Nhà sử học Đào Duy Anh trong công trình nghiên cứu “Đất nước Việt Nam qua các đời” đã khẳng định, địa danh Bồng Sơn xuất hiện từ năm 1471, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ít có địa phương nào còn giữ được một địa danh tồn tại hơn nửa thiên niên kỷ. Dẫn điều đó để thấy sức sống bền bỉ của Bồng Sơn xưa, trong bão táp chiến tranh chống giặc và minh chứng rõ hơn trong nỗ lực dựng xây hôm nay.
Sục sôi những ngày tháng Tám
Những ngày tháng Tám, chúng tôi về thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tìm gặp những nhân chứng lịch sử đã tham gia sự kiện nổi dậy giành chính quyền vào ngày 29.8.1945. Nếu không được gặp tận mặt và trò chuyện trực tiếp, hẳn tôi cũng không tin nổi ở vào tuổi 99, cụ Nguyễn Anh, ở khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn, vẫn còn minh mẫn đến vậy.
|
Một góc thị trấn Bồng Sơn hôm nay. Ảnh: BẢO SƯƠNG |
Cụ kể rành rọt không khí náo nức, và diễn biến của những ngày cuối tháng Tám năm ấy ở Bồng Sơn. Trong giọng điệu chậm rãi của cụ, những hồi ức ùa về. Từ đầu tháng, các đoàn biểu tình đã được tổ chức tuần hành đến những nơi có đông quần chúng để vận động tham gia cách mạng. Thời điểm này, đồng chí Nguyễn Phụng Khuông (tức AHLLVTND Biên Cương) đã thể hiện khả năng hùng biện, thuyết phục, lôi cuốn quần chúng. “Trong thời gian chuẩn bị tổng khởi nghĩa, lực lượng cách mạng Bồng Sơn còn vận động cả những người trong hàng ngũ địch như lính “tập” (tên thường gọi của lính khố xanh trong Đồn Khố Xanh), lính “lệ” ở Phủ đường Bồng Sơn để họ giúp ta nắm tình hình địch”, cụ Nguyễn Anh kể.
Ngày 29.8, Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn huy động hơn 8.000 người ở các tổng Tài Lương, Trung An, Phú Nhuận rầm rộ tiến về Bồng Sơn. Đại đội du kích và lực lượng nhân dân Bồng Sơn được chuẩn bị trước đã phối hợp cùng lực lượng toàn phủ khởi nghĩa, chiếm Phủ đường Bồng Sơn và Đồn Khố Xanh. Đồn Khố Xanh ngày ấy, giờ là khu Công an huyện.
Thời điểm xảy ra cuộc tổng khởi nghĩa ở Bồng Sơn, Đại tá Nguyễn Hoa, bộ đội nghỉ hưu, vẫn còn là một chàng thanh niên tuổi đôi mươi. Giờ, mỗi bận nhắc đến chuyện cũ, ông vẫn nhớ như in: “Trong khoảng 10 ngày, từ 19-28.8, hầu như các hoạt động của người dân Bồng Sơn đều dừng lại, ngày nào cũng tập trung biểu tình, hát hò phấn khởi. Tới ngày đánh đồn, già trẻ gái trai đều đổ ra đường, tay dao tay gậy mà kéo đi. Có người còn cầm theo dây dừa để trói giặc”.
Với việc chiếm Phủ đường và Đồn Khố Xanh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Hoài Nhơn đã kết thúc thắng lợi. Ngày 3.9, tại sân vận động Tam Quan, người dân Bồng Sơn cùng hàng vạn đồng bào trong toàn huyện tham dự mít tinh ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng Hoài Nhơn do đồng chí Trịnh Hồng Kỳ làm Chủ tịch.
Dốc sức dựng xây
Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi năm 1945, nhân dân Bồng Sơn lại tiếp tục cuộc chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc. Ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, người người, nhà nhà cùng góp sức xây dựng quê hương. Và, thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi đó là thị trấn Bồng Sơn đã được công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV, theo Quyết định số 1174/QĐ-BXD ngày 30.12.2010 của Bộ Xây dựng. Đó vừa là sự đánh dấu bước trưởng thành thật sự của một vùng đất, vừa mở ra vận hội mới cho Bồng Sơn của tương lai.
Sau khi Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV, được sự quan tâm của cấp trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn, đặc biệt là nhân dân Bồng Sơn đã hết sức phấn khởi, cùng nhau đồng lòng, chung sức từng bước xây dựng đô thị Bồng Sơn ngày càng hiện đại, văn minh. Với vị trí địa lý thuận lợi, có ảnh hưởng mạnh về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, thị trấn Bồng Sơn đã có những bước phát triển đáng kể trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch.
Đến thăm Công ty cổ phần Nguyệt Anh chuyên chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở Cụm công nghiệp Bồng Sơn, tôi không khỏi ngạc nhiên. Trong lúc nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang “điêu đứng” thì dây chuyền chế biến dăm gỗ của Công ty vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Phó Giám đốc Lê Văn Thông cho biết, công suất bình quân của Công ty đạt 6.000 tấn dăm gỗ/tháng. Hơn 100 lao động của Công ty đều có mức lương bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng, những tháng cao điểm có thể hơn 6 triệu đồng/tháng.
|
Thu hút đầu tư vào công nghiệp là ưu tiên hàng đầu của Bồng Sơn hiện nay.
- Trong ảnh: Dây chuyền chế biến dăm gỗ của Công ty CP Nguyệt Anh tại Cụm công nghiệp Bồng Sơn. Ảnh: N.V.T |
Bồng Sơn của hôm nay đang cựa mình đổi thay từng ngày. Những con đường được mở rộng khang trang, những góc phố sạch sẽ, ngăn nắp xuất hiện ngày càng nhiều. Hàng loạt công trình, dự án được đầu tư làm thay đổi đáng kể diện mạo của thị trấn. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Long bấm đốt tay: “Đã có hơn chục công trình quy mô lớn được đầu tư xây dựng, mà “điểm nhấn” đầu tiên phải kể đến là Khu hành chính dân cư và dịch vụ Bạch Đằng đã bắt đầu hiện hình. Bên cạnh đó, đường Lê Lợi với hệ thống cống thoát nước, điện chiếu sáng đồng bộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đường Bạch Đằng nối dài cũng đã hoàn thành trên 70% khối lượng. Trên lĩnh vực y tế, giáo dục, đáng chú ý là Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn đã hoàn thành và bắt đầu tuyển sinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn cũng từng bước được mở rộng, nâng cấp. Nhiều trường học được đầu tư xây mới phòng ốc, đáp ứng nhu cầu dạy và học”.
Vươn về phía trước
Trên đường tiến lên thị xã, thị trấn Bồng Sơn rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực. Đảng ủy thị trấn đề ra mục tiêu, đến năm 2015, 95% cán bộ chuyên trách, cán bộ công chức thị trấn đủ chuẩn theo quy định của Chính phủ. Cán bộ công chức phải có trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên môn, Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Bên cạnh đó, thị trấn cũng chú trọng công tác tuyển chọn, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành, bố trí công tác phù hợp, đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngay khi có quyết định chia tách địa giới hành chính. |
Khi được đưa vào diện ưu tiên để đầu tư phát triển, Bồng Sơn đã được xác định là đô thị trung tâm, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện phía Bắc tỉnh, là đô thị hạt nhân trong hệ thống đô thị toàn tỉnh, phát triển theo hướng đô thị bền vững. Theo ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Bồng Sơn, chủ trương phát triển Bồng Sơn hướng lên thị xã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều người đã tự nguyện hiến đất để làm đường, mở rộng không gian đô thị; ý thức giữ gìn vệ sinh vì cái chung đã được cải thiện đáng kể...
“Tuy nhiên, trong không khí náo nức chung, vẫn còn đó những băn khoăn. Cấp trên đã quan tâm đầu tư những hạng mục quan trọng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng không gian đô thị. Về phát triển kinh tế, Bồng Sơn chưa có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn, tạo nguồn việc làm dồi dào, để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động. Chuyển dịch lao động chậm là một trăn trở lớn của chúng tôi”, ông Hồng bày tỏ.
Là người nhiều năm gắn bó với quá trình xây dựng, phát triển của Bồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Hoàng Văn Công cũng có những nỗi niềm riêng. Phấn khởi trước sự đổi thay của diện mạo thị trấn, nhưng ông Công không khỏi lo lắng về những khó khăn trong quá trình “hóa rồng” của mảnh đất quê hương. Ông Công tâm tư: “Chính sách thu hút đầu tư của chúng ta chưa thật sự thoáng, một phần cũng xuất phát từ nguồn lực tài chính của địa phương còn chưa mạnh”.
Ngày Bồng Sơn lên thị xã không còn xa, lãnh đạo huyện Hoài Nhơn đang nỗ lực tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực thật sự cho Bồng Sơn. Thực tế cho thấy, khó khăn về tài chính sẽ được bù đắp bằng tinh thần cầu thị. Đó là nhân tố quan trọng để mở rộng con đường đi lên của Bồng Sơn trong tương lai…
|