Tôi chọn một ngày chớm Đông để về làng nón, đây là cữ chợ làng có lắm người ly hương đến dạo phiên để tìm chút không khí quê nhà. Có mặt những đứa con này, với tôi, chợ phiên của làng nghề luôn mang màu sắc và âm điệu quyến rũ lạ lùng. Không như nhiều phiên chợ khác, chợ nón Gò Găng (An Nhơn) ngày nào cũng họp.
Chợ bắt đầu họp từ nửa đêm và tan lúc trời vừa sáng nên người dân quê gọi chợ nón là “chợ gà gáy”. Ánh đèn dầu nhấp nháy, tỏa vàng làm cho xóm chợ lung linh trong tiếng cười, tiếng nói, tiếng chào hỏi làm rộn ràng cả xóm. Những chiếc nón được các nhà buôn gom lại, chuẩn bị ngược xuôi trên mọi miền đất nước… Bình minh trên làng nghề dường như bắt đầu từ nụ cười của cô hàng đang nhẹ vai quẩy gánh ra về.
|
Chợ bắt đầu họp từ nửa đêm và tan lúc trời vừa sáng nên người dân quê gọi chợ nón là “chợ gà gáy”. Ảnh: Phạm Văn Chai
|
Làm nón là một công việc đòi hỏi sự khéo léo và tỷ mỉ. Công đoạn đầu tiên là phải chẻ ống giang, chuốt tròn rồi lên khuôn nón. Công đoạn tiếp theo là lợp lá, gồm hai việc: gộp - là xếp lớp lá làm cót lên sườn nón, sau đó là bua - tức là đặt lớp lá ngoài cùng, đưa mặt láng ra ngoài. Công đoạn chằm nón - dùng cước kết các lá vào sườn nón (thế mà không hiểu vì sao khi gọi tên nghề người ta vẫn quen gọi là nghề chằm nón).
Sự tĩnh lặng của hàng trăm năm tay nghề vẫn như dừng lại cùng với sự duyên dáng mà có lẽ không làng nón nào trên đất nước này có được. Nón Gò Găng thật ra không phải chỉ được sản xuất ở Gò Găng. Nếu gọi cho đúng thì làng nón đúng nghĩa làng nghề truyền thống phải bao gồm cả các thôn Kiều Huyên, Hòa Võng, Hữu Hạnh (Cát Tân - Phù Cát), Kiều Đông, Phú Gia (Cát Tường-Phù Cát) thậm chí còn lan rộng ra cả bên Tân Xuân, Xuân Quang (Nhơn Thành - An Nhơn) …
Nón Gò Găng có 2 loại: nón ngựa và nón lá. Nón lá được sản xuất hàng loạt, quy trình kỹ thuật hầu như không khác với nón Huế, nón Quảng. Nón lá Gò Găng bền nhẹ nên làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nón ngựa thì công phu hơn, và hầu như chỉ những thợ chiến ở Phú Gia mới làm được. Bây giờ loại nón này chủ yếu bán cho những ông bà già muốn tìm lại nét xưa, dành cho khách du lịch và sản xuất theo hợp đồng của thương lái chứ không ai làm sẵn.
Nón ngựa Gò Găng đẹp và độc đáo từ cách chế tạo đến các họa tiết trang trí. Nan lợp nón ngựa không to như nón thường, nó mảnh như sợi cước nhỏ, mình phải lợp dần từng lớp một cách rất công phu. Nương theo thân nan, chỉ nan đường thêu của họa tiết trang trí sẽ hiện dần lên. Thứ nón này ngó thì dày, và có vẻ nặng nhưng không đội lên thì thấy mát và nhẹ lắm.
Đi trên làng nón Phú Gia, Hòa Dõng nhìn các mẹ, các chị và cả những em nhỏ cắm cúi bên khung lợp, nhìn bóng nắng nhảy múa trên khung nón, cảm giác thanh bình dễ chịu tự dưng len nhẹ và chan hòa trong lòng.
|