(tiếp theo và hết)
Thực trạng rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) hồ Núi Một nói riêng, hệ thống RPH trên địa bàn huyện Vân Canh nói chung bị xâm phạm, tàn phá nghiêm trọng buộc phóng viên Báo Bình Định tìm gặp các cơ quan chức năng và chủ rừng để tìm hiểu cụ thể.
Dùng dằng trong xử lý
Theo điều tra của chúng tôi, từ cuối tháng 6.2012, đại diện Hạt Kiểm lâm, Phòng TN-MT, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vân Canh và UBND xã Canh Hiệp đã tiến hành kiểm tra trang trại ông Phạm Xuân Toàn tại khu vực Suối Xoài- Đèo Cú. Kết quả kiểm tra cho biết, trang trại nằm trên vùng rừng khoảnh 2, tiểu khu 334, thuộc UBND xã Canh Hiệp quản lý. Tại cuộc kiểm tra này, tổ công tác lập biên bản vi phạm và yêu cầu: “Ông Phạm Xuân Toàn không được tác động vào hiện trạng xung quanh (phá rộng diện tích, khai thác gỗ trái phép) khi chưa có ý kiến của các cơ quan thẩm quyền”.
|
Có những khoảnh rừng phòng hộ, lâm tặc phá chỉ để lấy đất trồng cây rừng kinh tế (chủ yếu là keo lai), không lấy gỗ, nên tại hiện trường còn ngổn ngang những thân gỗ to đã khô mục tại chỗ, đồng thời cây rừng trồng cũng đã lên cao. Điều đó chứng minh rằng, nạn phá rừng phòng hộ để làm rừng kinh tế không phải mới diễn ra gần đây như ngành Kiểm lâm, cũng như Ban Quản lý rừng phòng hộ báo cáo với tỉnh (ảnh chụp tại tiểu khu 338).
Ảnh nhỏ: Một khoảnh rừng bị tàn phá dang dở tại tiểu khu 334. |
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về khu trang trại có nhiều nghi vấn của ông Toàn, ông Nguyễn Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp cho biết: “Ông Toàn tự ý lập trang trại chứ chính quyền xã Canh Hiệp không cấp phép. Tuy nhiên, đến thời điểm này (ngày 29.6), chúng tôi chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Vân Canh nên chưa đưa ra biện pháp xử lý cụ thể chứ không phải là bao che”.
Quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ thiếu, yếu …
Để tìm hiểu cụ thể hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), chúng tôi đến Trạm QLBVR Canh Tiến - hồ Núi Một, thuộc BQLRPH huyện Vân Canh (trạm này đóng tại xã Nhơn Tân). Biên chế của Trạm chỉ có 2 người, gồm ông Đinh Văn Canh (Trạm trưởng) và 1 cán bộ nữa là Đinh Văn Chếh (anh Chếh mới vừa chuyển công tác); Trạm phải quản lý bảo vệ RPHĐN thuộc làng Canh Tiến rộng hơn 9.600ha (trong đó diện tích rừng đã giao khoán cho người dân QLBVR gần 6.340ha). Ngoài việc thiếu người, trong tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, nhân viên của Trạm cũng không được trang bị công cụ hỗ trợ nào. Nên nhiệm vụ chính của 2 cán bộ này thật ra chỉ là thường xuyên túc trực để canh giữ… văn phòng Trạm.
Hiện BQLRPH Vân Canh đã giao hơn 17.000 ha trong tổng số gần 26.000 ha RPH trên địa bàn huyện cho người dân chăm sóc, quản lý.
|
Chiếc thuyền máy bên “trang trại” ông Toàn ngày ngày vận chuyển gỗ, củi trong phạm vi RPH. |
Tại BQLRPH Vân Canh, ông Đoàn Văn Tây, Phó Giám đốc BQLRPH, cho biết: “Gần đây, BQL phát hiện tình trạng một số người dân vào RPHĐN hồ Núi Một chặt phá rừng để làm nương rẫy. Khi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy tình hình khai thác gỗ, chặt phá rừng thuộc RPHĐN hồ Núi Một diễn ra với quy mô rộng, hoạt động hết sức phức tạp, nên đã có báo cáo bằng văn bản gửi UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo”.
Rừng bị phá rất nặng nhưng cơ quan quản lý trực tiếp, gần rừng nhất nhận biết rất muộn, đến khi đụng vào thực tế mới biết là phức tạp. Ngay cả chính quyền địa phương các cấp ở huyện Vân Canh, thị xã An Nhơn còn mù mờ về số phận những vùng rừng hết sức quan trọng đối với đời sống sản xuất, sinh hoạt… có ở trên địa bàn mình. Và thật kỳ lạ, thậm chí cả đơn vị quản lý hồ Núi Một cũng rất bàng quan với RPHĐN hồ Núi Một, có vẻ như RPHĐN bị xâm hại sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến sự tồn vong của hồ thủy lợi lớn thứ hai ở tỉnh Bình Định (sau hồ Định Bình). Trong những ngày thực hiện cuộc điều tra này, từ chỗ chia sẻ niềm bức xúc của nhiều người dân, càng đi sâu vào vấn đề chúng tôi càng thêm bàng hoàng.
|
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Vân Canh, tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Vân Canh nói chung và RPHĐN hồ Núi Một diễn biến khá phức tạp. |
Loay hoay xác định trách nhiệm
Ông Phạm Thanh Giảng- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vân Canh cho biết: “Trước thực trạng phá rừng tràn lan, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra thực tế. Qua đó, tại những tiểu khu bị chặt phá, trạng thái đất rừng thuộc nhóm 1a, 1b, 1c là diện tích đất lâm nghiệp nằm trong khu vực rừng phòng hộ. Do vậy việc giải quyết này thuộc trách nhiệm của BQLRPH Vân Canh”.
Theo quy định hiện hành, 1 bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm bảo vệ, quản lý khoảng 1.000 ha RPH. Trong khi đó, hiện tại BQLRPH Vân Canh hiện chỉ có 7 bảo vệ rừng chuyên trách, trung bình mỗi người phải quản lý trên 3.700 ha rừng; riêng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Canh Tiến - hồ Núi Một, mỗi người phải quản lý trên 4.700 ha RPHĐN. |
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Vân Canh, tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Vân Canh nói chung và RPHĐN hồ Núi Một diễn biến khá phức tạp. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nắm sơ bộ các trường hợp phá rừng, đang chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm Vân Canh phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xác lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật…”.
RPH bị tàn phá nặng nề, phức tạp; kéo dài từ nhiều ngày trước, nhưng con số báo cáo lên từ cấp Hạt cũng như nhận xét của BQLRPH và ngành kiểm lâm lại chung chung, không đúng với mức độ nghiêm trọng như thực tế. Rừng bị tàn phá từ rất lâu, nhưng tất cả các nhận định đều nói áng chừng là “gần đây”.
***
Nhiều năm qua, nạn phá RPHĐN hồ Núi Một và các cánh RPH khác trên địa bàn Vân Canh đã bùng phát nhưng ngành chức năng, địa phương và nhất là các chủ rừng chưa đưa ra biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, kẻ phá rừng vẫn ung dung. Và đó là lý do khiến RPH tiếp tục bị khoét rỗng, bị húi trọc, cây rừng theo nhau gục xuống.
Xâm phạm RPH, trong đó có RPHĐN hồ Núi Một là vấn đề không thể coi nhẹ. Chúng tôi nghĩ rằng, do sự quan trọng của hồ Núi Một, đã đến lúc UBND tỉnh nên chỉ đạo tổng rà soát công tác QLBVRPH; yêu cầu ngành chức năng và chính quyền địa phương phải kiểm tra, báo cáo chính xác mức độ rừng bị phá, hiện trạng rừng còn lại; chỉ đạo để các cơ quan chức năng và chủ rừng phải phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, tăng cường củng cố lực lượng QLBVR đủ mạnh; đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong sự nghiệp QLBVR và kiên quyết xử lý những cá nhân, đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm.
|