Những năm gần đây, rơm không còn bị
rẻ rúng như trước bởi nhu cầu dùng rơm của người dân tăng cao. Để đủ nguồn rơm
phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, mua bán diễn ra giáp năm, nhiều người lo rơm
chẳng khác nào lo chuyện cơm mắm thường ngày.
|
Phơi rơm ở huyện Phù
Mỹ.
|
Trăm thứ cần
rơm
Mùa gặt, dọc các đường quê trong
tỉnh, đâu đâu cũng gặp rơm. Rơm vừa ngốn xong, xếp đụn giữa đồng. Rơm trên xe về
làng. Rơm phơi theo nhả, phủ kín đường quê. Rơm chất đống thành cây vun chùn
vườn, bãi… Thế mà nhiều người vẫn luôn lo thiếu rơm. Đến xã Mỹ Trinh, huyện Phù
Mỹ vào ngày mùa, đâu đâu cũng thấy người đội nắng phơi, trở rơm suốt trưa. Anh
Hồ Đình Linh ở thôn Chánh Thuận, vừa phơi rơm vừa trò chuyện: “Ngoài việc làm
thức ăn nuôi trâu bò, rơm còn dùng để tủ kiệu, tủ dưa hồng và lót dưa trái cho
xe chở đi bán xa nên cần rất nhiều rơm. Nhà tôi nuôi sáu con bò, trồng vài sào
kiệu, ít sào dưa, năm nào cũng thiếu rơm!”. Rồi anh tính toán: “Nếu cho ăn thong
thả, một sào rơm khô, sáu con bò tôi nhai chưa đủ tháng. Một sào rơm chỉ tủ nửa
sào kiệu hoặc hai sào dưa!”.
Anh Trần Hữu Phước ở thôn Đại Lễ, xã
Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, thì cho biết: “Rơm ở đây dùng để nuôi bò, làm nấm,
tủ hoa huệ và bán cho các quán làm bì chả. Thôn này có bảy hộ dân trồng nấm và
gần 90% hộ trồng hoa huệ. Tính hết cả xã thì nhiều lắm! Mỗi người làm nấm chuyên
nghiệp một năm cần rơm của khoảng 30 mẫu ruộng. Mỗi sào đất trồng hoa huệ cần tủ
nửa sào rơm. Nên rơm ở đây luôn rất thiếu!”.
Cứ ngỡ rơm lót dưa không tiêu tốn
bao nhiêu, vậy mà anh Mai Xuân Thạch ở thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, huyện
Phù Mỹ - tài xế chuyên chở dưa hồng cho nhiều chủ mua xuất đi Trung Quốc- lại
nói: “Để dưa không bị trầy xước, vỡ, dập, một xe tải chở dưa loại ba chân cần
lót khoảng gần nửa sào rơm. Một mùa
thu mua dưa, lượng xe tải ở Bình Định chở dưa sang Trung Quốc khoảng trăm chiếc.
Mỗi năm hai mùa, mỗi xe chạy ròng cần khoảng năm, sáu sào
rơm!”.
Ngoài nhu cầu phục vụ nuôi, trồng,
một lượng rơm không nhỏ còn dùng lợp các công trình phụ ở quê như chuồng heo,
chuồng bò, nại muối… và bó bì. Chị Nguyễn Thị Tuyết Loan- chủ quán nem chả chợ
Huyện Loan Giang ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, bộc bạch: “Làm bì cần
toàn rơm cọng, tốt. Hai bó rơm thường, tuốt bỏ sạch lá nhàu mới được một bó rơm
cọng, đủ bó một cây bì. Một ngày trung bình quán tôi làm 10 cây, cần khoảng hai
mươi bó rơm. Trung bình mỗi tháng, quán tôi dùng 600 bó rơm - tương đương một
sào rơm!”.
|
Trữ rơm làm nấm ở huyện
Tuy Phước.
|
Rơm đắt như…
“vàng”
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, mùa vụ, nhiều địa phương trong tỉnh đã chuyển ruộng ba vụ thành
hai vụ lúa, chuyển chân đất ruộng cao sang trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế
cao, song theo đó, rơm cũng ít hơn trước. Rồi thì mô hình chăn nuôi bò lai, bò
vỗ béo, bò đàn phát triển mạnh cũng khiến lượng trâu bò nuôi ở hộ dân tăng
nhanh. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Phù Mỹ hiện nay, tổng đàn trâu bò đã lên đến
30.914 con, tăng 26,2% so với năm 2011. Rơm có hạn, nhu cầu dùng rơm tăng cao
dẫn đến giá rơm đắt đỏ, khó mua. Chị Nguyễn Thị Kim Thu ở thôn Trà Lương (Mỹ
Trinh - Phù Mỹ) - nhà làm 7 sào lúa ba vụ nhưng năm nào cũng phải mua rơm. Giá
rơm cứ leo thang theo mùa, theo năm, khiến chị phải than phiền: “Mới vụ Hè Thu
năm ngoái, giá rơm mỗi sào là 200 ngàn đồng thì đến vụ Hè Thu này đã nhảy lên
300 ngàn đồng. Tính hết công xếp chất, chuyên chở, rơm về được đến nhà phải tốn
400 ngàn đồng/sào!”.
Rơm đắt đỏ nhưng mua được lại không
dễ. Nhiều người chuẩn bị tiền từ đầu vụ nhưng đến cuối vụ vẫn chưa tìm được
nguồn rơm. Anh Nguyễn Văn Năng cùng thôn với chị Thu ca cẩm: “Tôi dạo tìm suốt
mấy ngày liền, đi từ xã Mỹ Trinh qua Mỹ Hòa, đến Mỹ Hiệp, xuống Mỹ Tài, lần nào
cũng về tay không. May đâu ra xã Mỹ Phong gặp thằng bạn, nhà nó không trồng
kiệu, chia cho một xe giá 350 ngàn đồng/ sào. Mừng
quýnh!”.
Lúa vụ Mùa nhiều nơi gặt vào mùa mưa
nên rơm thu vụ này luôn bấp bênh. Có năm gặp lúc tiết trời nắng ráo, rơm đủ trâu
bò ăn giáp vụ. Năm gặp mưa dầm, chủ nhà phải cất công đội tơi đi cắt lá, cỏ suốt
mùa mưa và ba ngày Tết. Nhiều người sợ cảnh này nên sớm đi tìm rơm mua. Anh
Nguyễn Văn Hòa ở thôn Lạc Sơn, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ mới cuối vụ Đông Xuân
năm nay đã nhờ người, thuê xe lên tận đồng Bịch, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân
mua rơm nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Tâm sự với tôi, anh Hòa than phiền:
“Trước đó, tôi phải nhờ hai người bản địa hỏi giùm. Chủ rơm chịu bán nhưng bán
rơm tươi giữa ruộng lún. Không mua thì họ bán cho người khác. Chúng tôi phải lội
ruộng, khiêng từng khiêng rơm ra xe!”.
Để đủ lượng rơm trồng nấm giáp năm,
người làm nấm chuyên nghiệp phải lặn lội thu gom rơm khắp các đồng. Anh Phước
tiết lộ: “Trước khi gặt từng vụ, tôi dạo đồng xem lúa, đặt tiền cọc cho những hộ
nhiều ruộng, sau đó nhờ họ hỏi mua giùm rơm các hộ xung quanh. Tôi đi hết đồng
này đến đồng khác, có lúc lên tận đồng Tây Sơn, ra tận đồng An Nhơn! Rơm làm nấm
là rơm bó, mình phải tính thêm tiền công đứng tuốt lúa vào trong rơm cho chủ,
nếu không họ ngốn mất. Làm vậy mình vừa có được rơm vừa tránh được người khác
giành mua!”.
Chị Loan - Chủ quán nem chả chợ Huyện Loan
Giang - chia sẻ: “Trước đây, tôi mua vài chục ngàn đồng là đủ rơm để làm. Nay
mua từng bó, mỗi bó gần một ngàn đồng. Đã vậy, lại còn phải đặt cọc
trước!”.
|
Mua, chở rơm từ huyện
Hoài Ân về huyện Phù Mỹ.
|
Quan tâm hàng
đầu
Tôi đến thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa,
huyện Phù Mỹ vào một ngày mùa gặt mới đây. Làng, lúa phơi đầy sân, rơm giăng kín
lối. Bất chợt trời chuyển mưa, người làng ùa ra khỏi nhà lo chung tay vun rơm.
Rơm vun tủ xong, mọi người mới quay vào cào, hốt lúa. Thấy lạ, tôi đem chuyện
thắc mắc với một lão nông có tên Ba Thắng đang tủ rơm cạnh đường. Ông cười giòn
tan: “Chú không biết đó thôi! Lúa ướt còn dễ chứ rơm ướt thì trâu bò đói, không
kiếm đâu ra, không mua đâu được. Rơm ở đây là số một mà!”.
Quả thật, rơm là nỗi lo, là sự quan
tâm hàng đầu của nhiều bà con ở vùng khan rơm hiện nay. Nhiều người chấp nhận
trả hết tiền cày, cắt, gánh, ngốn cho chủ lúa để được nhận rơm nhưng không ai
chịu đổi. Có người cần rơm đến nỗi ruộng mình chưa gặt lại phải lo đi gặt, gánh,
ngốn ruộng lúa những nhà neo đơn để được đổi lấy rơm.
Rơm khan hiếm, nhiều cơ sở mua bán
rơm mọc lên. Riêng địa bàn huyện Phù Mỹ, chỉ tính dọc quốc lộ 1A hiện có ba điểm
thu mua, trữ, bán rơm lâu dài. Các cơ sở này mua rơm trong dân và bán rơm cho
các chủ mua dưa chở đi xa. Tuy lượng rơm bán ra chưa nhiều, song việc xuất hiện
dịch vụ mua bán kiểu này cũng góp phần đẩy giá rơm lên cao, khiến nhiều người lo
lắng.
Trước thực trạng cung thiếu, cầu
thừa, nhiều nhà nông tự tìm cách hoạch toán riêng cho mình. Anh Hà Minh Thành ở
thôn Chánh Thuận (Mỹ Trinh - Phù Mỹ) tiết lộ: “Vài năm nay, trước khi vào trồng
kiệu mùa, tôi giật, chặt nhiều lá cây làm bổi để sẵn. Trồng xong, tôi chỉ phủ sơ
một lớp rơm mỏng, sau đó tủ kín bổi. Chỉ cần nửa sào rơm, tôi tủ đủ một sào đất
kiệu. Làm cách này, tôi tiết kiệm được 1,5 sào rơm cho một sào đất trồng
kiệu!”.
Anh Hồ Đình Hải cùng thôn với anh
Thành lại cho hay: “Mấy năm gần đây, tôi dùng bạt phủ, khoét lỗ trồng dưa thay
cho rơm tủ. Bạt dùng được nhiều mùa nên lợi hơn. Cách làm này giúp tôi tiết kiệm
được một lượng rơm không nhỏ, đủ để bò ăn giáp vụ!”.
Anh Nguyễn Ngọc Thoại ở thôn Trực
Đạo (Mỹ Trinh - Phù Mỹ) có cách làm khác. Anh chia sẻ: “Tôi máy nước, sạ lúa vụ
Mùa chứ không gieo như trước. Sạ xong, tôi chịu khó theo nước. Lúa sạ có nước sẽ
phát triển nhanh, sớm gặt, tránh được mưa, giữ được rơm vụ
này!”.
“Có được nhiều rơm trong vườn nhà là
niềm vui cho những người trồng trọt, chăn nuôi!”. Đó là lời tâm sự chân thành
của anh Trần Hữu Phước - một người nhiều năm vật lộn với
rơm!
|