào Nam  (20/05/2012)
Cồn Chim, rừng đang lên xanh  (15/05/2012)