Nơi hành lang chật chội dọc theo nhà lễ tang BVĐK tỉnh, gần 35 bệnh nhân chạy thận và người nhà vẫn đang thắc thỏm, chạy đua từng ngày với thần chết. Nhưng cũng chính từ không gian xám xịt ấy lại ánh lên tình người và khát vọng sống.
Gọi là “xóm” nhưng chẳng có mái ngói đỏ tươi, rào giậu thẳng tắp… “Cơ ngơi” của xóm chỉ là những chiếc giường cũ, xiêu vẹo nối tiếp nhau, mấy cái thùng giấy đựng vật dụng cá nhân, vài chiếc bếp nhỏ. Xóm nằm ở một vị trí đặc biệt: trải dọc theo hành lang của nhà lễ tang tại BVĐK tỉnh.
|
Người suy thận mạn giai đoạn cuối phải gắn bó với máy chạy thận nhân tạo trong suốt phần đời còn lại.
|
Nơi nỗi buồn đọng lại
Nhiều năm nay, người chạy thận nhân tạo gần xa thường ăn ở ngay tại bệnh viện. Họ lang thang, sống vật vạ dọc các hành lang, gốc cây gần khoa Nội thận- Lọc máu. Nhiều đêm mưa gió quất vào những chiếc màn mong manh. Giấc ngủ vì thế cứ mãi dở dang.
Tháng 6.2012, Bệnh viện cho dựng mái tôn và tận dụng hành lang của nhà lễ tang để làm nơi ăn chốn ở tạm cho người chạy thận. Xóm chạy thận ra đời từ đó. “Bệnh viện có khu nhà trọ giá thấp dành cho bệnh nhân và người nhà ở xa, nhưng với những người “chạy” thận kéo dài là cả vấn đề lớn. Việc hình thành “xóm” cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chia sẻ phần nào khó khăn với họ”, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ chia sẻ.
“Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận liên tục, kéo dài và không hồi phục. Bệnh tiến triển chậm, đa số bệnh nhân đến bệnh viện đều ở giai đoạn gần cuối hoặc cuối, khi đã có nhiều biến chứng. Người bệnh phải được lọc máu từ 2 đến 3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 4 giờ. Gần như suốt đời họ gắn liền với máy chạy thận nhân tạo”.
Bác sĩ NGUYỄN DŨNG, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh |
Chung một nỗi đau, nhưng mỗi người bệnh là một số phận, một chuyện đời riêng. Lần đầu tiên ghé xóm, tôi gặp Đinh Thị Khom, cô gái dân tộc Bana, quê ở K’Bang (Gia Lai). Chỉ mới 21 tuổi, nhưng Khom đã có đến 7 năm chạy thận. Nhiều người trong xóm gọi vui Khom là “lão làng” bởi có thâm niên chạy thận. “Hồi em mới bị bệnh, người trong làng cứ một mực khẳng định em bị “Si-đa”. Đã thế, ba em lại cộc cằn, say xỉn suốt ngày. Mẹ em làm nương làm rẫy chỉ đủ nồi cơm bữa cháo cho 7 đứa con, lấy đâu ra tiền cho em chạy thận”, Khom chua xót kể. Nhiều năm nay, cô gái ấy phải dựa vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để kéo dài sự sống.
Ở xóm nhỏ ấy còn nhiều lắm những cảnh đời éo le. Anh Huỳnh Mai, quê ở xã Tây An, huyện Tây Sơn, bị lòa từ khi vừa 3 tuổi, phải chạy thận hơn 3 năm nay. Hay ông Đặng Minh Trung, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, gần 40 năm qua đã phải chịu cảnh ngồi xe lăn vì bị bại liệt từ nhỏ, 3 năm nay lại càng héo hon vì bệnh suy thận mạn. Còn chị Lê Thị Hòa, ở huyện K’Bang, Gia Lai, đã thôi day dứt về mối tình dở dang và ước mơ trở thành một thợ uốn tóc sau 3 năm chạy thận ròng rã.
Xóm về đêm. Cơn đau nhức, bụng trương phồng lên khiến giấc ngủ của họ chẳng tròn. Có người chẳng ngủ được cứ đi tới đi lui, miệng không ngừng xuýt xoa. Có người tức bụng, ngồi dựa vào tường hoặc tựa đầu lên thùng giấy mà chợp mắt. Trăn trở, trằn trọc…
Đêm ở xóm còn là đêm của mất mát, biệt ly. Trở lại xóm vào sớm hôm sau, tôi bàng hoàng khi nghe tin cụ già râu tóc bạc phơ hay nằm cạnh bậc thang chưa kịp biết tên đã “đi xa”. Cuộc hẹn trò chuyện cùng ông mãi dang dở. Câu nói vọng của một người bệnh làm tôi càng thêm chua xót: “Ông Kế (tên cụ già đã mất) được “ra viện”. Nhà báo nên mừng cho ổng. Mà nhà báo cũng tranh thủ nói chuyện hết với tất cả mọi người đi, kẻo mai có khi…”.
|
Vào những giờ “nổi lửa”, cả xóm thường quây quần cùng nhau.
|
Đau đáu phận người
Rất nhiều người bệnh ví mình như dây tầm gửi, bám riết vào máy móc, bác sĩ, gia đình, bà con. Sự sống bị buộc chặt vào chiếc máy lọc thận vô hồn. Nhà cách viện chưa đầy 30km, nhưng có người cả năm trời mới được một lần ghé thăm nhà. Những cái tết, lễ, giỗ mờ dần trong tờ lịch tâm trí của họ, thay vào đó là lịch chạy thận. Mới “chạy” hôm nay, ngày kia đã thấy mình phải nằm kề cái máy. Ngày về, cứ thế mà vời vợi xa…
Ghé xóm, tôi gặp không ít những dáng người mong manh và khuôn mặt nhợt nhạt. Họ phải đối diện với những biến chứng đến tim mạch, khớp, dạ dày, não… người chạy thận dường như chẳng còn chút sức lực để mưu sinh. Nhưng những lúc đỡ mệt, họ vẫn đi dọc theo các hành lang, nhặt nhạnh từng chai nhựa, mảnh giấy để bán, góp thêm vài đồng bạc lẻ cho cuộc sống vốn thiếu thốn đủ bề.
Trên chiếc giường xếp đã gãy nhịp giữa, bà Bùi Thị Tám, ở xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, rưng rưng khi nói về gánh nặng cho con. Đã 6 năm qua, bà lão 72 tuổi này đã gắng gượng chăm sóc bản thân, chống chọi với bệnh tật. “Con cái thỉnh thoảng mới vào. Nó phải đi làm kiếm tiền cho mình “chạy” chớ. Nhưng tháng này, tui bị té gãy tay, thằng con trai phải bỏ làm thợ hồ trên Gia Lai về chăm mẹ. Tui cứ làm khổ con cái “quài”, cô ơi!”, giọng bà nghèn nghẹn.
Và, còn có những người con tạm gác cả ước mơ giảng đường vì người thân. Học hết năm ba, biết gia đình không còn khả năng chi trả học phí cho mình, thương mẹ đang bị suy thận mạn giai đoạn cuối, Lê Thị Thừa - ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc - quyết định giấu cha mẹ, tạm ngừng việc học để đi làm. Phải hai năm sau, khi kinh tế gia đình ổn định, cô sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Nha Trang này mới có điều kiện viết tiếp ước mơ. Kể lại chuyện, bà Nguyễn Thị Ban, mẹ của Thừa, phải giấu giọt nước mắt rơi vội sau tay áo, tự giận mình làm ảnh hưởng đến chuyện học của con.
|
Giây phút thảnh thơi, giải trí bên ti vi và bàn cờ tướng của người chạy thận.
|
Ấm nồng tình người
Trên những niềm đau, tình người vẫn ấm nồng. Nỗi đau thể xác, mặc cảm là kẻ “sống bám”, “sống thừa” khiến người chạy thận đâm ra cáu bẳn, thất thường. Vất vả, cực nhọc có. Mệt mỏi, rã rời có. Nhưng người thân của họ vẫn luôn tỏ ra mạnh mẽ, vững vàng. Tôi đã nhìn thấy những người vợ tần tảo nhóm than hồng để sưởi ấm, nhẫn nại xoa bóp cho người chồng bị biến chứng bại liệt. 76 tuổi, ông Nguyễn Kiểng rời xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, vào BVĐK tỉnh để chăm sóc người vợ ốm yếu. Đã 4 năm trôi qua, ngày ngày, ông vẫn miệt mài dùng xe lăn đưa bà vào phòng chạy thận, rồi đi chợ, cơm nước, đêm đến lại buông mùng, đắp mền. “Còn sống ngày nào thì lo cho bả ngày đó thôi…”, ông nói nhẹ tênh.
“Người chạy thận biết rất rõ không có phép màu cho cuộc sống của họ. Dù thế, họ vẫn khôn nguôi thèm được sống, dẫu sự sống ấy chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ” |
Báo chí dạo này nhan nhản chuyện những đứa con bất hiếu. Vậy mà tại cái xóm nhỏ này hiện hữu nhiều lắm những đứa con hiếu thảo. Sau mỗi buổi học, Phan Thị Thương Dưỡng, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Định, lại vội vã về thật nhanh bên mẹ - bà Nguyễn Thị Nho, ở Vĩnh Quang, Vĩnh Thạnh. Nhẹ nhàng xoa bóp cánh tay đầy những vết chai sần vì lọc máu của mẹ, em chia sẻ: “Hiện giờ, niềm vui duy nhất của em là thấy mẹ khỏe, mẹ cười”. Không chỉ Thừa, Dưỡng, mà còn nhiều người con xuất hiện trong sự tự hào của những người mẹ, người cha đang một mình chạy thận.
Từ tứ xứ, những người chạy thận quây quần, “tối lửa tắt đèn” có nhau. Ở nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá đỗi mong manh, tình người lại thêm bền chặt. Họ chia sớt cho nhau miếng cơm, ly nước, xức cho nhau chút dầu lúc trở trời. Tự lúc nào, trong câu nói của nhiều người về cái chốn ăn tạm ngủ bợ ấy đã xuất hiện từ “nhà”.
Không chỉ có bệnh nhân và người nhà, xóm còn thường xuyên đón những người-thân-đặc-biệt. Đó là một nhân viên nhà lễ tang, người vẫn được xóm chạy thận gọi bằng hai tiếng thân thương “chú Hai”, mỗi ngày trực vẫn dành thời gian ghé thăm, có khi ăn chung một bữa cơm đạm bạc nhưng thắm tình. Rồi chị vé số, cô ve chai, xóm lại thêm tiếng cười, thêm niềm vui. Và, như một cách thể hiện sự quan tâm đến mọi bệnh nhân, số điện thoại di động của bác sĩ trưởng khoa được dán cẩn thận ở các vị trí dễ quan sát để người bệnh có thể liên lạc, phản ánh mọi thắc mắc. Thỉnh thoảng xóm lại được những nhà hảo tâm sưởi ấm bằng những suất cơm chay, những phần quà nhỏ. Xóm hôm nay lại rộn ràng hơn khi có hẳn một chiếc ti vi được một nhà hảo tâm giúp để theo dõi thông tin và giải trí.
***
Người chạy thận biết rất rõ không có phép màu cho cuộc sống của họ. Dù thế, họ vẫn khôn nguôi thèm được sống, dẫu sự sống ấy chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ. Niềm vui của họ giản đơn chỉ là mỗi sáng thức dậy có thêm một ngày nữa được tiếp tục sống. Lần nào ghé xóm, tôi cũng không rời mắt được trước hình ảnh các cụ ông ngồi quây quần bên ấm trà cũ, đăm chiêu với ván cờ tướng, các cô gái trẻ ngồi chải tóc cho nhau… Chân đã rời đi, nhưng còn rõ lắm tiếng nói cười, tiếng hát nghêu ngao.
Thêm một cái Tết nữa đang cận kề. Ở cái xóm nhỏ ấy, tết sum họp, đoàn viên dường như vẫn thăm thẳm xa…
|