Đầu xuân gặp “nhà leo núi” Huỳnh Anh Vũ
21:57', 17/2/ 2013 (GMT+7)

Huỳnh Anh Vũ

Thời gian nghỉ hè ở Úc rơi vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam nên Huỳnh Anh Vũ - người giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm nào, nay là giảng viên Trường ĐH Swinburne, Úc được về quê đón Tết cùng gia đình ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Về quê vui Tết, anh chia sẻ với CTV Báo Bình Định về quãng thời gian học tập, làm việc ở xứ người.

Vũ tâm sự, khó khăn đầu tiên mà sinh viên (SV) Việt Nam phải đối mặt ở Úc là về kinh phí. Mỗi tháng, chi phí sinh hoạt ở Úc khoảng 1.000 - 1.200 đô la Úc. Tại Melbourne, nơi Vũ đang ở, có khu người Việt nên các món ăn hầu như không khác gì ở quê nhà, có cả phở, bún bò, bún than, chả cá… Giá các món ăn hầu hết đều cao hơn ở Việt Nam rất nhiều.

Phương tiện giao thông công cộng ở Úc rất thuận lợi, đi lại nhanh, đúng giờ và rẻ. Chỉ cần 7 đô la Úc là có thể đi trong một ngày thoải mái, nếu đi từng chặng thì khoảng 2 đô. Giao thông công cộng hoàn toàn tự động, thanh toán bằng thẻ, văn minh và lịch sự nên phần lớn người dân tham gia giao thông bằng phương tiện này.

 

Huỳnh Anh Vũ giao lưu với HS Trường THPT Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn) tối mùng 7 Tết Quý Tỵ 2013.

 

* Vũ đã làm gì để vượt qua khó khăn để học tập tốt ở nước bạn?

- Thành phố Melbourne có khoảng 1.000 SV Việt Nam theo học tại Trường ĐH Swinburne. Trong những ngày mới chập chững sang Úc, tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các anh chị tại văn phòng đại diện của Swinburne tại Việt Nam và nhiều SV Việt Nam đang theo học ở trường.

Tại trường có 2 câu lạc bộ lớn nhất là CLB SV Ấn Độ và Việt Nam. Năm 2009, tôi được bầu làm Chủ tịch CLB SV Việt Nam nên có điều kiện tham gia, tổ chức nhiều hoạt động. Trong những ngày lễ, SV Việt Nam thường tổ chức các hoạt động truyền thống như nhảy sạp, biểu diễn trang phục, gian hàng ẩm thực Việt Nam… rất sôi nổi, đậm đà bản sắc quê nhà nên thu hút đông đảo SV Việt và SV các nước. CLB SV là tổ ấm, là chỗ dựa tinh thần cho SV Việt Nam, nhất là những SV mới sang học.

Năm 2008, Huỳnh Anh Vũ giành vòng nguyệt quế chương trình Đường lên đỉnh Olympia, được học bổng vào học tại Trường ĐH Swinburne, một trường ĐH danh giá ở Úc. Tháng 6.2012, Vũ tốt nghiệp loại giỏi. Tháng 8.2012, Vũ là 1 trong 2 SV hiếm hoi được giữ lại trường và chính thức tham gia giảng dạy 2 môn: Kinh tế vĩ mô và Kế toán doanh nghiệp.

Để theo kịp bạn bè và hòa nhập trong việc học tập, thời gian đầu tôi phải nỗ lực rất nhiều. Ngoài trau dồi ngôn ngữ giao tiếp còn phải rèn luyện khả năng làm việc độc lập, nghiên cứu các đề tài nhỏ, rồi nghiên cứu những đề tài lớn dần như lịch sử đồng Euro, suy thoái kinh tế năm 2008… Kết quả là sau một học kỳ, tôi thấy rất tự tin và bước vào những hoạt động lớn hơn, nhất là tham gia làm việc nhóm.

Khi tìm hiểu về một vấn đề, trước hết tôi nắm vững những kiến thức thiết yếu, nền tảng, khai thác nhiều giải pháp. Từ đó, hiểu vấn đề một cách có chiều sâu, tạo nên một góc nhìn đa chiều. Những môn học ở trường được sắp xếp một cách chặt chẽ, hữu cơ và có sự kết nối mật thiết với nhau. Do vậy, nắm chắc những kiến thức cơ bản, hiểu và nhìn vấn đề từ phía bên trong giúp tôi dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với những môn học khó. Cách học này giúp xâu chuỗi kiến thức thành một khối logic, chặt chẽ và bền vững.

Sau một học kỳ tôi tiếp cận được cách học và tự tin tham gia vào các hình thức học tập cũng như hoạt động tình nguyện. Những hoạt động xã hội giúp tôi rèn luyện khả năng giao tiếp, trở nên nhạy bén trong các hoạt động và hòa nhập tốt hơn với cuộc sống ở Úc.

* Theo Vũ, sự hòa nhập của SV Việt Nam ở Úc như thế nào?

- Có thể nói, SV mình rất cần cù, thông minh, chịu khó, học giỏi. Thế mạnh của mình là tính toán và đeo đuổi ý tưởng, đề tài đến cùng. SV các nước khác, nhất là ở phương Tây, có rất nhiều ý tưởng nhanh và hay; nhưng họ có thể nhanh chóng thay đổi ý tưởng.

“Bốn năm học tập và làm việc ở Úc giúp tôi tiếp thu nhiều tri thức, rèn luyện được bản lĩnh, tự tin khi va chạm với nhiều vấn đề đa dạng trong cuộc sống. Tôi nghĩ, với ước mơ và sự cố gắng thì du học không phải là một điều xa vời, kể cả với những bạn không có nhiều điều kiện về tài chính. Đối với tôi, du học là một cuộc hành trình đầy thử thách,  nhưng cũng đem lại nhiều trải nghiệm thú vị và quý giá”.

HUỲNH ANH VŨ, giảng viên Trường  ĐH Swinburne, Úc

Rào cản lớn nhất đối với SV Việt Nam trong việc hòa nhập với họ là thiếu tự tin. Có lẽ vì khác biệt văn hóa và yếu tiếng Anh nên rụt rè trong các hoạt động tập thể. Những ngày đầu mới đến Úc, thực sự tôi cũng có tâm lý như các bạn, rất ngại va chạm, nhất là thảo luận trong các giờ học. Hầu hết họ nói tiếng Anh rất thành thạo trong khi mình nói giống như các em nhỏ bập bẹ tập đánh vần.

Cách học của mình cũng là một rào cản. SV các nơi chủ yếu tự học, mỗi tuần chỉ lên lớp 4-5 tiết, họ quen cách làm việc độc lập và thói quen làm việc nhóm để chiếm lĩnh kiến thức chứ không giống kiểu nghe giảng và học bài. Trường ĐH đặc biệt coi trọng vai trò làm việc nhóm, trong khi đó kỹ năng này của SV Việt Nam còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, nhờ tư duy logic và khả năng tính toán tốt, đạt nhiều kết quả cao trong học tập nên SV Việt Nam ở đây dần lấy lại tự tin. Ở tầng ba thư viện của trường là một “đại bản doanh” của những cuộc thảo luận nhóm, làm việc nhóm, ở đó có thể hòa vào thế giới đầy vận động đang diễn ra xung quanh. Phải mất một học kỳ đầu tôi mới dám bước vào tầng học đó.

* Cảm ơn bạn. Chúc bạn một năm mới với nhiều thành công!

  • TRƯỜNG ĐĂNG (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mưu sinh ngày giáp Tết  (03/02/2013)
Những “thân cò” ngược sóng  (27/01/2013)
Người kể chuyện tre, dừa  (20/01/2013)
“Xóm” chạy thận  (13/01/2013)
Liên kết ra khơi  (06/01/2013)
Bình Định - mảnh đất kiến tạo văn hóa  (29/12/2012)
Nạn chuột hoành hành  (23/12/2012)
Gặp vị tướng không quân 8 lần bắn rơi máy bay địch  (16/12/2012)
Khơi nguồn sức dân  (09/12/2012)
“Tôi còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa”  (02/12/2012)
Làm nhà… cho chim  (25/11/2012)
Làm giàu với biển  (18/11/2012)
Đời sống công nhân thời… suy thoái kinh tế  (11/11/2012)
Gian nan nghề buôn tre  (04/11/2012)
Tan biến giấc mơ những làng mai sạch  (28/10/2012)