Ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), hầu như ai cũng biết tài sản xuất, kinh doanh giỏi của nông dân Phan Kiếm Hiệp. Với tinh thần vượt khó vươn lên, bằng mồ hôi và công sức lao động của mình, từ chỗ khó khăn ông Hiệp đã trở nên giàu có. Tháng 5.2012, ông vinh dự được Hội Nông dân tỉnh chọn là đại biểu tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội.
|
Ông Hiệp nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
|
Biến bãi cát hoang hóa thành trang trại nuôi tôm
Ông Phan Kiếm Hiệp sinh năm 1952, xuất thân là một y tá trong quân đội. Năm 1976, ông xuất ngũ về công tác tại Trạm Y tế xã Mỹ Thắng. Tuy có chuyên môn trong lĩnh vực y tế nhưng ông lại chọn mô hình kinh tế trang trại (KTTT) để làm giàu. Ông bắt đầu từ việc “đánh thức” bãi cát ven biển quê ông để đầu tư nuôi tôm trên cát; rồi khai hoang, trồng rừng kinh tế trên những dãy đồi trọc; xây dựng chuồng trại nuôi heo thịt, gà chọi ở vườn nhà… Nhờ cần cù lao động, đầu tư sản xuất hợp lý, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, tổng doanh thu từ mô hình KTTT của ông Hiệp trên 4 tỉ đồng/năm, lãi ròng gần 2 tỉ đồng/năm; ông trở thành người giàu có nhất vùng.
* Ông bắt đầu khởi nghiệp làm KTTT như thế nào, thưa ông?
- Từ nhỏ, tôi đã rất thích trồng trọt, chăn nuôi và muốn làm giàu trên đồng đất quê mình. Sẵn có vườn nhà rộng, sau những giờ làm việc tại Trạm Y tế xã, tôi về nhà chăn nuôi heo, gà để tăng thu nhập. Đến đầu năm 2003, tôi rất mừng khi được biết Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho nông dân làm KTTT nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Rồi được sự hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp, các ngành, tôi tích cực tham dự các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT nông nghiệp; tham quan thực tế mô hình trang trại nuôi tôm trên cát, nuôi heo hướng nạc, nuôi gà… ở trong và ngoài tỉnh, qua đó đã tạo động lực lớn cho tôi quyết tâm làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.
* Và ông đã chọn mô hình KTTT VACR tổng hợp?
- Qua suy nghĩ, tính toán, với đặc điểm thổ nhưỡng của xã Mỹ Thắng, nếu độc canh cây lúa thì giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, không thể khá giả được. Năm 2003, tôi quyết định tận dụng lợi thế bờ biển quê mình để đào ao nuôi tôm trên cát. Đầu tiên, khi mới bắt đầu, nhiều người ở địa phương còn nghi ngờ. Tuy nhiên, tôi đã học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm trên cát của những người bạn ở Quảng Ngãi nên làm đâu trúng đó, năng suất tôm nuôi có lúc đạt trên 14-15 tấn/ha.
Bên cạnh nuôi tôm, tôi xây dựng chuồng trại trong vườn nhà để chăn nuôi heo, gà; xin phép khai hoang các dãy núi ở địa phương để trồng rừng nguyên liệu giấy. Cho đến nay, mô hình KTTT VACR kết hợp của gia đình tôi đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn và ngày càng khẳng định hướng đi đúng đắn. Thấy tôi thành công, nhiều người dân địa phương đã học theo cách làm của tôi, và tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con.
|
Ông Hiệp chăm sóc đàn gà chọi giống.
|
* Ông có thể cho biết quy mô trang trại hiện nay và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của trang trại?
- Hiện nay, tổng diện tích trang trại của tôi gần 16 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm trên cát 4 ha, rừng trồng 10 ha, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ruộng lúa gần 2 ha. Mỗi năm tôi thu hoạch được 20 tấn tôm nuôi thương phẩm, doanh thu trên 2 tỉ đồng. Với 10 ha rừng trồng, mỗi chu kỳ khai thác 5 năm cho thu nhập 850 triệu đồng. Tôi nuôi 150 con heo thịt hướng nạc/lứa, mỗi năm xuất chuồng 600-700 con; nuôi trên 10 con heo rừng lai sinh sản. Tôi còn nhân giống gà chọi bán ra thị trường cả nước, thu nhập 500 triệu đồng/năm, lãi khoảng 200 - 250 triệu đồng/năm. Tính hết các khoản, tổng thu nhập hơn 4 tỉ đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí, còn lãi hơn 2 tỉ đồng.
Trang trại của tôi giải quyết việc làm ổn định cho 25 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/người/năm. Tôi thường giúp đỡ, hướng dẫn nhiều bà con ở địa phương cùng làm và phát triển kinh tế; cho các hộ nghèo mượn vốn không tính lãi để chăn nuôi, mua trang thiết bị đánh bắt thủy sản…
* Trong quá trình phát triển trang trại, có khi nào ông gặp thất bại?
- Lúc đầu, do áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi chưa tốt, cộng với kinh nghiệm chưa có, nên hiệu quả không cao, có lúc thất bại. Tuy nhiên, không nản chí, tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả cao qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tham quan thực tế; tiếp tục tích lũy vốn để đầu tư mở rộng trang trại…
Trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Với thành tích phát triển KTTT rất đáng nể phục, tháng 5.2012, ông Phan Kiếm Hiệp được Hội Nông dân tỉnh chọn là một trong những đại biểu của tỉnh tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội. Ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích vượt khó làm giàu; tích cực tham gia giúp đỡ cộng đồng xóa đói, giảm nghèo.
* Ông nghĩ gì khi nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ?
- Tôi cảm thấy rất vinh dự vì những nỗ lực, cố gắng của mình được Thủ tướng Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân ghi nhận. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng thấy có sự lo lắng là làm sao để luôn xứng đáng với phần thưởng này và nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực KTTT để đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội.
* Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân đang còn khó khăn trong việc phát triển kinh tế?
- Theo tôi, để làm KTTT thành công, đòi hỏi người nông dân phải có ý chí làm giàu, dám nghĩ, dám làm, chịu khó, chịu khổ; kiên trì, sáng tạo trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, phải nhạy bén với thị trường, biết nhìn nhận và đánh giá thị trường để làm ra các loại nông sản có giá trị cao. Một vấn đề nữa là các sản phẩm mình làm ra phải có nơi tiêu thụ rõ ràng; có ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Bởi lẽ, sản xuất nông nghiệp thường xuyên có những rủi ro do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, giá cả nông sản bấp bênh. Nếu không có sự tính toán chu đáo và khả năng dự báo thị trường tốt thì nguy cơ thất bại rất cao. Bên cạnh đó, một kinh nghiệm lớn của tôi là luôn học hỏi kinh nghiệm làm giàu của nông dân cả nước qua báo chí, mạng internet và tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KH-KT để ứng dụng vào công việc thực tế của mình.
|
Một góc trang trại nuôi heo hướng nạc của ông Hiệp.
|
* Ông còn trăn trở điều gì?
- Hiện nay, mặc dù các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Nhà nước ưu tiên, song người nông dân vẫn chưa được thụ hưởng hết các chính sách ấy do trong quá trình triển khai nhiều vấn đề chưa đến được với nông dân. Trong phát triển KTTT còn gặp một số khó khăn trong việc vay vốn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để làm trang trại.
Tôi mong muốn Nhà nước có chính sách quy hoạch đất đai ổn định, tiến hành giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân; khi có nhu cầu thu hồi đất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng thì có chính sách đền bù thỏa đáng để nông dân có điều kiện tái đầu tư sản xuất. Nhà nước cần hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dựng tiến bộ KHKT tiên tiến, để ngày càng có nhiều hơn nữa những nông dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
* Được biết, ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện ở địa phương?
- Tôi luôn tâm niệm rằng, ngoài việc làm giàu cho bản thân, gia đình, mình cũng phải có trách nhiệm với xã hội, cùng tham gia giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, các gia đình không may mắn cùng thoát nghèo, làm giàu. Nhiều năm qua, tôi hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để trao học bổng cho các em học sinh trên địa bàn xã thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Với chuyên môn nghề y, tôi mở dịch vụ khám chữa bệnh cho bà con trong vùng. Những hoàn cảnh neo đơn, người già, những gia đình khó khăn, tôi khám bệnh miễn phí và hỗ trợ một phần tiền thuốc chữa bệnh. Tôi rất vui khi được tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
* Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công hơn nữa trong công việc của mình!
|