|
Các sản phẩm du lịch chưa được các khu du lịch quan tâm đầu tư phát triển, còn trùng lặp, đơn điệu (ảnh minh họa) |
Theo Luật du lịch năm 2005, các khu du lịch được hiểu là "nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, mang lại hiệu qủa kinh tế - xã hội và môi trường".
Nhưng trên thực tế, đa số nếu không nói là hầu hết các khu du lịch hiện nay đều không thỏa mãn các tiêu chí này.
Ví như về không gian, môi trường: có ranh giới được cơ quan nhà nước thẩm quyền xác định với quy mô diện tích tối thiểu 1.000 ha đối với khu du lịch quốc gia, và tối thiểu 200 ha đối với khu du lịch địa phương.
Có quỹ đất tối đa không vượt quá 20% tổng diện tích khu du lịch để xây dựng các công trình, cơ sở dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp với tiêu chuẩn được Nhà nước ban hành đối với loại hình du lịch có liên quan; đảm bảo phục vụ cho ít nhất 1.000.000 lượt khách du lịch /năm (đối với khu du lịch quốc gia) hoặc 100.000 lượt khách/năm (đối với khu du lịch địa phương); hệ thống cơ sở lưu trú đủ khả năng phục vụ 200.000 lượt khách du lịch lưu trú trở lên (khu du lịch quốc gia), 10.000 lượt khách du lịch lưu trú trở lên (khu du lịch địa phương).
Khu du lịch đã mọc lên như... nấm!
Những ghi nhận chưa đầy đủ, tính đến giữa năm 2006 trên cả nước đã có khoảng trên 100 khu du lịch và resort được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác kinh doanh du lịch. Trong đó gần 90% tập trung tại khu vực các tỉnh ven biển miền Trung. Đặc biệt, tại tỉnh Bình Thuận có 65 resort, với khoảng 3.000 phòng nghỉ, 2.000 phòng khách sạn đang được khai thác.
Điều đáng nói là trừ một vài khu có quy mô rộng 100-200 ha như khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), khu du lịch sinh thái Linh Trường (Thanh Hóa), ... còn lại hầu hết các khu du lịch, resort khác đều được đầu tư xây dựng với quy mô chỉ từ 3-20 ha, và thuộc loại hình cụm nhà nghỉ, khách sạn có tính chất du lịch nghỉ dưỡng là chính; các hoạt động vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch cần thiết khác đều như vắng bóng.
"Các sản phẩm du lịch chưa được các khu du lịch quan tâm đầu tư phát triển, còn trùng lặp, đơn điệu và đang tạo ra sự bất cân đối trong cung - cầu dịch vụ du lịch, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu qủa và tính bền vững của các khu du lịch, resort này", một quan chức ngành du lịch Việt Nam nhận xét.
Trong thực tế có khá nhiều dự án khu du lịch, resort chỉ được thực hiện với mục tiêu là kinh doanh cơ sở vật chất phục vụ chính là lưu trú cho du khách. Nhiều khu được bê tông hóa, và xây dựng với mật độ xây dựng quá cao, kiến trúc công trình không tương xứng với yêu cầu kinh doanh du lịch bền vững, đã góp phần làm biến dạng cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là các bãi biển, khu vực đa dạng sinh học, các danh lam thắng cảnh, gây nguy cơ suy giảm và cạn kiệt tài nguyên du lịch tự nhiên. Nhiều khu du lịch, resort đã không có biện pháp xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường chung quanh nhất là môi trường biển...
Để có các khu du lịch chất lượng cao
Để lý giải việc cho quy hoạch và phát triển nhiều khu du lịch, resort như vậy, các quan chức địa phương cho rằng: các khu du lịch, resort được hình thành và đưa vào khai thác đã trở thành những sản phẩm mang lại hiệu qủa kinh tế - xã hội cao, góp phần đưa du lịch từng bước vươn lên, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn hay động lực của nền kinh tế địa phương.
Nhưng theo TS. KTS Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) thì công tác đầu tư xây dựng, khai thác và kinh doanh khu du lịch, resort tại nhiều địa phương đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Đầu tiên là sự thiếu quy hoạch tổng thể phát triển các vùng, khu vực có tiềm năng trên địa bàn, nên đã gây nên hiện tượng lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng tràn lan tại cùng một khu vực.
Từ đó xuất hiện các khu du lịch, resort có cùng tính chất hoạt động, vừa đơn điệu vừa giống nhau về sản phẩm làm ảnh hưởng đến tính khả thi và phát triển vững bền của dự án. Chất lượng quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết, trong đó các yếu tố sản phẩm, tài nguyên du lịch, thị trường khách, yếu tố kinh tế, tài chính, xã hội chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo, nên kéo theo một số dự án thành dự án treo, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và cả địa phương có dự án...
Nhiều địa phương đã chấp nhận các dự án đầu tư kinh doanh khu du lịch, resort với mọi quy mô, tính chất, trong khi chưa chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Tại những khu vực có tài nguyên du lịch hấp dẫn, đã hình thành một số dự án phát triển hạ tầng giao thông như cảng biển, hoặc khai khoáng, nuôi trồng hải sản, phát triển khu dân cư... làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển loại hình khu du lịch, resort.
Để xây dựng và phát triển các khu du lịch chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng du lịch theo đúng yêu cầu và mục tiêu đặt ra, theo TS Lê Trọng Bình đòi hỏi những giải pháp mang tính đồng bộ, lồng ghép, phối hợp đa ngành từ quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch, quản lý đất đai, kiến trúc, bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý kinh doanh đến quản lý an toàn, trật tự xã hội.
Cụ thể là:
Một, công tác quy hoạch phát triển phải đi trước một bước về chất lượng. Trong đó cần căn cứ các tiêu chí về quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác khu du lịch đã được quy định trong Luật Du lịch năm 2005. Áp dụng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, quản lý sử dụng đất đai, kiến trúc cảnh quan và chất lượng xây dựng công trình trong đầu tư xây dựng khu du lịch.
Đối với một khu vực được quyết định đầu tư phát triển du lịch, cần thiết chỉ lập một loại quy hoạch phát triển du lịch khu vực đó, với nội dung phát triển các lĩnh vực liên quan được lồng ghép hợp lý và được cấp thẩm quyền phê duyệt một lần làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng các ngành, trong đó có khu du lịch.
Hai, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý đầu tư xây dựng, khai thác và kinh doanh các khu du lịch. Ban hành và thực hiện quy chế quản lý khu du lịch theo quy định của Luật du lịch năm 2005: các khu du lịch phải có ban quản lý, có chức năng quản lý khai thác, kinh doanh phù hợp với đặc thù vừa là khu vực giải trí, nghỉ ngơi của khách du lịch, vừa là cơ sở kinh doanh dịch vụ có chất lượng cao về mọi mặt...
. Theo VnEconomy |