Ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Đảng và Nhà nước
20:38', 16/9/ 2012 (GMT+7)

Người dân nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định đang hăng hái, tích cực đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng hiến đất ruộng, đất vườn của mình (đã được giao quyền sử dụng) để mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xóm, phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Đất đai là tài sản lớn, đặc biệt với nông dân đó như là máu thịt - vì thế khi người dân hiến đất làm đường, hành động đầy ý nghĩa đó không chỉ vì tương lai nông thôn ngày càng khởi sắc, mà nhiều hơn, lớn lao hơn, từ đó còn cho thấy: Người dân vẫn luôn ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chuyện người dân hiến đất, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận, tinh thần đoàn kết, nhất trí của người dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, như chủ trương xây dựng NTM. “Khó trăm lần, dân liệu cũng xong” là vậy...

Kỳ 1: Dân đồng lòng

Phong trào hiến đất làm đường xây dựng NTM hiện đang là cao trào ở các địa phương trong tỉnh, khi mà nhà nhà hiến đất làm đường, người người tình nguyện góp công sức, tiền của vào công cuộc mở rộng và hình thành nên những tuyến đường bê tông xi măng liên xóm, liên thôn…

 

Đường bê tông vào xóm tại xã Phước Nghĩa, TP Quy Nhơn.

 

Trăm người như một

Đến xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) những ngày này, chúng tôi mới thấy được lòng nhiệt tình và cả sự hy sinh của người dân trong việc hiến đất làm đường. Gia đình ông Trương Ngọc Anh, 65 tuổi, xóm 9, thôn Tân Thạnh, đã tự nguyện phá bỏ mấy cây dừa, tường rào cổng ngõ trước nhà; đồng thời hiến luôn khoảng 100m2 đất vườn. Nhưng, như lời ông nhận xét, việc của nhà ông làm chẳng thấm vào đâu khi so với nhiều hộ khác trong thôn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chẳng hạn như nhà anh Bùi Long Thiên, 45 tuổi, trong xóm. Vợ mất, anh Thiên phải nuôi 4 đứa con bằng nghề thợ hồ. Nhà anh lụp xụp, trống huơ trống hoác. Vậy mà, khi thôn cần đất để mở đường, anh đã tự nguyện chặt 40 cây keo 2 năm tuổi và 5 cây gió 5 năm tuổi, tổng trị giá trên 8 triệu đồng.

“Đường nông thôn được mở rộng thì ai ai cũng được hưởng lợi, từ người sống ven đường lớn đến người sống trong đường làng, ngõ xóm, vì ai cũng muốn việc đi lại, học hành, chữa bệnh, sản xuất, lưu thông hàng hóa... của mình thêm an toàn và thuận tiện. Vì vậy, mở rộng và kiên cố hóa giao thông nông thôn là mong muốn, là yêu cầu tự thân của nhân dân.

Trước đây, người dân cũng muốn làm đường lắm nhưng do chưa đủ điều kiện nên chưa làm được. Nay kinh tế phát triển, nhu cầu của cuộc sống cao hơn, lại gặp lúc Đảng, Nhà nước có chủ trương, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, dân sao không đồng ý, không chớp thời cơ mà làm! Không chỉ thế, việc hiến đất còn mang lại lợi ích cho chính người hiến đất, nên người dân biết gạt đi cái tư lợi nhỏ nhen để vì cái lợi lớn, lợi chung. Hiến đất làm đường vì vậy vừa có ý nghĩa xã hội vừa có ý nghĩa kinh tế.

Khi người nông dân sẵn sàng phá dỡ hàng rào nhà mình, ruộng vườn mình để hiến đất điều đó cũng có nghĩa là trong tư tưởng của họ đã có khái niệm về sự cởi mở, hội nhập. Và khi người dân được đi lại an toàn, thoải mái trên những con đường mới được mở rộng, kiên cố hóa thì tư tưởng, tầm nhìn của họ cũng không còn bị tù túng, bó buộc nữa. Con đường chính là phương tiện tạo điều kiện mở mang tư duy, tầm nhìn, mở rộng các mối quan hệ xã hội cho người nông dân, giúp họ tạo dựng một tư thế mới cho mình trong công cuộc CNH, HĐH đất nước và xây dựng NTM”.

Tiến sĩ NGUYỄN TẤN HIỂU, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy

Nông dân sống nhờ đất, vì vậy, nhiều người ví đất đai, ruộng vườn chẳng khác nào là “khúc ruột” của họ. Làm đường, mất đất chẳng khác nào bị cắt đi “khúc ruột” của mình. Đau lắm chứ! Tiếc lắm chứ! “Song, vì cái lợi chung, đau mấy, tiếc mấy cũng phải chịu. Thôn cần, đất vàng cũng hiến”, nhiều nông dân khẳng định chắc nịch. Ông Huỳnh Xuân Ba, 57 tuổi, xóm trưởng xóm 3, thôn Phú Hữu, đã làm gương cho các hộ trong xóm bằng cách không chỉ tình nguyện hiến 127m2 ruộng nhà mình, mà còn vận động mẹ ruột mình (thuộc diện hộ nghèo), hiến 136m2 ruộng.

Có thể nói, phong trào hiến đất làm đường xây dựng NTM hiện đang ở giai đoạn cao trào ở các địa phương trong tỉnh. Tại xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), đã có gần 500 hộ dân hiến hơn 10.750m2 đất nông nghiệp và đất vườn. Ngoài việc hiến đất, người dân còn tự nguyện tháo dỡ vật dụng, công trình kiến trúc gắn liền với đất, chặt bỏ hơn 500 cây ăn trái (chủ yếu là cây dừa) để giải phóng mặt bằng làm đường. Trong đó, thôn Tăng Long 2 là địa phương dẫn đầu trong xã với trên 30 hộ dân hiến hơn 3.500m2 đất (đất vườn và đất ruộng) để mở rộng đường.

Còn câu chuyện thời sự nhất, vui nhất mà bất kỳ người dân xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) nào cũng có thể kể cho khách phương xa đến là chuyện xã mình đang làm đường bê tông nông thôn. Từ chương trình hỗ trợ làm đường bê tông nông thôn của tỉnh, kết thúc đợt I (triển khai từ đầu năm 2012), Vĩnh Quang có trên 8,3km đường liên thôn, liên xóm đã được đổ bê tông. Hiện nay, bà con đang hăng hái đăng ký đợt II, làm tiếp trên 6km nữa. Để làm được hơn 8,3km đường trên, 44 hộ dân ở 5/5 thôn của Vĩnh Quang đã đồng lòng hiến tổng cộng gần 1.000m2 đất. Ngoài phần hỗ trợ 167 tấn xi măng/km đường của tỉnh, còn lại là người dân tự bỏ tiền, công, tự mướn thợ làm, tự giám sát, tự quản lý chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật công trình.

 

Công nhân đang khẩn trương hoàn thành tuyến bê tông nội đồng Vườn Khoan – Đồng Lác ở thôn Thọ Nghĩa (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) dài 690m. Ảnh: VĂN LƯU

 

“Nếu ai mà cũng tiếc thì lấy đất đâu mà mở đường!”

Đây là lời khẳng định của anh Nguyễn Văn Vinh, 36 tuổi, ở xóm 4, thôn Mỹ Lợi (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn), khi được hỏi về phong trào hiến đất làm đường ở quê anh. Và, anh cũng là một trong những tấm gương rất điển hình. Khi biết Ban xây dựng NTM xã Phước Mỹ vì tránh khu vườn nhà mình nên mới mở đường vòng, anh đã chủ động đề nghị: “Đất vườn nhà tôi chính quyền cứ lấy, mở con đường cho thiệt rộng, thẳng tắp, đừng vì tránh vườn nhà tui mà mở con đường tức rực như vậy”. Nói là làm, anh khẳng khái hiến 1/3 diện tích khu vườn trồng keo của gia đình (500m2), gồm cả 300 cây keo 1 năm tuổi. Ông Nguyễn Tấn Tài, Ủy viên Thường trực Ban Quản lý xây dựng NTM xã Phước Mỹ, bày tỏ: “Việc làm của gia đình anh Vinh khiến chính quyền địa phương và bà con nhân dân xóm 4 rất khâm phục và phấn khởi”. Hỏi có tiếc không, anh Vinh cười hào sảng: “Tiếc thì tiếc chớ, nhưng đây là vì lợi ích chung mà. Nếu ai mà cũng tiếc thì lấy đất đâu mà mở đường!”.

Theo thống kê sơ bộ của nhóm phóng viên thực hiện phóng sự “Ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Đảng và Nhà nước”, thực hiện phong trào xây dựng NTM, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200 hộ dân hiến khoảng 50.000m2 đất, 800 cây trồng lâu năm và tự nguyện tháo dỡ nhiều vật kiến trúc trên đất để đóng góp làm đường bê tông nông thôn.

Đến tháng 7 vừa qua, chính quyền và nhân dân xã Bình Nghi (Tây Sơn) đã hoàn thành việc cấp phối 2 tuyến đường nối giữa xóm 4 (thôn Thủ Thiện Thượng) với xóm 8 (thôn 2) ra Quốc lộ 19 và tuyến đường xóm 6 (thôn 2) ra Quốc lộ 19.

Phải là người dân nơi đây, phải từng oằn vai gánh lúa, gánh phân bước thấp bước cao trên những bờ ruộng nhỏ hẹp, gập ghềnh, mới cảm nhận được niềm vui khi những lối đi trên được mở rộng thành đường bê tông phẳng phiu rộng 4 - 5m. Sự thấu hiểu nỗi vất vả, khổ cực của nghề nông, của đời sống nông thôn trong chính cuộc sống của gia đình mình, làng xóm mình đã biến thành sức mạnh để hàng chục hộ dân nơi đây cùng đi đến hành động thống nhất: Tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất ruộng để mở rộng đường đi. Ông Lê Ngọc Ba, cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi xã Bình Nghi, nhớ lại: “Thời điểm triển khai làm đường, lúa vụ hè đang làm đòng chuẩn bị thu hoạch, nhưng người dân vẫn vui vẻ cắt lúa về cho bò ăn. Dân cũng mong ngóng sớm có đường mới. Có đường mới cuộc sống sẽ khác!”.

Và thậm chí, có người không được hưởng lợi trực tiếp từ việc làm đường vẫn hào phóng góp công của, tiền bạc vào phong trào chung. Khi được hỏi tại sao lại ủng hộ 10 triệu đồng để tôn nền bê tông cao gần nửa mét con đường mà gia đình mình không đi qua, bà Chế Thị Lan ở xóm 2, thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, mộc mạc bày tỏ: “Cứ nghĩ đến việc bà con láng giềng ở phía sau nhà lại phải tiếp tục lội mưa nữa nên tui không đành lòng. Sẵn dịp nhà vừa bán con trâu được 10 triệu đồng, tui ủng hộ để xóm mua thêm đất đá, tôn nền cao thêm. Mình không đi nhưng chòm xóm, láng giềng đi sướng cái chân là tui ưng bụng rồi…”.

Còn anh Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc DNTN Phú Quốc ở thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) thì sẵn sàng ứng vốn gần 300 triệu đồng để thi công cấp phối con đường rộng 4m, dài 500m của thôn. Việc này được anh Quốc giải thích đơn giản: “Vì tôi cũng là người ở thôn Tân Thạnh nên rất hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người dân. Mình có tiền thì bỏ ra làm trước, thu lại vốn sau cũng được mà”.

  • NHÓM PHÓNG VIÊN XÂY DỰNG ĐẢNG - NỘI CHÍNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trả nợ rừng  (09/09/2012)
Bồng Sơn, lửa và hoa  (01/09/2012)
Ánh sáng của nghị lực  (26/08/2012)
Theo tiếng chim hót  (19/08/2012)
Làng gà thả bộ  (12/08/2012)
Rơm vàng  (05/08/2012)
Người “lì” mê kỹ thuật  (29/07/2012)
Kỳ III: Quản lý, bảo vệ rừng còn lỏng lẻo  (23/07/2012)
Kỳ II: Chặt rỗng rừng phòng hộ Vân Canh  (22/07/2012)
“Quá khứ là động lực để tôi không ngừng phấn đấu”  (22/07/2012)
Rừng phòng hộ lại bị băm vằm  (21/07/2012)
Khốn khó gỗ rừng trồng  (16/07/2012)
Lên non nghe tiếng ru buồn  (15/07/2012)
Bình Định trên đảo Ngọc  (09/07/2012)
RƯỢU BÀU ĐÁ TRÊN TỪNG HẠNH NGỘ  (03/07/2012)