Cận Tết, các quầy tạp hóa, quầy bán trái cây lại chất đầy những giỏ quà tết đủ sắc màu chờ khách mua biếu, tặng. Những chiếc giỏ đựng quà hình oval làm từ cọng dừa hoặc giỏ tre hình chữ nhật là vật không thể thiếu để tạo nên giỏ quà ngày xuân. Và, ông Nguyễn Xuân Hồng (SN 1952, ở 11 Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) không giấu vẻ tự hào khi nói: “Hầu hết những giỏ đựng quà được tiêu thụ ở Quy Nhơn và các huyện trong tỉnh đều là từ cơ sở sản xuất của tôi mà ra”…
|
Ông Hồng và bộ xe nước làm cho quán cà phê.
|
Chị chủ tiệm tạp hóa Vĩnh Thụy (Quy Nhơn) xác nhận: “Từ nào đến giờ, tôi vẫn lấy hàng của ông Hồng là chủ yếu. Loại giỏ hình chữ nhật đan bằng tre chắc chắn, không chỉ chịu được sức nặng mà còn dễ bề sắp xếp quà theo ý mình. Những dịp cao điểm như gần Tết, có ngày, tôi lấy cả ngàn chiếc”.
Ngồi mân mê từng ống tre đã được tiện sẵn, ông Hồng nhẩn nha: “Quê tôi ở xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn, vùng đất nổi tiếng lắm dừa và tre tốt. Cha tôi vốn biết nghề đan đát, từ đan các loại thúng mủng đơn giản dùng trong nhà đến làm ghe bầu để bán. Ngày nhỏ, tôi phụ cha chẻ tre, học đan. Chuyện ấy thì hầu như người nào cũng làm được, hơn nhau ở chỗ đẹp hay xấu mà thôi. Ông già gật gù khen tôi: Cái thằng, mai này nối nghiệp cha được đó”.
Lớn lên, tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, thương binh hạng 4/4. Sau năm 1975, tôi về công tác tại BVĐK tỉnh, nghỉ hưu năm 1992 dẫu tuổi còn chưa đủ. Cuộc sống khó khăn của thời kỳ đầu đổi mới buộc tôi phải nghĩ cách nuôi vợ và ba con. Và không ngờ, tôi quay lại nghề cũ của cha- nghề mây tre lá”.
Từ que cắm kem…
Thoạt đầu, ông Hồng mua tre về, thuê nhân công chẻ nhỏ thành que cắm kem, cung cấp cho mấy hàng kem ở Quy Nhơn. Rồi ông đan sọt tre, giỏ cần xế đựng trái cây, làm két tre đựng chai thủy tinh, bóng đèn hột vịt, bán cho các cơ sở làm thủy tinh ở Quy Nhơn. Cuộc sống dễ thở hơn cũng là lúc ông Hồng nhận thấy nhu cầu giỏ hoa của thị trường đang tăng dần.
Từ năm 2000, ông chuyển sang làm kệ hoa, giỏ quà. Những lô hàng đầu tiên chào bán ra thị trường không dễ, bởi khi ấy một số tiệm vẫn ăn hàng từ TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với lợi thế giá rẻ, chỉ bằng 1/5 so với hàng cùng loại của TP Hồ Chí Minh, nhiều chủ tiệm nhanh chóng chấp nhận.
Ông Hồng cho biết: “Làm kệ hoa, giỏ hàng bằng tre không khó. Nhưng cái làm tôi lúng túng ban đầu là ở mặt hàng giỏ cọng dừa. Tôi không biết xử lý sao cho cọng dừa trắng như hàng của miền Nam đưa về, vậy nên sản phẩm tôi làm ra có màu nâu, nom không đẹp mắt. Tôi phải vào tận trong Bến Tre học hỏi. Thì ra, bí quyết là ở chỗ sau khi đan giỏ bằng cọng dừa thì phải ngâm chúng vào nước có pha phèn chua, sau đó vớt ra để ráo, rồi mới gắn quai vào”.
|
|
Những loại đèn trang trí do ông Hồng tự thiết kế và làm. |
|
… đến “phù thủy” mây tre
Trước cổng nhà ông Hồng có tấm biển nhỏ: “Công ty TNHH cơ khí Hải Thiên”. Đứng ở ngoài, đã nghe tiếng máy cắt, tiếng bấm xành xạch… tưởng của xưởng cơ khí, nhưng kỳ thật, đó là tiếng máy cưa tre, tiếng dập ghim bấm. Dăm bảy nhân công đang miệt mài làm việc, cao điểm có thể trên 10 người.
Đập ngang tầm mắt tôi là một cầu thang bằng tre từ tầng một lên đến tầng ba. Trụ đề pa ngay chân cầu thang có hình đầu rồng với hai con mắt nhô lên, mặt mũi xù xì… từ một gốc tre già. Cầu thang trông thô mộc, đơn giản song chắc chắn. Ông Hồng giải thích: “Hồi làm cái nhà này, cánh thợ mộc ra giá lan can cầu thang gỗ 20 triệu đồng. Tôi nói làm gì dữ vậy. Tôi làm chỉ có 300 ngàn đồng. Mà thiệt, chỉ kỳ cục vài ngày trời, tôi cũng làm được lan can bằng tre, giá đúng như vậy. Đã gần chục năm nay, vẫn chưa suy suyển gì”.
Dường như, với ông Hồng, không bộ phận nào của thân tre bị ông bỏ phí. Nhìn đâu, ông cũng thấy sản phẩm từ tre. Ông nói chuyện đời, chuyện người bằng ngôn ngữ của tre. Chẳng như, ông dùng mấy thân tre nhỏ, rồi sơn thêm tí màu xanh, gắn thêm những chiếc lá tre làm bằng nhựa là có ngay khóm tre nơi góc nhà để thủ thỉ trò chuyện mỗi khi nhớ hình bóng quê nhà. Một số nhà hàng, quán ăn ở Quy Nhơn biết tiếng cũng mời ông đến làm. Những gốc tre vứt ở bờ, bãi, ông đem về tạo dáng thành những con vật, cắm thêm vài bông hoa nhựa thành vật chưng nơi phòng khách. Những chiếc đèn chùm treo trong nhà ông, hoặc ở một số quán cà phê ông làm theo đơn đặt hàng, tuy đơn giản nhưng duyên đến lạ.
Chẳng hạn như chiếc đèn kết hợp mây- tre, chỉ là những thanh nan tre chuốt nhỏ, ghép lại với nhau bằng mây, trông giản dị song tinh tế. Hay chiếc đèn chùm treo nơi phòng khách chỉ là một mắt tre to ở giữa, nối với những ống tre nhỏ, ngoài cùng gắn thêm các bóng đèn màu. Hoặc, những loại đèn trang trí khác khi là những nan tre, cọng mây uốn thành hình bông hoa, khi thì lại là những thanh tre đan xéo... Song nếu không có khiếu thẩm mỹ, kết hợp nhuần nguyễn giữa mây - tre, thêm chút sắc màu đậm - nhạt phù hợp với từng loại sản phẩm của ông thì khó mà thành được những sản phẩm có duyên như vậy. Chẳng thế mà, chủ quán cà phê Nét Xưa (đường Tây Sơn), là một người khá kỹ lưỡng, đã tin tưởng nhờ ông làm giúp cho các kiểu đèn tre phù hợp với không gian quán cổ của chị.
Trong câu chuyện ông kể với tôi về mây, tre, dừa và những sản phẩm được làm ra từ chúng, toát lên sự yêu quý, tự hào, tin tưởng vào chất lượng của những nguyên liệu truyền thống này một cách kỳ lạ. Bởi, ông quan niệm: “Tận dụng nguyên liệu có từ địa phương như mây, tre, dừa, ta có thể làm ra được nhiều thứ sản phẩm vừa đẹp, rẻ, tiết kiệm, thân thiện với môi trường”. Dẫn tôi đến xem quầy tính tiền mà ông mới bán được mấy ngày với giá 2 triệu đồng ở một quán cà phê trên đường Tây Sơn (Quy Nhơn), ông bảo: “Có gì tốn kém đâu nào. Ống tre già làm trụ, cật tre chuốt nhẵn đan với nhau thành mặt quầy, bên hông. Làm thêm cái chao đèn phòng khi trời tối, điểm xuyết vài thêm cọng mây trang trí cho thêm phần bắt mắt. Vậy là xong…”.
Mà không chỉ tre, đến cả những vật đã bị bỏ đi như quả dừa khô người ta đã uống hết nước, hoặc mấy bẹ mo cau khô đã vứt rác, vào tay ông, lại thành những tạo tác dễ thương, và đẻ ra tiền. “Này nhé, sọ dừa người ta uống hết nước, tôi đem về khoét lỗ to ra, rồi làm thêm kệ, đóng thêm mấy cành cây to làm nhánh chìa ra, dựng thêm tầng thành một kệ hoa bán cho các shop hoa tươi. Còn mo cau khô, tôi làm giỏ hoa hình chiếc thuyền hoặc trái tim bán rất chạy trong lễ Tình nhân. Mỗi giỏ hoa kiểu đó tôi bán từ 8.000- 20.000 đồng, tùy theo từng loại sản phẩm”- ông nói. Ngày Tết tất bật với giỏ tre không tính, còn ngày thường, ông cứ túc tắc làm, khi chiếc đèn, bờ xe nước trang trí hàng quán, nhà cửa. Ai thích thì ông chia lại hoặc đặt hàng ông làm.
Mỗi năm, cơ sở của ông Hồng tiêu thụ khoảng 5.000 cây tre, mua từ các vùng quê trong tỉnh. Tre mua tại gốc với giá 15.000 đồng/cây, tiền công chặt cũng khoảng từng ấy, cộng với chừng 10.000 đồng chuyên chở. Mà chỉ cần dùng một nửa cây tre đan giỏ thì ông đã thu đủ vốn rồi.
|
Cơ sở của ông Hồng tạo việc làm cho khoảng 5-10 công nhân, chủ yếu là sinh viên làm thêm, lương từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, ông bao ăn ở.
- Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại cơ sở.
|
Chỉ sợ không có sức
Nhờ nghề này, ông Hồng chắt chiu nên cơ nên nghiệp. Thời đất còn rẻ, dành dụm được bao nhiêu ông lại mua đất, mua nhà. Ông có 3 đứa con, 3 đứa cháu, giờ đã có thể cho chúng mỗi đứa một cái nhà. “Tôi bảo với các con, ba chỉ có thể lo đến thế thôi. Mình cũng có tuổi rồi…” - ông tâm sự.
Nói thì nói vậy, nhưng máu làm ăn trong ông vẫn còn “nóng” lắm. Ngoài cơ sở làm giỏ quà bằng cọng dừa tại Hoài Xuân để cho người em trông coi, ông điều hành cơ sở chính ở Quy Nhơn, lo đầu ra thị trường. Sản phẩm giỏ quà của ông đã về đến các huyện trong tỉnh, thậm chí đã ra tới Quảng Ngãi, Phú Yên. Ba năm nay, ông đầu tư tiền tỉ cho con rể mở công ty chuyên chế tạo các sản phẩm cơ khí, thoạt đầu là máy làm bánh tráng, máy làm bún cho các làng nghề, nay làm thêm máy xay dăm bạch đàn, máy chế biến gỗ, bán cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Ông đang tính mở xưởng sản xuất vòng hoa có khung thép, làm thêm những sản phẩm mới kết hợp sắt thép với mây tre.
“Chỉ sợ mình không có sức, không muốn làm, chứ muốn thì còn có bao nhiêu là việc. Sắp đến, tôi đang có ý định mở rộng thêm cơ sở, mời một số cháu khuyết tật ở cơ sở Đồng Tâm xuống chỗ tôi làm. Tôi bao ăn, ở”- ông dự tính.
|