Vài năm gần đây, phong trào nuôi chim hót, chim chọi phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ lớn và giá cả ngày càng tăng, những “đội săn chim” chuyên nghiệp ngày ngày tỏa vào các vùng rừng núi ở An Lão, Hoài Ân… mồi, nhử chim về bán lại cho các đại lý. Từ các đại lý này, chim trời bắt đầu về phố.
|
Những người mồi chim ở An Dũng.
|
Thấy tôi đứng tần ngần ngắm hàng chục lồng chim, ông B. - chủ một quán ăn ngay tại trung tâm huyện lỵ An Lão (vì lý do tế nhị, nên tên của các nhân vật trong bài đều viết tắt) chào mời: “Em thích con nào thì mua đi! Con này giá 1 triệu đồng, nếu em thích thì anh sẽ lấy 800 ngàn thôi. Nhìn con chim trụi lông đầu, loe hoe mấy sợi lông đuôi, tôi bảo: “Trời, con chim này mà nhiều tiền thế ư?”. Ông B. cười nói: “Chú em không biết đó thôi, nó đang thay lông, vài tuần nữa là đẹp long lanh ngay. Chim đội mũ ở An Lão là số dzách, hay nức tiếng cả nước chứ không phải đùa…”.
Công nghệ săn chim
Tôi gặp anh Nguyễn Văn T., quê Hoài Ân, khi cả hai dừng chân uống nước tại một quán nhỏ ở thị trấn Tăng Bạt Hổ. Nhấc mấy cái “lồng sập” đặt trên bàn, T. cười tươi: “Hôm nay làm ăn được, đi từ sáng đến giờ được 2 con chích chòe lửa”. T. bảo đã làm công việc mồi, nhử chim hơn 2 năm nay. Ngày hên được một vài con, có hôm “trúng mánh” được đến 4 con, nhưng cũng có hôm lang thang trong rừng núi mà chẳng được con nào. Tôi hỏi: “Làm cách nào mà anh có thể nhử được những con chim ở ngoài vào lồng?”. T. cười bí hiểm rồi rút trong túi ra chiếc điện thoại di động, rồi bảo: “Anh nghe nè!”.
Từ trong chiếc điện thoại, tiếng chim hót vang lên rộn rã khiến những chú chim trong lồng của T. đang để trên bàn cũng bay nháo nhào. T. bật mí: “Tôi chỉ chuyên mồi chích chòe lửa mà thôi. Cái khó của việc đi nhử chim là phải biết tìm địa điểm nào có chim. Tìm được rồi, tôi treo chiếc lồng sập bên trong có một con chim mồi lên cây, sau đó mở điện thoại phát âm thanh tiếng chim hót. Cái giống chích chòe lửa rất háo thắng, nên nghe tiếng hót là nhào đến và dính bẫy…”. Một con chích chòe lửa “bổi” (chim mới được mồi về chưa qua thuần dưỡng) được bán lại cho các “đại lý” với giá 200 - 300 ngàn đồng. Mỗi ngày người đi mồi chim trung bình kiếm khoảng vài trăm ngàn đồng, một số tiền không nhỏ ở nông thôn.
|
Dân mồi chim tìm nơi đặt lồng sập ở An Vinh, huyện An Lão.
|
Ông B., ở huyện An Lão, cho biết: “Trước đây, nhiều người dùng lưới để bắt chim đội mũ, nhưng những con chim được bắt kiểu đó về bán rẻ lắm! Bây giờ, dân chơi chim chủ yếu mua loại chim mồi”. Ông B. bảo lý do dân chơi chim thường chỉ mua chim mồi bởi ý nghĩ con chim dính bẫy phải có “máu hung hăng”. Cái chất “hung hăng” của chim chính là điều mà dân chơi chim rất cần.
Theo dân mồi chim, mỗi vùng tập trung một loại chim, ở Hoài Ân nhiều nhất là chích chòe lửa thì An Lão lại nổi tiếng về chim đội mũ (có nơi còn gọi là chim chào mào, chim đầu rìu…). Trong chuyến đi tìm tư liệu để viết bài, tôi tình cờ gặp một nhóm săn chim chuyên nghiệp ở xã An Vinh, huyện An Lão. Anh M. - người lớn tuổi nhất trong nhóm - cho biết: “Mấy anh em đều là dân Bồng Sơn (Hoài Nhơn), ngày nào cũng đi mồi, chỉ cần kiếm được 1 con là đủ tiền rồi”.
Chim rừng về phố
Vài năm gần đây, nhiều quán cà phê dành cho những người chơi chim mọc lên nhan nhản ở TP Quy Nhơn và một số huyện lân cận. Những người chơi chim thường mang chim ra đây để thi hót, thi chọi, hoặc đơn giản là để khoe chú chim quý của mình. Nhưng phần lớn những cuộc gặp ấy là để thi thố, không chỉ đơn thuần cho vui mà kèm theo đó là những cuộc cá cược, thậm chí có nhiều cuộc thi chim xuyên tỉnh tiền cược có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
|
Chim đội mũ trắng là một loại chim cực hiếm được tìm thấy ở Bình Định.
|
Có dịp đến các quán cà phê này, chúng tôi chứng kiến không ít lần chim được chở đến bằng xe hơi đời mới, với số tiền cá cược rất lớn cho mỗi cuộc chơi. Tôi có anh bạn ở quê cũng mê nuôi chim, mỗi bận vào TP Quy Nhơn chơi, anh đều bảo bây giờ muốn nghe tiếng chim thì phải vào thành phố. Anh Đặng Văn Ng., quê ở An Lão, kể: “Trong một lần đến An Lão tìm mua chim, một nhóm những người chơi chim ở Quy Nhơn, Gia Lai thích mê con chim đội mũ của ông S. trả giá 10 triệu đồng, nhưng ông S. quý con chim nuôi đã lâu cương quyết không bán. “Chim bổi” ở An Lão rẻ cũng vài trăm ngàn đồng một con, còn chim nuôi được vài tháng thì có thể lên đến tiền triệu. Hiện nay, chim rất có giá nên người ta ra sức đi mồi, bắt về bán”. Cũng theo anh Ng, sở dĩ chim đội mũ ở An Lão bán có giá do tiếng hót hay, chọi cũng giỏi. Điều này rất khó lý giải nhưng có thể là do thổ nhưỡng ở vùng rừng núi này hoặc do các loại thức ăn mà giống chim này thường ăn.
Ngày 17.8 vừa qua, chúng tôi có mặt ở nhà ông H., xã An Nghĩa, huyện An Lão, trong nhà ông treo hơn 30 lồng nuôi chim các loại từ khướu bạc má, chích chòe lửa, nhiều nhất vẫn là chim đội mũ. Nghe tôi hỏi nuôi chim để chơi hay bán, ông H. cho hay một số là của người ta gửi bán giúp, một số ông mua về để bán, vài con hót hay thì để chơi.
Thấy giá bán chim tăng vọt nên nhiều người bán hàng tạp hóa từ các huyện đồng bằng lên cũng kiêm luôn việc buôn bán chim. Những con chim rừng được người dân miền núi mồi về, đem đến bán hoặc đổi rượu, thuốc lá. Hàng gom được kha khá, hay “trúng” con chim quý như “chim đội mũ bông” (loại chim bị đột biến gien có nhiều lông trắng trên lưng) lập tức bán lại cho những người chơi chim để kiếm lời. Anh Trần Thanh H., một người chơi chim ở TP Quy Nhơn, giải thích: “Một con chim “chơi được” có giá vài triệu đồng trở lên, thêm vài triệu đồng nữa để mua cái lồng đẹp, tính hết chi phí không rẻ nhưng nhiều người thích, bởi nuôi chim để được nghe tiếng hót của nó mỗi ngày cũng vui nhà vui cửa…”.
|
Anh T. khoe con chim chích chòe lửa để mồi.
|
Mai này có còn chim rừng?
Phàm cái gì tận thu, tận diệt thì cũng có lúc tuyệt chủng. Với chim rừng cũng thế! Trước đây, người chơi chim rất thích giống khướu bạc má bởi tiếng hót của nó rất hay; giờ thì giống chim này hầu như không còn nữa trên những cánh rừng của huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn… Bây giờ đến lượt chích chòe lửa, chim đội mũ và chích chòe than lọt vào tầm ngắm của giới chơi chim. Có cung, ắt có cầu, nhiều người tranh thủ cơ hội này để tìm mọi cách săn bắt, mồi nhử chim bán.
Ông Nguyễn Thanh Sinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, cho biết: “Việc mồi, nhử chim, đánh bẫy là vi phạm bởi đó là hành vi săn bắt động vật hoang dã. Nếu lực lượng kiểm lâm phát hiện sẽ tiêu hủy dụng cụ đánh bắt, thả chim dính bẫy lẫn chim mồi về rừng và có thể xử lý vi phạm tùy theo mức độ. Thực tế, hiện nay nhiều em học sinh tranh thủ nghỉ hè đi mồi chim; nhưng lo nhất là dân mồi bắt chim chuyên nghiệp. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác ngăn ngừa vấn nạn này”.
|