Mưu sinh ngày giáp Tết
20:49', 3/2/ 2013 (GMT+7)

Những ngày giáp Tết, hầu như ai nấy cũng đều bận rộn hơn. Với những người làm nghề buôn bán ve chai, chạy xích lô, ba gác, đánh bóng đồ đồng… đây là thời điểm vất vả nhất. Họ chạy đua với thời gian để “cóp nhặt” thêm ít tiền, mong ước có một cái Tết đủ đầy hơn, tươm tất hơn.

 
Anh Nguyễn Văn Mạnh chở hai cây mai về nhà khách ở đường Nguyễn Huệ.

Mùa xuân - mùa làm ăn.

Dạo quanh các khu phố, các tuyến đường trên địa bàn TP Quy Nhơn thời điểm “đưa ông Táo về trời” này, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết đang len lỏi vào từng ngôi nhà, ngõ phố. Trên các tuyến đường, người ta dễ dàng bắt gặp những chuyến xích lô, ba gác vận chuyển chậu hoa cúc rực vàng, cây mai cảnh đang hé nụ, đem mùa xuân đến cho mọi nhà. Ở các khu phố, người dân tranh thủ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa khang trang, sạch đẹp hơn. Các cô, các chị mua bán “ve chai” thì tranh thủ thời điểm người ta dọn nhà, loại bỏ đồ cũ, cố gắng đi sớm, về muộn để kiếm thêm thu nhập.

Ở một góc đường Hoàng Hoa Thám, TP Quy Nhơn, anh Lê Văn Bình (nhà ở hẻm Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) đang chăm chú đánh bóng đồ đồng bên chiếc mô tơ điện chạy vù vù. Anh tâm sự: “Sớm hơn mọi năm, năm nay, mới mùng 5 tháng Chạp mình đã bắt đầu nhận đánh bóng lư đồng ở góc phố này. Công việc chính của mình là bốc vác, còn vợ thì bán nước mía ở chợ Đầm, tiền kiếm được vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nhờ có nghề tay trái này mà năm nào mình cũng có thêm thu nhập để lo cái Tết cho gia đình. Đây là cái Tết thứ năm mình làm nghề này”.

Tại khu vực chợ hoa đường Nguyễn Tất Thành, mới hơn 7 giờ sáng, nhưng đã có rất đông những người chạy xích lô, ba gác đứng chờ khách thuê chở hoa về nhà. Anh Nguyễn Tiến Hưng, có thâm niên đạp ba gác hơn 15 năm, tâm sự: “Bắt đầu từ 20 tháng Chạp, cánh xích lô, ba gác chúng tôi đã tìm đến các điểm bán hoa, cây cảnh để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tận nhà cho người mua. Mấy ngày đầu còn ít người thuê, còn đến hôm nay thì ngày nào cũng dày chuyến, nên anh em chúng tôi đều cố gắng để có thêm thu nhập”.

Những ngày giáp Tết cũng là mùa làm ăn của các cô, các chị buôn bán “ve chai”. Từ đầu năm đến nay, thu nhập của cô Lê Thị Tình, quê ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát cũng như nhiều “đồng nghiệp” khác chỉ đắp đổi qua ngày. Vào thời điểm cận Tết, người dân thành phố dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa đã loại bỏ nhiều đồ cũ nên “hàng hóa” nhiều hơn. Hôm gặp chúng tôi mới đầu buổi sáng mà gánh hàng của cô đã đầy ắp. Cô Tình tâm sự: “Mấy năm gần đây công việc làm ăn của chúng tôi ngày một khó khăn, vì ngày càng có thêm nhiều người vào nghề. Tranh thủ thời điểm giáp Tết, hàng nhiều, chúng tôi cố gắng đi sớm, về muộn để kiếm thêm chút đỉnh tiền lo cho các cháu ăn học và có cái Tết tươm tất hơn”.

 
Anh Lê Văn Bình cần mẫn với nghề “tay trái” đánh bóng lư đồng.

Vất vả mà vui

Càng cận Tết, bước chân của những người lao động nghèo dường như càng trở nên hối hả hơn. Đi từ sáng sớm đến chiều, đôi chân của cô Trần Thị Sớm, ở Tuy Phước, đã mỏi nhừ, nhưng cô vẫn rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của TP Quy Nhơn để mua ve chai rồi bán lại cho các vựa. Cô cho biết, chồng cô mất sớm vì bệnh tật, một mình cô phải cố gắng xoay xở để nuôi hai con ăn học. Làm ruộng thì không đủ ăn, làm những nghề khác thì không có vốn liếng, tay nghề, nên cô quyết định những lúc nông nhàn xuống Quy Nhơn buôn bán ve chai đã 5 năm nay. “Những ngày bình thường, hôm nào may mắn tôi cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, ngày ít chỉ được vài chục ngàn. Trong khi đó, thời điểm giáp Tết, mỗi ngày tôi có thể kiếm được 200 - 300 ngàn đồng. Hôm nào gặp nhiều người cho đồ chứ không bán thì thu nhập khá hơn. Những ngày này cánh ve chai chúng tôi ai nấy đều tranh thủ làm việc cả ngày để kiếm thêm tiền lo Tết, có năm đến 29 – 30 tháng Chạp mới về nhà”- Cô Sớm thổ lộ!

Anh Nguyễn Văn Mạnh, nhà ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) vừa chở thuê cây quất cho một người khách từ chợ hoa Nguyễn Tất Thành về nhà ở đường Nguyễn Thái Học, đang nghỉ ngơi hút điếu thuốc, nói với chúng tôi: “Tôi vốn làm nghề xe ôm tại Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn, nhưng năm nào cũng vậy, ngày cận Tết là lôi chiếc ba gác đến các địa điểm bán hoa, cây cảnh để nhận vận chuyển thuê cho khách hàng. Trong ngày hôm nay, tôi đã chở được 6 chuyến, chuyến cao nhất 100 ngàn, thấp nhất 40.000 đồng, thu nhập cũng được 400 ngàn rồi anh à. Cố gắng kiếm thêm vài ba chuyến nữa rồi về nghỉ lấy sức mai làm tiếp. Tuy có vất vả nhưng tôi cảm thấy vui, khi cầm được đồng tiền trong tay là mệt mỏi tự nhiên tan biến hết”.

Với những người làm nghề đánh bóng lư đồng thì vất vả cũng không kém. Anh Lê Văn Bình cho biết: Nghề này ngó vậy mà rất nhọc, lại hít bụi bặm. Bộ lư đồng loại lớn rất nặng, trong khi đó phải tỉ mỉ chùi từng bộ phận, chi tiết nên ngồi suốt gần 2 tiếng mới làm cho bộ lư sáng đẹp được. Nếu người nào sức khỏe không tốt và thiếu kiên trì thì khó mà làm khách hài lòng. Tiền công đánh bóng một bộ lư đồng từ 50.000 đến 150 ngàn đồng (tùy bộ lớn nhỏ). Trung bình mỗi ngày tôi chà từ 5-7 bộ, cả tháng Chạp cũng kiếm được 8 - 9 triệu đồng.

 
Cô Lê Thị Tình (bên trái) đang mua “ve chai”.

Mơ về ngày mới

Sau khi hoàn thành xong kỳ thi học kỳ, giới sinh viên có nhiều thời gian rảnh trước khi về quê nghỉ Tết, nên nhiều em đã tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cho việc học của mình. Một số sinh viên quê ở ngoài tỉnh đã chọn đi làm thêm thay vì về quê ăn Tết với gia đình, lý do chung là làm thêm dịp Tết được trả thù lao cao hơn, nhiều việc làm hơn, một khoản tiền kha khá sẽ đủ cho vài tháng tiềm cơm, tiền nhà, đỡ đần một phần vất vả cho cha mẹ ở quê.

Phan Trần Lệ Thanh, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn - phụ bán cà phê ở một quán trên đường Phạm Hùng - tâm sự: “Nhà em nghèo, bố mẹ làm ruộng nên luôn thiếu trước hụt sau. Em nghe nói kiếm việc làm thêm mùa Tết tương đối dễ lại có thu nhập cao nên em quyết định ở lại Quy Nhơn làm thêm để lo cho việc học của mình”. Thanh cho biết thêm: Có nhiều bạn của em ở lại làm thêm trong dịp Tết. Với những sinh viên nghèo như tụi em, có được việc làm thêm là điều kiện tiên quyết để lo việc học”.

Còn anh Nguyễn Tấn Lượng, chạy xe ôm ở khu vực Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn, thì bộc bạch: “Nghề xe ôm khá vất vả. Suốt ngày phải phơi mặt ra đường dang nắng, hít bụi. Nhiều khi phải “chạy đua” với xe khách, rất nguy hiểm. Thế nhưng ngày thường tôi chỉ mong đủ tiền xăng xe, tiền ăn cho cả nhà. Trong mấy ngày cận Tết tôi phải tranh thủ chạy nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập lo cho con cái ăn học”. Khi nhắc đến con, tôi thấy đôi mắt anh sáng bừng lên và không giấu được vẻ tự hào: “Tôi có 2 con, một đang học lớp 10 và một đang học đại học ở Sài Gòn, cả hai đều học rất giỏi. Hôm nay tôi vất vả lo cho con, mai mốt chúng nó học thành tài, có việc làm ổn định thì gia đình tôi sẽ không còn phải khổ nữa”.

Cuộc sống của những người lao động nghèo lắm nỗi nhọc nhằn. Trên gương mặt của họ lấm tấm những giọt mồ hôi, nhưng ẩn sau đó là một nét đẹp rất riêng, niềm vui rất riêng và luôn có một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng hơn. Chính niềm tin ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho họ rong ruổi trên khắp nẻo đường mưu sinh. Và với họ, những mùa Tết vất vả của hiện tại sẽ được đền đáp bằng những mùa xuân ấm áp mai sau…

Cận Tết, cuộc mưu sinh của những người như anh Hưng, anh Mạnh, em Thanh, cô Sớm, cô Tình trên các nẻo đường Quy Nhơn vất vả hơn, nhưng ai cũng vui khi hướng về mùa xuân phía trước với những niềm hy vọng.

  • Bài, ảnh: NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những “thân cò” ngược sóng  (27/01/2013)
Người kể chuyện tre, dừa  (20/01/2013)
“Xóm” chạy thận  (13/01/2013)
Liên kết ra khơi  (06/01/2013)
Bình Định - mảnh đất kiến tạo văn hóa  (29/12/2012)
Nạn chuột hoành hành  (23/12/2012)
Gặp vị tướng không quân 8 lần bắn rơi máy bay địch  (16/12/2012)
Khơi nguồn sức dân  (09/12/2012)
“Tôi còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa”  (02/12/2012)
Làm nhà… cho chim  (25/11/2012)
Làm giàu với biển  (18/11/2012)
Đời sống công nhân thời… suy thoái kinh tế  (11/11/2012)
Gian nan nghề buôn tre  (04/11/2012)
Tan biến giấc mơ những làng mai sạch  (28/10/2012)
Mênh mang Vạn Hội  (22/10/2012)