Hướng dẫn viên du lịch - nghề làm dâu trăm họ
11:1', 10/10/ 2006 (GMT+7)

Hướng dẫn du lịch (DL) là một trong những hoạt động đặc thù của kinh doanh du lịch. Các công ty lữ hành thông qua hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) thực hiện công tác tổ chức đón tiếp, phục vụ, hướng dẫn du khách trong suốt chương trình tham quan mà khách đã mua trước đó. Vì vậy, có thể nói HDVDL là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) lữ hành.

 

Đội ngũ nhân viên Công ty TNHH DL Quy Nhơn đón khách du lịch tại Cảng Quy Nhơn. Ảnh: V.L

 

1. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành DL, đội ngũ HDVDL cũng ngày càng đông đảo. HDVDL đang trở thành một nghề hấp dẫn giới trẻ. Sức hấp dẫn lớn nhất của nghề này chính là được đi đó đi đây, biết được nhiều nơi, có cơ hội tiếp xúc được nhiều người, nhiều nền văn hóa khác nhau, hiểu thêm nhiều hơn về quê hương đất nước, học được nhiều cái hay, cái đẹp, cái mới... Tuy nhiên, HDVDL là một nghề có lắm niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn. Ở trong nghề lâu năm ai cũng thấm thía cái nghề “làm dâu trăm họ” gian nan và mệt trí này. Lao động của hướng dẫn viên thuộc loại lao động không nặng, nhưng rất nhọc: đi lại nhiều, di chuyển nhiều, phải thức khuya dậy sớm, không theo giờ giấc cố định, phải có sức chịu đựng cao về tâm lý...

Công việc của HDVDL rất đa dạng, trong một chuyến đi phải đóng nhiều vai khác nhau. Khi lên xe, HDV làm người thuyết minh, giới thiệu, cung cấp thông tin cho khách về các địa danh nổi tiếng, các giá trị tự nhiên, văn hóa - lịch sử... của từng vùng miền mà đoàn đi qua. Nhưng khi xuống xe thì HDVDL lại đóng vai là người phục vụ, phải lo cho khách từ miếng ăn cho đến giấc ngủ, tham quan, vui chơi giải trí... đem lại niềm vui và tiếng cười sảng khoái cho du khách. Khi ăn, HDVDL phải luôn ăn sau khách nhưng phải xong trước khách để còn làm thủ tục thanh toán. Trong khi đoàn ăn, HDVDL phải xem chén đũa đã đủ chưa, khách ăn có ngon miệng không, còn thiếu món gì chưa bưng lên... Nếu như trong đoàn có người ăn kiêng thì càng vất vả hơn, phải lo riêng suất ăn đó cho tươm tất! Phải điều chỉnh thực đơn liên tục, tránh lặp lại những món đã dùng trước đó...

Một HDVDL không được từ chối bất kỳ sự phàn nàn nào của khách, đặc biệt là không được đôi co với khách mà phải nghĩ rằng khách là người... luôn luôn đúng, và phải biết lắng nghe, chia sẻ với họ. Có rất nhiều người mới vào nghề rất hăm hở, háo hức nhưng sau một thời gian ngắn họ không chịu nổi áp lực từ công việc và đành bỏ nghề. Thế nhưng, cũng có người trụ lại được với nghề, sống được với nghề. Những người trụ lại được với nghề thường là những người đã qua đào tạo bài bản, biết xác định đúng vị trí và giá trị của người HDVDL.

2. HDVDL là nghề đòi hỏi phải có kiến thức tổng quát về nhiều lĩnh vực, nhất là những hiểu biết về: lịch sử, địa lý, văn hóa, tâm lý; các quy định pháp luật về các hoạt động vui chơi giải trí, ăn, ở đi lại... Hơn thế nữa, người HDV phải không ngừng học hỏi để mỗi ngày một hoàn thiện hơn, phải có nghiệp vụ vững vàng; có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, hoạt bát và khả năng xử lý tình huống khéo léo, có trách nhiệm và nhiệt tình với khách... Nếu có ngoại hình đẹp, duyên dáng, giỏi ngoại ngữ và biết cách pha trò với khách là một lợi thế rất lớn.

Tồn tại được với nghề đã khó mà trở thành HDVDL giỏi còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, theo như lời anh Nguyễn Hữu Trọng - một HDV kỳ cựu, có thâm niên nhất ở Bình Định hiện nay: “Khó hay dễ là tùy thuộc vào người đó có yêu nghề hay không? Mình không phụ nghề thì không bao giờ nghề phụ mình cả”. Triết lý ấy cho đến giờ xem ra vẫn còn đúng với anh. Hiện nay, mặc dù anh đã là Giám đốc Công ty TNHH DL Quy Nhơn, nhưng trông anh vẫn còn rất “sung sức”, dẻo dai dẫn khách đi tour từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi nẻo đường đất nước.

Theo số liệu của Sở DL, hiện tại số HDVDL đang hoạt động tại các DN hoạt động lữ hành ở Bình Định khoảng 20 người. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 7 người được cấp thẻ HDVDL. Thời gian gần đây, nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh muốn bổ sung thêm lực lượng HDV, nhưng rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn HDV. Dự báo đến năm 2010 số lượng HDV toàn tỉnh sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay thì mới đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Thiếu hụt HDV, nhất là HDV có thẻ đang là vấn đề đau đầu của ngành DL và các DN lữ hành. Bởi theo quy định mới nhất của Luật DL thì “HDV được hành nghề khi có thẻ HDVDL và có hợp đồng với DN lữ hành”.

Để giải quyết trước mắt nhu cầu cấp bách đó, Sở DL tỉnh đang gấp rút xúc tiến để liên kết mở lớp đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho các DN trên địa bàn và các cá nhân có nhu cầu trong thời gian sớm nhất.

  • Nguyễn Đình Hoãn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Đi bộ" xuyên rừng Long Mỹ  (10/10/2006)
Yang Bay - công viên giữa rừng   (09/10/2006)
Ngâm mình trên thác Krông Pa  (06/10/2006)
Du lịch - công cụ quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống  (29/09/2006)
Ai về Bình Định mà... ăn  (29/09/2006)
Cần gắn kết giữa văn hóa và du lịch  (22/09/2006)
Khám phá "vùng đất nắng gió" Ninh Thuận  (21/09/2006)
Hải Minh - cách một tầm nhìn  (17/09/2006)
Chuyên san “Người Du lịch Vietravel” giới thiệu về du lịch Bình Định   (15/09/2006)
Nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ  (08/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (08/09/2006)
Du lịch tàu biển vào mùa  (01/09/2006)
2-9 đi chơi ở đâu ?  (03/09/2006)
"Nhân bản" tượng Chăm  (29/08/2006)
TP Quy Nhơn: Đẩy nhanh tiến độ thi công đường Xuân Diệu  (28/08/2006)