Làng gà thả bộ
22:18', 12/8/ 2012 (GMT+7)

Món “gà chỉ”, “gà đi bộ”, “gà thả vườn”… của Bình Định vài năm gần đây trở thành món ngon nức tiếng khắp nơi. Cũng vì lẽ đó các hàng quán ghi biển quảng cáo những món này mọc lên ngày càng nhiều ở TP Quy Nhơn, đặc biệt là dọc tuyến đường Quy Nhơn- Sông Cầu. Hỏi nguồn, rất nhiều chủ quán cho biết - gà Hoài Ân…

Vùng nuôi gà nhiều nhất ở Hoài Ân chính là thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, cách ngã ba Gò Loi chưa đầy cây số. Về đây giữa trưa hè nắng oi nồng, tôi vẫn nghe được tiếng gà gáy trưa rộn rã.

 

Chị Võ Thị Trúc với đàn gà gần đến thời điểm xuất chuồng.

 

Thôn “gà thả vườn”

Trang trại đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là của ông Mai Văn Rõ. Với diện tích hơn 40.000m2, ông Rõ nuôi đủ thứ: heo, trùn quế, rùa, cá… nhưng nhiều nhất là gà. Ông Rõ tâm sự: “Tôi vốn sinh ra ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), thời thanh niên cũng làm đủ nghề, sau này về trồng rừng tại Hoài Đức, nhưng rồi công việc này cũng không mang lại kết quả khả quan lắm. Cuối cùng tôi quyết định đến Hoài Ân lập nghiệp và chuyên tâm chăn nuôi. Đầu tiên tôi thả vài trăm con gà, nuôi vài chục con heo, dần dần thấy làm ăn cũng được nên tôi đầu tư lớn hơn. Bây giờ đàn gà của tôi lên đến hàng ngàn con, heo cũng cả trăm con. Tự tôi mày mò tìm hiểu cách nuôi, kỹ thuật nuôi rồi có kinh nghiệm dần. Gà tôi nuôi chủ yếu là gà ta, nuôi theo phương pháp thả vườn…”.

Dẫn chúng tôi ra sau nhà, ông Rõ mở cổng trang trại, đàn gà cả ngàn con bay, nhảy xao xác. Ông đưa tay dỡ tấm bạt của dãy trại nhỏ ở cổng vào, rồi giải thích: “Dãy chuồng này tôi nuôi trùn quế chỉ để làm thức ăn cho gà, cho heo. Hàm lượng đạm rất cao từ con trùn quế khiến cho đàn heo, đàn gà của tôi lớn nhanh mà tôi lại giảm được một khoản chi phí rất đáng kể trong việc mua thức ăn cho chăn nuôi…”.

Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi biết ông Mai Văn Rõ là Trưởng thôn Tân Thịnh, ông chẳng giấu giếm: “Tôi làm kinh tế cho gia đình nhưng cũng là tấm gương để bà con trong thôn noi theo. Mình làm trưởng thôn mà kinh tế không tốt, không bền vững thì nói ai nghe. Cả cái thôn Tân Thịnh này nhà nào cũng chăn nuôi, trong đó chủ yếu là heo và gà thả vườn, ít thì cũng vài trăm con gà, năm bảy con heo; nhiều hơn thì cả ngàn con gà, năm bảy chục con heo…”.

Trong khi tại nhiều địa phương khác, người chăn nuôi phải tính đến việc bỏ nghề thì người dân thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây vẫn duy trì tốt đàn gà thả vườn

Khi chúng tôi hỏi về nơi tiêu thụ đàn gà khổng lồ của các trang trại ở đây, ông Rõ trả lời: “Đến lứa xuất chuồng, tôi gọi cho đại lý lên thu mua, họ đưa đi đâu thì chúng tôi không rõ. Vả lại họ cũng không nói để giữ mối bán hàng chứ. Nhưng nghe đâu phần lớn là bán cho các quán gà chỉ, gà thả vườn ở Quy Nhơn hoặc “gà lên mâm” ở Đà Nẵng… 

Rời nhà ông Rõ, chúng tôi lại đến nhà vợ chồng anh Đặng Văn Thông và chị Võ Thị Trúc, ở đội 7, thôn Tân Thịnh. Gia đình anh Thông và chị Trúc có 4 người con, tất cả đều đã lớn và thành đạt. Anh Thông tâm sự: “Ở vùng trung du Hoài Ân chăn nuôi là phù hợp nhất. Gia đình tôi làm nghề này hơn 10 năm qua, cũng nhờ nó mà nên cơ nghiệp, nuôi nấng con cái lớn khôn, dựng vợ gả chồng. Giờ tụi nhỏ sống xa nhà, vợ chồng vẫn duy trì nghề. Hiện tại tôi nuôi khoảng 700 con gà, do giá cả ở thời điểm này bấp bênh quá nên không ai dám nuôi nhiều…”.

 

Ông Mai Văn Rõ (phải) với đàn gà trong trang trại mình.

 

Từ cái khó ló… tình kết đoàn

Anh Đặng Văn Thông nhớ lại: “Trước đây, nguồn giống gà chúng tôi lấy chủ yếu từ các đại lý ở An Nhơn, Tuy Phước, vài năm gần đây, do nhu cầu con giống ở địa bàn tăng cao nên nhiều cơ sở ấp gà giống mọc lên ngay tại địa phương, bà con chăn nuôi dễ dàng lựa chọn giống. Vì biết rõ nguồn gốc con giống nên việc chăn nuôi cũng đạt năng suất tốt hơn. Ngoài ra, trước đây do chăn nuôi nhỏ lẻ nên phần lớn các hộ gia đình phải mua nguồn thực phẩm cho gà, cho heo qua các đại lý, giá cả khá cao. Sau này các hộ gia đình chấp nhận vay vốn ngân hàng, vài ba gia đình hùn vốn lại lấy nguồn thực phẩm trực tiếp từ công ty. Con giống tốt lấy tại địa phương, nguồn thực phẩm được lấy tận gốc nên chi phí chăn nuôi hạ xuống,  giúp giảm thiểu tối đa khả năng thua lỗ”.

Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân:

“Trạm luôn hỗ trợ và chuyển giao công nghệ chăn nuôi cho bà con, tuy nhiên, các hộ gia đình nuôi vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tính bền vững và kế hoạch chăn nuôi không cao. Khi giá cả tăng thì họ nuôi nhiều, giá bấp bênh thì nuôi ít lại. Nhưng có điều là bà con ở Hoài Ân nuôi gà ít dịch bệnh và ít bị thua lỗ”.

Qua khảo sát chúng tôi được biết, cách đây ít lâu, gà có giá từ 75.000-80.000 đồng/kg, người chăn nuôi có thể thu lợi từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/100 con gà. Tuy nhiên, vào thời điểm này, giá gà chỉ còn từ 60.000-65.000 đồng/kg nên người chăn nuôi lợi nhuận không cao. Thậm chí nếu nuôi không tốt, đàn gà bị hao hụt hơn 10% thì coi như huề vốn hoặc lỗ. Trong khi tại nhiều địa phương khác, người chăn nuôi phải tính đến việc bỏ nghề thì người dân thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây vẫn duy trì tốt đàn gà thả vườn. Ngoài việc bà con ở đây biết liên kết với nhau để lấy con giống, mua thực phẩm tận gốc, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi còn có nhiều lý do khác mà kỹ thuật chăn nuôi là yếu tố rất quan trọng. Không một chút giấu giếm, chị Võ Thị Trúc cho biết: “Chăn nuôi không chỉ là tích lũy kinh nghiệm mà còn phải cập nhật kiến thức khoa học mới. Nuôi gà hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ đàn gà của nhà tôi bị dịch bệnh cả. Chẳng phải tôi tài giỏi gì nhưng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêm vắc-xin phòng ngừa và đặc biệt là luôn dọn vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại định kỳ và thường xuyên…”.

 

Nhiều người nuôi gà ở Hoài Ân đã nuôi trùn quế để làm thức ăn cho gà.

- Trong ảnh: Trại nuôi trùn quế của ông Mai Văn Rõ.

 

Thương hiệu “gà Tân Thịnh”

Đi khảo sát hầu hết các điểm chăn nuôi gà ở thôn Tân Thịnh, chúng tôi biết được người chăn nuôi ở vùng này tuyệt đối không nuôi gà lai hoặc gà công nghiệp. Nếu trong đàn gà giống mà họ mua có lọt vào một ít gà lai thì họ cũng làm thịt ăn chứ không bán ra thị trường. Anh Đặng Văn Thông cho hay: “Thịt gà lai, gà công nghiệp ăn bở, không ngon, nên thị trường tiêu dùng không ưa chuộng. Ngược lại, những con gà ta thả vườn đang được các quán ăn ưa chuộng nên giá cao hơn. Vì thế chúng tôi chỉ nuôi gà ta…”.

Cũng là gà ta thả vườn, nhưng người dân thôn Tân Thịnh còn đặc biệt chú trọng đến chế độ ăn uống thế nào để thịt gà săn chắc, thơm ngon. Ông Mai Văn Rõ tiết lộ bí quyết: “Nếu cho ăn thực phẩm tinh, chế biến sẵn nhiều, gà sẽ mau lớn và nhanh xuất chuồng, nhưng như thế thịt gà sẽ bở và không ngon. Muốn cho thịt gà ngon, người dân chăn nuôi ở thôn tôi cho vào đó nhiều lúa, bắp. Chế độ dinh dưỡng như thế cộng với không gian là vườn rộng, gà bay nhảy, đi lại nhiều, thịt gà săn, chất lượng được nâng lên cao”.

Rõ ràng, người dân chăn nuôi gà thả vườn ở thôn Tân Thịnh ngoài vấn đề lợi nhuận từ chăn nuôi thì họ còn đang ý thức đến một điều lớn lao hơn ấy chính là góp sức mỗi người một chút để “xây dựng thương hiệu” gà thả vườn Tân Thịnh.

  • CÔNG TÂM
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rơm vàng  (05/08/2012)
Người “lì” mê kỹ thuật  (29/07/2012)
Kỳ III: Quản lý, bảo vệ rừng còn lỏng lẻo  (23/07/2012)
Kỳ II: Chặt rỗng rừng phòng hộ Vân Canh  (22/07/2012)
“Quá khứ là động lực để tôi không ngừng phấn đấu”  (22/07/2012)
Rừng phòng hộ lại bị băm vằm  (21/07/2012)
Khốn khó gỗ rừng trồng  (16/07/2012)
Lên non nghe tiếng ru buồn  (15/07/2012)
Bình Định trên đảo Ngọc  (09/07/2012)
RƯỢU BÀU ĐÁ TRÊN TỪNG HẠNH NGỘ  (03/07/2012)
Gian truân con đường làm giàu  (22/06/2012)
Xem “ơ rô” giữa đại ngàn  (17/06/2012)
Dọc đường 631  (13/06/2012)
Ruổi rong đường mật  (09/06/2012)
Người xây đắp quan hệ Việt - Lào  (03/06/2012)