Về Hầm Hô, xơi... trứng kiến vàng
12:36', 1/11/ 2006 (GMT+7)

Hầm Hô là một địa danh du lịch hấp dẫn với nét ngọc nguyên sơ của miền đất võ Tây Sơn - Bình Định. Đây là vùng đất khô cằn, cây trâm núi mọc um tùm, thuận lợi cho việc làm tổ của bầy kiến vàng. Người dân ở đây đã phát hiện ra trứng của loại kiến này có hàm lượng dinh dưỡng cao nên nảy sinh ra ý tưởng dùng trứng kiến vàng chế biến thành nhiều món ăn ngon thay cho thịt, cá.

Trông cây tìm... ổ kiến vàng!

Theo kinh nghiệm của các cụ già sống lâu năm trong thôn Phú Mỹ, thời điểm lấy trứng kiến kéo dài từ tháng giêng đến cuối tháng hai (Âm lịch) thì mới ngon, vì giai đoạn này trứng kiến vàng rất mọng nước, có màu trắng sữa và đặc biệt chứa hàm lượng protein cao.

Việc lấy trứng từ tổ kiến vàng cũng cần có nghệ thuật, bởi nếu sơ sẩy các bạn sẽ bị kiến chúa cắn không thương tiếc đấy. Thường thì người ta đặt sẵn hai cái bầu có rải lớp tro mịn để kiến làm tổ, vì khi trứng lọt ra ngoài trộn lẫn trong tro sẽ được bảo vệ không bị vỡ; Sau đó, dùng một cái sàng để sàng lọc lớp tro, rồi nhặt trứng mang về. Nếu là người mới "trộm" trứng (dân địa phương gọi là thọc trứng) lần đầu, không có kinh nghiệm nhận biết trứng kiến rất dễ nhầm lẫn với ấu trùng của chúng. Dân chuyên nghiệp phân biệt bằng cách căn cứ vào màu sắc của lá cây mà kiến vàng nằm ổ. Nếu lá còn nguyên màu xanh đậm, nghĩa là trứng vừa mới rụng, còn khi đã ngả màu vàng ươm chắc chắn trứng đã phát triển thành ấu trùng.

Độc đáo món trứng kiến

Kiến vàng được người dân thôn Phú Mỹ tận dụng chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu. Trong đó, ba món ngon được ưa chuộng và khá phổ biến là nộm trứng kiến, dưa cải kho trứng kiến và canh trứng kiến. Cách làm vừa đơn giản vừa dễ thực hiện, người sành ăn chỉ cần nhìn lướt qua một lần là học được ngay. Trứng kiến đem xào chín, nêm gia vị vừa dùng, trộn với hỗn hợp dưa leo, bưởi và đài hoa đực của quả mít thái mỏng, rắc thêm ít hạt đậu phộng rang là xong ngay món nộm. Khi ăn sẽ có vị chát, chua, ngọt và độ giòn tan hòa lẫn rất độc đáo. Món dưa cải kho trứng kiến cũng là món ăn hấp dẫn không kém, lấy bẹ cải cay ủ chua lâu ngày đem kho với trứng kiến, nêm vừa miệng, để độ hai phút nhắc xuống, dùng nóng thì ôi thôi... trên cả tuyệt vời. Cuối cùng là canh trứng kiến, người nội trợ chỉ cần đun sôi nước suối trong, thả trứng kiến vào nồi, nêm vừa ăn, gia giảm thêm ít hành lá là có ngay món canh ngon dùng với cơm trắng.

Trứng kiến ngon, bổ và độc đáo là thế, tiếc rằng nguồn kiến vàng hiện nay đã trở nên khan hiếm vì những tác nhân môi trường khiến người dân nơi đây mất đi cơ hội thu hoạch trứng kiến vào mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, nếu bạn là khách du lịch ở xa mới đến ngoạn cảnh Hầm Hô lần đầu, vẫn có thể thưởng thức được món trứng kiến rất tuyệt này vì các "nội tướng" nơi đây rất mến khách...

. Theo Mực Tím

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Resort chưa... “ngọt” như mong đợi!  (30/10/2006)
Bao giờ mới được đầu tư xây dựng?  (27/10/2006)
Triển vọng thu hút khách du lịch tàu biển  (20/10/2006)
Bán đảo Phương Mai  (19/10/2006)
Suối khoáng Hội Vân  (17/10/2006)
Trung tâm lữ hành Hải Âu: Nâng cấp hoạt động lữ hành  (13/10/2006)
Về làng nón  (11/10/2006)
Những "cú hích" mới cho du lịch Bình Định  (11/10/2006)
Hướng dẫn viên du lịch - nghề làm dâu trăm họ  (10/10/2006)
"Đi bộ" xuyên rừng Long Mỹ  (10/10/2006)
Yang Bay - công viên giữa rừng   (09/10/2006)
Ngâm mình trên thác Krông Pa  (06/10/2006)
Du lịch - công cụ quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống  (29/09/2006)
Ai về Bình Định mà... ăn  (29/09/2006)
Cần gắn kết giữa văn hóa và du lịch  (22/09/2006)