Hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn trong toàn tỉnh, khá nhiều những con đường đất lầy lội, nhỏ hẹp đã được thay “áo mới” bằng những tuyến đường bê tông rộng rãi, thoáng đãng. Những con đường lớn được hình thành hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các miền quê. Nông thôn rồi đây sẽ được đổi mới với bộ mặt năng động hơn, khang trang hơn, giàu đẹp hơn.
|
Người dân thôn Định Quang, Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) vui mừng trước con đường mới làm đi qua trước nhà mình.
|
Giữa thời buổi mà đất đai là tài sản có giá trị lớn, thì ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), cách đây 5 năm, hàng trăm hộ dân địa phương này đã sẵn sàng hiến trên 8.000m2 đất để mở rộng các con đường thị trấn, với một suy nghĩ thật nhẹ nhàng: Mình hy sinh một chút để có con đường đẹp đẽ hơn. Không đòi tiền đền bù đất đai, cây cối, nhà cửa, đường đi qua đất nhà ai, dân sẽ hiến không cho Nhà nước phần đất ấy, bất kể nhiều hay ít. Nhờ vậy mà nhiều tuyến đường có chiều rộng từ 3-4m đã được mở rộng lên 6 - 10m. Đường sá rộng rãi, khang trang hơn, nhà cửa cũng sửa sang, đẹp đẽ hơn, bộ mặt thị trấn khởi sắc hơn.
Tinh thần luôn vì việc lớn, việc chung ấy của người dân, nay lại được thể hiện qua phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hào phóng lòng dân
Về Tam Quan Nam, Hoài Xuân (Hoài Nhơn) hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường liên thôn, liên xã dài từ 1km - 2km, mặt đường bê tông phẳng lỳ rộng 5m. Những tuyến đường mới này giúp việc đi lại, thông thương được thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương.
Không chỉ đường giao thông nông thôn, các tuyến đường giao thông nội đồng trên địa bàn xã Tam Quan Nam cũng được mở rộng. Với sự nhiệt tình ủng hộ của người dân, đến nay, UBND xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) đã hoàn thành đổ bê tông nhiều tuyến đường giao thông liên xóm với tổng chiều dài trên 4km. Ngoài ra, xã cũng san ủi mặt bằng, đổ đất cấp phối hơn 5km đường giao thông liên xóm, thời gian tới sẽ đổ bê tông kiên cố. Bây giờ, việc xe máy chạy bon bon trên các tuyến đường nội đồng đã trở nên bình thường và quen thuộc đối với người dân nơi đây. Cảnh mỗi mùa gặt, người dân phải còng lưng gánh lúa về nhà đã trở thành dĩ vãng.
Còn ở tổ 4, thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) bây giờ, nhìn con đường bê tông liên xóm sạch sẽ, quang đãng dài 330m, ai cũng xuýt xoa, trầm trồ. Trước kia, con đường này chỉ rộng chừng 1m, có đoạn vướng hàng rào hai bên um tùm nên người dân trong xóm không gọi là đường mà là “luồng”. Giờ đây, có con đường mới rồi, bà con nơi đây còn dự định sẽ mở rộng thêm chút nữa chỗ góc cua để con đường đẹp và an toàn hơn. Kể chuyện gia đình mình và gia đình người em ruột hiến 100m2 đất để làm đường, bà Ngô Thị Thông giọng chắc nịch: “Muốn làm NTM thì mắc mớ gì để cho đường sá um tùm. Muốn làng quê, đường sá rộng rãi, sạch sẽ, muốn cuộc sống tiến lên thì hà tiện chi chút đất!”.
|
Bà Nguyễn Thị Bay, xóm 6A, thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân trao đổi với cán bộ thôn về diện tích gần 100m2 đất vườn và cổng ngõ của gia đình để hiến cho thôn mở đường.
|
Phát huy nội lực trong dân
Có mặt tại xóm 6A, thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), nơi có trục đường liên thôn đang được mở rộng và bê tông hóa, chúng tôi cảm nhận được niềm phấn khởi và hạnh phúc của người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Bay (58 tuổi), vui mừng cho biết: “Trước kia, việc đi lại của 78 hộ dân trong xóm rất khó khăn và nguy hiểm bởi lối đi là bờ ruộng nhỏ hẹp và mấp mô. Muốn vận chuyển bất cứ thứ gì cũng chỉ có vác hoặc gánh. Còn vào mùa mưa, lối đi bị ngập nước cả tuần, chia cắt toàn bộ xóm 6A và xóm 6B. Bây giờ, đường được nâng cao, đổ bê tông rộng 4m nên việc đi lại của người dân rất thuận lợi, xe máy, ô tô chuyên chở hàng có thể vào đến tận ngõ. Mừng nhất là mỗi khi mưa lớn, ngập nước, người dân xóm tui có thể chạy lũ, không còn cảnh thiệt hại trâu, bò, heo, gà như trước nữa. Học sinh đi học dễ dàng hơn”.
Không riêng gì những con đường ở thôn Phú Hữu 2, mà nhiều tuyến đường ở thôn Tân Thạnh, Phú Khương của xã Ân Tường Tây cũng được mở rộng lên 4m. Ngõ xóm làng quê đang đổi thay từng ngày. Bên cạnh những đoạn đường có sự hỗ trợ hàng tỉ đồng của Nhà nước, xã Ân Tường Tây đang đổi mới từng ngày nhờ chính nội lực trong dân.
Anh Nguyễn Văn Cư, Trưởng thôn Tân Thạnh, vừa đưa chúng tôi bon bon xe máy vào xóm 9 vừa kể: “Trước đây, con đường dài 500m này là những cái dốc thẳng đứng, rộng chỉ 1m. 89 hộ dân của xóm này đi lại cứ như biểu diễn xiếc vậy. Việc vận chuyển lúa, thóc, vật liệu xây dựng vô cùng khó khăn. Khách phương xa mà đến thăm thì chỉ dám đứng đầu đường gọi người ra đón. Giờ đây, tuy chỉ mới làm phần cấp phối mà ai cũng mừng vì những con dốc được san phẳng hơn, đường mở rộng thành 4m”.
Đường quê rộng mở
Hôm chúng tôi đến, những công nhân xây dựng đang tất bật đổ bê tông tuyến đường nội đồng Vườn Khoan – Đồng Lác ở thôn Thọ Nghĩa (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) dài 690m. Ông Đặng Văn Tân, Trưởng thôn Thọ Nghĩa, nhẩm tính: “Đến nay, thôn đã làm được 7 tuyến đường bê tông rồi, dài nhất là tuyến này đây. Chỉ riêng con đường này có khoảng 30 hộ dân hiến ruộng”.
Lão nông Trương Văn Thọ, 74 tuổi, ở xóm 3, thôn Thọ Nghĩa, đang vác cuốc say sưa ngắm con đường bê tông chạy dài trước tầm mắt đã được hoàn thành được hơn phân nửa, xuýt xoa: “Đời cha ông, rồi đến tui, bây giờ mới có đường này đây. Đi thiệt sướng cái chân, đã cái bụng. Giờ thì xe máy, xe tải chở lúa, chở phân chạy bon bon đến ruộng của từng nhà, chẳng bù cho trước đây, đường vừa xấu lại vừa nhỏ. Lúa gặt xong rồi phải thuê xe công nông đến chở, chắc lép gì cũng tính 5.000 đồng/bao. Một sào được có 7 bao lúa thì đã mất đứt 35.000 đồng tiền công chở. Đã vậy, vụ Đông Xuân nào gia đình cũng đóng góp tiền để làm lại đường đất, tính ra tốn kém nhiều. Vậy nên, khi xã vận động mỗi hộ gia đình đóng góp làm đường bê tông, một sào ruộng đóng 200 ngàn, tui ủng hộ liền. Tốn cả bạc triệu tui cũng chịu nữa là mấy trăm ngàn…”.
Trong niềm hân hoan vì địa phương vừa mở rộng 2 tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, ông Đỗ Chín (62 tuổi, ở xóm 6, thôn 2, xã Bình Nghi, Tây Sơn), người hiến gần 80m2 đất ruộng, phấn khởi: “Gia đình sẵn sàng hiến vài trăm mét vuông đất, miễn sao con đường vào thôn không còn bị trơn trượt, lầy lội mỗi khi mưa lũ. Giờ đường mới rộng thênh thang, mùa thu hoạch lúa, xe công nông, xe bò tới tận ruộng chở về nhà chứ không phải oằn vai gánh như trước đây. Việc chuyên chở hàng hóa thuận lợi nên nhiều hộ dân trong thôn quyết định đập bỏ nhà cũ xây nhà mới hoặc sửa chữa lại nhà cửa cho khang trang hơn”.
Niềm vui và suy nghĩ của những người dân quê trên cũng là tâm trạng và suy nghĩ chung của những người nông dân, dẫu chỉ có người cả đời chỉ quẩn quanh trong thôn xóm, nhưng đã biết nhìn xa hơn cánh đồng làng quê mình. Là họ đang “ngấm” những chủ trương mới, và bởi chủ trương mới hợp lòng dân.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh:
“Tiêu chí giao thông, mà cụ thể là làm đường giao thông nông thôn là một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn thì người dân và địa phương tự lực, Nhà nước chỉ hỗ trợ cơ chế. Nhờ các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động từ xã đến từng thôn, xóm nên người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc mở đường, từ đó sẵn sàng đóng góp bằng nhiều hình thức, như hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động. Phong trào hiến đất làm đường đang ngày càng lan rộng ở các địa phương trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Việc người dân hiến đất mở đường còn có ý nghĩa làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đồng thời góp phần phát triển KT-XH của từng địa phương”.
Ông Nguyễn Giờ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Nhơn:
“Địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm của mình thì phong trào xây dựng NTM ở nơi đó sẽ thành công. Ở đâu có sự đoàn kết, đồng thuận cao trong Đảng, trong dân thì phong trào ở đó sẽ rất thuận lợi. Đây là một vấn đề quan trọng, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong xây dựng NTM, khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế”. |
|