Ánh sáng của nghị lực
21:7', 26/8/ 2012 (GMT+7)

Một ngày cách đây 30 năm, đôi mắt của bà dỗng dưng sưng to, đau nhức, hai năm sau con ngươi bị teo lại, mí mắt bắt đầu sụp xuống. Bà đã bị mù. Từ bệnh viện trở về, thay vì ngồi than thân trách phận, bà bắt tay vào công việc mới… Câu chuyện của bà Phùng Thị Tri - sinh năm 1941, ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn - với nghị lực phi thường không chỉ đi tiếp những bước vững chãi, mà còn trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống cho nhiều người.

 

Nụ cười vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt của vợ chồng bà Tri.

 

Những năm sau ngày đất nước giải phóng, bà Tri còn khỏe, vẫn thường đi buôn gạo, trứng vịt… tần tảo nuôi cả gia đình. Khi có hợp tác xã nông nghiệp, bà nghỉ hẳn việc buôn bán, ở nhà làm ruộng.

Từ lá thư của người con

“Hồi đó lúa mới phun thuốc trừ sâu, mình đi làm đồng cứ hay cúi mặt xuống, rồi ngọn lúa chọc vào mắt. Lúc ấy có đau, thấy nóng nóng, cứ nghĩ không sao. Sau vài hôm thì mắt sưng lên, đi khám bác sĩ cũng cho thuốc để nhỏ, thuốc uống, nhưng càng lúc càng đau, mắt mờ dần. Ít lâu sau, tôi không còn thấy gì nữa…”, bà Tri kể lại. Sau khi được các con đưa vào Sài Gòn chữa bệnh, bác sĩ kết luận bà bị bệnh Thiên đầu thống nặng (còn gọi là bệnh cườm nước -Glaucom).

Lần ấy, bác sĩ còn chẩn đoán bà bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Bà nhớ lại: “Lúc đang gieo mạ ngoài đồng, máy bay địch lượn trên đầu, chúng rải thứ nước gì xuống ướt cả người. Tôi với mấy người nữa chạy về, nhưng chủ quan không tắm, lại ra đồng làm tiếp. Chiều hôm đó người bắt đầu ngứa và mắt nóng rang”. May mắn, 7 người con của bà đều khỏe mạnh và có cuộc sống riêng ổn định.

Chính giữa lúc gia đình đang rối bời, anh Huỳnh Quang Thuận, người con thứ 3 của bà Tri, trong một lần đọc báo biết được có vị bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chữa sáng mắt cho một em bé, liền viết thư cho vị bác sĩ kể tình trạng và nhờ chữa giúp bệnh của mẹ. Đến một hôm, cả nhà nhận được thư hồi âm của vị bác sĩ nọ. “Trong thư ông ấy bảo vợ chồng tôi có một đứa con rất ngoan, rất có hiếu. Ông ấy động viên và khuyên chúng tôi nên tìm việc gì đó nhè nhẹ cho bà nhà tôi làm để phai lãng tổn thương tâm lý, chứ đôi mắt của bà không còn cứu chữa được nữa”, ông Huỳnh Tham (82 tuổi) - chồng bà Tri - rành rọt kể lại. Lúc đó anh Thuận đang học lớp 10, bây giờ anh đã 50 tuổi.

Tất cả những lần tay xách nách mang vào Sài Gòn hay đến bất kỳ nơi nào để chữa bệnh đều không thể cải thiện được ánh sáng của đôi mắt bà Tri. Nhưng chính lá thư của người con trai khiến bà thay đổi suy nghĩ. Tình mẫu tử đã tiếp thêm nghị lực sống và giúp lau khô những giọt nước mắt tuyệt vọng trên khuôn mặt hốc hác của người phụ nữ chỉ vừa bước sang độ tuổi tứ tuần ngày ấy.

 

Chỉ cần nghe tiếng nước chảy bà Tri có thể biết khi nào mắm đầy chai.

 

2 kg trà và một quyết tâm

Với suy nghĩ không muốn làm gánh nặng cho con cháu, bà quyết định đi tìm “thú vui trong cuộc sống” như lời bác sĩ dặn bằng việc… gom các loại bao cát, bao gạo. Bắt đầu từ những bao trong nhà, rồi bà thu mua của những người gánh đồng nát. Tất cả các loại bao được bà tháo ra từng sợi, sau đó buộc một đầu vào chân ghế, dùng tay kết hợp với chân se thành dây. Để dây được chắc bà se thêm 3, 4 lớp. Một “con” (dây) to bằng ngón tay hoặc cổ tay tùy nhu cầu sử dụng của khách hàng. Se dây loại này gần giống với se dây dừa. Giọng bà chân chất: “Tui tự nghĩ ra làm vậy thôi, chứ chẳng ai chỉ, bày”. Thời đó, dây loại này dùng để dắt trâu, móc vào gàu xách nước, buộc đồ chuyển lên xe… Một hôm đi chơi gần nhà, người con của bà thấy một người đàn ông dùng dây kéo trâu lên xe nhưng do trâu dằn, dây bị đứt, anh đã về nhà lấy sợi dây của mẹ làm cho ông ấy. Chính vì dây của bà se chắc hơn nhiều loại ở chợ nên không đứt nữa, đàn trâu được chuyển lên xe an toàn. “Sau đó ông ta hỏi chỗ nào bán dây này rồi tặng luôn 2 ký trà cho thằng con, tui mừng lắm cố gắng làm ngày làm đêm để bán”, bà hồ hởi. Dây bao của bà Tri ngày càng đắt hàng. Những năm 80, giá bán 5.000 đồng/dây - số tiền không nhỏ đối với những người dân nghèo bấy giờ. Nhưng, quan trọng hơn là bà tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống trong đôi mắt mù lòa.

Những năm 90, người ta chuyển sang dùng máy bơm nước, trâu thả rông ngoài đồng cỏ chứ không dắt như trước. Dây bao không còn bán chạy, bà Tri quyết định chuyển sang… làm mắm.

Mới nghe thật khó tưởng tượng một người mù làm mắm như thế nào. Nhưng, tận mắt chứng kiến mới thấy bà Tri làm công việc này nhẹ nhàng như người sáng mắt. Mắm nguyên được bà lấy từ một người quen ở xã ven biển Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), các công đoạn chế biến mắm cũng đầy đủ như ai: muối mắm, lọc mắm, rót mắm vào chai, đóng thùng… Ban đầu bà làm rất ít, chỉ bán cho những người hàng xóm, dần dần “tiếng lành đồn xa”, người ta tìm đến bà nhiều hơn, khách đặt hàng ở tận Gia Lai, Sài Gòn. “Có lúc tôi nhận 600- 700 ký mắm nguyên về làm. Người ta mang tới tận nhà cho mình. Một đợt lọc có khi đạt tới 5 - 6 can mắm, mỗi can được 20 lít. Tui chỉ làm mắm nhất, mắm nhị, xong đóng thùng để tại nhà, gọi điện cho người tới chở, không phải gánh đi bán dạo”, bà Tri chia sẻ.

Lúc biết hoàn cảnh bà như vậy mà làm được mắm, tôi không khỏi hoài nghi về độ chính xác, cẩn thận trong quá trình thực hiện. Chỉ khi dạo một vòng căn phòng chứa mắm, quan sát từng công đoạn chế biến, tôi mới tin vì sao nhiều người ở xa khi đến xem đã không ngần ngại mua rất nhiều mắm của bà Tri mang về. Căn phòng chứa mắm nguyên được xây như tầng hầm, thông với một phòng nhỏ hướng mặt ra vườn sau nhà. Đây là chỗ bà Tri ngồi lọc mắm, cho mắm vào chai. Tuy gian nhỏ này khá đơn sơ nhưng nền nhà sạch sẽ, can, thùng, chai, lọ được sắp đặt ngăn nắp. Một điều ấn tượng là khi vào nơi chế biến mắm phải bước xuống 1 cầu thang hơn 2m. Mỗi khi nhận mắm nguyên bà mang từng thùng, bước thụt lùi xuống cầu thang, rồi mang vào phòng chứa. Thoạt nhìn cứ nghĩ đơn giản, nhưng khi tôi thử mới thấy trở ngại, khó khăn khi hai tay phải bê, đỡ thùng mắm, mắt liên tục nhìn phía sau canh các bậc thang để không bước hụt. Ấy là tôi còn có sức trẻ và nhìn được xung quanh!

Thú vị nhất là lúc bà Tri rót mắm. Bà cười bảo: “Chỉ cần nghe tiếng chảy của nước, bà có thể biết khi nào mắm đầy chai”. Bà Tri cũng tự sắp khăn lọc, múc từng ca mắm, lọc đi lọc lại 3 - 4 lần cho nước mắm trong.

 

Hàng ngày, bà Tri vẫn tự mình mang mắm nguyên xuống cầu thang hơn 2 m để lọc.

 

Mù, chưa phải là kết thúc

Giữa lúc việc làm mắm của bà Tri bắt đầu ổn định thì gia đình gặp tiếp biến cố, chồng bà bị tai biến. Bằng nghị lực và may mắn ông đã vượt qua, dù bây giờ thêm căn bệnh thoái hóa cột sống, việc đi lại phải nhờ vào gậy nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt của hai cụ. Tôi hỏi ông có hay phụ bà làm mắm không, ông bảo: “Chủ yếu là bả thôi, lâu lâu ông phụ rót mắm nhưng lưng đau thế này không ngồi lâu được!”.

Bà Tri tâm sự: “Khi nghe tôi thông báo làm mắm để bán, cả nhà ai cũng phản đối, nhất là thằng Kỳ. Nhưng rồi cũng chính nó là người đi mua chai, lọ, thùng về cho mẹ làm. Bây giờ, tuổi cao, chân tay đau nhức, không còn làm nhiều như trước, chừng 20-30 lít/ngày thôi”. Ở xóm này, gần như nhà nào cũng ăn mắm của bà Tri, nhắc tới bà ai cũng lắc đầu và trầm trồ. Lắc đầu bởi nghĩ “mình khỏe thế này chưa chắc đủ kiên nhẫn để gắn bó với công việc làm mắm suốt ngần ấy năm, huống chi hoàn cảnh của bà…”. Ông Nguyễn Văn Phan, 68 tuổi, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Hoài Đức là hàng xóm của bà Tri, cho biết: “Hai ông bà ấy là người chịu khó, kỹ tính, chu đáo lắm. Mắm bà Tri làm kỹ, ngon hơn nhiều nhà khác, năm nào nhà tôi cũng lấy mắm bên đó ăn, có đợt lấy hai ba chục lít để gửi vào Sài Gòn cho con”.

Gần 30 năm rời xa ánh sáng cũng là bấy nhiêu năm bà minh chứng một điều, rằng: Mù, chưa phải là kết thúc! Trong vóc dáng nhỏ nhắn ấy, một sức sống mãnh liệt vẫn luôn dâng tràn… 

  • MINH ÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Theo tiếng chim hót  (19/08/2012)
Làng gà thả bộ  (12/08/2012)
Rơm vàng  (05/08/2012)
Người “lì” mê kỹ thuật  (29/07/2012)
Kỳ III: Quản lý, bảo vệ rừng còn lỏng lẻo  (23/07/2012)
Kỳ II: Chặt rỗng rừng phòng hộ Vân Canh  (22/07/2012)
“Quá khứ là động lực để tôi không ngừng phấn đấu”  (22/07/2012)
Rừng phòng hộ lại bị băm vằm  (21/07/2012)
Khốn khó gỗ rừng trồng  (16/07/2012)
Lên non nghe tiếng ru buồn  (15/07/2012)
Bình Định trên đảo Ngọc  (09/07/2012)
RƯỢU BÀU ĐÁ TRÊN TỪNG HẠNH NGỘ  (03/07/2012)
Gian truân con đường làm giàu  (22/06/2012)
Xem “ơ rô” giữa đại ngàn  (17/06/2012)
Dọc đường 631  (13/06/2012)